"Bênh" như vậy là đánh tráo khái niệm

Thứ Năm, 01/05/2014, 08:00
Đọc lại những bài viết phê phán tập luận văn của Đỗ Thị Thoan trên hệ thống báo chí được gọi là "chính thống" của ta, bạn đọc có thể nhận thấy rất rõ một điều: Ngoại trừ một số ít bài viết còn chưa đi sâu vào học thuật, nặng về phê phán mà nhẹ phân tích; từ ngữ đưa ra chưa được cân nhắc, thiếu tinh tế với một tác giả là phụ nữ và tuổi đời còn trẻ, còn thì đa phần đều có cách dẫn chứng chi tiết, rành mạch, với những lập luận thuyết phục, có lý có tình.

Không chỉ Việt Nam mà ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, với nền tảng mỹ học mà nhân loại đã tạo lập được từ nhiều đời nay, chắc chắn không một người đọc nghiêm túc nào lại có thể cất lời ủng hộ và thậm chí là hoan nghênh một lối thơ nhảm nhí, dung tục, bệnh hoạn (mà bản thân người trong cuộc cũng phải gọi là "thơ rác", "thơ dơ", "thơ nghĩa địa") như của nhóm Mở miệng - một nhóm thơ từng xuất hiện tại miền Nam Việt Nam những năm đầu thế kỷ. Ấy vậy mà, tại một trung tâm giáo dục có bề dày truyền thống là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã có một nghiên cứu sinh tuổi đời còn rất trẻ đứng ra làm cả một công trình nghiên cứu với những đánh giá trọng thị về nhóm thơ này, để rồi, thật bất ngờ, luận văn thạc sĩ của cô đã được tất cả các thành viên trong hội đồng chấm luận văn nhất trí thông qua với số điểm tuyệt đối: 10/10. Đó là lý do để Đỗ Thị Thoan (bút hiệu Nhã Thuyên) - tác giả bản luận văn đầy tai tiếng nói trên phải nhận về mình những lời phê phán của báo giới trong gần một năm qua. Ngày 27/3 vừa qua, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã mời Đỗ Thị Thoan đến nhận các quyết định thu hồi bằng và hủy luận văn thạc sĩ của cô.

Sự việc ngỡ đã ắng đi, lại thêm lần rộ lên. Trên báo "lề trái" và một số trang mạng cá nhân, đã có những ý kiến róng riết bảo vệ Đỗ Thị Thoan và bản luận văn của cô. Những người này tuy chưa phải nhiều song họ đã tạo nên một bầu không khí "ồn ào" bởi thái độ quyết liệt - bảo vệ bằng mọi giá, không đếm xỉa gì tới những dẫn chứng, những lý lẽ mà các báo "lề phải" đã đưa ra để phê phán bản luận văn của Đỗ Thị Thoan. Không những vậy, bằng một số thủ thuật quen thuộc, họ còn khiến những độc giả không theo dõi vụ việc "có đầu có đũa" ngỡ rằng các cơ quan chức năng của chúng ta đã có những hành xử thô bạo, "chính trị hóa" một vấn đề thuần túy mang yếu tố khoa học.

Trước hết, họ đã tìm cách đánh tráo khái niệm, lập lờ để độc giả hiểu ra là: Tác giả Đỗ Thị Thoan sở dĩ bị phê phán vì cô đã "dám" nghiên cứu những sáng tác của một nhóm thơ từng bị lên án là dung tục. Và sự phê phán ấy là phản khoa học, vì người làm khoa học có thể nghiên cứu bất kỳ đối tượng nào, dù tốt hay xấu. Hãy nghe một tác giả đã bảo vệ Đỗ Thị Thoan bằng lập luận: "Bộ phận sinh dục của con người có thể bị xem là một cái gì đó thô tục và cấm kỵ, nhưng đối với một bác sĩ thì nó chỉ là một bộ phận trên cơ thể mà chúng ta cần hiểu rõ, với một cái nhìn khách quan, khoa học". Tác giả này chí ít đã không trung thực trong tranh luận học thuật, bởi đọc luận văn của Đỗ Thị Thoan, ai cũng thấy cô không chỉ nghiên cứu nhóm thơ Mở miệng một cách "khách quan" như thể "nó thế nào nói thế ấy" mà không ít chỗ, cô còn lên tiếng bênh vực, bảo vệ nó (cho dù đi kèm với đó là những câu thơ mà khi đọc lên, nhiều người phải đỏ mặt).

