Bên thềm đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú, Nghệ sỹ Nhân dân năm 2021: Còn nhiều bất cập

Thứ Sáu, 04/06/2021, 16:02
Danh hiệu ở một khía cạnh nào đó là thước đo của người nghệ sĩ với nghề. Sau bao nhiêu năm miệt mài, gắn bó, người nghệ sĩ dần leo lên đỉnh của vinh quang qua danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT), Nghệ sĩ Nhân dân (NSND). Có một thực trạng buồn trong những năm gần đây, vấn đề loạn danh hiệu, có quá nhiều NSƯT, NSND.


Người ta vẫn thường rỉ tai: “Nghệ sĩ Nhân dân mà nhân dân không biết?”, thực trạng này ngày càng phổ biến hơn khi cứ ba năm là lại xét duyệt danh hiệu từ NSƯT lên NSND thông qua những tấm huy chương ở các kì Liên hoan, hội diễn. Liệu hiện tượng này có giống như hiện tượng hoa khôi và người đẹp như các cuộc thi sắc đẹp trong những năm qua không? Và điều gì ẩn chứa đằng sau danh hiệu?

Vào tháng 7 năm nay, các đơn vị nghệ thuật lại rục rịch để dần bầu chọn, đưa danh sách các nghệ sĩ để xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND. Danh hiệu là thành quả công sức của một quá trình cống hiến và phấn đấu của người nghệ sĩ. Có không ít những nghệ sĩ hào hứng mong ngóng, nhưng cũng có không ít nghệ sĩ ngao ngán lắc đầu. 

Thoạt tiên phải kể đến NSƯT Xuân Hinh, danh hài đất Bắc, tài năng của anh đã được minh định trong lòng công chúng. Việc anh bỏ tiền túi để làm DVD về hát văn, hát xẩm lưu lại vốn quý của dân tộc nhưng “né” xét danh hiệu vì anh còn thiếu huy chương. Tuổi đã cao và nhiều lần bị trượt danh hiệu NSND. Việc đặt tên danh hài bên cạnh một nghệ sĩ đàn em có danh hiệu lớn hơn, không biết có làm anh chạnh lòng. 

Giải thưởng ở các kỳ Liên hoan sân khấu là điều kiện cần và đủ để xét các danh hiệu NSƯT, NSND (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Đã không ít lần NSƯT Xuân Hinh nói: “Hãy gọi tôi là người chọc cười dân dã, đừng có NSƯT, NSND gì cả”. 

NSƯT Chí Trung cũng vậy, hiện ông đang đương nhiệm chức Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, đã và đang có thời gian dài cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà, được khán giả cả nước biết mặt thuộc tên qua chương trình Gặp nhau cuối năm với vai Táo Giao thông, cũng dính đường danh hiệu lận đận. Một số nghệ sĩ khác ở các đơn vị nghệ thuật trong Nam cũng không còn mặn mà với danh hiệu. Vậy đằng sau ánh hào quang của danh hiệu thực chất là gì?! 

Đừng để nghệ sĩ qua đời rồi mới truy tặng - Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang (Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam)

- Để có được danh hiệu NSƯT, NSND thì cần phải có đủ huy chương tại các kì hội diễn, liên hoan, vậy việc tranh vai ở các đoàn nghệ thuật có diễn ra không khí căng thẳng không, thưa ông?

+ Chọn diễn viên vào vai có giải nó chát chúa chứ không đơn giản, thật ra mỗi đơn vị đều có Hội đồng nghệ thuật người ta chọn, khi người ta chọn xong rồi đạo diễn chỉ gọi là tham khảo thôi, bởi vì Hội đồng nghệ thuật người ta gọi là chính. Còn nếu không thay được vai, anh ta không đóng được thì nhiều khi phải thay, liệu đạo diễn có thay vai không? Đạo diễn phải biết yêu diễn viên và phải biết sắp xếp các vai diễn, liệu có dám thay không? Nó có những chuyện nọ, chuyện kia kinh lắm. 

