Sân khấu kịch nói phía Nam:

Bao giờ mới hết "ăn mày dĩ vãng"?

Thứ Ba, 15/03/2016, 08:36
Đầu năm 2016, các sân khấu TP Hồ Chí Minh được một dịp ăn nên làm ra. Nhìn khán phòng chật kín khán giả, chính các "ông bầu" cũng ngạc nhiên khi trước đó, đời sống sân khấu rơi vào khủng hoảng trầm trọng, hoạt động ảm đạm. "Đại thắng" theo kiểu ăn may này khiến giới chuyên môn cười không nổi vì các vở làm nên "mùa vàng" đa phần bổn cũ soạn lại.


Rượu cũ bình phải mới

 Vốn là sân khấu rất chắc tay khi chuyên dựng các kịch bản đình đám của cải lương như "Nửa đời hương phấn", "Sông dài",  "Nửa đời ngơ ngác"… sang kịch nói, sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn làm khán giả lo lắng khi thể hiện màn lột xác ngoạn mục cho vở cải lương kinh điển "Lan và Điệp". "Lan và Điệp" phiên bản thế kỉ XIX của sân khấu Hoàng Thái Thanh dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng cuối cùng vẫn nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả.

Lan của kịch nói không phải là cô gái lụy tình, đau khổ trong vòng lễ giáo phong kiến. Lan cứng rắn, mạnh mẽ, nhận ra người mình yêu không xứng đáng với tấm chân tình của cô thì vượt lên, tìm đến bến bờ hạnh phúc riêng. Trong ký ức của nhiều người, câu chuyện tình đẫm nước mắt của Lan và Điệp giống như một hình tượng không thể xô đổ. Quyết định làm lại một kịch bản đã nằm lòng bao thế hệ là điều khá mạo hiểm. Đã có không ít chỉ trích tác giả "phá nát" nguyên tác.

Chính đạo điễn Thành Hội thừa nhận: "Làm mới một tác phẩm đã in sâu vào lòng khán giả nhiều thập niên, đặc biệt là phản biện lại nguyên tác, chúng tôi đối mặt nhiều thách thức. Nhưng tôi kỳ vọng vở sẽ thành công vì nó tràn ngập cảm xúc và cái nhìn nhân bản". Thực tế cho thấy, một tác phẩm phóng tác có dáng dấp cũ nhưng mang hơi thở xã hội và tâm lý con người đương đại, mang đầy giá trị nhân văn thì vẫn được số đông công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ cởi mở đón nhận. Cũng có những người đã quá quen với cô Lan yếu đuối, mua vé vào rạp vì tò mò muốn xem cô Lan mạnh mẽ như thế nào.

"Lan và Điệp" phiên bản kịch nói là cách tái dựng mạo hiểm của sân khấu Hoàng Thái Thanh.

Vở "Đứa con tiền kiếp" của tác giả Phùng Cao Bảng cũng được vợ chồng "bà bầu" Ái Như - Thành Hội dựng lại với cái tên mới toanh: "Mình có quen nhau không?".

Không hẹn mà gặp, sân khấu Idecaf và nhóm kịch Buffalo cùng dựng "Tấm Cám" để trình làng đầu xuân. "Tấm Cám" vốn là vở diễn nổi tiếng trong chuỗi chương trình kịch "Ngày xửa ngày xưa" dành cho thiếu nhi của Idecaf vào năm 2000. Vở gây ấn tượng bởi sự góp mặt cực duyên dáng, hóm hỉnh của nghệ sĩ Hữu Châu và Thành Lộc trong vai mẹ con Cám. Sau 16 năm, Idecaf dàn dựng lại vở vừa để kỷ niệm 20 năm sân khấu thành lập, vừa tìm kiếm doanh thu. Không chỉ "Tấm Cám" tạo cơn sốt vé "chợ đen" mà các vở cũ như "Phép lạ", "Cướp dâu" cũng khiến rạp "cháy" vé khi dựng lại vào năm nay.

Nếu "Tấm Cám" của Idecaf chuyển tải câu chuyện không khác mấy so với nguyên tác thì nhóm kịch Buffalo lại tạo nên bất ngờ với thể loại nhạc kịch Broadway mới mẻ. Cốt truyện được giữ nguyên nhưng các tình tiết ghê rợn của bản gốc đều được xử lý nhẹ nhàng như cách mà các bộ phim hoạt hình Disney thể hiện. Đoạn kết mẹ con Cám không chết mà Cám chỉ bị mù mắt. Đến khi cô biết hối lỗi, ân hận và thương chị Tấm thì mắt lại sáng tỏ.

Luật nhân quả của nguyên tác vẫn còn nguyên đấy, nhưng thấm đẫm tình người. "Tấm Cám" phiên bản nhạc kịch pha trộn nhuần nhuyễn yếu tố xưa và nay. Các diễn viên vừa hát nhạc dân tộc, vừa ngâm thơ thiền kết hợp với âm nhạc giao hưởng… Bước nhảy đẹp mắt nhờ kết hợp giữa vũ đạo dân gian và múa đương đại. Ra mắt từ dịp Tết Nguyên Đán nhưng đến nay, các suất nhạc kịch "Tấm Cám" tại Nhà hát Bến Thành vẫn đông kín người xem. Đạo diễn Nguyễn Khắc Duy không hổ danh là người mát tay với nhạc kịch ngay từ khi vở "Chicago", "High School Musical" của anh trình làng.

