Cán bộ là gốc của mọi vấn đề

Thứ Sáu, 13/01/2017, 15:46
"Cái mới của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là đưa ra nhận diện thế nào là suy thoái về tư tưởng chính trị, thế nào là tự diễn biến, tự chuyển hóa, nhấn mạnh tính chất nguy hiểm và hậu quả khôn lường của nó, đồng thời khẳng định quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi bằng 4 nhóm giải pháp đồng bộ, kết hợp giữa "xây" và "chống", trong đó "xây" là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, "chống" là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. 


Mục tiêu là khắc phục cho được những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Nếu nói công tác xây dựng Đảng là then chốt thì công tác cán bộ là then chốt của then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Cán bộ luôn là gốc của mọi vấn đề, mọi việc thành hay bại là do cán bộ. Đường lối hay bao nhiêu, chủ trương chính sách đúng bao nhiêu, nhưng nếu cán bộ không đáp ứng yêu cầu, thậm chí làm sai lệch, thì cũng không thể thực hiện được...".

Đó là nguyên văn phần trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Xuân Đinh Dậu và khi ông nhắc đến vấn đề cán bộ như một then chốt của thành hay bại, chúng ta nhận thấy rõ ràng rằng Đảng và Chính phủ đang đưa việc xây dựng phẩm chất con người lãnh đạo thời đại mới lên làm nhiệm vụ hàng đầu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần quán triệt công tác cán bộ là "cái gốc của mọi vấn đề" của Đảng, là "nguyên nhân của mọi nguyên nhân", "then chốt của then chốt".

Và một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc xây dựng phẩm chất con người lãnh đạo chắc chắn phải là thái độ đối thoại với dân, một trong những nền tảng cơ bản để kiến tạo niềm tin, thứ góp phần rất lớn trong việc xây dựng và phát triển quốc gia.

Phải thừa nhận một thực tế khá cay đắng rằng, trong vài năm gần đây, các cán bộ địa phương, cán bộ thuộc các Bộ, ngành vẫn thường có những phát ngôn thuộc diện "sốc" dư luận. Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng những phát ngôn như vậy dễ khiến người nghe cảm giác họ không được tôn trọng.

Người dân có mắt để quan sát, có tai để nghe, có đôi chân để trải nghiệm và thậm chí có cả tri thức nhất định trên từng vấn đề mà họ đã quen thuộc. Do đó, những phát ngôn chủ quan dễ tạo cảm giác những năng lực của nhân dân đã bị xem thường. Và một khi người dân cảm giác họ bị xem thường, coi như lãnh đạo đã thất bại hoàn toàn trong nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ đã đề ra, nhiệm vụ xây dựng một lực lượng cán bộ trong sạch, vững mạnh.

Nguyên nhân cơ bản của những phát ngôn như thế không phải phát xuất từ khả năng diễn ngôn của cán bộ, càng không phải đến từ chuyện các quan chức, chính khách vẫn chưa có một đội ngũ truyền thông chuyên nghiệp hỗ trợ cho mình, mà nó đến từ chính thái độ đối diện với dân. Trình độ còn thiếu có thể được bù lấp bởi ý chí trui rèn. Nhưng thái độ không đúng đắn thì khó có thể nào chấn chỉnh, uốn nắn bởi nó phải phát xuất từ chính ý chí cầu tiến và thay đổi chính mình của chủ thể.

Thái độ tôn trọng nhân dân chính là đòi hỏi cấp bách và thiết yếu nhất và nó hoàn toàn phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Nghị quyết Trung ương 4 cũng như các quyết sách của Đảng và Chính phủ hôm nay. Cán bộ có tài, có năng lực là điều rất đáng qúy nhưng ý thức được mình được đặt vào vị trí đó để phục vụ ai và từ đó có thái độ đúng đắn mới là thứ đáng qúy hơn. Và muốn có một thái độ đúng đắn, ngoài ý thức tự cải thiện bản thân mình, ý thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, dứt khoát người cán bộ phải trung thực trước nhân dân ở những sự kiện mà dân quan tâm.

Chính cách trả lời vòng vo, lấp liếm, né tránh sự thực đã khiến cán bộ thường có những phát ngôn thuộc diện "nực cười" và khiến người dân cảm thấy họ không được tôn trọng, từ đó dẫn tới niềm tin trong dân ngày càng giảm sút và tạo cơ hội cho những phần tử phá hoại gây ra những nhiễu loạn trong xã hội.

2017 được coi là một năm ẩn chứa nhiều thách thức, với cả nguy cơ lẫn thời cơ có thể phát sinh bất kỳ lúc nào. Trong bối cảnh đó, xây dựng và củng cố con người, cải thiện chất lượng cán bộ, lãnh đạo là việc tối quan trọng và cần phải được thực hiện gắt gao, thậm chí có thể có những thanh lọc mạnh mẽ để kiến tạo một xã hội ổn định trên cơ sở của niềm tin để hướng tới mục tiêu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra là "tạo chuyển biến đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực".

Hà Quang Minh
.
.