"Bội thực" các cuộc thi ca nhạc trên sóng truyền hình

Thứ Hai, 25/06/2012, 09:00
Có ý kiến vui rằng, năm nay sẽ thực sự là một năm "đại chiến" giữa các cuộc thi ca nhạc. Và những thí sinh có khả năng ca hát cũng sẽ vì thế mà đau đầu để lựa chọn cuộc thi nào phù hợp để mình có cơ hội tỏa sáng. Có lẽ vì sự cạnh tranh khốc liệt ấy, thay vì chỉ tổ chức tuyển chọn vòng loại ở 3 địa điểm như mọi năm thì "Vietnam Idol" năm nay đã mở rộng ra tới gần chục địa phương trong toàn quốc với hy vọng tìm kiếm được thần tượng âm nhạc xứng đáng...

"Hợp ca tranh tài", "Vietnam's Got Talent" vừa kết thúc, song song với chương trình "Bài hát yêu thích" thì đã có hàng loạt các cuộc thi ca nhạc ồ ạt phát sóng. Bên cạnh những cuộc thi cổ điển theo chu kỳ hàng năm đã bắt đầu ra mắt những số đầu tiên như "Sao Mai điểm hẹn", "Vietnam Idol", "Ngôi sao tiếng hát truyền hình"... thì những sân chơi âm nhạc mới tinh như "Giọng hát Việt", "Ngôi nhà âm nhạc "... cũng đang rậm rịch chuẩn bị xuất hiện tại Việt Nam. Nếu cứ theo lịch trình thì có lẽ, khán giả sẽ được "nhà đài" chiêu đãi món ăn âm nhạc dài dài cho tới tận cuối năm. Tuy nhiên, trái ngược với tình trạng "bội thực" của các cuộc thi âm nhạc, sự hiện diện các tài năng đích thực lại khá hiếm hoi.

1. Đếm sơ sơ thì từ nay đến cuối năm có hàng chục cuộc thi về âm nhạc trên sóng truyền hình. Cuộc thi này vừa kết thúc sẽ có cuộc thi khác kế tiếp. Chưa kể, nhiều cuộc thi sẽ phải phát sóng cạnh tranh trong cùng một thời điểm. Các cuộc thi dành cho đủ mọi lứa tuổi, đối tượng và phong cách. Điều đặc biệt là ngoài những cuộc thi có tính chất chu kỳ hàng năm như "Sao Mai điểm hẹn", "Ngôi sao tiếng hát truyền hình", "Tiếng hát học đường", "Vietnam Idol"… thì năm nay còn có sự góp mặt của nhiều sân chơi âm nhạc được mua bản quyền format từ nước ngoài lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Tiêu biểu như cuộc thi mang tính truyền hình thực tế là "Giọng hát Việt" phiên bản tiếng Việt của "The Voice" (bản quyền của Hà Lan), "Ngôi nhà âm nhạc" - show truyền hình thực tế "Star Academy"… Ngoài ra, những sân chơi ca nhạc "chuyên ngành" kiểu như "Đấu trường âm nhạc 2012" dành cho các ban nhạc rock trẻ hay "Tiếng hát mãi xanh" dành cho các đối tượng lớn tuổi cũng đã bắt đầu ra mắt. Có lẽ vì thế mà lần đầu tiên, "Sao Mai điểm hẹn" 2012 đã không còn có chỗ vào giờ vàng chủ nhật trên sóng VTV3 - kênh giải trí được đông đảo người xem mà phải chuyển sang thứ 6 trên kênh VTV2 và VTV6. Trong khi "Đồ rê mí" đã bắt đầu phát sóng thì "The Voice" cũng đang chiêu mộ thí sinh, "Ngôi nhà âm nhạc" đã thử giọng ở 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Có ý kiến vui rằng, năm nay sẽ thực sự là một năm "đại chiến" giữa các cuộc thi ca nhạc. Và những thí sinh có khả năng ca hát cũng sẽ vì thế mà đau đầu để lựa chọn cuộc thi nào phù hợp để mình có cơ hội tỏa sáng. Có lẽ vì sự cạnh tranh khốc liệt ấy, thay vì chỉ tổ chức tuyển chọn vòng loại ở 3 địa điểm như mọi năm thì "Vietnam Idol" năm nay đã mở rộng ra tới gần chục địa phương trong toàn quốc với hy vọng tìm kiếm được thần tượng âm nhạc xứng đáng.