Hàng loạt sân khấu cũng phải nhờ đến các vở cũ. Sân khấu Sao Minh Béo dựng lại vở "Cậu bé rừng xanh", "Nữ thần Mặt Trăng". Sân khấu kịch Phú Nhuận tranh thủ chen "đặc sản" của mình như "Người vợ ma", "Quả tim máu" giữa các vở mới. Tuy mới thành lập vài tháng nhưng sân khấu Trịnh Kim Chi không ngại tái dựng "Chuyện tình Lương - Chúc" - vở kịch khai thác đề tài đồng tính từng làm mưa làm gió trên nhiều sàn diễn các năm trước.

Vẫn chỉ là ăn xổi

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc sân khấu Idecaf lý giải: "Tái dựng kịch bản cũ là giải pháp an toàn trong thời điểm khan hiếm nguồn kịch bản như hiện nay. Mỗi kịch bản cũ là một thương hiệu đã hằn sâu vào ký ức người xem. Người lớn kéo nhau đi coi vì hoài niệm, người trẻ thì vì tò mò, đi xem cho biết. Chất lượng và nội dung thì miễn bàn. Do đó, vở cũ dễ đảm bảo doanh thu".

Phải chăng vì quá ngán ngẩm vở mới làm vội, chất lượng sơ sài mà khán giả vẫn để tâm vào những vở "vang bóng một thời" được xào nấu lại? Theo NSND Trần Ngọc Giàu, tái dựng kịch bản cũ chỉ là giải pháp cứu nguy tạm thời trong tình hình khó khăn. Để tồn tại và phát triển, các sân khấu phải có những tác phẩm mới mang đậm dấu ấn riêng biệt, tác phẩm vượt hẳn thế hệ đi trước.

Nói nguồn kịch bản thiếu cũng không đúng. Theo thống kê của Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, mỗi năm sân khấu có khoảng 30, 40 vở diễn mới. Đạo diễn Thành Hội cho biết, sân khấu Hoàng Thái Thanh thường nhận rất nhiều kịch bản gửi về. Nhưng số kịch bản gọi là "có thể sử dụng" chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn nếu bắt tay vào dựng thì số lượng cứ thế rơi rụng dần vì cách viết cũ, đề tài kém hấp dẫn. Đề tài gắn liền với đời sống sinh hoạt thì lại mang tính giật gân, sốc, sex, đồng tính…

Các vấn đề nóng hổi, mang tính đấu tranh chống tiêu cực thì tác giả lại né tránh. Khi kịch bản đã chính thức lên sàn thì nó cũng bị đạo diễn cắt sửa gần như không còn hình hài ban đầu, vừa mệt cho người làm sân khấu, vừa khiến tác giả mất lòng…

Nhạc kịch "Tấm Cám" của nhóm Buffalo.

Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh cho hay trại sáng tác thường niên của hội vẫn nhận được nhiều kịch bản từ các tác giả trẻ. Nhưng nhiều kịch bản đọc trên giấy thì hay, nội dung tốt nhưng đưa vào dựng lại hiện lên vô số hạn chế. Sáng tác theo chủ đề định hướng, kịch bản thường nặng về tuyên truyền, có thể rất giàu về nghệ thuật, ý tưởng nhưng lại kén khán giả vì thiếu tính giải trí.

Ngoài ra, sân khấu không níu chân được tác giả chuyên nghiệp vì tiền nhuận bút so với phim truyền hình, điện ảnh, gameshow truyền hình thực tế… đều quá thấp. Đã vậy, kịch bản sân khấu tuy ngắn hơn phim truyện, gameshow nhưng để làm cho hay cũng đòi hỏi đầu tư nhiều tâm sức. Đối phó với cơn khủng hoảng kịch bản, nhiều sân khấu tận dụng nguồn viết tại chỗ. Diễn viên, đạo diễn, hậu đài… đều được trưng dụng viết kịch bản. Ai cũng trở thành kịch tác gia nên số lượng kịch bản tăng còn chất lượng lại tỉ lệ nghịch. Các vở như thế chỉ khiến khán giả càng quay lưng với sân khấu.

Để khắc phục, các sân khấu lớn đã tập hợp những nghệ sĩ tài năng, giàu kinh nghiệm để thành lập tổ chế tác. Sân khấu Kịch Sài Gòn liên tiếp có nhiều vở hay trong năm là nhờ áp dụng cách này. Anh em nghệ sĩ cùng nhau suy nghĩ về một chủ đề kịch, sau khi lên đề cương họ sẽ chọn một người chấp bút hoàn chỉnh. Chính họ cũng là người sẽ góp ý, thêm bớt các mảng miếng, nội dung để vở kịch đạt chất lượng tốt nhất trước khi công diễn. Hoặc họ mời tác giả viết đề cương theo đặt hàng.

Việc hoàn thiện nhờ vào việc tung hứng, "bồi da đắp thịt" của các diễn viên nhận vai. Tổ chế tác của sân khấu Phú Nhuận gồm các tác giả ít nhiều tên tuổi như Diệp Tiên, Xuân Nghị, Xuân Trang… Không chỉ tự sáng tác, họ có thể tìm nguồn kịch bản rồi thảo luận, thêm thắt, nâng thành kịch bản hợp gu với sân khấu mình.

NSND Hồng Vân cũng có thêm lợi thế khi được nhiều nhà biên kịch nổi tiếng tham gia đóng góp ý kiến cho tổ chế tác. Sân khấu Trịnh Kim Chi thì kêu gọi các học viên trẻ, các đạo diễn trẻ viết kịch bản. Riêng sân khấu Thế Giới Trẻ, Idecaf vẫn do chính các "ông bầu" đặt hàng các tác giả theo ý tưởng của mình mặc dù việc này vẫn "tùy hỉ" tác giả. Nhiều tác giả chỉ viết khi có đãi ngộ hậu hĩnh, đạo diễn tôn trọng đứa con tinh thần của mình.

Phan Thi Uyên
.
.