Bảo vệ bản quyền văn học trong thời "số hoá": Cái khó bó cái khôn
Vừa qua, báo chí có thông tin về việc chị Nguyễn Thị Việt Hà, công tác tại tạp chí Văn nghệ Cà Mau đã có những phản hồi trên báo chí về việc bài thơ "Khi chúng ta già" của chị được phổ nhạc thành bài hát "Khi chúng ta già" (phát hành hồi đầu tháng 2) với phần lời giống đến 80% bài thơ của chị nhưng không ghi tên tác giả thơ. Tác giả ca khúc Hồng Phước không xin lỗi hay đính chính mà chỉ giữ thái độ im lặng với một giải thích sơ sài: "Lỗi của Phước là sự vô ý!". Sau đó, sự việc lại nhanh chóng rơi vào... thinh không đã cho thấy, ở Việt Nam, công tác bảo vệ bản quyền văn học dường như đang rơi vào bế tắc.
Hàng chục năm nay, với sự cởi mở của các trang mạng xã hội, tình trạng xâm phạm bản quyền trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn trước. Dạo một vòng qua các trang bán, kinh doanh sách qua mạng như vnthuquan.com, thuvienebook.com, sahara.com.vn, songhuong.com.vn… là có thể "vô tư" đọc, copy hàng loạt các tác phẩm của các nhà văn Việt Nam đương đại nổi tiếng như Chu Lai, Nguyễn Huy Thiệp, Y Ban, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Nhật Ánh… Tất nhiên, hiếm khi nào có chuyện các tác giả này được hỏi xem có đồng ý cho đăng tải hay không chứ đừng nói đến việc thanh toán tiền bản quyền hay các nghĩa vụ liên quan. Sự tùy tiện ấy cũng từng gây ra những hệ lụy, phiền toái như việc có lần một trang web đăng truyện "Người sót lại của rừng cười" của nhà văn Võ Thị Hảo lại ghi nhầm tên tác giả thành… Nguyễn Phan Hách, khiến cả hai tác giả đều khó chịu.
Nhiều nhà văn tham gia một cuộc hội thảo về bản quyền văn học. |
Không chỉ tác phẩm của các nhà văn trong nước bị xâm hại, các tác phẩm dịch nổi tiếng và bán chạy của các tác giả nước ngoài như trọn bộ "Harry Poster", bộ tác phẩm kinh điển của Dan Brown, hay các tác phẩm của tác giả đoạt giải Nobel Văn học Mạc Ngôn… cũng được đăng tải và sử dụng tràn lan trên mạng trước sự bất lực của các nhà xuất bản đã thực hiện việc mua bản quyền cũng như các dịch giả khả kính đã tiến hành việc dịch thuật mất nhiều công sức, trí tuệ.
Trong cuộc hội thảo về công tác bảo vệ bản quyền tác giả văn học được tổ chức hồi cuối năm ngoái tại Cục bản quyền tác giả, nhiều nhà văn đã tỏ ra bất bình trước lối làm ăn chụp giựt nói trên. Theo báo cáo, tổng số tiền thu được từ công tác bảo hộ quyền tác giả trong năm 2013 của Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam chỉ vẻn vẹn có… 15 triệu đồng.
Cũng trong buổi hội thảo này, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã buồn rầu chia sẻ rằng, bộ tiểu thuyết triều Trần nổi tiếng của ông thường xuyên bị các nhà sách "luộc" với nhiều hình thức khác nhau như in lậu, in nối bản, trong đó có cả những phần được chuyển thể thành tác phẩm sân khấu, điện ảnh… nhưng ông thường cũng chẳng hề hay biết gì cho đến khi có người nói. Ông cũng lấy làm "ái ngại" đối với hoạt động của Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam khi được biết, hiện Trung tâm này chỉ có 8 nhân sự nhưng chủ yếu là "kiêm nhiệm". Khi Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam được thành lập cách đây 10 năm, nhiều nhà văn đã kỳ vọng đây sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong đời sống văn học nước nhà. Nhưng với sự ít ỏi về nhân sự như đã nói, hẳn công tác bảo hộ quyền tác giả văn học trong nước vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Một điều không thể không nói, trong số hơn 900 nhà văn đã ủy thác cho Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam từ hơn 10 năm qua vẫn có nhiều người dễ dãi, xuê xoa trong việc bảo vệ quyền lợi của chính mình. Họ phàn nàn đấy, nhưng rồi khi phát hiện tác phẩm của mình bị xâm hại ở chỗ này chỗ kia, người thì làm thinh vì nghĩ rằng hơi đâu mà kiện tụng cho mệt, có người lại bảo: "Họ in cho mình là… tốt rồi!". Thế là... hòa cả làng.