Bìa tập luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan (ảnh trái) và một số trang báo phản ứng với luận văn của cô.

Báo chí phê phán Đỗ Thị Thoan phần nhiều là phê phán ở điểm ấy, tức là phê phán thái độ sai lệch của cô với đối tượng mà cô nghiên cứu. Còn so sánh việc tác giả Đỗ Thị Thoan nghiên cứu nhóm thơ Mở miệng với việc một bác sĩ nghiên cứu một bộ phận nào đó trên cơ thể người là một sự so sánh hoàn toàn khập khiễng.

Trước nhất, Đỗ Thị Thoan nghiên cứu nhóm thơ Mở miệng không phải để đem lại cho độc giả một cái nhìn trong trẻo, lành mạnh, góp phần tôn vinh vẻ đẹp thi ca và cuộc sống, trong khi với các bác sĩ - một khi họ cần nghiên cứu, tìm hiểu một bộ phận nào đó trên cơ thể con người thì đó cũng là để góp phần vào việc đưa ra những liệu pháp nhằm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người tốt hơn (ở đây, thiết nghĩ cũng cần nói thêm, không ai cho rằng bộ phận sinh dục của con người là một cái gì đó "thô tục và cấm kỵ" cả. Nó chỉ trở nên thô tục và bị cấm kỵ bởi cách đề cập, sử dụng không đúng nơi đúng chỗ của ai đó mà thôi).

Một điều không thể không nói đến: Quyết tâm bênh vực Đỗ Thị Thoan tới cùng, đã có không ít tác giả "cãi cự" rằng, việc Đỗ Thị Thoan thích những câu thơ của nhóm Mở miệng hay của một nhóm thơ nào đó là quyền của cô, là việc riêng của cô, và đó là quyền "bất khả xâm phạm", không ai được phép can thiệp. Từ đó, họ dẫn người đọc tới một ý nghĩ: Đỗ Thị Thoan đã bị vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tư tưởng. Đúng là, tư tưởng của một con người, dù có hợp hay không hợp với chế độ chính trị hiện hành thì cũng cần được xem là điều bình thường, và nên xử sự bình đẳng.

Cũng vậy, việc Đỗ Thị Thoan thích điều này điều khác và tự do thể hiện điều ấy trong "cõi riêng" của cô, kể cả trong bản luận văn nói trên hoàn toàn là việc riêng của cô, chắc sẽ chẳng ai hơi đâu can thiệp. Song việc bản luận văn ấy được thông qua tại một trường đại học quốc lập có uy tín lớn trong hệ thống các trường của nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, lại được điểm tuyệt đối 10/10 thì vấn đề không còn là chuyện bình thường và chuyện của riêng ai nữa rồi. Ấy là chưa nói tới việc sau đó, bản luận văn còn được phổ biến rộng rãi trên mạng internet.

Đọc lại những bài viết phê phán tập luận văn của Đỗ Thị Thoan trên hệ thống báo chí được gọi là "chính thống" của ta, bạn đọc có thể nhận thấy rất rõ một điều: Ngoại trừ một số ít bài viết còn chưa đi sâu vào học thuật, nặng về phê phán mà nhẹ phân tích; từ ngữ đưa ra chưa được cân nhắc, thiếu tinh tế với một tác giả là phụ nữ và tuổi đời còn trẻ, còn thì đa phần đều có cách dẫn chứng chi tiết, rành mạch, với những lập luận thuyết phục, có lý có tình.

Bài viết gần đây nhất: "Họ đâu cần quan tâm tới khoa học…" được tải trên Báo Nhân dân điện tử ngày 15/4/2014 là một bài viết như vậy. Ngay từ cách đặt tít, các tác giả Trần Việt Quang - Hồ Ngọc Thắng đã thể hiện một thái độ lịch thiệp đối với người mình cần đối thoại, tôn trọng tính khoa học trong tranh luận học thuật. Và, đúng như những điều mà các tác giả này nhận định ngay từ đoạn mở đầu bài viết "Sau khi có thông tin về việc Trường Đại học