Nhiều về số lượng nhưng các cuộc thi lại na ná nhau về mặt hình thức. Để nhận xét về các thí sinh thì có Hội đồng nghệ thuật, và để thu hút khán giả có chiêu thức nhắn tin bình chọn. Năm nay, vì có quá nhiều cuộc thi nên các nghệ sĩ cũng được huy động tối đa để ngồi ghế Ban giám khảo. Ở "Sao Mai điểm hẹn" thì có nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, ca sĩ Tùng Dương và nhà thơ Phan Huyền Thư; "Vietnam Idol" thì lại là sự kết hợp của bộ ba nhạc sĩ Quốc Trung, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và ca sĩ Mỹ Tâm. Trong khi "The Voice" lại có ban giám khảo với nhiều ngôi sao thị trường như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh và nhạc sĩ Trần Lập. Nhiều cuộc thi ca nhạc nên tình trạng các nghệ sĩ chạy sô ngồi ghế ban giám khảo là điều có thực. Ngoài nhạc sĩ Quốc Trung và đạo diễn Nguyễn Quang Dũng được coi như là thành phần không thể thiếu ở hàng ghế giám khảo "Vietnam Idol" thì ca sĩ Mỹ Tâm (năm trước ngồi ghế ban giám khảo cuộc thi "Sao Mai điểm hẹn"), năm nay đã đổi chỗ sang ngồi ghế ban giám khảo "Vietnam Idol". Đạo diễn Việt Tú vừa rời ghế "Bước nhảy hoàn vũ" đã có một suất trong "Đấu trường âm nhạc"…

Trong số các thí sinh tham dự "Sao Mai điểm hẹn" năm nay, liệu sẽ có ai trở thành nghệ sĩ tài năng đích thực?

2.Liên tiếp các cuộc thi ca nhạc nhưng điều mà nhiều người đặt câu hỏi là tại sao đời sống âm nhạc Việt Nam vẫn thiếu vắng những tài năng âm nhạc thực sự. Cuộc thi nào cũng tìm ra những người chiến thắng, nhưng để tồn tại, tỏa sáng và đóng góp được cho âm nhạc Việt những giá trị đích thực lại quá ít ỏi. Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do các chương trình ca nhạc thường được tổ chức theo kiểu "đầu voi đuôi chuột", tức là khi ra mắt thì rầm rộ, quảng bá tưng bừng nhưng khi cuộc thi kết thúc thì những công tác hỗ trợ cho các tài năng lại chìm nghỉm, im ắng. Rất ít các ca sĩ trẻ như Phương Vy, Uyên Linh, Văn Mai Hương được sự hỗ trợ từ các nhạc sĩ tâm huyết như Đức Trí, Quốc Trung, Huy Tuấn để có thể định hướng và phát huy tài năng. Còn hầu hết các thí sinh ẵm giải từ các cuộc thi này đều bị bỏ rơi và phải tự bơi trong mê cung của thế giới giải trí vốn ngập tràn những giá trị ảo.

