Cách cho hơn của đem cho

Thứ Năm, 03/11/2016, 10:27
Trong những ngày qua, người dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình vẫn đang gồng mình khắc phục hậu quả bão lũ. Với tinh thần tương thân tương ái, nhiều cá nhân, tập thể trong cả nước đang hướng về vùng lũ để sẻ chia với đồng bào. 


Nhiều lần đi về các địa phương, chứng kiến cách trao quà, hàng cứu trợ của một số tổ chức, cá nhân cho bà con vùng lũ, làm chúng tôi giật mình, ngỡ ngàng. Bởi, cách trao quà, hỗ trợ theo kiểu làm lấy được, làm cho xong, làm theo phong trào của một số người làm cho người dân vùng lũ thêm tủi thân. Đồng thời làm ảnh hưởng nặng nề đến tình cảm "tắt lửa tối đèn" có nhau của bà con vùng lũ.

Hơn hai tuần lũ dữ đã đi qua, nhưng ở mảnh đất Quảng Bình vẫn còn hàng ngàn người dân túng quẫn, khó khăn. Nhiều con đường làng chúng tôi đi qua vẫn còn ngổn ngang bùn đất, rơm rạ. Nhiều ngôi nhà vẫn còn phải chống đỡ vì lo tường đổ, ngói rơi.

Chúng tôi về huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, huyện Tuyên Hóa của  tỉnh Quảng Bình, nơi bị thiệt hại nặng nề sau khi lũ tràn qua. Chứng kiến cảnh nhiều đoàn cứu trợ rồng rằn về 9 xã vùng nam của thị xã Ba Đồn, chúng tôi cũng mừng thầm cho bà con vùng tâm lũ.

Đoàn công tác xã hội từ thiện Báo CAND-Chuyên đề ANTG thuê đò chở lương thực đến hỗ trợ người dân thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình khi nước lũ đang vây quanh.

Có một thực tế đang xảy ra hiện nay ở nhiều thôn vùng lũ Hà Tĩnh, Quảng Bình là chính quyền và người dân đều họp rồi thống nhất thu lại tiền hỗ trợ của các đoàn đến trao để phân bổ lại cho từng hộ giáo dục. Sở dĩ các địa phương làm vậy vì lãnh đạo thôn và người dân cho rằng: Có đoàn đến hỗ trợ 100 suất quà, nhưng thôn có đến hơn 200 nhà bị thiệt hại như nhau nên rất khó chọn nhà nào, bỏ nhà nào.

Có đoàn trao mỗi suất 300 nghìn đồng, có đoàn 500 nghìn, đoàn 1 triệu đồng…vì vậy rất khó để chọn hộ nào đi nhận 300 nghìn, hộ nào đi nhận 1 triệu đồng, bởi sau khi nhận, người dân thường so bì, cãi vã nhau, gây mất đoàn kết thôn xóm.

Có đoàn đến chỉ trao cho một số hộ đầu làng khi xe ô tô dễ vào, còn các hộ cuối làng họ bỏ qua, dù những hộ cuối làng thường thiệt hại nặng nề nhất. Sau lũ, những gia đình khá giả nhất ở quê lại thường bị thiệt hại nặng nề nhất vì họ bị lũ cuốn trôi trang trại heo, gà, đồ điện tử, máy móc bị ngâm trong lũ…

song khi các đoàn hỗ trợ từ thiện đến thường buộc cán bộ thôn phải chọn hộ nghèo, đói nhất để trao, vì vậy mới có chuyện có hộ gia đình bị trôi cả ngàn con heo không được hỏi thăm, động viên, còn hộ nghèo đối diện khi lũ chưa về đã tìm cách chạy tránh lũ, sau lũ trở về đón hết đoàn này, đoàn khác tới thăm.

