Từ việc diễn viên 13 tuổi đóng cảnh nhạy cảm trong phim "Người vợ ba":

Cần có những quy định cụ thể

Thứ Hai, 27/05/2019, 08:38
Phim "Người vợ ba" bị rút khỏi các rạp từ tối 20 - 5, sau 4 ngày công chiếu, cùng với đó là công văn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu kiểm tra lại quy trình cấp phép. Đây thực sự là điều đáng tiếc cho phim nhưng không hề khó hiểu sau những ồn ào mà phim gặp phải gần đây. Sự việc là bài học cho các nhà sản xuất, đạo diễn trong việc sử dụng diễn viên ở tuổi vị thành niên tham gia những cảnh nhạy cảm.


Bộ phim "Người vợ ba" là dự án phim độc lập của đạo diễn Nguyễn Phương Anh có bối cảnh là nông thôn Bắc Bộ vào thế kỷ 19 với nhân vật chính là Mây. Mười bốn tuổi, Mây bị gả cho một tay địa chủ giàu có theo ý muốn của cha mẹ. Với khát vọng sinh con trai để có được địa vị cao hơn trong gia đình, cuộc đời làm vợ của Mây cũng là bắt đầu những ngày cô học mọi lễ giáo gia đình và tìm hiểu các vấn đề tình dục từ hai người vợ trước của chồng.

Tuy nhiên, mọi chuyện phức tạp khi Mây lại có tình cảm đồng giới với Xuân - người vợ thứ 2 của chồng. Phim đồng thời khai thác nhiều góc khuất của một cô bé tuổi dậy thì, lần đầu tiên cô nhận thức về tình yêu và tự khám phá dục vọng bản thân khi phải lấy chồng sớm trong bối cảnh xã hội phong kiến Việt Nam.

Cùng với cốt truyện khá đặc biệt, phim quy tụ dàn diễn viên tên tuổi như Trần Nữ Yên Khê, Lê Vũ Long, Lâm Thanh Mỹ, Mai Thu Hương... đặc biệt là gương mặt trẻ Nguyễn Phương Trà My đảm nhiệm vai Mây.

"Người vợ ba" là một trường hợp khá đặc biệt. Dù chưa công chiếu nhưng ngay từ cuối năm ngoái, phim đã xuất hiện trên truyền thông nhờ vào một loạt các giải thưởng quốc tế mà phim giành được. Phim ra mắt lần đầu tại LHP Quốc tế Toronto và giành giải "Phim châu á xuất sắc nhất".

Phim “Người vợ ba” giành được khá nhiều giải tại các LHP quốc tế.

Giới phê bình điện ảnh nước ngoài đã dành không ít lời khen ngợi cho bộ phim đầu tay của nữ đạo diễn này. Phim còn giành 7 giải thưởng quốc tế khác, trong đó có giải "Đạo diễn trẻ xuất sắc nhất" dành cho Nguyễn Phương Anh ở LHP quốc tế Chicago (Mỹ), hay "Phim có đóng góp nghệ thuật xuất sắc nhất" tạo LHP quốc tế Cairo (Ai Cập), giải "Phim truyện xuất sắc nhất" tại LHP quốc tế Kolkata (Ấn Độ)...

Có thể nói, "Người vợ ba" nằm trong số ít các bộ phim Việt Nam thực sự gây được tiếng vang tại hệ thống các giải thưởng quốc tế. Thời gian gần đây, có một số bộ phim mang đi "chinh chiến" tại các LHP quốc tế nhưng hầu hết đều ra về tay trắng hoặc chỉ có giải ở một số LHP quốc tế có tính chất giao lưu. Việc phim liên tiếp giành được những giải thưởng tại các LHP quốc tế danh tiếng đã khiến "Người vợ ba" được khán giả chào đón nồng nhiệt khi bắt đầu công chiếu tại Việt Nam.

Phim tự tin ra rạp khởi đầu của mùa phim hè với sự cạnh tranh khốc liệt của không ít phim "bom tấn". Và thực tế chứng minh, ngay từ ngày đầu tiên công chiếu, phim có được lượng khán giả đáng mơ ước. Chính thức ra rạp từ ngày 17 - 5, dịp cuối tuần vừa qua, "Người vợ ba" lọt danh sách 4 phim có doanh thu cao nhất phòng vé dù các suất chiếu không được ưu tiên vì phim thuộc dòng phim nghệ thuật kén khán giả. Đây là một điều khá hiếm gặp ở các bộ phim có đề tài cổ xưa của dòng phim này.

Tuy nhiên, ngay từ khi phim bắt đầu công chiếu trong nước, phim lại trở thành đề tài bàn luận ồn ào. Giới truyền thông và cộng đồng mạng dường như chỉ xoáy vào việc nữ diễn viên chính đã phải đảm nhận các cảnh quay khá nhạy cảm khi mới 13 tuổi. Dư luận chỉ trích việc tại sao lại để một cô bé chỉ mới 13 tuổi đóng một bộ phim 18+ với đầy đủ các cảnh liên quan tới việc làm tình, mang bầu, sinh con...

Các cảnh nóng của phim cũng ngay lập tức được phân tích, mổ xẻ trên các trang báo mạng. Mặc dù, trong các bản phim mang đi dự LHP quốc tế thì những cảnh nóng vẫn được giữ nguyên. Còn trong bản công chiếu tại TP Hồ Chí Minh vừa qua, những cảnh nhạy cảm của phim đã được cắt bỏ.

