Biên đạo múa Lê Vũ Long: Tạo ra một cách nhìn thế giới

Thứ Tư, 26/10/2005, 08:50

Làm nghệ thuật đương đại, với Long, là phá đi những hình mẫu cũ, có sẵn, những cái xưa nay người ta quen đến mức chúng trở thành các biểu tượng.

Khó tính, khắt khe, cẩn thận là những phẩm chất của một người làm nghề nghiêm túc, Long đều có cả. Đổ mồ hôi trên sàn tập nhiều năm nay để theo đuổi loại hình nghệ thuật mới, các vở diễn của Long có thể nói bước đầu đã tạo được dư âm tốt trong lòng công chúng. Người ta quen tên anh, ấn tượng về anh, các vở diễn của anh dàn dựng đã trình diễn nhiều nơi trong nước và cả ở nước ngoài.

Trong tinh thần của Lê Vũ Long, đương đại là một khái niệm khác với hiện đại. Những tiêu chí này ngay cả người trong nghề cũng nhiều khi nhầm lẫn. Làm nghệ thuật đương đại, với Long, là ý thức phá đi những hình mẫu cũ, có sẵn, những cái xưa nay người ta quen đến mức chúng trở thành các biểu tượng (chứ chưa chắc đã phải là chuẩn mực).  Ví dụ, trong múa, xưa nay người ta hay quen với những hình ảnh ước lệ nhàm chán trong tạo hình như chú bộ đội thì mặc áo quần bộ đội, người mẹ thì giơ tay cao...

Múa đương đại muốn khước từ những ước lệ ấy để thay bằng một ngôn ngữ khác, để tạo ra một mức độ lớn hơn, sâu sắc hơn trong hiệu quả thẩm mỹ mà khán giả thu nạp được. Yếu tố tác giả trong múa đương đại luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Thông qua một cái tôi cụ thể của tác giả, khán giả sẽ nhìn thấy chuyển động của xã hội, và có tác động trực tiếp đến đời sống ngay cả sau khi vở diễn đã khép lại. Mỗi người sẽ có quyền hiểu tác phẩm theo cách riêng của mình, nhưng “cái cách riêng” đó chỉ có thể có được khi người xem chủ động hòa mình vào tác phẩm, chủ động lắng nghe và rung cảm.

Không bó buộc trong bất cứ chất liệu nào, các vở diễn của Long hoàn toàn có thể sử dụng các ngôn ngữ cổ điển, hiện đại hay hậu hiện đại, tuỳ thuộc vào chính câu chuyện mà anh định kể. Theo Long, khán giả khi đến với nghệ thuật múa đương đại cần phải học cách hiểu một loại hình nghệ thuật mới. Vì nghệ thuật là thứ “đánh” vào phần sâu kín hơn trong tâm hồn của mỗi con người nên rung cảm của mỗi cá nhân là khác nhau. Tâm thế của người xem sẽ quyết định cách nhìn của họ.

Cảnh trong vở múa "Nơi đến" của lê Vũ Long.

Có người thích “xem” hơn là “thưởng thức” nghệ thuật. Nhưng, chỉ có “thưởng thức” nghệ thuật đúng nghĩa mới giúp mỗi cá nhân phá bỏ các rào cản, thậm chí là định kiến trong tâm lý để tiếp nhận tác phẩm một cách vô tư nhất, thả lỏng hoàn toàn cảm xúc của mình để giao hòa với nghệ thuật. Theo Lê Vũ Long, sự ham muốn của khán giả khi đến thưởng thức tác phẩm cũng là một phần của múa đương đại. Nếu tâm lý thưởng thức nghệ thuật của ai đó thụ động, rất khó để có thể cảm nhận tác phẩm.

Đoàn múa dành cho các diễn viên khiếm thính của Lê Vũ Long được thành lập và đã đi biểu diễn ở nhiều nơi. Ở đâu Long và các đồng sự của anh cũng được chào đón. Long tâm sự: “Tôi không thấy những người khiếm thính là bất bình thường. Họ chỉ không nghe được thôi, còn về suy nghĩ, về tư tưởng, họ như chúng ta, đấy là chưa kể nhiều người bình thường không thể bằng họ. Chúng ta không nên tạo ra rào cản để nhìn họ. Tôi không thích đề trên băng rôn họ là những người khiếm thính. Trong nhiều trường hợp, tôi không muốn khán giả biết họ là những người khiếm thính”.

Còn âm nhạc, vốn là thứ sẵn có trong trái tim của mỗi con người. Khi bạn múa bằng chính thứ âm nhạc ngân lên trong trái tim của bạn thì có nghĩa là các động tác cơ thể bạn đã khớp với âm nhạc của cuộc đời rồi. Vở múa đầu tiên Long dàn dựng với những người khiếm thính là vở “Nơi đến” đã gây ra một sự ngạc nhiên thú vị cho người xem. Gần đây, vở “Chuyện của chúng mình” tiếp tục tạo thêm một ấn tượng mới, sắc nét về tài năng, bản lĩnh nghệ sĩ của Long. “Chuyện của chúng mình” đã được công diễn ở Hà Nội và trong tháng 9 vừa qua ở nhiều nơi như Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn...

Lê Vũ Long kể rằng, anh đã tìm kiếm những người khiếm thị trong những “ngóc ngách” của đời sống. Anh nói chuyện về những thứ xảy ra xung quanh với họ bằng một ngôn ngữ riêng, nhằm mục đích duy nhất là “hai bên” hoàn toàn có thể hiểu biết được nhau. Trong giao tiếp, lời nói chỉ là một thứ ngôn ngữ, và đôi khi, chưa chắc đã phải là ngôn ngữ tối ưu nhất. Có một thứ ngôn ngữ khác mà người ta dễ dàng hiểu nhau hơn, đó là ngôn ngữ cơ thể. Chính là múa, với những chuyển động của người nghệ sĩ, đã chuyển tải những câu chuyện, những cảm xúc, những thông điệp đẹp đẽ tới khán giả.

Bận rộn, hăng say trên con đường khai phá hình thức nghệ thuật mới, với ý thức tạo ra cái truyền thống, cái cổ điển cho mai sau, Lê Vũ Long đang xác định một tâm thế độc lập (chứ không hề đơn độc) cho mình. Luôn chủ động tìm đến với khán giả, cống hiến cho họ tâm sức của mình, Long luôn mong muốn mình sẽ được đền đáp bằng chính sự sẻ chia của khán giả

Bình Nguyên Trang
.
.