Bênh vực như vậy có khách quan?

Thứ Tư, 14/08/2013, 08:01

Những ngày gần đây, trên nhiều tờ báo chính thống trong nước, bạn yêu văn học đã liên tiếp được đọc những bài viết phê phán nội dung bản luận văn "Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa" (xin được gọi tắt là VTCKBL) cũng như động cơ chính trị của tác giả - Thạc sĩ Đỗ Thị Thoan (còn có bút hiệu Nhã Thuyên). Thạc sĩ Đỗ Thị Thoan hiện còn rất trẻ, mới 27 tuổi. VTCKBL là luận văn cao học được cô bảo vệ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cách đây 3 năm và đã được các thầy cô trong hội đồng cho điểm tuyệt đối:10/10.

Mục đích chính của tác giả bài viết này không phải để trao đổi, tranh luận với tác giả Đỗ Thị Thoan. Thiết nghĩ, Đỗ Thị Thoan đã có cả một hệ thống quan điểm trước khi bắt tay vào nghiên cứu, khảo sát một nhóm thơ từng gọi các sáng tác của mình là "thơ rác", "thơ dơ", "thơ nghĩa địa" và từng bị hệ thống truyền thông trong nước chỉ trích dữ dội từ hơn 10 năm trước (chính xác là từ năm 2002). Đỗ Thị Thoan từng tâm sự rằng: "Cho đến giờ, với tôi, Mở Miệng là những người bạn: Tôi được nhận những tập thơ họ mới xuất bản, chia sẻ những tin tức về họ, tôi đã đọc các ẩn phẩm thơ của Mở Miệng từ tập thơ photo đầu tiên tới tập mới nhất, ngoài một đôi tập không thể tìm được nữa sau các đợt thẩm tra của công an văn hóa" - một người chủ động trong công việc như vậy ắt không chọn đề tài một cách ngẫu nhiên mà đã có sự chuẩn bị, nung nấu nhiều năm. Điều ấy có nghĩa là, việc trao đổi, tranh luận với "họ" (tức tác giả Đỗ Thị Thoan) gần như sẽ rất ít tác dụng, trước nhất là với mục đích làm cho "họ" nhận thức lại. Bởi hai bên hoàn toàn khác "kênh" nhau thì trao đổi làm sao? Chính vì ý nghĩ ấy nên đối tượng tôi muốn trao đổi trong bài viết này không phải là tác giả Đỗ Thị Thoan. Và nếu phải nói điều gì đó với Đỗ Thị Thoan thì điều tôi lấy làm tiếc chính là: Trong khi có những chỗ, về mặt lý thuyết, tác giả tỏ ra khá nghiêm khắc và đúng đắn khi cho rằng, thơ ca đích thực không đồng nghĩa với thơ ca bất đồng chính kiến (trong luận văn, Đỗ Thị Thoan viết: "các hiện tượng thơ bất đồng chính kiến ở Việt Nam thường bị quy giảm thành thơ phản kháng chính trị, điều (được cho là) hấp dẫn dư luận bên ngoài và được chú ý khai thác nhiều hơn, trong khi những tra vấn về các vấn đề mỹ học của thơ ca có thể bị giảm thiểu hoặc có vị trí yếu hơn"), thì trong bản luận văn tai tiếng nói trên, tác giả lại chọn đối tượng nghiên cứu là một nhóm thơ có hệ mỹ học rất thấp kém. Việc một nữ tác giả đi sâu nghiên cứu, không ít chỗ đã tỏ ra "hào phóng" khi đưa dẫn những đoạn thơ "minh họa" có nội dung hết sức dung tục, bậy bạ, những câu chữ mà bất kỳ người bình thường nào đọc lên cũng phải đỏ mặt, thì thử hỏi, việc tác giả yêu cầu phải chú trọng hơn nữa tới "vấn đề mỹ học của thơ", nghe có lọt tai không?

Nhưng thôi, như đã nói ở trên, tôi xin không đề cập tới nội dung bản luận văn của Thạc sĩ Đỗ Thị Thoan cùng chỗ đúng, chỗ sai của nó (việc này các báo đã nói nhiều và hầu như mọi người cũng "thấy" cả rồi). Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, tôi chỉ xin có một đôi ý kiến trao đổi lại cùng những người đã và đang mắm môi mắm lợi cổ súy cho Đỗ Thị Thoan và bản luận văn của cô.

