Bia đá và bia miệng

Thứ Năm, 19/09/2019, 07:24
Tới thăm các khu di tích lịch sử, văn hóa, du khách thường bắt gặp những bảng tên, những tấm bia đá tạc ngay ngắn được đặt trang trọng dưới mỗi cái cây, trên đó có ghi đầy đủ, rõ ràng tên tuổi, chức danh các vị lãnh đạo cao cấp. Dường như việc các quan chức, lãnh đạo cấp cao đến thăm quan và trồng cây lưu niệm là một trong những "vinh dự" lớn của nơi đó.


Việc trồng cây lưu niệm là việc hết sức bình thường của các lãnh đạo trên khắp thế giới, không riêng gì ở Việt Nam ta. Nhưng ở ta có hai hình thức: Một là: Trồng cây đầu xuân mang thông điệp rất rõ ràng, là để khuyến khích mọi người dân trồng cây, gây rừng để cải thiện môi trường sống, là làm đẹp thêm cho đời…

Hai là, việc trồng cây lưu niệm không truyền tải thông điệp gì, mà chỉ là mong muốn của cá nhân ghi dấu ấn của riêng họ chứ không phải để cổ vũ, động viên phong trào trồng cây để "làm cho đất nước càng ngày càng xuân" như ý thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những người trồng cây phải nghĩ họ trồng  cái cây đó không phải để cho họ, mà họ trồng cho con, cháu đời sau và thế hệ tương lai khi đến các khu di tích, thăm những công trình lịch sử, văn hóa, có một môi trường xanh, mát. Đồng thời, sẽ hiểu rõ thêm không phải ai cũng có vinh dự được trồng cây tại nơi này và khi họ nhìn những tấm biển đá khắc tên của người trồng cây, sẽ hình dung được chân dung, cuộc đời, sự nghiệp của một con người, gắn với những cống hiến, đóng góp của họ cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, rồi mỗi người tự rút ra những bài học cho riêng mình.

Tuy nhiên, không chỉ ở khu Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng tại phường An Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và khu Di tích Bạch Đằng giang ở Tràng Kênh, thành phố Hải Phòng, nhiều du khách thắc mắc vì trong một hàng cây có gắn biển tên các vị lãnh đạo trồng lưu niệm, lại có cây không có biển tên? Tìm hiểu ra mới biết, đó là những cây do các đồng chí trước kia là Ủy viên Bộ Chính trị; Uỷ viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng; Thứ trưởng… và có cả cây do Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trồng… nhưng do các đồng chí này bị kỷ luật, bị cách tất cả cách chức vụ, danh hiệu nên Ban Quản lý di tích đã phải dỡ bỏ biển tên đi.

Lễ phát động trồng cây đầu xuân tại huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh (ảnh có tính chất minh họa)

Xung quanh số phận những cái cây đó, cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Người thì bảo chặt béng đi cho rồi, nhưng tự ý chặt cây là vi phạm pháp luật, phải bồi thường thiệt hại, nặng hơn có thể bị xử lý hình sự và thực ra thì cái cây đâu có tội tình gì mà phải triệt hạ nó. Ý kiến khác thì cho rằng, cần phải chuyển nó đi chỗ khác, nhưng chuyển thì cũng phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền, rồi còn đợi có đồng chí lãnh đạo nào đó về thăm, trồng một cây lưu niệm khác thì lúc ấy mới chuyển, chứ không tự dưng cả hàng cây đang đẹp đẽ như thế mà chuyển một cây đi sẽ  "hổng" ra một chỗ, cũng khó coi; bên cạnh đó, chuyển cây cũng phải tốn một khoản kinh phí tương đối, vì nó đã quá to… Tóm lại là không thể để nó tồn tại ở vị trí đó được, tiếp tục nghiên cứu phương án để xử lý…

Trông cây lại nhớ tới người trồng, dù không nói ra nhưng nhiều người nuối tiếc, rất buồn vì có những cán bộ bao năm cống hiến trí tuệ, công sức, có người còn lập được chiến công oai hùng, có những người đã được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước... Vậy mà họ lại bị những đồng tiền, những viên đạn bọc đường làm cho gục ngã, xót xa lắm khi có người mới cầm sổ hưu lại vướng vào lao lý.

Dưới những gốc cây kia, những tấm bia đá cứng chắc, rồi thời gian trôi qua cũng sẽ bị bào mòn và tên, tuổi cũng hoen mờ theo năm tháng. Nhưng có những sự việc, những tên tuổi của những con người không ai khắc tên, không ghi vào bia đá, mà việc ấy, những con người ấy vẫn được truyền tụng từ đời này sang đời khác.

Lời nhắc nhở trong câu ca dao xưa thật quý vô ngần "Trăm năm bia đá thì mòn/ Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ". Chúng ta cần phải sống sao cho đúng đạo làm người, đừng vì vật chất xa hoa làm hoen ố danh dự của mình, bởi "tiếng lành đồn xa" và "tiếng dữ cũng đồn xa", phải sống đẹp, sao cho tiếng thơm vẫn còn mãi về sau, đã làm điều xấu thì không thể tránh khỏi miệng đời mai mỉa.

Cù Tất Dũng
.
.