Người Việt mình nặng tình, anh này sắp nghỉ hưu rồi, anh ấy tốt, tử tế với anh em, lần này mà không cho anh ấy vai chính thì anh ấy sẽ không còn cơ hội nữa, các cháu bây giờ còn trẻ thì đợi được, còn thì hội diễn lần này cho anh ấy một vai chính để anh ấy lấy một cái huy chương, anh ấy đủ huy chương còn xét duyệt. Vậy chuyện đủ huy chương để xét duyệt danh hiệu làm cho vấn đề danh hiệu nhiều khi hơi bị rẻ. Người ta thấy quá nhiều, giờ ngoài đường gặp ai bây giờ cũng danh hiệu nọ, kia. 

Chỉ cần nhìn bảng phân vai của một đơn vị nghệ thuật công lập của cả nước thì toàn NSND, NSƯT. Trong TP Hồ Chí Minh thì ít hơn, những cái này miền Bắc là chủ yếu. Bởi vì ở miền Bắc vẫn là sân khấu bao cấp, cứ đều đặn thi, đều đặn xét duyệt 3 năm một lần thì các anh cứ lên, toàn hàng khủng thôi. Vì trong Nam đa phần là các đơn vị nghệ thuật xã hội hoá. Họ chạy “sô” đi kiếm ăn, họ không có lương, họ còn phải thể hiện bằng tài năng của họ. Bây giờ họ đi thi để được 1 tấm huy chương thì họ phải bỏ mất nhiều “sô, chậu” của họ quá. Họ đói thì làm sao mà thi?!

- Vài năm nay người ta thấy có những nghệ sĩ không có đủ huy chương nhưng vẫn được phong danh hiệu cao quý NSND. Và cũng có một số nghệ sĩ tên tuổi sau khi mất được nhà nước truy tặng, việc này có làm ấm lòng nghệ sĩ và người hâm mộ không thưa ông?

+ Yếu tố vừa và đủ để xét danh hiệu thì có thể là chuẩn đấy. Ở trong miền Nam đợt trước có 3 nghệ sĩ được Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch xét đặc cách, họ đều được. Đợt trước nữa thì có Nghệ sĩ Bạch Tuyết, Lệ Thuỷ, Kim Cương, và một người nữa gọi là 4 ''kì nữ'', người ta nói rằng toàn những người 60, 70 tuổi rồi, người ta không đi làm nữa, không có điều kiện cơ hội đi thi nữa, họ là diễn viên nổi tiếng đã sống ở trong lòng nhân dân nhiều thập niên cho nên  đề nghị phải đặc cách. 

Có một người nói là: “Đừng nói là đặc cách, thấy người ta xứng đáng thì phong cho người ta, chứ đâu người ta phải xin”. Như một người ra trận xông lên thấy người ta diệt được nhiều giặc thì khen thưởng cho người ta chứ đâu phải bảo anh làm cái đơn rồi bảo tôi cấp cho anh huy chương à? Không có đâu. Và tôi vẫn nghĩ đối với những người khi đang còn khoẻ mạnh, khi đang còn cống hiến thì nên phong danh hiệu cho họ. 

Một điều buồn là nghệ sĩ Phương Thanh, vợ của nghệ sĩ Anh Dũng khi mất mới được đặc cách danh hiệu NSND. Đến nghệ sỹ Nguyễn Anh Dũng (Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam) đóng hàng trăm vai của Nhà hát kịch, đóng hàng trăm vai chính trong phim. Hôm trước Nguyễn Anh Dũng lên nhận truy tặng danh hiệu NSND cho vợ là nghệ sĩ Phương Thanh, ít lâu sau thì con gái của Nguyễn Anh Dũng lên nhận truy tặng danh hiệu NSND cho bố, thế có buồn không?! 

Người nghệ sĩ họ lao tâm khổ tứ, họ bỏ cả gia đình để họ đi làm nghề, nhiều khi người ở hậu phương vất vả lắm. Huy chương ấy, danh hiệu ấy không chỉ là của người nghệ sĩ mà còn là sự trả ơn cho những người ở hậu phương hàng ngày nuôi nấng, động viên, là chỗ dựa tinh thần của họ. Những vở diễn thu nhập chỉ có 100 nghìn, 150 nghìn/ một buổi diễn, vậy nếu không có hậu phương thì làm sao người nghệ sĩ bám trụ với nghề được?! Cho nên là danh hiệu không chỉ làm mát lòng người nghệ sĩ mà còn là sự trả ơn cho những người ở hậu phương.

