Cần một định hướng đúng cho thế hệ trẻ

Thứ Năm, 05/07/2018, 11:52
Nếu cánh cửa đại học không mở ra cho con em mình thì sẽ ra sao? Đây có lẽ là câu hỏi làm nhiều bậc phụ huynh đau đầu nhất. Các bậc cha mẹ cần phải thay đổi tư duy, suy nghĩ tích cực, bởi còn rất nhiều ngành, nghề khác mở ra cánh cửa thành công dành cho con cái các bạn.


Mùa tuyển sinh đại học đã đến. Đây là thời điểm các bậc phụ huynh cũng như các bạn học sinh đang rất phân vân giữa hai con đường: Chọn học đại học, cao đẳng hay học nghề? Học ngành gì để dễ dàng có một công việc và thu nhập ổn định? Trong khi đó những sở thích, sở trường, khả năng của bản thân, đam mê riêng muốn theo đuổi ở mỗi em dường như đều bị bỏ qua, vì sức ép của gia đình, người thân mà buộc phải vào một trường đại học, cao đẳng và học một ngành mà mình không thích. Tuy nhiên, không mấy học sinh dám dũng cảm đi theo tiếng gọi của lòng đam mê.

Phần lớn người Việt Nam đều cho rằng, vào đại học là một bước của sự thành công trong cuộc đời, nó sẽ mở ra con đường giúp con em có một công việc ổn định, một tương lai tươi sáng. Khi cầm trong tay tấm bằng kỹ sư, cử nhân thì không khó kiếm việc làm, lập nghiệp và quan trọng nhất là có bằng sẽ có cơ hội thăng tiến.

Ở Việt Nam ta đã có ông thứ trưởng, bộ trưởng nào là không có bằng đại học đâu. Bởi vậy, nhiều người quyết chí và tìm mọi cách cho con vào đại học và lựa chọn những ngành đang "hot", thay vì chọn ngành phù hợp với năng lực và sự yêu thích của các em.

Vào Đại học không phải là cánh cửa duy nhất để đưa các em đến với thành công (ảnh chỉ có tính minh họa).

Ai cũng có ước mơ, ai cũng mong thành đạt, nhưng vào được đại học không phải là con đường duy nhất để thành công, không phải là hình thức duy nhất để khẳng định giá trị, không phải là mục tiêu duy nhất của con người. Thực tế lại không như những gì họ mong đợi. Thực trạng hiện nay cho thấy, sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường thất nghiệp khá cao và không ngừng gia tăng số lượng. Nếu trước đây, các ngành "hot" như ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin… rất dễ xin việc, thì nay nó lại là ngành thừa nhân sự nhất.

Nếu cánh cửa đại học không mở ra cho con em mình thì sẽ ra sao? Đây có lẽ là câu hỏi làm nhiều bậc phụ huynh đau đầu nhất. Các bậc cha mẹ cần phải thay đổi tư duy, suy nghĩ tích cực, bởi còn rất nhiều ngành, nghề khác mở ra cánh cửa thành công dành cho con cái các bạn.

Việc một xã hội thừa thầy, thiếu thợ như tình trạng chúng ta đang thấy hiện nay, có lẽ cũng xuất phát từ quan niệm lâu nay trong nhà trường, gia đình và xã hội chỉ vinh danh những người "học giỏi" và phần nào đó coi thường những người ít học, học không cao. Đã đến lúc, người học ít cũng cần phải được tôn trọng, vì khi vào đời, rất có thể họ cũng sẽ có vai trò quan trọng trong xã hội không kém người học cao, học giỏi.

Tạo hóa rất tài tình, đã tạo ra những khả năng đa dạng cho những con người khác nhau để họ cùng nhau tạo nên một xã hội cân bằng, lành mạnh. Có người lao động trí óc thì cũng cần rất nhiều người lao động chân tay để xã hội có thể tồn tại và phát triển. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy ở mọi tầng lớp, địa vị, tuổi tác, dân tộc những người đạt được thành công, danh vọng.

Đó là một người thợ thủ công tài hoa, một người công nhân "có bàn tay vàng", một nông dân Việt Nam xuất sắc, một vận động viên điền kinh đẳng cấp quốc tế, một doanh nhân thành đạt, một nghệ sỹ, ca sỹ được số đông thừa nhận, một nhà văn có sức ảnh hưởng dư luận cao… đều là tinh hoa của đất nước. Điều này chứng tỏ rằng, một người bình thường, không cần bằng cấp nhưng vẫn luôn có thể trở thành tinh hoa trong nghề nghiệp của mình nếu như cá nhân ấy không ngừng học hỏi, phấn đấu, có đam mê và quyết tâm biến những ước mơ của mình thành sự thật.

Ở Việt Nam, không ít "đại gia" giàu có, là chủ của các tập đoàn lớn nhưng không hề học qua đại học. Cũng có không ít người dù không có tấm bằng nào trong tay nhưng vẫn tìm được con đường đi cho mình và có vị trí trong xã hội. Bằng niềm đam mê và quyết tâm lập nghiệp, những người như Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai; Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen; Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai; Nguyễn Ngọc Tư là một trong những nhà văn nổi tiếng của Việt Nam; Trác Thúy Miêu (tên thật là Vũ Hoài Phương) là một nhà báo thời trang nổi tiếng với sự sắc sảo và đầy cá tính… đã xây dựng sự nghiệp của mình mà không nhờ đến bất cứ một thứ bằng cấp nào. Từ những tấm gương này cho thấy, bằng cấp đôi khi không gắn liền với thành công. Tuy nhiên, chúng ta chưa thấy trên đời này có một ai thành công dù là một chút mà không học cả, trái lại họ còn học rất rất nhiều.

Ngày nay, xã hội cần nhiều người có trình độ cao được đào tạo bài bản ở các trường đại học để phát triển đất nước, nhưng cũng rất cần nhiều người thành thạo chuyên môn, tay nghề vững chắc, chuyên nghiệp trở thành người lao động có trình độ tiên tiến. Một xã hội coi trọng việc học là xã hội văn minh, tất cả các công dân đều sẵn sàng lao động và tự hào vì sự lao động trung thực, chân chính của mình nhất định sẽ là một xã hội no ấm, hạnh phúc.

Cù Tất Dũng
.
.