Bầu cử tổng thống Mỹ 2016: Kịch tính nhất lịch sử?

Thứ Ba, 27/12/2016, 08:00
Thứ hai ngày 19-12 (theo giờ Mỹ), Đại cử tri đoàn hay còn gọi là Electoral College tại các bang trên toàn nước Mỹ đã nhóm họp để chính thức bầu ra tân Tổng thống và Phó Tổng thống trong cuộc bầu cử được coi là kịch tính nhất lịch sử nước này. Mặc dù có vẻ như ông Trump đã nắm chắc chiến thắng trong tay khi đánh bại bà Hillary với số phiếu Đại cử tri áp đảo vào ngày 8/11 vừa qua, nhưng những tổ chức phản đối ông vẫn đang bám víu vào một hy vọng mong manh cuối cùng rằng tình thế có thể sẽ lật ngược lại.


Donal Trump liệu có nắm chắc chiến thắng?

Theo cơ chế bầu cử của Mỹ, cử tri không trực tiếp bầu tổng thống mà họ sẽ bỏ phiếu chọn ra đại cử tri - những người cam kết sẽ bầu tổng thống theo ý nguyện của cử tri. Các đại cử tri thường là các công chức được bầu ở bang, những nhà lãnh đạo đảng, hoặc những người có mối liên kết mạnh mẽ với các ứng viên Tổng thống. 

Theo quy định liên bang, mỗi Đại cử tri phải ký tên vào 6 bản cam kết (giấy chứng nhận) để xác nhận kết quả lựa chọn của mình, những phiếu này sau đó sẽ được gửi đến Cục Lưu trữ Quốc gia (2 phiếu), Thượng viện (1 phiếu), Ủy ban bầu cử bang (2 phiếu) và cuối cùng là Thẩm phán bang (1 phiếu).

Do mỗi bang có một thời hạn thông báo khác nhau nên kết quả của cuộc bầu cử Đại cử tri sẽ không được công bố ngay. Giai đoạn kiểm phiếu cuối cùng sẽ diễn ra vào 1h chiều ngày 6-1-2017, tức là hai tuần trước khi lễ nhậm chức của Tân Tổng thống diễn ra, và được chủ trì bởi Phó Tổng thống đương nhiệm Joe Biden. Ông sẽ trực tiếp giám sát quá trình kiểm phiếu và công bố số phiếu của từng bang và sau đó sẽ công bố người chiến thắng dựa trên số phiếu mà họ giành được. 

Cũng giống như cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 8-11, ông Donald Trump cần có ít nhất là 270 phiếu Đại cử tri để có thể chính thức trở thành chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng.

Donald Trump có cầm chắc chiến thắng sau cuộc bầu cử ngày 19-12?

Về nguyên tắc, các nghị sĩ trong Quốc hội có quyền phản đối phiếu bầu của một đại cử tri hoặc của toàn bang nào đó và nếu được lưỡng viện ủng hộ thì lá phiếu đó sẽ không được tính. Tuy nhiên, kịch bản này chưa từng xảy ra trong lịch sử bầu cử của nước Mỹ. Sau khi Quốc hội công bố người chiến thắng cuối cùng, tân tổng thống sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20-1-2017.

Hy vọng cuối cùng dành cho những người phản đối ông Trump

Theo số liệu thống kê ngày 14-12 của trang Cook Political Report, ông Donald Trump đang thua ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton hơn 2,8 triệu phiếu phổ thông. Tuy nhiên, do giành được 306/538 phiếu Đại cử tri so với 232 của bà Hillary trong cuộc bầu cử ngày 8-11 nên ông Trump đã đắc cử chức vị Tổng thống. Do vậy, trước thời điểm cuộc bỏ phiếu Đại cử tri chính thức bắt đầu, cuộc bầu cử năm nay được đánh giá là căng thẳng nhất trong lịch sử.

Chính bà Clinton cũng đã lên tiếng nhận thua và gần như chắc chắn rằng Donald Trump sẽ chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo Hiến pháp Mỹ, không có điều khoản nào cấm các Đại cử tri bỏ phiếu cho một ứng cử viên khác nếu họ cảm thấy người đó có đủ khả năng và phẩm chất để trở thành người đứng đầu quốc gia.

Điều đặc biệt là việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ vào ngày 9-11 vừa qua đã dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ phía người dân nước này. Hãng tin AP đã tìm cách tiếp cận tất cả 538 đại cử tri, và phỏng vấn được hơn 330 người. Rất nhiều người trong số này cho biết, họ nhận được cả chục ngàn thư điện tử, cuộc gọi và thư tay gửi đến, yêu cầu họ không bỏ phiếu cho ông Trump. 

Theo Đại cử tri Donald Graham của bang Arizona, cả 11 Đại cử tri của bang này đều nhận được email phản đối việc bầu cho Trump và thậm chí có 10 người bị dọa giết. Đây cũng là một trong những lý do để những người ủng hộ bà Hillary có thể hy vọng vào một "kỳ tích" sẽ xảy ra trong cuộc bầu cử này.

Hy vọng duy nhất của những người phản đối tổng thống đắc cử là có thể thuyết phục thành công để 37 đại cử tri của đảng Cộng hòa quay lưng lại với ông Trump, theo tờ Le Nouvel Observateur. Khi đó số phiếu của Trump sẽ chỉ còn 269 và vị tỷ phú này không thể trở thành Tân Tổng thống. 

