Cần mạnh tay loại trừ "căn bệnh" thích phô trương, "hoành tráng"

Thứ Năm, 03/10/2019, 08:36
Không để bệnh "thích hoành tráng" tái phát, bởi căn bệnh này có nguy cơ lây lan và phát triển rất nhanh, nếu không chữa trị kịp thời sẽ trở thành hiểm họa. Nó không chỉ biểu hiện ở những dự án, công trình, lễ hội… mà còn cả trong không ít bài diễn văn rất giống nhau về những ngôn từ đại ngôn, tự khen ngợi...


Hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 10 bảo tàng, vậy mà trong tuần qua, Sở Văn hóa - Thể thao Thành phố đã có tờ trình gửi Thường trực UBND Thành phố về Đề án xây dựng Bảo tàng Thành phố rộng 8 héc ta, với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng tại Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc, quận 9 đã khiến các chuyên gia và dư luận băn khoăn, thắc mắc, không hiểu Thành phố Hồ Chí Minh xây bảo tàng hoành tráng như thế để làm gì? Lý do được Sở Văn hóa - Thể thao đưa ra là Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh mang tính chất tổng hợp về văn hóa - lịch sử; gắn liền với sự tồn tại và phát triển của khu vực Nam Bộ và lịch sử đất nước, con người Việt Nam.

Giữa tháng 9 - 2019, trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò năm 2019, tỉnh Yên Bái dự kiến làm hồ sơ đăng ký xác lập kỷ lục Guinness thế giới màn Đại xoè với 5.000 người tham gia nhằm bảo tồn và tôn vinh những giá trị truyền thống, tinh thần và khí phách dân tộc, quảng bá cho du khách quốc tế.

Vào đầu tháng 9-2019, UBND tỉnh Bình Định dự kiến chi hơn 86 tỷ để thực hiện công trình phù điêu "Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc", tạc vào vách núi Bà Hỏa với quy mô lớn chưa từng có. Bức phù điêu có chiều dài 81,5m, vị trí cao nhất 35m, cùng hệ thống sân vườn, cảnh quan kiến trúc phụ trợ rộng 3.000m2.

Bảo tàng Hà Nội xây dựng cả nghìn tỷ nhưng ít khách tham quan.

Nói về ý nghĩa của bức phù điêu, ông Chánh Văn phòng Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bình Định cho biết: Đây là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, biểu hiện nội dung tư tưởng và tinh thần thời đại, mang hình thái xã hội đương thời, được thể hiện bằng chất liệu đá tự nhiên vốn có với quy mô và hình thức nghệ thuật hoành tráng, góp phần tác động đến nhận thức, giáo dục truyền thống lịch sử yêu nước, lòng tự hào của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Đúng là dân tộc Việt Nam có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu dài hàng nghìn năm và chúng ta có quyền tự hào về điều đó. Tuy nhiên, kinh tế của chúng ta chỉ mới thoát được đói, nghèo vài năm, mức sống chỉ ở mức trung bình trên thế giới.

Nhưng ngoài nhu cầu quảng bá lịch sử, văn hóa, du lịch, thì cũng phải trả lời cho người dân biết: Chi phí lớn đến như vậy, thì hiệu quả đến đâu? Điều này có tác dụng gì đến sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hay không? Dù có một phần nguồn kinh phí được xã hội hóa, nhưng một phần trích từ ngân sách, tiền thuế của người dân, thì không thể tùy tiện sử dụng mà không tính toán kỹ.

Trong khi mà "con Rồng cháu Tiên" có nơi còn ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, trường học còn phên tre, vách nứa, bệnh viện còn không đủ chỗ nằm. Liệu người dân có cần "hoành tráng" đến thế hay không?

Tình trạng nhiều địa phương rất quan tâm trích ngân sách ra xây dựng cổng chào, tượng đài, phù điêu, bảo tàng... phô trương, lãng phí đã bị báo chí và công luận lên án mạnh mẽ. Điển hình như câu chuyện tỉnh Thanh Hóa chi 104 tỷ đồng để kỷ niệm 990 năm "Danh xưng Thanh Hóa". Cổng chào Quảng Ninh (khánh thành năm 2017) hiện đang giữ kỷ lục chi phí với mức đầu tư gần 200 tỉ đồng. Bảo tàng Hà Nội, một trong những công trình trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với mức đầu tư tổng trị giá 1.600 tỷ đồng nhưng luôn vắng bóng khách tham quan, học sinh, sinh viên, các nhà khoa học tới học tập, nghiên cứu.

Không để bệnh "thích hoành tráng" tái phát, bởi căn bệnh này có nguy cơ lây lan và phát triển rất nhanh, nếu không chữa trị kịp thời sẽ trở thành hiểm họa. Nó không chỉ biểu hiện ở những dự án, công trình, lễ hội… mà còn cả trong không ít bài diễn văn rất giống nhau về những ngôn từ đại ngôn, tự khen ngợi theo kiểu "đây sẽ là công trình tiêu biểu", là "nét đẹp văn hóa truyền thống", là "góp phần giáo dục lịch sử, lòng yêu nước, lòng tự hào của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau…".

Chúng ta có quyền tự hào ở những khía cạnh nhất định, thế nhưng khi cả xã hội đua nhau làm mọi thứ mà cái gì cũng muốn ghi vào kỷ lục, nhưng giá trị thực chất thì rất đáng ngờ, sẽ tiềm ẩn những nguy cơ gây lệch lạc về văn hóa, về ứng xử với truyền thống, với lịch sử.

Xin đừng để tồn tại trong tư tưởng của người dân suy nghĩ các công trình văn hóa lịch sử, bảo tàng, các lễ hội truyền thống của chúng ta được dựng lên không phải từ nhu cầu của người dân mà là ý tưởng của các nhà quản lý và song hành với nó là lợi ích của một bộ phận không nhỏ những người trung gian.

Xin hãy bớt chút thời gian để nhìn vào ngôi nhà của người dân vùng sâu, vùng xa, nhìn vào nồi cơm, vào gia cảnh của họ, nhìn vào những ngôi trường nhà tranh, vách nứa bốn bề lộng gió quanh năm… Trước khi vung tiền vào những dự án mơ hồ về lợi ích, những sự kiện mang tính hình thức phô tương, hoành tráng…

Cù Tất Dũng
.
.