Việc trẻ em đóng phim không còn là chuyện lạ với điện ảnh quốc tế cũng như trong nước. Việc một bộ phim đề cập đến nạn tảo hôn ở thế kỷ trước cũng không phải là điều đáng gây ồn ào. Thế nhưng, việc một diễn viên mới 13 tuổi trực tiếp đóng những cảnh nhạy cảm đã khiến dư luận nổi sóng trong mấy ngày qua.

Một luồng ý kiến cho rằng, bất luận vì lý do gì, việc một đứa trẻ 13 tuổi phải đóng những cảnh nhạy cảm của người lớn là việc không nên làm. Những cảnh đó sẽ có tác động không hay về mặt tâm lý cũng như ảnh hưởng tới đời sống riêng của diễn viên nhí. Thậm chí, những người theo quan điểm này còn cho rằng, khi chúng ta đang cố gắng để lên án và đẩy lùi nạn ấu dâm cũng như việc bạo hành và xâm hại trẻ em thì việc đưa những cảnh nhạy cảm do chính trẻ em đóng khác nào cổ xúy cho hành động đó, dù chỉ trên phim ảnh.

Một luồng ý kiến, phần lớn thuộc về những người làm nghề lại cho rằng không nên quá đặt nặng vấn đề tuổi của diễn viên mà chính là câu chuyện và hình tượng nhân vật trong phim. Nếu phim có sự đồng tình của phụ huynh, có sự giám sát của gia đình, đặc biệt là phim góp phần truyền tải thông điệp nhân văn, tích cực thì cũng không nên quá khó khăn với điều này.

Trước những ồn ào của dư luận, đạo diễn Nguyễn Phương Anh bày tỏ quan niệm trên báo chí rằng: "Tôi đã làm xong tác phẩm của mình, mọi người nhận xét thế nào tôi cũng không quan tâm. Với các cảnh nóng của Trà My, tôi không thấy ai phản đối cả, mọi người đều khen cô bé tuyệt vời... Tôi không hiểu được tại sao mọi người tập trung vào độ tuổi, cảnh nóng của Trà My, sao không ai chú ý đến toàn bộ diễn xuất của cô bé trong phim".

Phía nhà sản xuất cũng lên tiếng cho rằng đoàn làm phim đã luôn ý thức rất rõ việc đảm bảo an toàn cho các diễn viên... Khi quay các cảnh nóng, nhạy cảm, mọi thứ đều được tính toán kỹ lưỡng"... Mẹ của diễn viên nhí Trà My cũng khẳng định luôn theo sát bên con trong các cảnh quay và việc an toàn của diễn viên đều được ưu tiên hàng đầu. Khách quan mà nói, những cảnh nhạy cảm nếu có cũng chỉ với mục đích minh họa cho kịch bản phim chứ không phải thông điệp chính của phim.

Nguyễn Phương Trà My (trái) vào vai Mây trong phim “Người vợ ba”.

Cụ thể ở đây, các cảnh phim được cho là nhạy cảm cùng nhằm phục vụ câu chuyện mang thông điệp lên án tục đa thê, tảo hôn. Các cảnh nóng của phim cũng không dung tục và không mang tính câu khách.

Có thể nói, việc ồn ào của phim "Người vợ ba" và phim chịu kết cục là bị rút khỏi rạp sau 4 ngày công chiếu là việc hy hữu với điện ảnh Việt Nam. Điều này hẳn gây bất ngờ với nhà sản xuất và ê kíp làm phim bởi trước đó phim đã được cấp phép công chiếu. Ở các nước có nền điện ảnh phát triển, đặc biệt là Hollywood thì mọi quy định đều rõ ràng. Các diễn viên vị thành niên khi tham gia đóng các phim có quy định về độ tuổi đều phải được sự đồng ý của người giám hộ.

Tuy nhiên, diễn viên vị thành niên không được phép tham gia vào cảnh phim mô tả quan hệ tình dục, kể cả khi không phải quan hệ thật. Diễn viên nhí chỉ được phép đóng cảnh ẩn dụ đến việc quan hệ tình dục, hoặc được đóng nhưng phải có diễn viên đóng thế khi quay các bộ phận nhạy cảm...

Trường hợp bộ phim "Người vợ ba" phải dừng chiếu là một việc làm cần thiết của cơ quan chức năng nhưng rõ ràng là việc đáng tiếc cho phim. Bởi lâu rồi, điện ảnh Việt mới có được bộ phim vừa chinh phục được các LHP có tiếng trên thế giới, vừa bước đầu có được hiệu ứng phòng vé tốt.

Trong bối cảnh chúng ta chưa có những điều luật cụ thể điều chỉnh thì những ý kiến phản đối hầu hết thuộc về vấn đề đạo đức và quan niệm về thuần phong mỹ tục. Đạo diễn và nhà sản xuất phim cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn thận để đảm bảo an toàn cho diễn viên vị thành niên, tuy nhiên thiếu sót là chưa lường hết những phản hồi của dư luận.

Với mục đích phê phán nạn tảo hôn, phim hoàn toàn có thể chọn diễn viên trên 16 tuổi nhưng có ngoại hình trẻ trung hoặc sử dụng diễn viên đóng thế ở những cảnh nhạy cảm thì sẽ hóa giải được mọi chỉ trích. Sự việc đáng tiếc này một lần nữa cho thấy, điện ảnh Việt Nam cần có những quy định rõ ràng để vừa bảo vệ các giá trị thuần phong mỹ tục nhưng không làm khó các đạo diễn trong quá trình sáng tạo.

Khánh Thảo
.
.