Cần chuyên nghiệp hóa công tác tư vấn tuyển sinh

Thứ Ba, 19/05/2015, 08:00
Hiện nay đang chuẩn bị vào mùa tuyển sinh nên công tác tư vấn tuyển sinh đang được các trường đại học và cao đẳng triển khai rất nhộn nhịp. Tuy nhiên, qua theo dõi nhiều năm, tôi thấy việc tư vấn tuyển sinh thực ra chủ yếu là trả lời những câu hỏi của học sinh về quy chế thi, về ngành nghề và về chính ngôi trường đang thực hiện tư vấn... nên kết quả không cao và thật sự không phải là tư vấn cho công tác tuyển sinh. 

Với quy chế mới về tuyển sinh mà Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị ban hành thì tôi thấy công tác tư vấn tuyển sinh cần phải thay đổi và nên chuyên nghiệp hóa công việc này.

Chuyên nghiệp hóa tư vấn tuyển sinh là như thế nào?

Thứ nhất: Việc tư vấn tuyển sinh phải do bộ phận, đơn vị chuyên nghiệp thực hiện, những định chế này chuyên nghiệp cả về chức năng và chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện tại hầu hết công việc tư vấn tuyển sinh do bộ phận đào tạo của các trường Đại học - Cao đẳng thực hiện. Đây không phải là bộ phận chuyên về tư vấn, mà chức năng chính là tuyển sinh, hơn nữa đây là bộ phận thuộc trường nên hẹp về chuyên môn và kiến thức, trong khi học sinh thì có nhu cầu tư vấn về nhiều trường, nhiều lĩnh vực khác nhau nên không thể đáp ứng được hết nhu cầu của học sinh.

Chẳng hạn khi Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn tư vấn thì những học sinh có hướng về khoa học tự nhiên không thể tham gia, mà các trường không thể cùng tham gia tư vấn một lần. 

Thứ hai: Tư vấn tuyển sinh không hướng tới, không phân biệt ngành nghề hay trường nào mà tư vấn để cho học sinh biết tính hai mặt trong tuyển sinh và xác định ngành nghề, nghĩa là ngành nghề nào, trường nào cũng có cái hay và cái chưa hay của nó. Không vẽ ra một tương lai xán lạn để hướng học sinh về một ngành nghề, một trường nào đó, và ngược lại không viết ra thực tế ảm đạm để khuyên học sinh từ bỏ ý định hay tránh xa một ngành nghề hay một trường nào đó. Với cách làm tư vấn tuyển sinh hiện nay, khó tránh khỏi điều này.

Thứ ba: Khi tư vấn tuyển sinh phải phân tích xu thế phát triển của xã hội, từ đó phân tích xu hướng dịch chuyển lao động các ngành nghề trong tương lai, qua đó giúp học sinh nhìn thấy khuynh hướng để xác định và quyết định lựa chọn ngành nghề cho phù hợp với bản thân. Phương châm phải là "tuyển sinh hôm nay - tuyển dụng ngày mai". Yếu điểm rất lớn của "tư vấn tuyển sinh kiêm nhiệm" đang làm xuất phát từ việc làm chuyên môn chuyển sang làm tư vấn nên chủ yếu vẫn do "mình tư vấn tuyển sinh cho trường mình".

Thứ tư: Không còn tồn tại mùa tư vấn tuyển sinh nữa, mà có thể tư vấn mọi thời điểm và không chỉ dành cho học sinh cuối cấp phổ thông hay bổ túc, vì chọn ngành nghề cần có thời gian dài suy nghĩ trước khi quyết định. Tư vấn thực hiện sớm thì sẽ giúp cho học sinh tự tin và chính xác hơn trong lựa chọn hay thay đổi ngành nghề trước khi nộp hồ sơ xét tuyển. Có những học sinh trước khi tư vấn chọn một ngành, khi được tư vấn chọn một ngành khác, nhưng sau đó lại có thay đổi nên có nhu cầu tư vấn tiếp, nếu là tư vấn theo mùa tuyển sinh thì "xin hẹn sang năm". Với cách làm chuyên nghiệp, học sinh có thể được tư vấn nhiều lần đến khi đủ tự tin quyết định lựa chọn ngành nghề của tương lai.

