Bất ngờ, Hữu Ước

Thứ Hai, 04/08/2014, 08:00
LTG: Sau khi đọc tập truyện ngắn "Người đàn bà uống rượu", tôi đã đến thăm tác giả của nó - nhà văn Hữu Ước - và chứng kiến Hữu Ước đang sửa hai cuốn đầu của bộ tiểu thuyết "Kiếp người" của anh. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện lý thú về bộ tiểu thuyết này cùng một số chi tiết, sự vụ liên quan. Xin được giới thiệu cùng độc giả...

Nhà văn Nguyễn Hiếu (N.H): Tên cuốn tiểu thuyết "Kiếp người"? Nghe khái quát đấy chứ!

Nhà văn Hữu Ước (H.Ư): Đúng là vậy. Tiểu thuyết mà anh. Chắc anh không lạ gì thể loại này. Nói gì thì nói, viết trời viết đất gì mà chưa viết tiểu thuyết thì chưa phải là nhà văn… chuẩn (cười).

N.H: Ý tưởng phát sinh "Kiếp người" lâu chưa?

H.Ư: Hơn hai mươi năm rồi. Từ hồi em còn làm Tổng biên tập.

N.H: Bắt tay khởi bút khi nào?

H.Ư: Anh tính, công việc lút đầu ra như thế, em lại còn bao nhiều đam mê, nhạc, họa, kịch… Nhưng rồi cuối cùng có một sự câu thúc nào đấy nên vào năm 2012 em bắt tay vào viết.

N.H: Có chạy chữ không?

H.Ư: Rất chạy. Chẳng thế mà chỉ chưa đầy một năm em đã lia xong tập một 687 trang. Nhưng năm ngoái em đốt sạch.

N.H: Đốt? Sao vậy?

H.Ư: Vâng. Vì bộ tiểu thuyết này em viết về cuộc đời em. Đang trong một tâm thế, một suy nghĩ khác thì đùng một cái, anh biết đấy: Xảy ra sự cố mà bất kì một người đàn ông nào cũng không mong muốn. Vợ em chết. Thế là mọi cách nhìn trong em xoay trục, đổi hướng… Anh không vào hoàn cảnh của em anh không hiểu hết đâu. Trước kia cứ tưởng vợ chỉ là nhân vật phụ, ai ngờ sau khi cô ấy ra đi, em mới thấm thía. Chính vợ mới là nhân vật chính của đời mình. Vì sự thay đổi như thế nên em chấp nhận viết lại từ đầu. Đưa bản thảo lên bàn thờ khấn vợ xong, đốt không thương tiếc.

N.H: Tiếc nhỉ. Mà phải nói chú dũng cảm.

H.Ư: Mình đã không thích thì đừng bắt người đọc ngốn cái thứ mình bỏ đi. Viết lại là một cách để tìm cái mình ưng ý nhất. Nguyễn Du viết câu cuối của Kiều cách câu đầu mấy chục năm. Anh cũng biết đấy, văn chương không thể vội.

N.H: Vừa rồi các nhà xuất bản ca cẩm về sự ế ẩm của tiểu thuyết.

H.Ư: Chả cứ tiểu thuyết của nhà văn ta đâu mà cả các tác phẩm của thế giới như của Tônxtôi, Đốtxtôiépxki, Huygô… Đến ngay tác phẩm đỉnh cao đoạt giải Nôben như Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện độc giả nước ta còn khó đọc, nếu ai chấp nhận thì cũng rất vất vả, mặc dù Cao Hành Kiện, Mạc Ngôn thuộc hạng văn tài.

Nhà văn Hữu Ước bên tập bản thảo tiểu thuyết “Kiếp người”.

N.H: Theo chú thì nguyên nhân từ đâu?

H.Ư: Theo em: Một là bạn đọc nước ta không có thời gian, đủ kiên nhẫn đọc hàng nghìn trang. Anh tính, chỉ riêng tả cống ngầm Pari trong "Những người khốn khổ", Huygô đã viết tới 178 trang. Thêm vào đó những chuyện, những thông điệp trong nhiều tác phẩm nước ngoài không nói hộ người Việt Nam điều gì, do đó độc giả Việt Nam không đồng cảm với tác giả. Đã không đồng cảm thì khó đọc lắm.

N.H: Vậy với nhà văn Việt Nam thì sao?

H.Ư: Em cho rằng chưa bao giờ nhà văn bị thách thức như hiện nay. Làm sao cuốn hút được độc giả giữa bao nhiêu sự cạnh tranh của mọi loại hình văn nghệ khác. Cầm một tiểu thuyết lên, người ta đọc trang 1 không hay người ta chán. Cố đọc thêm trang 2 mà không cuốn hút nổi thì người ta bỏ là phải thôi.

