Bình tĩnh trước đại dịch

Thứ Năm, 12/03/2020, 11:20
Quyết tâm không để dịch viêm đường hô hấp cấp COVID - 19 lây lan, Chính phủ VIệt Nam coi chống dịch như chống giặc.


Duy trì được hơn ba tuần không còn ca nhiễm mới, công tác chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã được bạn bè quốc tế ghi nhận và khen ngợi. Trong tình thế ấy, dù lạc quan nhưng chính Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng cảnh tỉnh rằng “vẫn không được phép chủ quan” và ông cũng chỉ coi những thành quả đạt được mới là “thắng trận đầu” mà thôi.

Đúng lúc ấy, trường hợp một bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ London về Hà Nội đã khiến tình hình thay đổi chóng mặt. Nguy cơ lây nhiễm lại bắt đầu hiện hình và nối tiếp sau trường hợp ồn ào đó đã có thêm vài ca nhiễm mới. Nhưng chúng ta đã có những hành động kịp thời, khẩn cấp đủ sức tạo niềm tin mà cụ thể là phân loại, cách ly đối tượng tiếp xúc F1, F2, F3 và việc khử trùng toàn bộ khu vực có liên quan đến người nghi nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, việc đột ngột có ca nhiễm mới, lại bị nghi ngờ rằng có tiếp xúc nhiều người đã khiến dư luận hoang mang. Sự kiện người Hà Nội mua gom tích trữ lương thực, thực phẩm là minh chứng cho những hoang mang cao độ đó. Đã có những tiếng nói kêu gọi cộng đồng phải bình tĩnh, tránh để tin giả làm mình hoảng sợ và những hành động hệ quả của mình lại gây ra nỗi hoảng sợ tiếp nối ở những cá nhân khác.

Quyết tâm không để dịch viêm đường hô hấp cấp Covid - 19 lây lan, Chính phủ VIệt Nam coi chống dịch như chống giặc. Trong ảnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng các lãnh đạo Bộ Y tế đi thị sát tình hình ở các bệnh viện.

Nhưng có kêu gọi đến mấy đi nữa thì cũng khó có thể chống lại làn sóng hoang mang, lo sợ ấy. Đơn giản, đó đã là thuộc tính chung của loài người. Ngay cả ở các nước văn minh, tiên tiến như Pháp chẳng hạn, việc thu gom tích trữ nhu yếu phẩm cũng đang diễn ra.

Suy cho cùng, hoảng sợ cũng là một cái “quyền” của con người và khó ai có thể cấm người khác không được phép hoảng sợ. Điều cần phải làm là phải có những động thái cụ thể để sự hoảng sợ kia không hình thành và tạo dựng niềm tin tuyệt đối trong lòng quần chúng.

Việc Hà Nội cấp phát nhu yếu phẩm cho 195 người bị cách ly ở khu vực Trúc Bạch là một trong những hành động để tạo dựng niềm tin như thế. Hoặc một ví dụ khác, là phát biểu của Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, đại ý rằng “phải công bố giả sử có dịch xảy ra ở khu vực nào đó thì toàn bộ khu vực đó thành phố sẽ lo lương thực thực phẩm miễn phí. Không đến mức độ không có hàng hoá. Phải tuyên bố với dân để dân không phải lo việc đó mà lo cái việc phòng ngừa dịch bệnh đi. Chúng ta huy động được cơ mà. UBND huy động một cái là cả chục tàu mì gói, cả chục tàu gạo cập cảng Hải Phòng ngay chứ”. Tuyên bố này đã làm rất nhiều người dân Hải Phòng cảm thấy an tâm, phấn khởi và hưởng ứng mạnh mẽ.

Cần hơn nữa là sự tham gia của các thành phần khác trong xã hội, mà đặc biệt nhất trong tình hình hiện nay chính là các chuỗi bán lẻ, các mạng lưới bán lẻ. Chỉ có họ mới có thể chung tay cùng chính quyền tạo niềm tin ổn định trong quần chúng mà thôi.

Mới đây, một hệ thống siêu thị (xin không nêu tên) đã có thông báo rộng rãi ở các chung cư mà họ đặt cửa hàng về hạn ngạch mua lương thực thực phẩm cho mỗi người. Họi quy định mỗi người mỗi ngày chỉ nên mua tối đa bao nhiêu nhu yếu phẩm. Họ cam kết: “Ngày nào chúng tôi cũng nhập đủ số lượng về cung ứng. Bà con cứ an tâm ngày nào mua dùng ngày đó cho tươi mới. Nếu cần, bà con cứ để lại số điện thoại, địa chỉ phòng ở chung cư, chúng tôi mang lên tận nơi”.

Thông báo này đã khiến nhiều hộ dân ở những chung cư an tâm hơn, không còn tình trạng tranh mua tích trữ gây hoảng loạn. Chống dịch như chống giặc. Chống dịch cần bình tĩnh, cần những hành động cụ thể của mỗi người. Nó tạo cho bản thân sự bình tâm. Nó cũng là một đóng góp, dù nhỏ, cho công tác chống dịch đang trong giai đoạn khó khăn và thách thức nhất của cả nước.

Văn Đoàn
.
.