Tản văn

Bệnh rối loạn nhân cách

Thứ Tư, 13/03/2013, 08:01

Người xưa từng dạy: Những kẻ kém cỏi mà ở ngôi cao thì thường có cách hành xử không bình thường. Nhiều khi còn hoang mang, hoảng loạn và thường gây những tác hại không nhỏ cho người khác...

Người ta nói rằng: Một đứa trẻ khi trở thành một ngôi sao nhí của Hollyood có thể có thu nhập lên tới cả triệu USD. Tất nhiên, sự này rất hiếm hoi và trở thành một hiện tượng trong làng điện ảnh Mỹ nói riêng và trong làng điện ảnh thế giới nói chung. Khi ấy, đứa trẻ này rất dễ bị "rối loạn nhân cách". Hay nói một cách khác: Đứa trẻ này tự dưng rất dễ có cách hành xử lung tung, không giống ai. Bởi vì ở tuổi này, đứa trẻ chỉ cần có một vài nghìn USD, thì cũng đã là nhiều và bởi vì ở tuổi này (kể cả ở lứa tuổi lớn hơn), khi sử dụng hoặc tiêu xài vật chất, cũng rất cần có văn hóa. Nói đầy đủ hơn là "văn hóa tiêu tiền".

Đấy là chuyện của một đứa trẻ thành đạt sớm. Còn chuyện của người lớn, nếu rơi vào cảnh ngộ na ná như thế, thì sao?

Câu trả lời là phức tạp hơn nhiều và tai hại hơn nhiều.

Tôi có một người đồng nghiệp thuộc diện học hành không đâu tới đâu. Sau nhiều năm đi xuất khẩu lao động dành được ít mác (tiền Đông Đức cũ), anh bèn chạy chọt vào một tờ báo trong vai trò phóng viên ảnh. Chụp ảnh chưa đâu vào đâu, anh lại chạy chọt để trở thành phóng viên đưa tin, viết bài. Chưa kịp để lại dấu ấn gì trong việc viết lách, anh lại chạy chọt để leo lên chức trưởng phòng. Và khi ngồi với cái nhờ chạy chọt mà có, anh được dịp dạy dỗ mọi người tới nơi tới chốn. Rồi không chịu nổi anh, một số phóng viên trong phòng anh lần lượt bỏ đi.

Có một chuyện mà cho đến giờ, tôi vẫn không hiểu nổi: Một dạo, một vài người trong ban đạo tin, bài của một số tờ báo khác để ăn cắp nhuận bút. Khi có người lên án thì anh bênh vực một cách khó hiểu: Đây chỉ là hiện tượng xã hội hóa tin bài mà thôi.

Khi có người hỏi đùa: Thế một người đàn ông "ăn cắp" tình yêu của một người đàn ông khác, thì có thể quy về hiện tượng xã hội hóa tình yêu được không? Anh tỉnh bơ đáp: "Được chớ".

Nghe anh nói, nhìn vào khuôn mặt có phần ngây ngô và thành thật của anh, nhiều người không khỏi bật cười. Nhưng rồi cũng có một người bảo: "Bỏ qua đi. Anh ta không phải người xấu đâu. Chẳng qua chỉ là người có vấn đề về mặt trình độ mà thôi". Một người khác lại bảo: "Lỗi đó chỉ là một phần. Còn một phần nữa là do anh ta đã được đặt ngồi nhầm chỗ. Lẽ ra, với những gì đã có, anh ta chỉ đảm nhận một chân gác cổng hay tổ phó tổ bảo vệ của cơ quan là vừa tầm".

Tương tự, có ông (hoặc có bà) chỉ nên ngồi vào cái ghế tổ trưởng dân phố là vừa lại ngồi vào cái ghế chủ tịch phường; ngồi vào cái ghế phân xưởng trưởng là vừa lại ngồi vào cái ghế tổng giám đốc; ngồi vào cái ghế chủ tịch xã là vừa lại ngồi vào cái ghế chủ tịch huyện…Có lẽ vì lý do ấy mà có ông có cương vị tương đối trong xã hội, khi đến thăm một trường do Hà Lan giúp kinh phí đầu tư, xây dựng lại kiên quyết nhắc nhở học sinh cần phải nhớ "tình hữu nghị Việt Nam - Ba Lan đời đời bền vững"; khi một cuộc họp mới bắt đầu đã vội vã đọc ngay lời bế mạc…Và cho đến khi bị vặn vẹo thì cãi chầy cãi cối: "Dù là Hà Lan hay Ba Lan thì cũng Lan…Lan cả, dù là khai mạc hay bế mạc thì cũng là mạc…mạc cả. Về cơ bản, tôi nói cũng chưa hẳn đã sai" (!).

Lại có ông, cũng vì bị ngồi nhầm ghế mà mỗi lần ngồi họp giao ban, khi phát biểu một điều gì đấy, thường liên tục quay ra hỏi thuộc cấp một câu hỏi rất thiếu tự tin: "Tôi nói vậy có đúng không hả?".

Người xưa từng dạy: Những kẻ kém cỏi mà ở ngôi cao thì thường có cách hành xử không bình thường. Nhiều khi còn hoang mang, hoảng loạn và thường gây những tác hại không nhỏ cho người khác.

Tôi nêu hiện tượng "rối loạn nhân cách" với một nhà thơ cao tuổi. Nhà thơ cao tuổi cười to: "Rối loạn nhân cách ư? Nghe hơi sang đấy. Theo tớ, làm quái gì có nhân mới cách mà rối với loạn. Phải tìm từ khác mà thay thế vào. Nhưng rối loạn cái gì thì bây giờ, tớ chưa nghĩ ra"

Ngọc Trản
.
.