Bìa tập luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan (ảnh trái) và một số trang báo phản ứng với luận văn của cô.

Trong bài viết "Cuộc phê phán luận văn của Đỗ Thị Thoan hay là sự xung đột về khung tri thức và thế hệ?", một vị giáo sư - tiến sĩ từng công tác trong ngành Giáo dục đã cho rằng, việc phê phán luận văn VTCKBL của cô giáo trẻ Đỗ Thị Thoan là biểu hiện của sự xung đột về thế hệ. Ông giáo sư - tiến sĩ này đã khá hàm hồ khi đưa ra kết luận, rằng các tác giả tham gia phê phán luận văn VTCKBL "đều thuộc thế hệ trước", trong khi "Sự khác biệt thế hệ khó hiểu nhau, thế hệ mới nói những điều mà thế hệ trước khó hoặc không thể hiểu được, thế là xảy ra xung đột đã làm tóe lửa, tạo thành đám cháy lớn trên văn đàn và thiệt hại cho các cá nhân hữu quan". Có thật là việc phê phán luận văn của tác giả Đỗ Thị Thoan xuất phát từ việc "thế hệ trước khó hoặc không thể hiểu được" điều "thế hệ mới" nói không? Có gì mà không hiểu, thưa giáo sư - tiến sĩ khả kính. Thơ của nhóm Mở Miệng nhiều chỗ… "Trần Văn Truồng" ra như thế, có gì mà khó hiểu! Vấn đề là các nhà phê bình, nghiên cứu "thế hệ trước" họ không muốn và không thể chấp nhận được. Vả chăng, đâu chỉ riêng "thế hệ trước" là không chấp nhận điều này. Ai dám khẳng định các độc giả thế hệ sau không như vậy? Im lặng đâu phải là đồng ý? Thì hãy thử đặt câu hỏi xem trong số các bạn đọc trẻ hiện nay, có mấy người biết đến và quan tâm tới những cái gọi là "thơ" của nhóm Mở Miệng hay không?

Một nhà văn từng có thời kỳ làm tổng biên tập một tờ báo văn chương, trong bài viết "Hy vọng gì…" được tải trên một số trang web cách đây ít ngày đã có những lời bênh vực tác giả luận văn VTCKBL khá sỗ sàng: "chỉ mới một hiện tượng hơi lạ như vậy, bàn về một hiện tượng hơi lạ như vậy, mà đã hô hoán cháy nhà um cả lên, rồi ngang nhiên trừng trị, cách chức..., thì liệu còn hy vọng chút gì thoát ra khỏi ao tù nữa". Chưa nói nội dung ông nhà văn này đề cập (về cái gọi là "ngang nhiên trừng trị, cách chức…") đến thời điểm này có chuẩn xác hay không, thì nội việc ông bảo, việc làm của tác giả VTCKBL là một cách để ta thoát ra khỏi "ao tù", là một cách nói hơi buồn cười. Làm sao chúng ta, nói rộng ra là dân tộc ta, hy vọng thoát khỏi "ao tù" (nếu có - như ông nhà văn nói) theo cách của tác giả Đỗ Thị Thoan, ấy là tôn vinh một nhóm thơ với đầy rẫy những thứ "dơ", "rác", bẩn tưởi ném vào bàn dân thiên hạ như nhóm Mở Miệng? Vả chăng, nói việc phê phán luận văn của tác giả Đỗ Thị Thoan là "hô hoán cháy nhà um cả lên" cũng là một cách nói không thực sự cầu thị. Nếu coi việc tác giả Đỗ Thị Thoan nghiên cứu, làm luận văn về nhóm thơ Mở Miệng là một việc làm bình thường, là quyền của cô thì sao không nghĩ, việc phê bình lại bản luận văn nói trên cũng là một việc làm bình thường, thể hiện sự dân chủ trong sinh hoạt học thuật? Xin ông nhà văn hãy cùng nhớ lại, thời ông làm tổng biên tập báo cách đây hơn hai mươi năm, chẳng đã xảy chuyện: Một độc giả cao tuổi chỉ vì nêu nhận xét khác với quan điểm của ông (về một bài viết của một tác giả in trên tờ báo ông phụ trách), vậy là ông tổ chức cho "đánh hội đồng" trên mấy số báo liền, khiến người "bất đồng chính kiến" với ông phải… hãi hùng, sợ bằng chết, và bản thân một số người tham gia "đánh hội đồng" sau đó cũng đã thừa nhận rằng "làm như vậy là…quá".

