Chương trình "Thử thách cùng bước nhảy" mùa thứ ba:

Bền bỉ kết nối những đam mê...

Thứ Năm, 27/11/2014, 08:34
Những đêm thi chung kết đầu tiên của chương trình "Thử thách cùng bước nhảy" mùa thứ ba đã lên sóng. Cũng như những mùa trước, chương trình luôn mang đến cho khán giả những màn trình diễn đẹp mắt, màu sắc và đầy cảm xúc. Sự lao động nghệ thuật nghiêm túc của biên đạo, thí sinh, nhà tổ chức đã khiến "Thử thách cùng bước nhảy" có được chỗ đứng riêng trong lòng công chúng yêu nghệ thuật giữa vô vàn chương trình giải trí khác lên sóng cùng thời điểm.

1. Phải ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng, không ngừng đổi mới của ekip thực hiện chương trình để "Thử thách cùng bước nhảy" không bị nhàm chán với người xem. Ở mùa thứ ba này, chương trình có nhiều điểm đổi mới so với hai mùa trước về cấu trúc chương trình cũng như quy chế tuyển sinh. Về quy chế tuyển sinh, ngoài top 100 thí sinh được tuyển chọn từ các thành phố, Ban tổ chức đã bổ sung một số thí sinh đạt thành tích cao tại các giải thi đấu, liên hoan nhảy múa chuyên nghiệp cấp thành phố hoặc quốc gia vào vòng bán kết để cùng tranh tài. Bên cạnh đó, khu vực tuyển sinh cũng đã được mở rộng từ 6 lên 8 tỉnh, thành phố trên cả nước để đem đến nhiều cơ hội hơn cho các thí sinh. Top 10 của "Thử thách cùng bước nhảy" 2014 sẽ có đêm trình diễn "Meet top 10" với top 10 thí sinh xuất sắc từ những mùa trước. Đây cũng là sự cải tiến để "bắt nhịp" với format cuộc thi phiên bản quốc tế và Ban tổ chức hy vọng, sự thay đổi sẽ tạo nên điểm nhấn cho mùa giải. Để cải tiến chất lượng cuộc thi, Ban tổ chức sẽ tăng cường yếu tố ngoại cho đội ngũ biên đạo. Theo đó, hơn 50% bài nhảy trong mỗi đêm thi của vòng chung kết sẽ do các biên đạo quốc tế đảm nhận. Nhờ những đổi mới đó mà chất lượng thí sinh ở mùa giải năm nay đồng đều và chất lượng hơn hai mùa giải trước. 20 thí sinh lọt vào vòng chung kết đều là những vũ công tài năng, mỗi người một thế mạnh, góp phần tạo nên sự đa sắc cho chương trình.

Mặc dù những đêm chung kết đầu tiên của cuộc thi khi lên sóng không gây "bất ngờ" như hai mùa trước nhưng cũng tạo được ấn tượng sâu sắc với công chúng. Dàn thí sinh với kỹ thuật cá nhân, khả năng trình diễn tốt cộng với bàn tay "phù thủy" của dàn biên đạo trong nước và quốc tế đã mang đến những màn biểu diễn "mãn nhãn". Đêm chung kết thứ ba, diễn ra vào 8-11 vừa qua được đánh giá là có chất lượng chuyên môn tốt nhất kể từ đầu mùa giải. Đêm diễn có tám bài thi, trong đó có ba bài của biên đạo Hani Abaza, hai bài do biên đạo Tatiana Paker dàn dựng, một bài của biên đạo Alex Tú, một bài do biên đạo John Huy Trần dàn dựng và một bài của biên đạo Lữ Kiều Lê. Tôi thực sự yêu thích và ấn tượng những tác phẩm của biên đạo Hani Abaza. Mặc dù là biên đạo ngoại nhưng ý tưởng và cách dàn dựng của biên đạo Hani Abaza lại rất "phương Đông". Bài múa đương đại cho phần dự thi của cặp đôi Mạnh Quyền, Thu Hiền đã mang đến thông điệp về sự cân bằng trong cuộc sống. Mạnh Quyền, Thu Hiền đã có những phút biểu diễn xuất thần trên sân khấu, những động tác kỹ thuật được hai thí sinh thể hiện nhuần nhuyễn, sự phối hợp ăn ý, khả năng kết nối tốt. Bài biên đạo cho phần biểu diễn của thí sinh Xuân Thảo - Đức Tiến một lần nữa chứng tỏ tài năng của Hani Abaza. Lấy bối cảnh là hai ngôi sao xa nhau trong dải ngân hà chỉ gặp nhau trong thời gian rất ngắn, Hani Abaza đã "thổi hồn" vào phần thi của Xuân Thảo và Đức Tiến. Người xem cảm nhận được sự mãnh liệt, nồng nàn trong tình yêu cũng như sự luyến tiếc, đau đớn khi phải chia ly. Có thể nói rằng, dù không phải là người Việt Nam nhưng biên đạo Hani Abaza lại rất hiểu văn hóa Việt, đó là hồn Việt, tinh thần Việt và những triết lý văn hóa rất "Á Đông".

