Điều gì cứu rỗi cái đẹp?

Thứ Hai, 20/11/2017, 08:07
Câu nói bất hủ của đại văn hào Nga F.M.Dostoyevsky: "Cái đẹp cứu rỗi thế giới". Vậy điều gì cứu rỗi cái đẹp khi cái đẹp bị lạm dụng, bị nhân danh để người ta xâu xé danh tiếng, tiền tài?


Trong vòng loại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, khi được hỏi mục đích đến với cuộc thi là gì, một thí sinh hồn nhiên: "Em ước được như chị Phạm Hương. Vì từ khi lên ngôi hoa hậu, chị ấy kiếm được nhiều tiền, đi sự kiện rất nhiều". Ban giám khảo không mong muốn một câu trả lời thật thà như vậy. Nhưng cô gái ấy không sai. Nó phần nào hé lộ góc khuất trần trụi của các cuộc thi sắc đẹp và ước mơ thực tế của không ít cô gái có nhan sắc: tiếng và  tiền.

Phải chăng do "luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu" nên các sân chơi sắc đẹp nở rộ ngày càng nhiều để các cô nàng có "đất dụng võ". Năm 2017, chỉ điểm sơ sơ các cuộc thi đã, đang và sẽ diễn ra khiến người ta hoa mắt chóng mặt. Ở trong nước thì có Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Đại dương, Nữ hoàng Golf, Hoa hậu Quý bà Việt Nam... rồi cuối năm có thêm Hoa hậu Sắc đẹp Hoàn mỹ Toàn cầu, Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu.

Các cuộc thi quốc tế có thí sinh Việt tham gia năm nay thì có Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Hoàn cầu, Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Siêu quốc gia, Hoa hậu Hòa bình Thế giới, Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Liên lục địa, Hoa hậu Du lịch Thế giới… Các người đẹp lần lượt đăng quang, xếp hạng, tin tức ngổn ngang trên báo chí khiến công chúng lắc đầu, lè lưỡi vì không nhớ nổi cô nào với cô nào.

Sự xuất hiện ồ ạt cuộc thi hoa hậu đồng nghĩa với ồ ạt tai tiếng, thị phi. Những cô gái mang danh hoa hậu - cái danh mà xã hội mặc định là đại diện cho cái đẹp toàn mỹ, vừa đẹp người, đẹp nết, đẹp cả tri thức thông qua đủ phần thi từ hình thể, hoạt động cộng đồng đến ứng xử… - giờ đây liên tục bị dư luận phản ứng. Nổi bật gần đây là một cô hoa hậu, hai cô á hậu.

Dù lên tiếng xin lỗi về phát ngôn gây sốc, Á hậu Hoàng My vẫn bị xem không xứng đáng làm giám khảo Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017.

Cô hoa hậu có tên Lê Âu Ngân Anh, đăng quang Hoa hậu Đại dương 2017. Nhan sắc có thể là chuyện nay thế này, mai thế kia do cách trang điểm hay do con mắt "kẻ si tình". Cô không có lỗi mà lỗi nằm ở chính ban tổ chức, ban giám khảo. Cuộc thi sau đó còn vướng vô số tin đồn mua giải, thí sinh bị ép phải tiếp rượu quan khách, phải cởi đồ trước mặt bác sĩ nam ở vòng kiểm tra nhân trắc...

Huyền My và Hoàng My đều là á hậu của Hoa hậu Việt Nam. Vẻ xinh đẹp của Huyền My bỗng trở nên xấu xí khi cô khóc nức nở bên mẹ trong khi các thí sinh khác đến chúc mừng tân Hoa hậu Hòa bình Thế giới 2017. Hành xử như trẻ con của đại diện chủ nhà khiến các giám khảo người Việt cảm thấy vô cùng xấu hổ, mất mặt.

Dẫu sao còn dễ thông cảm cho Huyền My vì cô ấy cũng chỉ là thí sinh, vẫn ở tâm thế của kẻ đang học hỏi. Còn Hoàng My là thành viên ban giám khảo của một cuộc thi hoành tráng như Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 mà lại có kiểu phát ngôn thiếu suy nghĩ thì khó có thể tha thứ.

Trong khi dư luận chưa hết phẫn nộ về việc Ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ bất chấp yêu cầu tạm hoãn của cơ quan quản lý văn hóa để tổ chức đêm bán kết hôm 4-11 trong tâm bão số 12 ở Nha Trang thì Hoàng My như đổ thêm dầu vào lửa. Cô á hậu đăng chùm ảnh thí sinh dọn dẹp cành cây gãy đổ sau bão và viết lên những dòng thế này trên Facebook: "Nhìn các em mà chị quên mất rằng chính các em cũng là những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bão Damrey. Số tiền bán vé bán kết đã được Ban tổ chức dành để cứu trợ và còn huy động thêm, tổng 1 tỷ đồng. Bão Damrey đến rồi đi trong đêm, không nhằm nhò gì so với thiệt hại của những cơn bão không hồi kết cho đương kim hoa hậu đâu em ạ... Những bàn tay nõn nà của tôi, đừng bị trầy xước gì nhé".

Đọc xong, nhà thiết kế Sỹ Hoàng kêu trời: "Tại sao lại đi so sánh giữa thiệt hại của bao nhiêu người, kể cả cái chết với bàn tay nõn nà của các người đẹp. Thật không thể tưởng tượng. Suy cho cùng bão là do thiên nhiên, trời đất, nhiều người chịu đựng mất mát, thiệt hại. Còn bão của các cô hoa hậu là do các cô chọn chứ có ai bắt các cô đi thi đâu".