Ông Nguyễn Hưng Quốc, người được trích dẫn ít nhiều trong VTCKBL, trong một bài viết được tải trên trang web tiếng Việt của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ngày 31-7 vừa qua, cũng đã có những ý kiến bênh vực khiên cưỡng, bất chấp sự thật đối với tác giả Đỗ Thị Thoan. Tác giả này cho rằng: "Từ lâu, nhà cầm quyền chắc không thích gì nhóm Mở Miệng, nhưng họ không làm gì vì có thể họ cho đó chỉ là những trò nghịch ngợm vô hại của những nhà thơ tuổi trẻ ngổ ngáo. Bây giờ, khi nhìn thấy họ trở thành đề tài nghiên cứu trong đại học, có thể giới tuyên huấn mới giật mình". Thật ra, nếu coi báo chí ở Việt Nam là "công cụ của nhà cầm quyền" - theo cách các tác giả ở hải ngoại hay viết - thì thiết nghĩ, ông Nguyễn Hưng Quốc cần được biết rằng: Ngay từ khi nhóm Mở Miệng cho xuất bản tập "Mở miệng" vào năm 2002, nhiều tờ báo ở Việt Nam đã có bài phê phán hiện tượng mà họ cho là lố lăng, là quái đản, là phản văn hóa ấy (chứ không phải chỉ xem đó là "những trò nghịch ngợm vô hại" thôi đâu). Ngay trong luận văn VTCKBL, tác giả Đỗ Thị Thoan chẳng đã viết rành rành: "Cho đến nay các báo chí trong nước vẫn từ chối các bài viết (có nội dung khen ngợi, biểu dương - TTL) về Mở Miệng". Rõ là, muốn bênh nhau mà chẳng chịu đọc nhau!

Một nữ tiến sĩ được giới thiệu đang giữ cương vị phó giám đốc một trung tâm của Hiệp hội các trường đại học ngoài công lập, trong bài trả lời phỏng vấn được tải trên trang web tiếng Việt của Đài Á châu tự do ngày 27 tháng 7 vừa qua, đã xem những người lên tiếng phê phán bản luận văn của Thạc sĩ Đỗ Thị Thoan là "thiếu khoa học" và "quá cũ kỹ". Ý kiến không được chứng minh một cách thấu đáo của nữ tiến sĩ này cơ bản giống với ý kiến của vị giáo sư - tiến sĩ mà tôi nhắc tới ở phần đầu bài viết. Tuy nhiên, trong khi vị giáo sư - tiến sĩ kia nói cầm chừng: "Giả thử luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan có sai lầm nghiêm trọng chăng nữa thì cũng cho người ta cơ hội để nhận thức và sửa chữa, tương lai của cô còn rất dài, chọn được một người có trình độ học thức để làm giảng viên đại học đâu phải câu chuyện dễ?", thì với nữ tiến sĩ nọ, Thạc sĩ Đỗ Thị Thoan lại là người "không có công thì thôi chứ không có tội tí nào". Riêng về vấn đề liệu có nên để Thạc sĩ Đỗ Thị Thoan tiếp tục đứng trên bục giảng thì ý kiến của nữ tiến sĩ rõ ràng khác với nam tiến sĩ. Bà này cho biết: "Cô Thoan sẽ rất khó quay lại để dạy vì cái nghề dạy nó tác động đến tư tưởng các thế hệ sau…".  Qua nhận xét này, có thể thấy không phải nữ tiến sĩ không nhận ra tính nghiêm trọng của vấn đề, có điều, cũng giống như tác giả Đỗ Thị Thoan, quan điểm của bà có những điểm khác với quan điểm chính thống của đại đa số các thầy cô giáo hiện nay.

Dẫn ra vậy để thấy, cách bênh vực tác giả Đỗ Thị Thoan của các vị "áo cao mũ dài" nói trên xem ra còn bộc lộ nhiều mâu thuẫn, có chỗ - nói như cụ Nguyễn Du trong "Truyện Kiều" - "ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào"

Trần Thiên Lương
.
.