Một tạo hình đẹp mắt trong bài dự thi của cặp đôi Xuân Thảo - Đức Tiến tại live show 3 do biên đạo múa Hani Abaza dàn dựng.

Với thông điệp nghệ thuật "Đừng buồn vì những thứ đã qua, hãy luôn mỉm cười vì đó là cơ hội để chúng ta trải nghiệm những điều kỳ diệu trong cuộc sống", "phù thủy" John Huy Trần đã có bài biên đạo xuất sắc cho phần trình diễn của thí sinh Duy Hải và Phạm Lịch. Khai thác các yếu tố của nghệ thuật múa đương đại, John Huy đã kể lại câu chuyện của chính mình. Anh tâm sự rằng, khi mới về Việt Nam sau một thời gian sống ở nước ngoài, anh gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vào thời điểm đó, John Huy đã gặp một người bạn có hoàn cảnh tương tự và hai người trở thành một đôi tri kỷ. Tuy nhiên, sau bốn năm, người bạn bỏ đi khiến John Huy rơi vào hụt hẫng, mất phương hướng. Duy Hải và Phạm Lịch đã nhập vai rất tốt khiến không ít khán giả xúc động. Giám khảo Nguyễn Hải Phong nhận xét: "Đây là một tiết mục xúc động ở nhiều mặt, cả âm nhạc lẫn biểu diễn. Nếu nói xúc động cũng chưa đủ mà nó còn có cả rung động nữa".

Từng "gây sốt" với tiết mục múa dân gian đương đại "Cõng mẹ đi chơi" qua phần biểu diễn của Minh Tú - Thái Sơn ở mùa thi thứ hai, lần này, biên đạo, NSƯT Kiều Lê "tái xuất" với tác phẩm "Trống cơm" do hai thí sinh Sơn Lâm và Kim Anh thể hiện. Chất liệu dân gian được kết hợp nhuần nhuyễn với ngôn ngữ múa hiện đại phương Tây cùng tổ hợp động tác đẹp mắt, kết cấu tác phẩm sáng tạo trên nền nhạc bài hát "Trống cơm", phần biểu diễn của Sơn Lâm và Kim Anh nhận được nhiều lời khen ngợi từ Ban giám khảo.