Độ vênh lớn giữa các nghệ sĩ đoạt danh hiệu xưa và nay - Nhà viết kịch Chu Thơm (Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật):

- Lăn lộn với các đơn vị nghệ thuật sân khấu trong cả nước, ông thấy tình hình chung qua những đợt xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND hiện nay đang diễn ra như thế nào?

+ Để tìm ra danh hiệu NSƯT, NSND người ta làm qua quy trình từng cấp. Hội đồng xét duyệt đầu tiên là cấp Hội nghề nghiệp, xong chuyển tiếp lên Cục Nghệ thuật biểu diễn, rồi chuyển lên Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch. Người ta cũng chọn những khuôn mặt ngồi Hội đồng để xét duyệt danh hiệu phải nói là cũng đều sáng giá. 

Và làm theo đúng trình tự là phải có đủ Huy chương vàng, Huy chương bạc thì mới được xét duyệt. Chính vì nhu cầu cần đầy đủ huy chương, vô hình trung lại là vấn đề ở các cuộc thi vô cùng căng thẳng. Ai cũng cần có đủ số huy chương để thuận lợi trong đợt xét danh hiệu. Có những người cả cuộc đời làm việc, cống hiến rất nghiêm túc nhưng mà thiếu huy chương cũng không được. 

Tại thủ đô Hà Nội tôi thấy hầu như các trưởng đơn vị nghệ thuật thì thường dễ được xét danh hiệu nhất, vì người ta cũng có vai vế nào đó. Chứ bây giờ người ta đòi hỏi là phải có mấy Huy chương vàng ở Hội diễn thì do Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch tổ chức thì mới được NSƯT. Ngày xưa ít nhất 5 hoặc 6 năm sau khi đã là NSƯT thì mới được xét NSND, chứ bây giờ nhảy cóc một cái, sau khi xét danh hiệu NSƯT 3 năm sau lại xét NSND ngay, cho nên đợt vừa rồi NSND quá nhiều.

- Vâng, dẫn đến ''loạn'' danh hiệu NSƯT, NSND?

+ Bây giờ NSND nhiều như… nhà thơ, thời hiện đại ai cũng có thể làm nhà thơ được, ai cũng có thể làm hoa hậu được. Bây giờ bao nhiêu cô hoa hậu, thậm chí có những cô hoa hậu thổi cả bóng cười, làm đủ mọi trò... Tại sao vậy?! Bởi vì người ta có đủ tiêu chuẩn Nhà nước đặt ra, đủ số huy chương và người ta không vi phạm đạo đức nghề nghiệp và chính sách thì phải cho người ta danh hiệu. Thế thì nhiều nghệ sĩ đạt danh hiệu quá, xảy ra tình trạng nhiều nghệ sĩ không có trong lòng nhân dân mà vẫn được vinh danh NSND, mặc dù nhân dân chẳng hiểu họ là ai cả. 

Ngày xưa danh hiệu NSND là những tên tuổi lừng lững như Thế Lữ, Nguyễn Đình Nghi, Đào Mộng Long, Đình Quang, Dương Ngọc Đức, Trần Hoạt... Trời ơi! những nhân vật “kinh khủng lắm”. Những cây đa cây đề, họ là một bộ bách khoa để các thế hệ sau học theo. Thế còn bây giờ nhiều NSƯT, NSND, ra đụng vào chạm, toàn NSƯT, với NSND cả. Lấy đâu ra lắm thế? Vì chỉ cần đủ huy chương thôi, vì giờ cứ 3 năm một lần là xét duyệt. 

Nói thật là các kì liên hoan, hội diễn không khí căng thẳng, không còn là một cuộc liên hoan, không còn tính chất hội nữa mà là một cuộc đua căng thẳng phải làm sao để có được, giành được huy chương. Có những nghệ sĩ phải quyết được có vai có khả năng được huy chương. Bây giờ chỉ nói gần gần thôi như NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Xuân Huyền, NSND Lê Hùng và một số các anh nữa, người ta được định vị, định hình trong lòng công chúng khán giả. Còn bây giờ xem một số người đạt danh hiệu NSND thử xem...?!

- Vậy nên, có độ vênh rất lớn với các nghệ sĩ đạt danh hiệu NSND trước và NSND thời nay?

