Cảm hứng thế sự trong tiểu thuyết "Giời con"

Thứ Năm, 25/09/2014, 08:00
Đọc tiểu thuyết "Giời Con" của Trần Văn Miều, NXB Hội Nhà văn, 2014.

Cảm hứng thế sự trong văn Trần Văn Miều đậm nét nhất là cáo trạng xuống cấp đạo đức lối sống, là hồi chuông cảnh báo về sự tha hóa, biến chất ở một bộ phận cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, huyện. Cuộc tranh giành quyền lực giữa ông Bách - Chủ tịch tỉnh đại diện cho thế lực tà và ông Khánh - Bí thư Tỉnh ủy đại diện cho thế lực chính... đặt trong mối quan hệ thông gia và công việc, luôn ngấm ngầm, luôn dữ dội, khi thỏa hiệp, lúc căng thẳng... Bàn cờ giữa hai ông quan đầu tỉnh không còn là bàn cờ giải trí, thư giãn nữa mà đã là cuộc chiến giữa được và mất, giữa xấu và tốt, giữa thiện và ác.

Nhân vật... nhân vật và cuối cùng vẫn là... nhân vật luôn là vấn đề sinh tử quyết định sự thành bại của tiểu thuyết truyền thống. Trong tiểu thuyết "Giời Con", dường như các nhân vật phụ: ông Bách, ông Kháng, Duyên - vợ Giời Con lại thành công hơn nhân vật chính Trần Trọng Yben Sơn? Ông Bách cơ mưu, quyền biến, vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, ông dùng mọi thủ đoạn lúc cương lúc nhu... nhồi nhét, chăn dắt, "đun" bằng được đứa con rể - Giời Con vào quy hoạch; từng bước từ phó phòng lần lượt lên đến Phó Chủ tịch tỉnh. Nhưng, ông Kháng lại điển hình cho lớp cán bộ kinh qua chiến đấu, trưởng thành bằng bề dầy thành tích thực sự, mẫu mực trong sạch, không bao giờ tư lợi, nhất nhất làm theo tiếng gọi lương tâm và lợi ích tập thể. Cái cách ông Kháng nhiều lần từ chối, không đồng ý đề bạt con trai làm lãnh đạo và cú sốc đột quỵ chỉ có ở loại cán bộ lãnh đạo ngay thẳng, cương trực.

Nhân vật Duyên điển hình cho loại nhân vật nổi loạn, ý chí quyết liệt, muốn làm cái gì là làm bằng được bất chấp dư luận. Cha nào con nấy, Duyên cũng khôn ngoan đáo để, ghê gớm như cha mình - ông Bách, đưa Giời Con vào bẫy tình như người thợ săn lọc lõi bẫy con thỏ non tơ. Thực tình, tôi rất muốn nhân vật chính Giời Con có sức sống bằng xương bằng thịt, bằng cá tính, bằng ngôn ngữ riêng... rõ nét hơn, sinh động hơn, ám ảnh hơn. Tuy vậy, tôi vẫn nhận ra các nhân vật của Trần Văn Miều đều có thân phận buồn.

Tạng văn của Trần Văn Miều không hợp với thứ văn chương du dương, bóng bẩy, hoặc kỳ khu đẽo gọt chăm chút đến từng câu từ. Xét đến cùng, viết tiểu thuyết là nhà văn kể một hoặc những câu chuyện bằng ngôn từ. Người kể có duyên, có giọng, có thủ pháp thì hấp dẫn, người kể vô duyên, rề rà... thì nhạt nhẽo, làm khổ người đọc. Thủ pháp kể biến hóa vô cùng, kể hay thì được gọi là... viết nội dung; kể dở thì bị gọi là thô giản, vụng về.

Trần Văn Miều thiên về kể câu chuyện, kể sự kiện, kể hành động nhân vật hơn là miêu tả khắc họa tính cách, cá tính nhân vật... một cách chân thật, giản dị. Trần Văn Miều rất ít khi dùng thủ pháp miêu tả để tạo dựng các sự kiện, hình ảnh, tình huống nghệ thuật, và cũng hiếm khi ông triết lý nhân sinh; lại càng không phân tích tâm lý nhân vật. Có nghĩa là văn Trần Văn Miều thiên về tạo dựng hành động, qua sự kiện và hành động, mâu thuẫn để xây dựng nhân vật; chứ không mổ xẻ xung đột, giằng xé nội tâm. Chuyện thế sự đời sống, đời người từ quá khứ đến hiện tại cứ đan xen hiện lên bằng giọng kể nhẩn nha, khúc chiết, rõ ràng, rành mạch chứ không ẩn dụ hay gợi mở gợi cảm. Âu cũng là một cách riêng chinh phục người đọc bằng sự giản dị, chân thành, mộc nhưng không thô vụng.

Có lẽ bất ngờ nhất và gây sững sờ cho người đọc là nhân vật Thương bằng da bằng thịt trở về làng, khiến người thân kinh hoàng như thể cô đội mồ sống lại. Nhà văn Trần Văn Miều "đánh lừa" người đọc từ... yên tâm rằng Thương thất tình, tự tử và an phận dưới mồ, để rồi căm giận, nguyền rủa Giời Con phụ tình, để rồi xót xa, thương cảm cô gái trẻ bạc mệnh... đến vỡ òa khi cô trở về, và tha thứ cho người tình - bố của con mình.

"Giời Con" là một thiên tiểu thuyết dạt dào cảm hứng thế sự…

Sương Nguyệt Minh
.
.