Nhà thơ Đỗ Hàn - Phó Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam: Suốt 10 năm qua, Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam hoạt động trong tình trạng vô cùng khó khăn. Nhân sự hiện nay của Trung tâm có 8 người thì có 6 người là "kiêm nhiệm", cứ "gá" vào cho có thôi chứ cũng không có người chuyên trách. Hiện chỉ có 2 em là hợp đồng và cũng không có chuyên môn, được đào tạo về lĩnh vực này. Đúng là cái khó bó cái khôn đấy. Nhân sự thì như thế, lại không có tiền nên lộ trình định "số hóa" các tác phẩm văn học của các nhà văn đã ủy quyền để khai thác tác quyền cũng mới chỉ làm được một phần rất nhỏ rồi phải dừng lại. Mà các tác phẩm được số hóa ấy cũng có bán được đâu. Còn các trang mạng khi sử dụng các tác phẩm của các nhà văn cũng cứ… hồn nhiên thế, chúng tôi gần như bất lực, không làm gì được. Dịch giả Trần Đình Hiến: Ở Việt Nam, vấn đề bảo hộ bản quyền tác giả là gần như không có và không ai bảo vệ được tác giả. Tình trạng sách lậu, sách nối bản nhiều quá, mà cơ quan chức năng không có cách gì kiểm soát đã khiến các tác giả chịu nhiều thiệt thòi. Thông thường, khi một cuốn sách tốt được in ra, nó được các nhà sách in lậu rồi bán chán chê để kiếm lời, còn "sách thật" thì để lại đó, nên có nhiều đầu sách có chất lượng nhưng in 1.000 thôi mà vẫn ế. Người chịu thiệt thòi là tác giả, dịch giả và chính họ cũng không thể tính được là bị thiệt đến như thế nào. Ngay như với cuốn "Báu vật của đời" của Mạc Ngôn do tôi dịch in cách đây 12 năm, đến giờ sách vẫn được bán đầy trên nhiều hiệu sách lớn. Thống kê xã hội học về số lượng bán ra lên đến vài trăm ngàn bản, nhưng về tiền bản quyền tôi được nhận đúng từ 500 cuốn với 6 triệu đồng do Công ty Văn hóa Phương Nam trả cho lần in đầu tiên. Sau đó người ta nối bản, in lậu thế nào tôi cũng không được biết, không có sách biếu, cũng không có tiền bản quyền. Tôi cũng như các dịch giả khác chịu nhiều thiệt thòi nhưng không biết kêu ai. Theo tôi, ngoài việc chấn chỉnh các NXB, nhà sách cũng cần phải tăng cường công tác quản lý nhà nước của "anh" Cục Xuất bản nữa. Bởi theo quan sát của tôi, chưa bao giờ công tác bảo vệ bản quyền tác giả văn học lại bê trễ như hiện nay, gây thiệt hại lớn cho xã hội, cho tác giả, dịch giả và cả độc giả. Nhà văn Trần Nhương: Thực tế, trong 10 năm qua, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam cũng chưa làm được gì đáng kể cho các tác giả Việt Nam, song trách họ thì cũng tội cho họ lắm. Không có người, không có tiền, cũng chẳng có lực thì làm gì được? Theo tôi, việc bảo hộ quyền tác giả văn học cũng phải bắt đầu từ công tác quản lý nhà nước. Đừng để cho sách lậu, sách có nội dung xấu có đất sống. Việc có một Trung tâm Quyền tác giả văn học là cần thiết, nhưng nếu đã có nó thì cần được quan tâm, đầu tư về cả nhân lực và tài chính để hoạt động một cách chuyên nghiệp, hiệu quả hơn chứ không thể chỉ lập ra cho có rồi bỏ đấy, dẫn đến tình trạng "sống dở chết dở" như hiện nay thì nghĩ cũng tội lắm. |