+ Sân khấu của thời các anh ấy cũ lắm, không được những phương tiện hiện đại bổ trở. Có những vở kịch ngày xưa làm sao mà đưa được điện ảnh lên đấy, được trợ giúp bằng âm thanh ánh sáng và những ca khúc hay cho vào. Bây giờ trình độ thưởng thức của khán giả quá cao, vậy mà hiện nay, sự so sánh trái ngược hẳn với sân khấu ngày xưa. Đấy, bây giờ nhìn xem nhiều người gọi là NSND, nhà báo có biết mặt không?! Còn những nghệ sĩ được công chúng biết mặt, biết tên thì nhiều khi người ta qua chương trình Gặp nhau cuối năm. 

Bây giờ cứ tự phong là danh hài nọ, danh hài kia, trong đó có một số người cũng đã được phong danh hiệu NSND. Còn ngược lại, như nghệ sĩ Quốc Khánh đóng Ngọc Hoàng trong chương trình Gặp nhau cuối năm suốt bao nhiêu năm diễn kịch, đóng phim rất hay mà đến giờ vẫn chưa được xét tặng danh hiệu NSND. Nghệ sĩ Quốc Khánh chuẩn bị về hưu rồi, về hưu thì còn xét gì nữa, những người như thế thì chưa được. 

Như Nhà hát Tuổi Trẻ, nghệ sĩ Chí Trung cũng hoạt động vì cộng đồng nhiều, một Giám đốc của đơn vị nghệ thuật, diễn cũng rất nhiều, bây giờ vì thiếu cái gì đó mà chưa được xét tặng danh hiệu NSND, nếu sang năm nghỉ hưu thì chỉ là dậm chân NSƯT thế thôi. Rất tiếc những chuyện như vậy. 

Ở trong TP Hồ Chí Minh thì nghệ sĩ Thành Lộc đã từng làm đơn rồi, không được xét duyệt nên lần sau người ta cũng nản không làm đơn xét duyệt nữa. Mà nghệ sĩ Thành Lộc quá xứng đáng NSND, và còn cả Ái Như ở Sân khấu Hoàng Thái Thanh nữa, chưa được danh hiệu. Vậy đấy, xét tặng danh hiệu cho người nghệ sĩ không chỉ nhìn vào tấm huy chương mà phải nhìn vào cả một quá trình người ta làm nghề đóng góp, cống hiến ra sao.

Có quá nhiều NSND - Đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà (Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trưởng ban Sáng tác Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam)

- Qua kinh nghiệm hơn 10 năm có mặt ở các Hội đồng chuyên ngành Trung ương để xét tặng NSND, NSƯT cả nước thì đối với hoạt động sân khấu hiện nay, ông thấy gặp những khó khăn gì?

+ Nhiều chứ. Thời đại bây giờ để công chúng khán giả đến với tác phẩm sân khấu thì không còn được đông đảo, ủng hộ như những năm trước đây. Tuy nhiên Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch và Hội chuyên ngành Trung ương vẫn tổ chức theo các cuộc liên hoan hội diễn, các cuộc thi tài năng trẻ Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc theo quy định 3 năm một lần, chưa kể các bộ, ngành phối kết hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Hội Nghệ sĩ Múa; Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng... cũng tổ chức các cuộc thi mang tính chuyên nghiệp. 

Thì tất cả các cuộc thi, liên hoan, hội diễn này đều trao tặng huy chương vàng, huy chương bạc cho các tác giả, đạo diễn, vở diễn và đặc biệt cho các diễn viên tham gia vai diễn. Các giải thưởng này đều được đưa vào xem xét đề nghị xét tặng NSƯT và NSND. 

Đó là những thuận lợi đối với các anh em hoạt động sân khấu, tuy nhiên hiện nay theo đánh giá chung của anh em làm nghề thực sự và những người đã trải qua mấy chục năm hoạt động trong văn học nghệ thuật như tôi, đồng thời cũng là dư luận chung của xã hội thì chúng ta đang nở rộ danh hiệu nghệ sĩ, đặc biệt là có quá nhiều NSND. 

Chính vì thế nên mới có đánh giá tổng kết và xem xét để điều chỉnh thay đổi bổ sung của Chính phủ theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch đối với các Hội Văn học Nghệ thuật để chúng ta làm căn cứ xét tặng cho đợt năm 2021 này Chúng tôi đang chờ đợi Nghị định mới của Chính phủ điều chỉnh, bổ sung.