N.H: Thế theo chú, để cuốn hút độc giả đọc tiểu thuyết của mình, nhà văn cần làm gì?

H.Ư: Mỗi nhà văn có cách hút độc giả riêng. Anh cũng thế thôi. Còn  theo em, trang nào cũng phải tạo ra sự gợi mở, tức là tạo cho độc giả sự khám phá về tầm tư tưởng, hướng người đọc đến vấn đề gì. Cộng thêm vào đó là phải có những chi tiết hay, những bất ngờ khó lường. Và bao phủ lên những biện pháp này nhà văn phải có văn tài. Nếu có văn tài và tác phẩm có tầm tư tưởng, có những sự kiện, chi tiết hay thì tác phẩm sẽ thành công, đọc tác phẩm của mình nhà văn khác phải công nhận.

N.H: Bộ "Kiếp người" viết về cuộc đời chú, liệu…?

H.Ư: Em hiểu ý bác. Cuộc đời người nào cũng có những nỗi buồn, niềm vui, những biến cố đầy sự hấp dẫn. Còn cuộc đời em có đầy đủ sự kiện cho một tiểu thuyết hấp dẫn và em cho rằng, thông qua cuộc đời đó là sự điển hình cho một giai đoạn lịch sử của xã hội ta thời hiện tại.

N.H: Chú quả là người có niềm tin lớn.

H.Ư: Em tin chứ. Anh thử tính xem: Em đi bộ đội tình nguyện từ năm 17 tuổi, sang mặt trận Lào chiến đấu, bị thương. Trong đầu mảnh đạn vẫn còn. Rồi về làm báo Công an. Được phong đại úy, trưởng phòng trẻ nhất Bộ Công an. Rồi bị bắt vì một bài báo viết về bắt người trái pháp luật. Ra tù trở lại ngành. Giữ chức Tổng biên tập tòa báo 20 năm. Đây cũng là giai đoạn em ngồi trên lò lửa. Trên cái lò lửa đó cũng 4,5 lần có cơ mất chức, thậm chí quay lại nhà tù… Rồi trở thành Anh hùng, thành Trung tướng. Biến cố, thăng trầm như thế xứng đáng tư liệu cho cuốn tiểu thuyết hấp dẫn quá còn gì (cười).

N.H: Sự thăng trầm trong cuộc đời chú hệt như tiểu thuyết. Nhưng hơi tò mò một chút: Khi chú bị bắt, trong tù chú có phẫn chí chút nào không?

H.Ư: Em nói điều này có thể anh không tin. Nhưng làm nhà văn thì em cho vô tình em lại có sự may mắn khi bị đi tù. Những trang sống động nhất của nhà văn là sự trải nghiệm thực sự cái mình mô tả. Em cho rằng cách nhìn của mỗi con người trước một sự vật, trước một vấn đề khác nhau. Giai đoạn ấy em tin là em đúng, vì sự đi trước của mình. Vì thế nên từ một cách nhìn nhân văn nên em không bi quan, không thù hận. Trái lại nó để em đủ thời gian để tĩnh tâm nhìn cuộc đời bằng con mắt đa chiều.

N.H: Với những tư liệu cảm nhận đến tận cùng như vậy rất đáng chuyển vào tiểu thuyết…

H.Ư: Đúng quá. Anh đã bao giờ được đối mặt, tiếp xúc trực tiếp với kẻ thù, với những kẻ mạt hạng nhất của xã hội và với cả một hệ thống quan trường? Có thể nói tư liệu đời em quá phong phú, đa dạng và nhiều điển hình. Thế cho nên em mới cho rằng với tư liệu như thế mà bộ "Kiếp người" này không hay, không hấp dẫn bạn đọc thì chứng tỏ em là một nhà văn bất tài.

N.H: Nhưng tiểu thuyết là một thể loại nghệ thuật…

H.Ư: Quan niệm của em về tiểu thuyết hay là phải có tầm tư tưởng, trong đó giải quyết những vấn đề lớn của xã hội, nói được bản sắc dân tộc Việt Nam trong mọi tình huống, mọi biến cố của đời sống xã hội. Phải mô tả được đến tận cùng cái xấu, cái ác, kể cả những vướng mắc, lệch pha của thể chế… đã kìm hãm đến sự phát triển của đất nước.

