Nghệ thuật Kịch xiếc Việt Nam:

Cần được đầu tư thỏa đáng

Thứ Hai, 29/06/2015, 08:00
Kịch xiếc "Làng tôi", "À ố show" vừa có hợp đồng lưu diễn trong 3 năm 2015 - 2017 ở châu Âu. Sự thành công của hai vở kịch xiếc này là minh chứng sống động cho hướng đi mới của xiếc Việt: kịch xiếc. Phải khẳng định rằng, kịch xiếc đã mang đến làn gió mới, góp phần tạo nên diện mạo mới cho xiếc Việt. Tuy nhiên, xoay quanh kịch xiếc cũng đang đặt ra nhiều vấn đề rất đáng suy ngẫm.

Thiếu sự đầu tư cả chất và lượng

Kịch xiếc hay xiếc mới là khái niệm dùng để chỉ những tác phẩm xiếc không trình diễn theo cách truyền thống, riêng lẻ từng tiết mục mà được sắp xếp trong câu chuyện có kịch bản văn học. Trong kịch xiếc, nhiều loại hình nghệ thuật khác như múa, kịch, rối… được khai thác, sử dụng để mang đến một tác phẩm nghệ thuật lôi cuốn với ngôn ngữ xiếc là chủ đạo. Kịch xiếc đã mang đến những rung cảm thẩm mỹ mới cho người xem, đưa xiếc đến gần hơn với công chúng.

Trong 5 năm trở lại đây kịch xiếc Việt Nam thường tập trung khai thác những câu chuyện cổ tích, thần thoại trong nước và quốc tế, qua đó lồng ghép tiết mục ảo thuật. Nhìn chung, kịch xiếc của Việt Nam chưa thực sự thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người xem. Nguyên nhân của vấn đề này không phải do câu chuyện thiếu hấp dẫn mà nằm ở chính những tiết mục xiếc. Sân khấu xiếc thiếu những tiết mục mới có tính đột phá, kỹ năng, kỹ xảo; khả năng biểu cảm của diễn viên chưa tốt.

Kịch xiếc "À ố show" được khán giả nước ngoài yêu thích vì đậm nét văn hóa Việt.

Điểm sáng hiếm hoi trong làng kịch xiếc Việt là "Làng tôi" (ra mắt năm 2009, đạo diễn Nguyễn Lân, Lê Tuấn và Nguyễn Nhất Lý) và "À ố show" (ra mắt năm 2013, biên đạo Tuấn Lê, Tấn Lộc, Nguyễn Lê Maurice, nhạc sỹ Nhất Lý). Theo thống kê, trong hơn bốn năm qua, kịch xiếc "Làng tôi" đã có khoảng 400 buổi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới.

"À ố show" là cái tên quen thuộc với du khách khi ghé thăm TP Hồ Chí Minh. Chương trình nghệ thuật này đứng đầu danh sách các chương trình biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn nhất ở TP Hồ Chí Minh do trang web du lịch nổi tiếng TripAdvior bình chọn. Sự thành công của "Làng tôi" và "À ố show" nằm ở sự sáng tạo độc đáo trong ý tưởng và cách thể hiện đậm nét văn hóa Việt. Thông qua nghệ thuật sắp đặt, những tiết mục xiếc quen thuộc như thăng bằng, uốn dẻo, đu quay, đi trên cọc cao, tung hứng… "Làng tôi", "À ố show" đã mang đến bức tranh sinh động về làng quê Việt với những câu hò, điệu lý đậm đà bản sắc, tiếng gà gáy sớm, tiếng trâu, bò ra đồng…

Đạo cụ được tạo dựng nên từ những cây tre, âm nhạc dân gian truyền thống được khai thác tốt góp phần không nhỏ vào thành công của tác phẩm. Nếu "Làng tôi" giới thiệu về nếp sống văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ thì "À ố show" là những câu chuyện bình dị của người dân duyên hải Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn đô thị hóa.

Ngôn ngữ của nghệ thuật xiếc kết hợp với âm thanh, ánh sáng, vũ đạo giúp người xem có thể cảm nhận được vẻ đẹp của những làng quê Việt Nam. Sự thành công của "Làng tôi" và "À ố show" trên sân chơi khu vực và quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, quảng bá cho xiếc Việt. Tuy nhiên, những tác phẩm được đầu tư công phu, chất lượng như "Làng tôi" và "À ố show" vẫn còn rất ít ở Việt Nam.

Khó tiếp cận khán giả Việt

Trong tiềm thức của không ít người Việt, xiếc, ảo thuật là những sân khấu dành cho các em nhỏ chứ không phải cho người lớn. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh thường cho con em đi xem xiếc vào những dịp cuối tuần, ngày lễ dành cho thiếu nhi… Điều này dẫn đến thực tế, để thu hút khán giả, những nhà sản xuất chỉ chủ yếu đầu tư tiết mục, kịch xiếc hướng đến đối tượng khán giả nhí. Đây là hạn chế rất lớn trong việc tiếp cận khán giả của nghệ thuật xiếc nói chung, kịch xiếc Việt Nam nói riêng. Ngay cả những vở kịch xiếc được khán giả nước ngoài yêu thích như "Làng tôi" hay "À ố show" cũng được cho là phù hợp với người nước ngoài hơn là khán giả Việt Nam. Những tác phẩm đậm chất văn hóa Việt gây tò mò, có sức hấp dẫn với người nước ngoài, thậm chí có thể cháy vé khi biểu diễn ở nước ngoài nhưng lại không thực sự được khán giả Việt nồng nhiệt chào đón.

Xiếc không phản ánh trực tiếp hiện thực xã hội mà phản ánh dưới một cấp độ đặc biệt là thông qua trình độ phát triển của khoa học đương thời. Theo các nhà nghiên cứu, có hai xu hướng chính để đổi mới kịch xiếc là nâng cao mức độ khó của các tiết mục xiếc dựa trên sự vận dụng thành quả của khoa học kỹ thuật, sự tìm tòi, tư duy, sáng tạo và xu hướng đưa xiếc vào các hình thức nghệ thuật khác để xiếc sinh động, hấp dẫn hơn. Kịch xiếc chính là sự vận động của đội ngũ nghệ sỹ xiếc hòa chung vào dòng chảy của xu hướng tổng hợp các loại hình nghệ thuật. Kịch xiếc là hướng đi mới rất cần được đầu tư và phát triển để nghệ thuật xiếc Việt có thể hòa mình với dòng chảy chung của thời đại.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, cái quan trọng nhất của xiếc vẫn là ngôn ngữ, chất lượng các tiết mục xiếc. Kịch xiếc chỉ có thể thu hút khán giả và có sức sống lâu bền trong lòng khán giả nếu những tiết mục xiếc đạt đến tầm cao nghệ thuật mới.

Phạm Thiên Giang
.
.