Bắt chước, một bước thành sao

Chủ Nhật, 29/05/2016, 11:00
Chương trình truyền hình thực tế về hát nhép, nhại giọng ca sĩ nổi tiếng đang trở thành cơn sốt. Nhà đài ưu ái dành khung giờ vàng cho loại chương trình này không kém các cuộc thi đình đám.


Ồ ạt bản sao thần tượng

Một thời người ta gần như phát cuồng vì những anh chàng có khả năng nhại giọng. Nổi bật trong số đó là Mai Quốc Việt. Clip “Cát bụi” được anh thể hiện bằng giọng của 12 ca sĩ như Khánh Ly, Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng…  nhanh chóng gây bão trên mạng. Nữ nam gì anh chàng cũng nhại giống hệt. Tưởng chỉ nhại cho vui, ai dè Mai Quốc Việt lọt vào mắt xanh đài truyền hình và được truyền thông hết lời tụng ca không kém gì ngôi sao ca nhạc hạng A. Riêng “ngôi sao hát nhép” thì có Don Nguyễn. Rảnh rỗi sinh nông nổi nên Don Nguyễn thử nhép các clip nổi tiếng của ca sĩ, nghệ sĩ hài để bớt buồn. Không ngờ nhờ nó mà Don Nguyễn nổi tiếng.

Bây giờ, khi hài “oanh tạc” truyền hình thì kiểu hát nhại, hát nhép này càng được ưa chuộng vì chỉ cần điệu bộ hơi lố là gây cười. Trong lần ra nước ngoài biểu diễn, Trấn Thành dễ dàng khiến khán giả cười nghiêng ngả khi nhái giọng danh ca Tuấn Ngọc, Ý Lan, Khánh Ly... Nhiều thí sinh của các cuộc thi hài hoặc có yếu tố hài như “Cười xuyên Việt”, “Người bí ẩn”… đều sử dụng công thức nhại, nhép giọng để ghi điểm với ban giám khảo.

Nhiều thí sinh nam của “Tuyệt chiêu siêu nhép” lạm dụng giả gái.

Khơi mào cho dòng chương trình chuyên về kiểu bắt chước người nổi tiếng lên sóng truyền hình Việt Nam là “Gương mặt thân quen”. Về sau có thêm phiên bản “Gương mặt thân quen nhí”. Trải qua ba mùa với ba gương mặt quán quân là Khởi My, Hoài Lâm, Thanh Duy, chương trình thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.

Họ thích thú khi thấy ca sĩ nổi tiếng hoặc các cô bé, cậu bé biến hóa, giả trang thành nghệ sĩ khác, bắt chước làm sao cho giống từ ngoại hình lẫn giọng hát trong một tiết mục trọn vẹn. Nó tạo sự tò mò, thú vị và người xem có thể dễ dàng so sánh, đánh giá cùng với ban giám khảo. Nhờ đó, quán quân lên ngôi có sự đồng thuận cao từ khán giả, đỡ gây tranh cãi như chương trình truyền hình thực tế khác.

Thấy được sự mới mẻ này, gần đây, hàng loạt chương trình theo kiểu hát nhép, nhại giọng nối tiếp nhau ra đời. Mới lên sóng đầu tháng 5, “Biến hóa hoàn hảo” của HTV7 bị coi là bản sao “Gương mặt thân quen” của VTV3. Nếu ở “Gương mặt thân quen”, mỗi đêm thí sinh sẽ hóa thân thành một nhân vật khác nhau thì ở “Biến hóa hoàn hảo”, thí sinh phải gắn bó với hình ảnh nhân vật mình chọn lựa đến cuối chương trình.

