Cần một xã hội coi trọng tri thức

Thứ Năm, 28/01/2016, 08:05
Nếu phải gọi năm 2015 đã qua bằng một cái biệt danh cụ thể nào đó thể hiện được bộ mặt xã hội Việt Nam trong năm, chúng ta có thể gọi đó là "Năm thực phẩm". 


Thực tế, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã được nhắc tới khá thường xuyên từ nhiều năm qua nhưng nó đặc biệt rộ lên ở năm 2015, với những cảnh báo; những lo ngại; những tin đồn và có cả những kiện tụng đình đám liên quan đến một nhãn hàng nước giải khát đóng chai.

Nhân nói đến nước giải khát đóng chai, cũng ở cuối năm 2015, một nhãn hiệu sản phẩm của một hãng nước giải khát nước ngoài đình đám cũng đã bị tố là quảng bá thiếu trung thực. Nhãn hàng này đã dùng cụm từ "sử dụng hoạt chất OTPP tự nhiên" và lập tức, đã có những nhà khoa học lên tiếng về cái gọi là hoạt chất OTPP này.

Đơn cử là ý kiến của PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh thuộc Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng "Nhiều năm làm khoa học, chúng tôi chưa bao giờ nghe đến loại hoạt chất nào tên là OTPP".

Những sinh viên xuất sắc của đại học quốc gia Hà Nội được vinh danh.

Câu chuyện xoay quanh cái gọi là hoạt chất OTPP ấy chỉ là một ví dụ đơn giản trong vô vàn sự việc vẫn diễn ra hằng ngày trong xã hội Việt Nam hôm nay và chúng đã nêu bật lên một đặc tính của xã hội chúng ta. Đó chính là sự hiếm hoi, thậm chí là thiếu vắng, của kiến thức, tri thức thực sự. Được sự hỗ trợ của mạng xã hội, người Việt hôm nay có thể dễ dàng bày tỏ quan điểm, chính kiến, tình cảm của mình ở mọi khía cạnh nhưng thực sự những tiếng nói chắc chắn dựa trên nền tảng của tri thức, kiến thức khoa học thì gần như không mấy khi xuất hiện.

Câu chuyện mà PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh đưa ra cũng thuộc diện hiếm hoi xuất hiện trong cộng đồng và chính vì thế, người dân tiếp cận với nhiều nguồn thông tin nhưng lại không thể vững tin rằng đâu mới là thông tin chuẩn mực, đặc biệt ở những khía cạnh cần sự lên tiếng của những chuyên gia có nghề. Và ngay cả bản thân những cán bộ chức năng có nhiệm vụ duyệt các nội dung quảng bá ấn phẩm cũng rất thiếu các thông tin khoa học chuẩn mực để giúp họ có thể hoàn thành công việc của mình chính xác hơn. Để rồi từ đó, sự quan tâm của người dân với các sự kiện xã hội cũng rời xa cái gốc kiến thức, tri thức để chạy theo cảm quan riêng, hoà lẫn vào cả một dàn đồng ca những đồng cảm chung và tạo nên một số đông đủ có thể áp đặt quan điểm của cộng đồng.

Một ví dụ khác cũng rất đáng nêu lên là chuyện cụ Rùa Hồ Gươm mới qua đời gần đây. Sự khác biệt về văn hoá của một đất nước đa dạng về vùng miền, trải dài về địa lý đã tạo nên những tranh luận xoay quanh chuyện có nên tôn sùng và biểu tượng hóa đến mức gọi là cụ rùa hay không. Những tranh luận đó không phải là không cần thiết nhưng điều đáng được bàn luận với nhau nhất thì lại không có ai nhắc tới.

Đó là ở khía cạnh khoa học, không mấy ai biết rằng cách đây chưa lâu (2007) đã từng có một công bố chính thức của chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) chỉ ra rằng cá thể rùa Hồ Gươm là một trong 4 cá thể còn sót lại hiếm hoi trên thế giới của loài giải Sin-hoe (Rafetus Swinhoei) và hiện nay, sau cái chết của cụ rùa Hồ Gươm, Việt Nam còn 1 cá thể ở hồ Đồng Mô. Giả sử những người quan tâm đến cụ rùa Hồ Gươm tiếp cận câu chuyện với chút tri thức khoa học về loài giải Sin-hoe này, hẳn sẽ không có chuyện tranh cãi rằng cụ rùa có phải là một biểu tượng tâm linh hay lịch sử không, mà họ sẽ nghĩ ngay đến biểu tượng mang tính khoa học.

Tương tự như vậy, rất ít người Việt hiện nay biết được rằng vào năm 2010, cá thể tê giác Java duy nhất còn sót lại ở Việt Nam (một trong hai quần thể tê giác Java còn lại trên thế giới) đã bị săn trộm bắn chết ở Nam Cát Tiên. Và khi cộng đồng không nắm bắt được những thông tin khoa học như thế (mà lẽ ra họ có thể dễ dàng biết được nếu có sự quan tâm), họ dễ dàng sa vào những tranh cãi cảm tính đầy vô bổ trước những hình ảnh của những người nổi tiếng Việt Nam tham gia vào dự án "Giải cứu loài tê giác".

Tất cả những ví dụ ấy đều cho thấy ở Việt Nam hôm nay không những thiếu vắng những ý kiến của các chuyên gia khoa học về các sự kiện xã hội liên quan đến ngành khoa học họ nghiên cứu mà còn thiếu vắng cả sự quan tâm của chính dân chúng đối với các thông tin, dữ kiện khoa học thiết thực có thể giúp họ nắm bắt rõ hơn, giải thích được những vấn đề phát sinh trong đời sống. Và điều đó đặt ra một vấn đề rất lớn là chúng ta cần phải thay đổi triệt để trong ý thức cung cấp và tiếp nhận thông tin tri thức, kiến thức để mặt bằng chung của xã hội được cải thiện hơn nữa, đặc biệt là ở trong môi trường thế giới đã cởi mở hơn, dễ dàng cập nhật và phổ cập hơn như hôm nay.

Hà Quang Minh
.
.