Thứ năm: Tư vấn tuyển sinh phải có thu phí. Đây là một thực tế hiển nhiên và là tình tiết quan trọng. Khi tư vấn chuyên nghiệp hóa thì những kiến thức, những hiểu biết, những lợi ích mà các đối tượng liên quan có được từ hoạt động này đều được coi là sản phẩm. Mà muốn sử dụng sản phẩm thì phải trả phí sử dụng. Tuy nhiên, trả bao nhiêu, ai trả thì còn cần phải bàn, nhưng chắc chắn tính về hao phí cho tư vấn tuyển sinh chuyên nghiệp sẽ thấp hơn rất nhiều chi phí của xã hội cho tư vấn tuyển sinh kiêm nhiệm như hiện nay, mà hiệu quả sẽ rất cao.

Chuyên nghiệp hóa tư vấn tuyển sinh có lợi ích gì?

Nhìn vào thực tế thì thấy ngay hai vấn đề lớn mà tư vấn chuyên nghiệp có thể giải quyết một cách thấu đáo.

Thứ nhất: Giải quyết căn bản tình trạng "người ăn không hết kẻ lần không ra" trong tuyển sinh và tình trạng ngành mở ra, trường mở ra không có người học. Việc học sinh quyết định lựa chọn ngành nghề, chọn trường không còn dựa trên lợi thế so sánh của các trường. Trong mắt học sinh mọi trường đều như nhau. Học sinh chọn trường, chọn ngành vì sự phù hợp, không vì sự cao - thấp, vốn dĩ khá mơ hồ.

Bên cạnh đó, dựa vào phân tích trong tư vấn chuyên nghiệp về xu thế phát triển của xã hội mà các trường quyết định mở ngành cho phù hợp.

"Người dạy chọn ngành phù hợp để mở, người học chọn ngành phù hợp để học". Từ việc không tồn tại lợi thế so sánh trong hệ thống các trường đại học - cao đẳng, cùng với sự phù hợp trong hệ thống ngành nghề được mở ra, sự bất bình đẳng, thiên lệch trong tuyển sinh sẽ gần như không còn nữa.

Thứ hai: Giải quyết căn bản tình trạng thất nghiệp của sinh viên ra trường. Được tư vấn chuyên nghiệp sẽ giảm thiểu sự sai lầm trong chọn ngành nghề của học sinh. Mặt khác nó tạo ra tính thống nhất, đồng bộ trong tuyển sinh - tuyển dụng mà cụ thể là tư vấn tuyển sinh cũng gần như đồng thời là tư vấn tuyển dụng. Học sinh chọn ngành nghề là dựa trên khả năng bản thân và nhu cầu xã hội.

Trước khi chọn ngành nghề thì học sinh đã nhận thức được với ngành nghề đó sau này mình sẽ làm gì, có thể làm gì và có thể phải làm những gì. Vì vậy trong quá trình học, sinh viên không chỉ tập trung tiếp thu kiến thức mà còn chuẩn bị tinh thần khi "phải làm" những gì sau khi tốt nghiệp.  Điều đó giúp cho sinh viên tốt nghiệp ngoài khả năng thực hiện tốt công việc còn là sự đón nhận công việc với tâm lý nhẹ nhàng, dù có đúng với chuyên ngành được đào tạo hay không.

Thất nghiệp nhiều khi không phải do kiến thức mà là do nhận thức, tư vấn tuyển sinh chuyên nghiệp góp phần giải quyết vấn đề này ngay ở bước khởi đầu. Hiện nay khi tư vấn cho học sinh thì hầu hết những cán bộ, nhân viên tư vấn thường nói rằng ngành học này, học ở trường mình tư vấn sẽ có việc làm tốt sau khi tốt nghiệp! 
Chu Văn Việt
.
.