Phát ngôn này làm lộ rõ bản chất của một số cô hoa hậu, á hậu chỉ mó tay vào việc cộng đồng theo kiểu "trả bài" và hình thức. Nó như thứ trang sức để các cô phô diễn khi có cánh báo đài. Ngay sau đó Hoàng My vội vã xóa dòng trạng thái và lên tiếng xin lỗi, thanh minh như kiểu phút vội vã lỡ lời. Nhưng đây là cô viết trên Facebook hẳn hoi, lại còn đăng chùm hình cẩn thận, nghĩa là cô có thời gian suy nghĩ khi viết và đăng ảnh chứ không phải là phút vọt miệng khi nói chuyện với ai đó. Nhà thiết kế Sỹ Hoàng cho rằng với phát ngôn nhạy cảm như thế, nếu có tự trọng Hoàng My nên rút lui khỏi ghế giám khảo bởi chính cô từng rao giảng với thí sinh rằng làm gì trên mạng xã hội cũng phải cẩn trọng.

Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tạm dừng cuộc thi và xử lý trách nhiệm của những người liên quan trong đêm bán kết là quyết định được dư luận ủng hộ. Bởi không thể chấp nhận một cuộc thi nhuốm màu "ăn chơi nhảy múa" ngay giữa nơi đồng bào đang chống chọi với cơn bão dữ. Mỗi cuộc thi hoa hậu ra đời luôn gắn liền với những thông điệp ý nghĩa nhân văn, cái mà nó hướng tới luôn gắn liền với ba chữ "Chân - Thiện - Mỹ". Nhưng không ít cuộc thi khi diễn ra, tìm được người thắng cuộc thì công chúng vỡ lẽ: thì ra nó chỉ nhân danh những điều đao to búa lớn để giải trí và kiếm chác.

Ở các cuộc thi như thế, nhan sắc là món hàng không hơn không kém. Có lẽ lùm xùm của cuộc thi Hoa hậu Đại dương quá lớn khiến nó át đi ồn ào nực cười quanh cuộc thi Nữ hoàng Golf diễn ra cùng thời điểm. Cuối tháng 10 vừa qua, các thí sinh của cuộc thi "ao làng" này họp báo để tố ban tổ chức lừa tiền thí sinh, tổ chức lôm côm, không minh bạch. Những cuộc thi thực dụng như thế tiếc thay đang tràn ngập.

Ông Dương Kỳ Anh, "cha đẻ" của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cho rằng danh hiệu hoa hậu vô cùng cao quý nhưng trách nhiệm lại vô cùng nặng nề. Ngay thời điểm chiếc vương miện đặt lên đầu cô gái cũng là lúc nó biến thành vòng kim cô để nhắc nhở cô gái ấy về phẩm hạnh, hình ảnh mà mình phải giữ gìn suốt đời. Đó không phải chỉ là chuyện ăn uống, đi đứng hằng ngày mà còn là trí tuệ, bản lĩnh ứng xử và tấm lòng của cô gái đó. Đó là cái đẹp toàn mỹ mà mọi người luôn hướng đến: Cái đẹp gắn liền Chân và Thiện. Thiếu đi hai vế còn lại, cái đẹp chỉ còn là vẻ bề ngoài, hào nhoáng đấy nhưng vô nghĩa, không đủ sức cứu rỗi một con người chứ đừng nói cả thế giới. Có chăng, nó chỉ là phương tiện để cô gái đổi đời, thậm chí là hủy hoại.

Đắng lòng không khi một cử tọa hỏi rằng: "Hoa hậu giúp được gì cho xã hội mà có lắm cuộc thi thế" tại một cuộc họp của ngành Văn hóa? Xin thưa, hoa hậu sẽ làm được khối việc, bởi muôn đời, cái đẹp toàn mỹ luôn truyền cảm hứng bất tận để con người trở nên Người hơn. Nhiều hoa hậu thế giới lập quỹ từ thiện, quỹ cộng đồng, tích cực đưa thông điệp và việc làm nhân nghĩa đến mọi người như Hoa hậu Thế giới 1994 Aishwarta Rai.

Ngoài quỹ từ thiện mang tên mình, Rai còn là gương mặt đại diện của Ngày Hòa bình do Liên hợp quốc khởi xướng, đại sứ của chiến dịch phòng, chống HIV/AIDS. Từ năm 2009, trong vai trò Chủ tịch Quỹ Smile Train, cô đã mang lại cơ hội phẫu thuật miễn phí cho trẻ em không may mang dị tật sứt môi, hở hàm ếch trên khắp thế giới. Từ năm 2005, cuộc thi Hoa hậu Thế giới cũng bỏ hẳn vòng thi áo tắm bởi điều họ quan tâm giờ đây là những dự án nhân văn cụ thể và dài hơi chứ không phải là ba vòng bốc lửa của thí sinh hay những lời hứa suông chung chung.

Nói như nhà thiết kế Sỹ Hoàng, thi hoa hậu không xấu. Bởi nó tạo động lực cho cô gái trẻ hướng tới vẻ đẹp hoàn hảo. Vấn đề là ban tổ chức có thực sự đưa ra thông điệp và hướng thí sinh đến giá trị tốt đẹp đó hay không hay chỉ vụ lợi cá nhân. Ai sẽ cứu rỗi cái đẹp? Có người nói, chẳng ai cả, nếu nó bị lạm dụng và trở nên xấu xí thì nó sẽ tự diệt vong. Nhưng tôi tin, khi lòng tự trọng và sự thiện lương thức tỉnh, đó sẽ là nơi cứu rỗi nó...

Mai Quỳnh Nga
.
.