Một trong những nguyên nhân khiến cho các cuộc thi ca nhạc ít nhiều bị công chúng hoài nghi là bởi tiếng là tìm kiếm tài năng nhưng mục đích cuối cùng của các đơn vị sản xuất dường như không phải vậy. Thu hút được càng nhiều tin nhắn của khán giả càng tốt là đích nhắm của các nhà sản xuất. Vì thế, dường như cuộc thi nào cũng có scandal. Đa phần trong số đó là các chiêu PR của các đơn vị truyền thông để chương trình thêm cuốn hút. Hết scandal từ thí sinh lại là scandal của Hội đồng nghệ thuật với thí sinh. Họ làm mọi cách, tạo đủ mọi chiêu trò ngoài chuyên môn để tạo sự chú ý và cũng là thu hút sự bình chọn từ phía người xem. Việc lạm dụng chiêu trò trong các cuộc thi ca hát trên sóng truyền hình đã biến các cuộc thi này nặng về tính giải trí hơn là tìm kiếm những tài năng thật sự cho âm nhạc. Và như thế đã vô tình biến những thí sinh mới chập chững bước vào giới nghệ thuật nhiễm phải "tính xấu" là lạm dụng chiêu trò, tạo scandal gây sốc thay vì âm thầm cống hiến cho nghệ thuật. Tiêu biểu như "Vietnam Idol" 2010 là cuộc thi tràn ngập tai tiếng. Từ sự cố thí sinh ghi âm nói xấu nhau đến chuyện thí sinh mập mờ chuyện giới tính… Thậm chí, khi Uyên Linh đã vinh danh ở ngôi vị cao nhất thì những tranh cãi, bình luận thiếu thiện cảm, đầy ác ý vẫn bùng nổ và kéo dài. Ngay cả "Sao Mai điểm hẹn" vốn được xem như một fomat thi ca hát phù hợp và vừa vặn với môi trường âm nhạc Việt Nam bởi đã tạo ra được khá nhiều ca sĩ có đóng góp cho đời sống âm nhạc thì cũng lại có những chuệch choạc về cơ cấu giải thưởng. Tại cuộc thi này năm 2010, nhạc sĩ Tuấn Khanh - một thành phần ban giám khảo đã cho rằng anh không hề biết cuộc thi năm nay có thêm một giải triển vọng mà "Hội đồng nghệ thuật bí ẩn" nào đó đã trao cho một thí sinh đã bị loại. Trong khi Mỹ Như dù lọt vào đêm cuối lại phải ra về tay trắng vì Ban tổ chức cho rằng cô đã quá tuổi để có thể xem là "triển vọng".

Nhìn hàng ngàn thí sinh chen chúc trong vòng sơ tuyển "Vietnam Idol" hay mới đây là "Giọng hát Việt", ta có thể thấy sức hút từ các cuộc tìm kiếm này. Điều đó bộc lộ tình yêu âm nhạc, khát vọng nổi tiếng và cả tham vọng kiếm được thu nhập cao từ nghề ca sĩ của một bộ phận giới trẻ. Tuy nhiên, trong biển người đó, để tìm kiếm những gương mặt thực sự tài năng có thể làm khuynh đảo làng nhạc Việt vẫn là mong muốn xa vời. Tham vọng nổi tiếng từ một cuộc thi đã khiến không ít thí sinh thay vì tập luyện và thể hiện tài năng đã sử dụng cuộc thi thành cơ hội để phô diễn scandal. Ở những thí sinh này, "tài" chưa thấy nhưng đã xuất hiện dấu hiệu của "tật". Dù chỉ là thí sinh của một cuộc thi ca nhạc nhưng không ít bạn trẻ đã nhiễm những tính xấu của giới showbig. Như Duy Anh - thí sinh dự thi "Vietnam Idol" mùa trước. Trong quá trình thi, thay vì những sáng tạo về giọng hát hay cách diễn, thí sinh này thường xuyên tung ra những bộ ảnh mập mờ giới tính và những phát ngôn gây sốc.

Điều mà các thí sinh không hề biết rằng, scandal luôn luôn là con dao hai lưỡi. Nó có thể khiến người xem nhắc đến tên mình nhưng nó cũng có thể nhấn chìm tên tuổi của thí sinh xuống đáy khi chưa kịp nổi. Chính vì vậy, nhiều tên tuổi bước ra từ các cuộc thi đã không đủ sức vượt lên khỏi danh hiệu "thần tượng" hay "ngôi sao" mà các cuộc thi đã hào phóng trao tặng. Bởi thực tế đời sống âm nhạc bên ngoài có sức cạnh tranh và đào thải rất lớn. Để có thể đứng vững và tỏa sáng cần tài năng và sự tôi luyện nghiêm túc chứ không đơn thuần chỉ qua một cuộc thi. Mà dường như để có một thái độ nghiêm túc với nghệ thuật thì các thí sinh chưa bao giờ được các cuộc thi này định hướng

K.T.
.
.