2. Theo tôi, thành công lớn nhất của "Thử thách cùng bước nhảy" là sự kết nối đam mê và quảng bá nghệ thuật múa. Qua 3 mùa giải, hàng trăm vũ công, những người đam mê nghệ thuật nhảy múa có cơ hội để thử sức mình, làm việc với những biên đạo nổi tiếng trong và ngoài nước. "Thử thách cùng bước nhảy" là chương trình "lấy" nhiều nước mắt của khán giả hơn cả. Đó là những giọt nước mắt ngưỡng mộ sự biểu diễn xuất sắc của thí sinh, sự nỗ lực vượt qua khó khăn, bất chấp chấn thương để được đứng trên sân khấu… Đó là giọt nước mắt khi phải lần lượt chia tay với các thí sinh tài năng qua từng đêm thi. Phần thi solo 30s của nhóm thí sinh rơi vào top nguy hiểm luôn kịch tính và hấp dẫn. Trong thời gian thử thách ngắn ngủi, người xem có thể cảm nhận được sự đam mê, nỗ lực của các thí sinh để chứng minh tài năng của mình. Câu chuyện về chàng trai suy thận Hoa Đức Công trên sân khấu "Thử thách cùng bước nhảy" mùa đầu tiên có lẽ vẫn còn đọng lại trong tâm trí của nhiều người. Không phải là thí sinh có tài năng xuất sắc nhất, cũng không phải là hotboy của chương trình nhưng Hoa Đức Công chinh phục khán giả bằng nghị lực phi thường và niềm đam mê cháy bỏng với nghệ thuật nhảy múa. Ngọc Thịnh, quán quân của "Thử thách cùng bước nhảy" mùa thứ hai cũng là tấm gương về sự nỗ lực vượt lên chính mình để sống và nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật. Chu Lê Vi Anh, thí sinh nhỏ tuổi nhất của "Thử thách cùng bước nhảy" mùa thứ ba chia sẻ rằng: "Tôi sẽ nỗ lực lọt vào top 10 để thuyết phục ông bà cho phép tôi sống trọn với đam mê nhảy múa. Đó chính là cuộc sống mà tôi luôn mong muốn".

"Thử thách cùng bước nhảy" là một trong số ít chương trình truyền hình thực tế nghiêm túc, "sạch sẽ", không scandal nhưng vẫn thu hút khán giả. Sự hấp dẫn của "Thử thách cùng bước nhảy" được tạo nên từ chính sự khổ luyện, tâm huyết, sẵn sàng "cháy" hết mình của những vũ công cũng như sự sáng tạo không mệt mỏi của đội ngũ biên đạo, sự lao động nghiêm túc của Ban tổ chức. "Thử thách cùng bước nhảy" đã góp phần đưa nghệ thuật múa đến gần hơn với công chúng. Nếu như ở mùa đầu tiên, sự quan tâm của khán giả với chương trình còn khá dè dặt thì giờ đây, "Thử thách cùng bước nhảy" đã ít nhiều tạo được dấu ấn riêng. Qua chương trình, khán giả biết nhiều hơn về nghệ thuật múa, hiểu hơn về sự khổ luyện của người diễn viên trong cuộc hành trình tìm kiếm cái đẹp và cống hiến cho khán giả những màn biểu diễn đẹp mắt. Sự bình chọn của khán giả sau phần trình diễn của các thí sinh phần nào đánh giá được khả năng đánh giá, cảm nhận của họ về nghệ thuật múa. Khoảng cách giữa sự đánh giá của Ban giám khảo và sự bình chọn của khán giả đang dần được rút ngắn.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, "điểm yếu" của "Thử thách cùng bước nhảy" là chưa có nhiều tác phẩm múa dân gian dân tộc. Thế mạnh của thí sinh chủ yếu là hiện đại, hip hop và khiêu vũ thể thao, thí sinh theo dòng múa dân gian dân tộc là của "hiếm". Thiết nghĩ, đây cũng là vấn đề đáng bàn trong quá trình phát triển của nghệ thuật múa. Dù múa dân gian dân tộc khó "hút khách" nhưng rõ ràng, nhìn về lâu dài thì múa dân gian phải được "định hướng" và ưu tiên trên sân khấu có khả năng quảng bá nghệ thuật múa như "Thử thách cùng bước nhảy". Tôi luôn đau đáu trong mình một câu hỏi, rồi những tài năng múa thành danh sau cuộc thi sẽ về đâu khi xét cho cùng thì nghệ thuật múa vẫn chưa được "đối xử" bình đẳng như những loại hình nghệ thuật khác. Hoạt động nghệ thuật của Lâm Vinh Hải (quán quân mùa đầu tiên), Ngọc Thịnh (quán quân mùa thứ hai) và những diễn viên tài năng như Quang Đăng, Tố Như, Hồng Nhung… vẫn không thực sự nổi bật sau khi cuộc thi kết thúc. Phải chăng những sân khấu tầm cỡ dành cho những tài năng múa đích thực vẫn còn quá ít ỏi? Và nên chăng, cần có những quỹ hỗ trợ phát triển tài năng nghệ thuật múa?

Phạm Mạnh Hùng
.
.