N.H: Tư tưởng và ý đồ nhà văn là vậy, song nghệ thuật…

H.Ư: Em chưa nói hết…Tất cả những mục đích trên lại phải thông qua nhân vật, đường dây của cốt truyện. Nhưng hơn mọi thể loại, tiểu thuyết đòi hỏi nhân vật phải có số phận, kể cả nhân vật phụ. Ngay con gà, con trâu, con bò cũng phải mô tả số phận của nó.

N.H: Người đọc nhớ số phận hơn là nhớ cốt truyện.

H.Ư: Nhưng để mô tả được số phận thì em trở lại vấn đề cốt lõi của nhà tiểu thuyết là văn tài. Anh viết làm sao để trang nào cũng phải có chi tiết hay, đắt, nhưng những điều này lại phải tuân thủ theo sự hợp lý, lô gích. Văn chương lại đòi hỏi sự bình dị, không lên gân cốt. Người đọc cảm thấy hình như mình cũng viết được nhưng lại không viết nổi. 

N.H: Các nhà văn của ta cũng không thiếu những người có văn tài.

H.Ư: Em công nhận nhưng em lại có cảm giác cũng không ít người đang bí, thậm chí mất phương hướng.

N.H: Chú là người viết nhiều thể loại, vậy trong tiểu thuyết…

H.Ư: Anh thừa biết: Tiểu thuyết là thể loại tổng hợp. Trong đó nó quy nạp mọi phương pháp sáng tác của âm nhạc, hội họa, báo chí, sân khấu, điện ảnh, tùy bút…; nhưng muốn gì thì gì cũng phải tạo sự hấp dẫn. Mỗi một trang mà không có chi tiết tạo ấn tượng như kịch thì khó mà lôi cuốn được độc giả.

N.H: Tôi đọc "Người đàn bà uống rượu" và mấy trang của "Kiếp người" thấy sự hấp dẫn trong cách viết… Nhất là thực tế được đưa vào một cách chọn lọc.

H.Ư: Thế là em mừng rồi. Bởi vì em có cách thử là viết xong đưa cho người thân, bạn bè đọc trước. Thái độ của họ là sự phán xét và định giá trị đầu tiên cho tác phẩm. Họ không đọc thì em dứt khoát bỏ đi, dù mình thấy hay thế nào…

NH: Trở lại "Kiếp người", chú dự định công bố thế nào?

H.Ư: Trọn bộ "Kiếp người" là ba tập. Em đang xem lại, chữa chạy để hoàn chỉnh tập 1 "Sống" viết về bốn đời gia đình em - bốn đời làm cộng sản. Tập 2 "Lò lửa" viết về giai đoạn 20 năm em làm Tổng biên tập. Đúng là 20 năm trong một "lò lửa". Khoảng giữa 2015 em sẽ cho xuất bản. Tập 3 "Vĩ thanh" là kết thúc các số phận nhân vật, sẽ in tiếp theo.

N.H: Nghe qua như vậy thì có thể cho rằng "Kiếp người" là tiểu thuyết tự thuật…Goócki cũng có bộ ba kiểu này.

H.Ư: Đó là cái cốt, nhưng em tin với bộ tiểu thuyết này, người đọc sẽ thấy một giai đoạn của xã hội Việt Nam trong hơn 70 năm với những biến cố của nó trong sự phát triển xu hướng tích cực, đi lên của đất nước.

N.H: Bộ tiểu thuyết dầy dặn như vậy có thể là rất hay, bổ ích cho nhiều độc giả nhưng tình hình xuất bản tiểu thuyết mấy năm nay xem chừng rất căng…

H.Ư: Anh yên tâm. Em tự in, tự phát hành. Lần đầu em in với số lượng 5 vạn bản…

N.H: Chà chà… Một tiara khủng… Cũng là một kỉ lục trong giai đoạn hiện nay.

H.Ư: Em biết hiện nay không ít tác phẩm hay nhưng không bán được, tức là không đến tay độc giả. Phí lắm. Một trong những nguyên nhân tạo ra tình trạng buồn ấy cho các nhà văn do khâu tiếp thị, quảng bá quá kém… Mà biện pháp này thì em lại không thiếu kinh nghiệm. Thời buổi thị trường mà anh (cười). Vì em đã có 20 năm thử thách của nghề Tổng biên tập Báo CAND, ANTG, VNCA, CSTC và truyền hình ANTV.

N.H: Vậy thì anh tin sự lan tỏa và chấp nhận của xã hội đối với bộ tiểu thuyết "Kiếp người". Chúc mọi nguyện vọng của chú về bộ tiểu thuyết này thành công

Nguyễn Hiếu (thực hiện)
.
.