Bóng đá và lòng yêu nước

Thứ Năm, 01/02/2018, 08:47
Lại nhớ câu nói của Bác Hồ một thời thường xuyên được làm đề thi: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn…"...


Tất nhiên ai cũng biết, bóng đá là một trò chơi, như mọi trò chơi mà con người nghĩ ra, dẫu nó là một trò chơi đẳng cấp, được gọi là môn thể thao vua, khiến hàng tỉ người trên thế giới đam mê, thì nó cũng chỉ là trò chơi.

Nhưng ở Việt Nam ta, trò chơi ấy nó lại mang một tính chất khác.

Chúng ta vừa sống trong hơn một tuần bóng đá. Từ hời hợt đến đắm say, từ hững hờ đến cuồng nhiệt, cuồng nhiệt ngoài sức tưởng tượng.

Trẻ con Việt, thế hệ chúng tôi trở lên, ít người không biết đến những quả bóng bưởi, bóng giẻ với những trận quần thảo bụi mù ở những chân ruộng nứt nẻ còn đầy gốc rạ. Tướp chân bươu đầu sứt trán là chuyện bình thường. Và chả cứ trẻ con, chiều chiều rất nhiều dân làng tụ ở những "sân vận động ruộng" ấy xem trẻ con đá bóng, bình phẩm.

Thế hệ sau này tưởng không còn khổ thế, nhưng té ra vẫn còn. Gia đình 2 anh em cầu thủ Bùi Tiến Dũng (thủ môn) và Bùi Tiến Dụng (hậu vệ) phải rất tự hào khi có đến 2 con trai cùng được tham gia đội tuyển U23 quốc gia. Nhưng câu chuyện của bà mẹ hai cầu thủ kể thì ai cũng rớt nước mắt: Ngày Dũng bị loại khỏi đội trẻ của Thanh Hóa, tức là sẽ không còn chế độ, em trai Bùi Tiến Dụng khuyên anh trai cứ xuống xin tập không chế độ để chờ cơ hội. Bà mẹ dúi cho con 200 ngàn nhưng anh quyết không nhận vì biết nhà mình rất nghèo. Nhưng mẹ cũng quyết đưa để rồi Dũng phải nhận nhưng rồi Dũng bí mật giấu vào một chỗ, đi khỏi nhà mới nhắn với mẹ chỗ mình giấu 200 ngàn ấy. Và Dũng từ huyện Ngọc Lặc xuống thành phố Thanh Hóa xin tập không chế độ với 50 ngàn đồng để rồi trở thành cầu thủ nổi tiếng như hôm nay. Hiếu thảo đến thế thì dứt khoát anh phải là một người tốt. Câu chuyện ấy mẹ Tiến Dũng kể trên VTV đã khiến rất nhiều người khóc, có cả những nhà báo cao tuổi dạn dày chuyện đời.

Những ngày vừa qua, sự kiện bóng đá đã khơi dậy tình yêu nước, lòng tự hào, tinh thần đoàn kết dân tộc Việt Nam.

Các sân vận động trong nước ngập tràn người, xem qua màn hình mà đông hơn xem trực tiếp. Có người nói, không phải đi xem bóng đá, mà là đi xem lòng yêu nước. Bởi thực sự thì, xem ở nhà rõ ràng là tập trung hơn, rõ hơn, nét hơn và đầy đủ tiện nghi hơn, chứ giữa sân vận động với hàng vạn người như thế thì xem không rõ, mà nghe cũng chả được. Nhưng họ vẫn đổ đến đấy. Hầu như khắp các tỉnh thành đều tổ chức xem tập thể ở sân vận động. Hà Nội thì tổ chức ngay sân Mỹ Đình. Đấy là lúc mọi người nhìn về một hướng, là lúc con người bộc lộ lòng yêu nước rõ rệt nhất.

Lại nhớ câu nói của Bác Hồ một thời thường xuyên được làm đề thi: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn…".

Tất nhiên ở trường hợp cụ thể này thì là tình yêu bóng đá đã kết nối tất cả mọi người chứ không phải Tổ quốc bị xâm lăng như câu Bác nói, nhưng có thể vận dụng, bởi lòng tự hào dân tộc cũng là một yếu tố để kích thích lòng yêu nước, sự tự tôn dân tộc, kết những cá nhân đơn lẻ thành một khối, đoàn kết và vững chắc.

Nhà văn Nguyễn Thế Tường viết trên Facebook của mình "Sau lễ tang Đại tướng, đây là sự kiện thứ hai hút toàn dân Việt Nam nhìn về một hướng, chung một tiếng nói, chung một niềm tin yêu. Cảm ơn những chú lính chì tuổi 23 Việt Nam".

Một bà hàng xóm nhà tôi bình thường chỉ lo cơm ngon canh ngọt cho chồng cho con, tự nhiên nói được một câu như triết gia khi chứng kiến cả rừng cờ đỏ, cả vạn trái tim cũng cất nhịp và hàng vạn khẩu hình cùng lạc giọng hô tên Việt Nam: Tình yêu nước, sự kết nối cả dân tộc chưa bao giờ mờ nhạt trong trái tim người Việt. Người Việt chỉ trở nên bạc nhược khi mất lòng tin…

Nhưng cũng phải thấy điều này, không phải ai cũng vì bóng đá, vì lòng tự hào dân tộc, vì Tổ quốc. Nhiều người lao ra đường theo trào lưu, nhiều hành động xấu xí đã xuất hiện, như khỏa thân, như đi bão, phạm luật giao thông, và đỉnh điểm là tấn công các cầu thủ Uzbekistan qua mạng ngay khi đội này giành chiến thắng (rất xứng đáng) ở phút 119 trong trận chung kết lịch sử theo nhiều nhẽ giữa U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan. Một số rất đông người tấn công Facebook các cầu thủ, đặc biệt là cầu thủ Andrey Sidorov, bị tấn công cả ở Facebook của mình và của những nhóm cổ động viên hết sức thiếu văn hóa.

Lòng yêu nước của dân ta luôn là năng lượng tuyệt vời để làm nên và kích thích chiến thắng. Vấn đề là, đặt nó đúng chỗ, khơi gợi đúng cách. Tôi đã chảy nước mắt khi xem clip Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tối 27 - 1 giữa chảo lửa Mỹ Đình, lên sân khấu hô vang tên từng cầu thủ và huấn luyện viên, và hàng vạn người đáp lại. Xúc động và thiêng liêng…

Văn Công Hùng
.
.