Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ nhất:

Cách tân hay sự xa rời khán giả

Thứ Năm, 13/03/2008, 09:00
Trong Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ nhất vừa diễn ra tại Hà Nội, đoàn Việt Nam tham dự với 8 tiết mục được dàn dựng công phu và hoành tráng với những đạo cụ cồng kềnh, phức tạp, trải kín sân khấu và dàn diễn viên cho mỗi vở lên đến hàng chục người. Và mỗi vở là tổng thể của rất nhiều loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, múa, kịch... phá bỏ không gian rối truyền thống.

Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ nhất vừa diễn ra tại Hà Nội được coi là một sự kiện văn hóa đầu năm 2008, với sự tham gia của 17 nhà hát đến từ 11 quốc gia: Việt Nam, Trung Quốc, Ai Cập, Brazil, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Thụy Điển, Bỉ và Israel.

Liên hoan lần này được đánh giá có chất lượng nghệ thuật cao, tính chuyên nghiệp và đặc biệt rất đa dạng, phong phú các thể loại: rối dây, rối que, rối bóng, rối nước, rối người, sân khấu tổng hợp...

Đoàn Việt Nam với tư cách chủ nhà cũng đã giành được một Huy chương Vàng cho vở "Hồn quê" (Nhà hát Múa rối Trung ương) và hai Huy chương Bạc cho vở rối "Chuyện Tò he" (Nhà hát Múa rối Trung ương); "Huyền thoại Tiên Rồng" (Nhà hát Múa rối Thăng Long).

"Giản dị, độc đáo và đầy cuốn hút" - đấy là những gì mà các đoàn quốc tế đã trình diễn trong những đêm liên hoan vừa qua. Với những đạo cụ gọn nhẹ, sân khấu nhỏ, các đoàn rối nước ngoài tham gia liên hoan đã biết phát huy tối đa khả năng của rối truyền thống.

Các tiết mục rối bóng của nhà hát rối Train (Israel) "Những con thú mơ mộng" hay màn độc diễn "Mở đầu của sự sợ hãi" của Nhà hát Morpheus 12 (Brazil), vở "Những người tốt bụng" của nhà hát Tof (Bỉ), tiết mục rối gỗ "Ông lão và con lừa" của đoàn Thụy Điển với lối diễn tinh tế, hóm hỉnh, kỹ thuật điêu luyện đã được đón nhận nồng nhiệt.

Những câu chuyện được các đoàn quốc tế dàn dựng có khi là những chuyện ngụ ngôn nhẹ nhàng dành cho thiếu nhi, có khi là những câu chuyện mới mẻ đậm chất nhân văn và mang tính giáo dục cao, rất gần gũi đời thường.

Các đoàn đã khai thác tối đa khả năng biểu diễn của con rối và người biểu diễn, từ câu nói đến điệu bộ hoạt động được diễn tả rất tỉ mỉ, hài hước và vui nhộn. Thậm chí tâm trạng, cảm xúc của các nhân vật cũng được phơi bày một cách tài tình. Các con rối đều được tạo hình rất đẹp từ các vật liệu dễ kiếm cùng một sân khấu đơn giản, gợi nên biết bao điều khám phá, hấp dẫn các khán giả nhỏ tuổi.

Khác hẳn với các tiết mục rối của nước ngoài, đoàn Việt Nam tham dự với 8 tiết mục được dàn dựng công phu và hoành tráng với những đạo cụ cồng kềnh, phức tạp, trải kín sân khấu và dàn diễn viên cho mỗi vở lên đến hàng chục người. Và mỗi vở là tổng thể của rất nhiều loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, múa, kịch... phá bỏ không gian rối truyền thống.

Tiết mục "Hồn quê" mang dấu ấn của kịch nói, kết hợp rối cạn, rối nước và nghệ thuật sắp đặt, có nhạc điện tử của Quốc Trung và thơ Phan Huyền Thư, hay "Huyền thoại tiên rồng" của Nhà hát Múa rối Thăng Long, được dàn dựng với nhiều cách tân kết hợp các trò rối que, rối nước, động tác múa biểu cảm của diễn viên cùng hiệu ứng của ánh sáng và âm thanh.

"Chuyện Tò he" cũng là một kết hợp nữa của rối cạn và nghệ thuật sắp đặt, huy động tới 50 nhân vật tham gia diễn xuất, trong đó có 20 nhân vật tò he cao bằng người thật với đủ màu sắc, phần âm nhạc mang âm hưởng hip hop do nhạc sĩ Đỗ Bảo đảm nhiệm.

Dấu ấn loại hình kịch rất đậm nét trong vở "Loa thành" của Nhà hát Múa rối Thăng Long, hay vở "Huyền thoại cồng chiêng" của Đoàn nghệ thuật múa rối Đắk Lắk. Nhiều tiết mục còn lạm dụng yếu tố kỹ thuật làm vở diễn thêm rắc rối, thừa thãi, nhiều vở dài dòng, nói nhiều mà hoạt động ít đã khiến cho những trò rối bị che lấp.

Các vở diễn sa vào kể những câu chuyện giáo dục lịch sử, sự tích dân gian theo kiểu kịch bản văn học, mà quên đi đặc trưng riêng của rối. Đấy là chưa kể lời thoại quá nhiều trong khi các mảng trò rối chưa được nhấn mạnh, hoạt động rối thiếu linh hoạt, không diễn tả hết được nhân vật đang làm gì, nghĩ gì, thiếu các yếu tố hài hước dí dỏm. Nghệ thuật múa rối là để dành riêng cho trẻ em, vậy mà có những vở, chỉ người lớn xem mới hiểu.

Các vở diễn có quy mô lớn, sử dụng nhiều thể loại rối, kết hợp giữa truyền thống dân tộc và hiện đại, được ví như sự mở rộng không gian, làm không gian tự do, khoáng đạt. Nhưng cũng chỉ nên coi đó là cách thể nghiệm tìm tòi hướng đi cho múa rối, chứ không nên xem đây là tương lai của nghệ thuật rối.

Chúng ta đã tiếp thu các hình thức múa rối thế giới để từ đó có sự cải biên, nâng cao. Tuy nhiên, trong khi tìm tòi và thử nghiệm cũng cần chú trọng bảo tồn loại hình nghệ thuật này, chứ không vì cách tân mà biến sân khấu rối trở thành những trò tạp kỹ.

Với nhiều quốc gia, múa rối là loại hình nghệ thuật được chọn để bảo tồn và phát triển. Họ chọn hướng phát triển "tinh" chứ không "đa", các kỹ thuật điều khiển con rối được phát triển đến mức điêu luyện, phong cách diễn xuất lôi cuốn cùng một nội dung nhẹ nhàng, mang tính giải trí cao. Hầu hết các đoàn tham gia liên hoan đã được xã hội hóa từ lâu nên trong dàn dựng tiết mục có sự cân nhắc đến tính hiệu quả và thị hiếu khán giả.

Với lợi thế gọn nhẹ, ít đạo cụ, ít người, múa rối nhiều nước đã tiếp cận được tới đông đảo khán giả, có thể diễn ngay tại đường phố mà không cần nhà hát, hay những nhóm nghệ sĩ nhỏ thâm nhập vào từng gia đình, từng trường học

Tường Hương
.
.