Biên giới trong lòng mỗi người

Thứ Năm, 09/03/2017, 08:15
Bâng quơ cầm tờ lịch mới xé, tôi chợt nhận ra rằng ngày 3-3 là ngày Biên phòng, và từ đó cũng được biết, tháng Ba chính là tháng Biên phòng. Mỗi năm chúng ta có rất nhiều ngày kỷ niệm, cho nhiều ngành, nghề khác nhau, và chúng ta có thể dễ dàng nhớ đến những ngày kỷ niệm khác của những ngành nghề gần gụi với mình mà quên bẵng đi rằng, những người làm nhiệm vụ bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ, những người làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh nơi biên ải xa xôi cũng có ngày riêng của họ. Phải chăng, vì biên cương lúc nào cũng ở quá xa? 


Và chợt nghĩ về những đường biên, về cái xa xôi của nó, tôi chợt nhận ra rằng, ở thời đại toàn cầu hoá này, phải chăng đường biên lúc nào cũng ở xa như mặc định chúng ta nghĩ và phải chăng biên phòng chỉ là nhiệm vụ đơn thuần của những người trong đồng phục lực lượng quân đội và công an mà thôi? Dường như chúng ta đang phó mặc đường biên ấy cho họ, những người lúc nào cũng thầm lặng và "xa xôi" trong chính quan niệm riêng của mỗi con người?

Sẽ rất đơn giản nếu chúng ta quay trở về với thời kỳ xa xưa bằng sự mường tượng, với những người trấn biên cô đơn giữa những núi rừng trập trùng và heo hút. Nhưng hôm nay, thời đại đã khác, biên cương lại là nơi rộn ràng nhất với rất nhiều hoạt động giao thương qua lại, và bởi thế, biên cương cũng là nơi phức tạp nhất, nhiệm vụ biên phòng là nhiệm vụ khó khăn nhất mà chính mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm gánh vác tùy theo nghề nghiệp, kiến thức và kinh nghiệm của riêng mình.

CBCS Đồn Biên phòng Hoành Mô (Bình Liêu) cùng đội dân quân xã Hoành Mô đi tuần tra biên giới.

Một ví dụ đơn giản, nhưng thiết thực và đang nóng hổi, đủ để chúng ta cảm nhận được rằng, nhiệm vụ an ninh trấn biên kia không của riêng lực lượng quân đội hay công an. Đó chính là sự bùng phát của đợt cúm gia cầm mới, với chủng virus type AH7N9. Một đồng nghiệp đáng kính của tôi có nói rằng "mỗi ngày 30 người chết vì tai nạn giao thông nghe sẽ không kinh hãi bằng mỗi ngày chỉ có 1/3 số người ấy chết vì cúm gia cầm. Bệnh dịch là thứ kinh hoàng lắm".

Vâng, nếu biên phòng chỉ là đảm bảo vẹn toàn đường biên, đảm bảo an ninh trật tự giao thương vùng biên thì chưa đủ. Những người chịu trách nhiệm trong ngành vệ sinh dịch tễ cũng cần phải có mặt ở đó, để bảo vệ một đường biên vô hình, để tạo ra một rào cản hữu hiệu không cho những mầm bệnh lan truyền vào nội địa. Chính những thứ mầm bệnh ấy mới là một thứ ngoại xâm nguy hiểm nhất, rình rập mỗi ngày, đe doạ an nguy của đồng bào, đe doạ cả một nền kinh tế đang gồng mình tìm con đường phát triển.

Và biên giới cũng không chỉ ở những nơi xa xôi kia, biên giới còn ở ngay trong lòng mỗi con người, nếu chúng ta mở rộng khái niệm ra thêm ở những lĩnh vực khác, đặc biệt là văn hoá xã hội. Tôi thấy rất thú vị với hình ảnh món quà đặc biệt mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng  Nhật Hoàng và Hoàng hậu của ngài. Đó là phiên bản của "bảo vật quốc gia - tượng phật Adiđà ở chùa Phật tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh". 

Tượng Phật Adiđà từ đời Lý vẫn được coi là chuẩn mực của mỹ thuật truyền thống Việt Nam, với những đường nét thanh thoát, thuần Việt. Chọn tượng Phật Adiđà làm nguyên mẫu để đúc một phiên bản nhỏ hơn làm quà, đó chính là cách tự hào với bản sắc văn hoá dân tộc đầy ý nhị. Nếu trong lòng mình không tồn tại một biên giới phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa văn hoá Việt với văn hoá ngoại lai, chắc chắn ta sẽ bỏ quên rất nhiều giá trị cốt lõi, thứ tạo ra định tính dân tộc.

Món qùa ấy làm tôi nghĩ đến việc chính mỗi người phải tạo ra một biên giới văn hóa trong lòng mình, để trước làn sóng du nhập văn hoá ngoại lai mạnh mẽ qua youtube, facebook, instagram… hôm nay, ta vẫn vững vàng và tự hào mình chính là người Việt, với những khác biệt thú vị trong mắt bạn bè quốc tế.

Và ở những ngày đầu tiên của tháng Biên phòng này, có lẽ mỗi chúng ta cũng cần tự ý thức được về khái niệm rộng hơn của biên giới, để ngoài việc tri ân những chiến sỹ ở biên cương, hải đảo xa xôi, chúng ta cũng tự đảm lãnh trách nhiệm của mình để bảo vệ quê hương trước những "ngoại xâm" vô hình đang cố gắng len lỏi vào trong chính chúng ta mỗi ngày.

Hà Quang Minh
.
.