Khác biệt còn ở chỗ số thí sinh tham gia “Biến hóa hoàn hảo” rất đông, lên tới 21 người, bao gồm cả những gương mặt mới nổi lẫn vô danh. Họ sẽ hóa thân thành Thành Lộc, Quang Lê, Hương Lan, Lệ Quyên, Ngọc Sơn, Trường Vũ, Như Quỳnh…

Riêng “Ca sĩ giấu mặt” của Đài Truyền hình Vĩnh Long thì lại không yêu cầu bắt chước về ngoại hình mà đề cao giọng hát. Người chơi phải hát sao cho thật giống phiên bản gốc từ cách nhả chữ, luyến láy… Vì giấu mặt nên khán giả lẫn giám khảo sẽ chú tâm nhiều hơn để tìm kiếm đâu là giọng hát giống nhất. Thật ngạc nhiên khi Đan Trường, Phan Đinh Tùng, Ưng Hoàng Phúc, Bảo Thy đều có người nhại giọng rất giống họ. Bản sao của chương trình này là “Ai tỏa sáng” của VTV9. Sáu thí sinh đảm nhận giả giọng ca sĩ Lý Hải, Đan Trường, Phan Đinh Tùng, Đàm Vĩnh Hưng, Amy Winehouse và Thùy Chi phải thuyết phục giám khảo và khán giả tại trường quay rằng mình có giọng hát giống thần tượng nhất.

Nếu giả giọng, bắt chước nghệ sĩ phải rèn luyện chất giọng, tập điệu bộ, vũ đạo để làm sao cho giống thì hát nhép lại nhẹ nhàng hơn nhiều. Thậm chí, chương trình “Tuyệt chiêu siêu nhép” (dự kiến phát sóng vào tháng 7 tới) còn khẳng định chắc nịch trong lời mời chào trên poster: “Bạn có biết hát hay không – không quan trọng. Bạn chỉ cần biết ... Nhép và Diễn - là có thể tham gia và thắng giải”. Tiêu chí mà chương trình này đòi hỏi chỉ là nhép sao cho giống và có màn trình diễn hài hước. Vòng sơ loại thu hút rất nhiều bạn trẻ đăng ký dự thi vì tổng giải thưởng dành cho các “thánh nhép” (chữ của chương trình) lên tới 1,5 tỉ đồng.

Chỉ là vẹt mua vui?

Với sự phát triển tràn lan của chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc, những giọng ca thiên phú, cá tính và riêng biệt dần cạn kiệt. Các mùa sau của “Vietnam Idol”, “Giọng hát Việt”, “Nhân tố bí ẩn”…, chất lượng thí sinh ngày càng xuống dốc. Khán giả ngán ngẩm. Vậy nên định dạng bắt chước nghệ sĩ là một cách cứu vãn tình hình. Bởi giọng ca hay thì có hạn nhưng người có khả năng nhại, nhép, bắt chước điệu bộ nghệ sĩ thì đầy rẫy.

Nhại – nhép – chế vốn là mốt thời thượng để thư giãn, chọc cười của giới trẻ trên YouTube. Nên mới có chuyện hàng loạt bản cover (phiên bản hát hoặc nhại, nhép lại ca khúc) các bài hit (bài ăn khách) nhan nhản trên mạng như “Anh không đòi quà”, “Không phải dạng vừa đâu”, “Hương đêm bay xa”, “Thu cuối”, “Bốn chữ lắm”, “Tình yêu màu nắng”... Các chương trình bắt chước nghệ sĩ ra đời tạo điều kiện cho họ đàng hoàng bước ra sân khấu. Ngoài ra nó còn đáp ứng nhu cầu được hóa thân thành thần tượng của người hâm mộ.

Một tiết mục trong chương trình “Biến hóa hoàn hảo”.

Với chương trình trọng yếu tố hài hước, phiên bản nhái càng bị lỗi càng tốt vì có thể khiến khán giả ôm bụng cười. Nên mới xảy ra tình trạng giả gái, giả trai tràn lan. Xem “Biến đổi hoàn hảo” có cảm giác như đang xem buổi diễn lô tô của “tập đoàn” ca sĩ nghiệp dư chuyển giới. “Gương mặt thân quen nhí” đặt ra luật lệ­ khá quái gở: cấm bé trai giả gái nhưng lại cho phép bé gái giả trai, thí sinh người lớn thì thoải mái giả nam hay nữ.