Trong trường hợp đó, tân tổng thống sẽ do Hạ viện quyết định, còn phó tổng thống thuộc quyền bầu chọn của Thượng viện. Mà hiện lưỡng viện Quốc hội Mỹ đều do đảng Cộng hòa nắm thế đa số. Một nhóm phản đối ông Donald Trump đã được lập ra với cái tên Cử tri đoàn Hamilton để tìm cách kêu gọi các Đại cử tri, đặc biệt là đảng Cộng hòa thay đổi phiếu bầu của mình nhằm ngăn chặn việc ông Trump lên làm Tổng thống. Nhóm Cử tri đoàn Hamilton tin rằng, các đại cử tri Mỹ nên hành động như "một chiếc phanh khẩn cấp". 

"Nếu 37 đại cử tri của Đảng Cộng hòa thay đổi phiếu bầu, ông Donald Trump sẽ không có được đủ 270 lá phiếu cần thiết để trở thành tổng thống Mỹ. 37 con người yêu nước đó có thể cứu đất nước này", ông Chiafalo - một trong hai "thủ lĩnh" của nhóm Cử tri đoàn Hamilton, cho biết.

Tuy nhiên, giới chuyên gia Mỹ nhận định khả năng thành hiện thực của kịch bản này hầu như là bằng không vì đến nay, chỉ có ông Christopher Suprun, Đại cử tri đảng Cộng hòa ở bang Texas tuyên bố trên tờ The New York Times sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump. 

Hơn nữa, những Đại cử tri được bỏ phiếu vào ngày 19-12 đều do đảng của họ lựa chọn và thường là những chính trị gia có uy tín nên hiếm có ai bỏ phiếu ngược lại để bị xem là "kẻ phản bội". Đó là chưa kể tại một số bang, những đại cử tri bỏ phiếu khác với kết quả của bang, ngoài việc bị phạt từ 500 - 1.000 USD, còn có thể bị thay thế. 

Giới phân tích tin rằng cuộc bầu cử lần này sẽ là một hình thức để xác nhận và tái khẳng định chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Tổng thống Obama cáo buộc Nga về việc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. (Nguồn: vnmedia)

Cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016

Nga đã trở thành tâm điểm trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ sau khi bà Clinton cáo buộc Nga tấn công mạng, trộm email của các lãnh đạo đảng Dân chủ, bao gồm của chủ tịch ban vận động tranh cử của bà Clinton, rồi cung cấp cho Wikileaks. Wikileaks sau đó đã công bố hàng ngàn email, phanh phui nhiều vụ bê bối và thông tin bất lợi cho bà Clinton. 

Hồi tháng 10 vừa qua, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã chính thức cáo buộc chính phủ Nga cố "phá hoại" cuộc bầu cử Mỹ bằng cách tổ chức các cuộc tấn công mạng nhằm vào các lãnh đạo đảng Dân chủ. Ngày 9-12, tờ Washington Post đưa tin Cục Tình báo trung ương Mỹ sau khi điều tra đã đưa ra kết luận Nga tiến hành các cuộc tấn công mạng chống lại bà Clinton với mục tiêu giúp ông Trump thắng cử.

Theo UPI đưa tin vào ngày 14-12, có 54/232 đại cử tri đảng Dân chủ và chỉ một Đại cử tri đảng Cộng hòa là Chris Suprun đã ký vào lá thư ngỏ, yêu cầu Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper cung cấp thông tin tình báo trước khi họ tiến hành bỏ phiếu chính thức bầu Tổng thống Mỹ vào ngày 19-12. 

Thượng nghị sĩ John McCain và 3 nghị sĩ khác đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra toàn diện cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 để tạo ưu thế cho ứng viên Cộng hòa Donald Trump. Điện Kremlin sau đó đã khẳng định những cáo buộc nói trên là "vô căn cứ", "thiếu chuyên nghiệp". 

Đảng Cộng hòa và cả ông Trump cũng đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc Nga giúp ông Trump thắng cử. Trước đó, hôm 15-12, Tổng thống Obama cũng đã tuyên bố sẽ trả đũa các vụ tấn công mạng của Nga sau khi Nhà Trắng cáo buộc Tổng thống Vladimir Putin có liên quan trực tiếp đến những cuộc tấn công được cho là gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử của nước này.

Ông Obama nhấn mạnh rằng, "không nhiều việc có thể xảy ra ở Nga nếu không có ông Vladimir Putin" và cho biết ông đã đích thân nói với nhà lãnh đạo Nga khi họ gặp nhau hồi tháng 9 rằng hãy "dừng lại". "Thực tế, chúng tôi không muốn chứng kiến thêm hành động can thiệp vào tiến trình bầu cử", ông Obama đã nói với các phóng viên như vậy trước khi lên đường đi nghỉ Giáng sinh ở Hawaii. 

Ngoài thái độ cứng rắn đối với Nga, Tổng thống Obama cũng gửi tới ông Donald Trump một vài lời "cảnh báo": "Ông Putin có thể làm suy yếu chúng ta giống như ông ta đang tìm cách làm suy yếu Châu Âu nếu chúng ta chấp nhận quan niệm cho rằng việc dọa dẫm báo chí là bình thường. 

Hay là việc đàn áp những người chống đối. Hay là phân biệt đối xử với những người vì niềm tin của họ hay là vì bề ngoài của họ". "Hy vọng của tôi là Tổng thống đắc cử sẽ có quan ngại tương tự về việc phải đảm bảo rằng chúng ta không để các nước bên ngoài gây ảnh hưởng đến tiến trình bầu cử của mình", ông Obama bày tỏ.

Những phát biểu mới nhất của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama có thể sẽ trở thành ngòi nổ làm gia tăng sự đối đầu giữa hai nước trong bối cảnh quan hệ song phương từ lâu đã rất căng thẳng. Mặc dù vậy, quan hệ giữa Nga và Mỹ đang được kỳ vọng sẽ được cải thiện dưới nhiệm kỳ của ông Trump khi ông này có lập trường tương đối tốt với Nga và Tổng thống Putin.

Dương Thục Anh (tổng hợp)
.
.