Có đoàn cứu trợ đến phát quà, tiền cho bà con, nhưng vì đường bám đầy bùn đất do mưa lũ nên họ ngại không đi sâu vào tìm hiểu nhà nào bị thiệt hại lớn mà cứ chỗ nào dễ đi là vào phát quà, phát cho xong lấy giấy chứng nhận của địa phương để về. Vì vậy, có người dân không biết cách làm kiểu cho xong chuyện của đoàn cứu trợ nên quay lại xã đổ lỗi cho chính quyền địa phương.

Có đoàn cứu trợ nhanh xong để còn thời gian ghé đi du lịch, tham quan danh lam thắng cảnh tại địa phương. Vì vậy, điểm đến cứu trợ họ thường chọn các xã gần quốc lộ, đường chính để xe dễ ghé vào. Khi đến nơi, cứ gặp người dân là phát quà, phát tiền, không cần danh sách, không cần kiểm tra. Chính vì vậy cùng trong một thôn, thiệt hại như nhau nhưng có người nhận được hàng cứu trợ, người thì không. Cách cho kiểu này đã làm nhiều người dân phản ứng, tủi thân và làm khó cho chính quyền địa phương…

Mùa mưa bão này qua, mùa mưa bão khác tới, người dân miền Trung bao đời này vẫn oằn mình chống trả sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Việc cứu trợ, giúp đỡ người dân nghèo diễn ra sau bão lũ. Còn thường ngày, người dân vẫn tự mình gắng gượng, hoặc láng giềng tắt lửa tối đèn giúp nhau. Khi hoạn nạn nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân khắp mọi miền Tổ quốc, người dân cũng phần nào bớt cơ cực bần hàn.

Nhưng cứu trợ, giúp đỡ người dân như thế nào để hiệu quả và để những gói quà thực sự là niềm động viên người dân sớm vượt qua gian khó không phải là điều dễ. Hơn tuần nay, đi đâu ở vùng lũ Quảng Bình cũng gặp bà con tay xách nách mang gạo, mì tôm, dầu ăn, nước mắm....

Vì vậy, sau lũ có hộ dân cất hàng chục thùng mì tôm cứu trợ, nhưng ăn không kịp nên để hỏng, hoặc bà con lại đem ra cửa hàng tạp hóa bán với giá rẻ. Hiện nay, ở các vùng lũ Quảng Bình không thiếu gạo, thiếu mỳ tôm, vì cửa hàng vây quanh thôn, xóm.

Bên cạnh đó, sau lũ Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và tỉnh hỗ trợ hàng nghìn tấn gạo và không để bà con thiếu đói. Sau lũ, nhiều hộ dân cho biết họ được kêu đến khám bệnh nhiều quá nên cũng khổ. Tại vùng lũ thị xã Ba Đồn có rất nhiều đoàn khám chữa bệnh của các cơ sở y tế đã đến địa phương này để khám chữa bệnh sau lũ cho nhân dân. Thậm chí có xã một ngày bà con được mời 2 đến 3 lần đi khám bệnh.

Sau khi được thăm khám, người dân được phát thuốc và bác sĩ dặn ngày uống bao nhiều viên... nhưng khi về người dân chất vào một đống chẳng mấy ai sử dụng. Bởi phần do quên lời dặn của bác sĩ phải uống thế nào, bao nhiêu viên, phần bà con chặc lưỡi "đau ốm chi mô mà uống, không lấy thì tiếc, lấy về thì để đó".

Cứ nghĩ nếu tất cả các đoàn từ thiện gọi điện, hoặc bớt tí thời gian thông qua UBND các huyện, thị xã vùng lũ để huyện biết mà điều phối đoàn này về xã A, đoàn kia đi xã B thì tránh được nơi chục đoàn ghé, nơi chẳng ai thăm. Nếu số tiền từ thiện được đưa về đúng một địa chỉ tin cậy để chung sức làm cho dân cây cầu, con đường, trạm y tế xã, trường mầm non... thì tốt hơn biết mấy, bởi các công trình đó rồi dân cũng phải đóng góp làm.

Dương Sông Lam
.
.