Sư phạm Hà Nội lập Hội đồng thẩm định luận văn Thạc sĩ khoa học Ngữ văn, quyết định thu hồi bằng, hủy luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan, một số người lại tiếp tục lên tiếng bênh vực tác giả luận văn và bác bỏ kết luận của Hội đồng thẩm định. Tuy nhiên, họ không đưa ra được bất kỳ luận chứng nào về mặt khoa học, mà chỉ bác bỏ bằng cảm tính hoặc "chính trị hóa" vấn đề", sau khi Báo Nhân dân cho đăng bài viết, chủ nhân một số trang web đã và đang nỗ lực kích động dư luận "bảo vệ Đỗ Thị Thoan" đã dẫn lại. Tuy nhiên, thay vì đưa ra những dẫn chứng chân xác và những lý lẽ thuyết phục, họ lại thóa mạ các tác giả bằng cách nói trùm lấp, kiểu như "Sáng nay, Báo Nhân dân đã có một bài viết như thách thức các "bị hại" và giới học thuật…", "điển hình là tờ Nhân dân này, nơi chính họ luôn bịt miệng đối thủ để tha hồ chửi bới…". Đối chiếu hai bài viết nói trên, người đọc có thể thấy rõ đâu là tranh luận học thuật, đâu là lu loa chửi bới, nói năng trùm lấp, vô lối, bất chấp sự thật…

Nhân đây cũng cần nói thêm: Xung quanh vụ việc của tác giả Đỗ Thị Thoan, hiện không phải không có người (thuộc thành phần cán bộ nhà nước) cho rằng, với bản luận văn này, chúng ta nên "lờ" đi, không nên làm to chuyện; làm vậy là vô tình "nối giáo cho giặc", càng khiến độc giả chú ý, tìm đến với bản luận văn nhiều hơn. Đã có người liên hệ với việc cơ quan chức năng ra quyết định thu hồi một cuốn sách có nội dung xấu, cho rằng làm thế càng khiến cuốn sách được tìm đọc nhiều hơn, dễ bị in lậu hơn.

Theo quan điểm của tôi thì chúng ta cần phải thay đổi cách nhìn nhận kiểu này. Cần nhớ rằng, trong thời đại internet, không gì có thể mãi bưng bít được độc giả. Vấn đề là, một khi "anh" đã là cơ quan quản lý nhà nước, là đại diện cho chính quyền, cho "hệ chính thống" thì trước một hành động, một việc làm… trái với những hệ tiêu chuẩn đã được luật hóa, trái với nền tảng tinh thần của xã hội thì dứt khoát "anh" phải vào cuộc, phải thể hiện rõ quan điểm của mình cũng như phải có biện pháp xử lý để định hướng dư luận. Còn một khi đã là tranh luận học thuật, chúng ta cần xác định: Đã là những người luôn mang sẵn trong mình tâm thế thù địch với chế độ, sẵn sàng bóp méo sự thật, biến thẳng thành cong, thì dù ta có lý, có tình đến đâu cũng không dễ làm họ thay đổi nhận thức và hành động đâu.

Tiếng là tranh luận với họ nhưng thực chất đó là cơ hội để chúng ta nói với những độc giả đang chung chiêng "đứng giữa đôi dòng nước", những người hoặc do tiếp cận thông tin không đầy đủ, hoặc do cách nhìn nhận chưa tới nơi tới chốn nên chưa thấy được thực chất vấn đề. Tất nhiên, để xảy vụ "luận văn Đỗ Thị Thoan" là một việc chúng ta hoàn toàn bất ngờ, và để giải quyết chuyện "hậu luận văn Đỗ Thị Thoan" cũng là một việc cực chẳng đã. "Cực" nhưng vẫn phải làm.

Có lẽ nào cách đây hơn chục năm, báo chí trong nước đã phải tốn không ít giấy mực để lên tiếng bày tỏ thái độ không đồng tình với việc xuất bản (đúng ra là tự xuất bản) thơ của nhóm Mở miệng, nay ở môi trường sư phạm - nơi đào tạo các thầy cô giáo trong tương lai - lại để xuất hiện một bản luận văn bênh vực nhóm thơ từng bị lên án đó (cùng một số vấn đề "không bình thường" khác) - chúng ta chỉ khoanh tay đứng nhìn, không một ý kiến gì sao?

Trần Thiên Lương
.
.