Mới ở vòng sơ loại nhưng “Tuyệt chiêu siêu nhép” gây choáng vì lượng thí sinh nam giả nữ đổ bộ dồn dập, trong đó kiểu giả nữ thô kệch, lố lăng tỏ ra áp đảo. Dường như các thí sinh và cả ban tổ chức cho rằng phải như vậy thì mới  hài hước. Vì nhân vật gốc là những nghệ sĩ có giọng ca ưu tú nên bắt chước là điều không dễ. Người lớn đã toát mồ hôi huống gì các bé mới tí tuổi đầu đã phải phiêu với “Hồ trên núi”, “Chị tôi”… rồi bắt chước các bài hát tiếng nước ngoài của Mỹ, Tây Âu, thậm chí là các nước trong khu vực Đông Nam Á. 

Hát nhép là vi phạm đạo đức nghệ sĩ, bị cấm trên sân khấu nhưng “Tuyệt chiêu siêu nhép” tạo điều kiện cho người ta hát nhép… một cách công khai. Dù biết đây là trò hát nhép kiểu lộ tẩy nhưng không ai dám chắc sau khi cuộc thi kết thúc sẽ không có người dấn thân vào lĩnh vực biểu diễn bằng trò nhép công khai này. Tất nhiên, chương trình bắt chước nghệ sĩ giúp cho mâm cỗ giải trí thêm phong phú, nhưng sự nở rộ của nó khiến người ta lo ngại. Kiểu tung hô quá đà của giám khảo và công chúng khiến người chiến thắng ngộ nhận rằng: cứ bắt chước giỏi là trở thành ngôi sao, rằng bắt chước cũng là một dạng tài năng nghệ thuật.

Thí sinh Lê Minh Trung dù có giọng ca giống ca sĩ Duy Khánh, Giang Tử nhưng vẫn đàng hoàng giật giải nhì “Solo cùng bolero” 2014 và có lời mời biểu diễn liên tục. Sự thành công của Lê Minh Trung hay câu chuyện giành “gà” ồn ào giữa Quang Lê và Đàm Vĩnh Hưng với anh chàng bán kẹo kéo Trọng Nghĩa có giọng giống Đan Nguyên cách đây chưa lâu đã trở thành động lực để các thí sinh có giọng hát giống nghệ sĩ A, nghệ sĩ B… quyết tâm dấn thân vào làng giải trí. Bằng chứng là ở “Ca sĩ giấu mặt”, người chơi đều bày tỏ mong muốn trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.

Nhưng cái gì quen thuộc, na ná người khác thì dễ nổi và cũng dễ chìm, quy luật là vậy. Muốn tồn tại họ phải có sự khác biệt. Thử nhìn lại các quán quân của trò bắt chước mua vui. Hoài Lâm bước ra từ cuộc thi “Gương mặt thân quen” đã khiến khán giả thất vọng khi thể hiện giọng thật của mình. Don Nguyễn dù nổi lên với các clip nhép hài hước nhưng đi vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, anh nói không với hát nhép mà có sản phẩm riêng hẳn hoi. Đây cũng là điều mà ca sĩ Mai Quốc Việt rất thấm thía. “Nhắc đến tôi ai cũng mặc định là tôi là người rất giỏi nhại giọng. Nên bây giờ để chứng tỏ giọng hát riêng, trước tiên tôi phải vất vả xóa bỏ mặc định trước đây”. Song tên tuổi của họ vẫn rất nhạt nhòa vì thiếu chất riêng đặc sắc.

Rõ ràng, giỏi bắt chước thì anh chỉ là tay thợ vẽ giỏi chứ đừng ảo tưởng mình là họa sĩ lừng danh.

Phan Thi Uyên
.
.