- Mỗi một lần xét duyệt danh hiệu NSƯT, NSND là lại một lần điều chỉnh bổ sung. Vậy sự điều chỉnh, bổ xung lần này so với với trước đây có gì khác nhau, thưa ông?

+ Chúng tôi tham gia, đóng góp với Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ về Nghị định mới để xét tặng NSƯT, NSND thì cũng rất nhiều nhưng quan điểm chung, chúng tôi thấy đợt này nghị định cởi mở hơn, quy định không còn chặt chẽ và không khó như những năm trước đây. Ví dụ như trước kia bỏ phiếu kín của thành viên Hội đồng tham dự phải được 90% thì mới có đạt chuẩn để mà xem xét phong tặng, nhưng nghị định mới như hiện nay rút xuống chỉ còn 80%. 

Thời kì của chúng tôi mười mấy hai mươi năm về trước, khi được phong tặng NSƯT rồi, người đó phải có thời gian cống hiến ít nhất là 5 năm để tác phẩm của người nghệ sĩ đấy còn lan tỏa, thực sự thấm sâu đi vào hơi thở của cuộc sống và được công chúng khán giả đánh giá thừa nhận. Nếu tác phẩm ấy thật sự xuất sắc, vai diễn hay thì đương nhiên sẽ được công chúng khán giả đón nhận, điều đó thì phải qua thời gian để thẩm thấu. Lúc đó mới xem xét để xét tặng thưởng. 

Khi đã đạt được danh hiệu NSƯT rồi muốn lên NSND thì quy định NSND phải là những nghệ sĩ thật sự xuất sắc, có tầm ảnh hưởng quốc gia. Nghĩa là các giải thưởng của người nghệ sĩ đó phải có giá trị hơn các giải thưởng của NSƯT và sáng tạo nghệ thuật phải đặc biệt tiêu biểu, ấn tượng hơn và được công chúng khán giả, bạn bè đồng nghiệp cùng các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương, cả nước thừa nhận. Điều đó khi được phong tặng NSND, giá trị của phong tặng này và giá trị của người nghệ sĩ được phong tặng NSND mới có sự thuyết phục. Nhưng hiện nay chúng ta không quy định về thời gian từ NSƯT lên NSND thì sẽ dẫn đến tình trạng, có quá nhiều cuộc thi liên hoan, hội diễn trong một năm. 

Ta lấy ví dụ, như năm 2020 vừa rồi, Hội diễn Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc hơn 30 vở tham gia, tiếp đó một thời gian rất gần thôi, vào đầu tháng 10 lại Hội diễn Liên hoan Sân khấu Thủ đô, sau đó cuối tháng 10 lại Cuộc thi diễn viên Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc tại TP Hồ Chí Minh, rồi đến đầu tháng 11 lại tiếp tục cuộc thi Tài năng diễn viên Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Cà Mau. Như vậy là trong 3 tháng có quá nhiều cuộc thi chuyên nghiệp. Nhiều diễn viên là các học trò của tôi, các em tham gia các cuộc thi ấy bảo: “Thầy ơi, tham gia các cuộc thi em được 3 giải thưởng, hai Huy chương vàng, một Huy chương bạc”. Thế là tôi bảo: “Thế thì thầy chúc mừng, em đạt đủ lên danh hiệu NSND rồi”.  

Tôi cười cảm thấy mình cũng tự hào, nhưng thực ra như thế nếu chỉ căn cứ vào Huy chương vàng, Huy chương bạc của các giải thưởng để phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND mà không cần thời gian, không cần sự lan tỏa, cũng không cần công chúng khán giả đánh giá thừa nhận, tầm ảnh hưởng của vai diễn đó như thế nào?! Cho nên xét tặng NSND chưa thực sự là đúng với bản chất của một người nghệ sĩ tài năng xuất sắc. Không khéo sau này các danh hiệu NSND rất nhiều, và giá trị không còn được đánh giá cao, được ngưỡng mộ nữa thì điều này cần phải được xem xét, nghiên cứu, thay đổi điều chỉnh, đi vào đúng bản chất sâu xa của vấn đề chứ không phải căn cứ vào thước đo là huy chương trong chu kì liên hoan nhất định nào đó. 

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.