Sân khấu kịch dành cho thiếu nhi:

Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Thứ Năm, 11/06/2015, 08:30
Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp Tết thiếu nhi, Tết Trung thu... lại là lúc các nhà hát sân khấu, các đơn vị nghệ thuật rục rịch tung ra những chương trình đặc biệt dành riêng cho những khán giả nhỏ tuổi. Ngoài những "món ăn" quen thuộc như xiếc thú, ảo thuật... những vở kịch đang ngày càng thu hút được sự quan tâm của các em thiếu nhi cũng như các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, việc sân khấu dành cho thiếu nhi vẫn chỉ mỗi năm một mùa như lâu nay thực sự là điều đáng tiếc, không riêng với những người làm nghệ thuật.

Rộn ràng "vào mùa"

Những ngày này, tại các thành phố lớn, không khó để chúng ta bắt gặp tràn ngập những băng rôn quảng cáo những chương trình nghệ thuật dành cho các em. Những chương trình này cũng khá phong phú với đầy đủ các thể loại như ảo thuật, xiếc, ca nhạc… Đặc biệt là kịch nói luôn được các nhà hát ưu tiên dàn dựng. Không thể phủ nhận, sân khấu kịch phía Nam vẫn là nơi sôi động nhất với hàng loạt những vở diễn dành cho các em được giới thiệu ra mắt.

Ngay từ giữa tháng 5, cùng một lúc cả hai sân khấu là Hoàng Thái Thanh và Idecaf đã công diễn 2 vở mới cho trẻ em là "Lọ Lem và hoàng tử" và "Nàng công chúa đi lạc". Lấy cảm hứng từ hai câu chuyện "Cô bé Lọ Lem" và "Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn", "Nàng công chúa đi lạc" là vở diễn vẫn nằm trong chuỗi kịch bản "Ngày xửa ngày xưa" mà Idecaf thực hiện nhiều năm qua, đi đầu trong phong trào phục vụ những khán giả nhí. Vở diễn cũng quy tụ toàn bộ lực lượng diễn viên hùng hậu của sân khấu Idecaf như NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, Mỹ Duyên, cùng các nghệ sĩ như Đại Nghĩa, Đình Toàn, Thanh Vân…

Hài kịch “Dế mèn phiêu lưu ký” của Nhà hát Tuổi trẻ được nhiều trẻ em chờ đợi.

Sân khấu Sao Minh Béo của nghệ sĩ hài Minh Béo dù mới được thành lập nhưng cũng đã kịp hoàn thiện vở ca múa nhạc kịch thiếu nhi "Nữ thần Mặt trăng". Đây là lần đầu tiên sân khấu này dựng vở diễn dành cho khán giả nhí.

Tương tự, mới ra mắt vào tháng 4 năm nay nhưng sân khấu Sen Việt cũng đã nhanh chóng hoàn thành "Chuyện tình hoa sim" với màu sắc dân gian, thần thoại. Một câu chuyện tình yêu đẹp, nhân văn được dàn dựng một cách nhẹ nhàng, nhiều màu sắc, ê kíp thực hiện với mục đích có thể phục vụ cả đối tượng khán giả người lớn và thiếu nhi. Nghệ sĩ Lê Hay cũng cho ra sân khấu mới tại đường Tân Kỳ - Tân Quý với những vở chuyên cho thiếu nhi như "Út Bự và bầy hổ", "Ngưu vương náo nhân gian", "Siêu quậy tí hon"…

Không sôi động như sân khấu phía Nam nhưng mùa hè năm nay cũng đã đánh dấu sự chuyển mình tích cực của sân khấu phía Bắc trong việc phục vụ những khán giả thần tiên. Dẫn đầu trong số các đơn vị hoạt động nghệ thuật ở phía Bắc phải kể tới Nhà hát Tuổi trẻ. Chỉ riêng mùa hè này, các em nhỏ đến với Nhà hát sẽ được phiêu lưu cùng các nhân vật Dế Mèn, Dế Trũi trong vở kịch vui "Dế mèn phiêu lưu ký". Đây là lần đầu tiên anh chàng Dế Mèn trong truyện dài nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài được lên sân khấu nên được không ít khán giả háo hức chờ đợi. Ngoài ra, các nhân vật hoạt hình quen thuộc như Tiên hắc ám, mèo Oggya chú gián, công chúa Aurora… sẽ có mặt trong chương trình ca múa nhạc "Phiêu lưu trong thế giới hoạt hình 2".

Tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ là chương trình "Âm mưu của đại ma vương". Chương trình đã được hai nghệ sĩ Xuân Bắc, Tự Long dàn dựng từ năm ngoái và vẫn tiếp tục phục vụ khán giả mùa hè này. Ngoài chương trình xiếc "Rừng xanh và muông thú" của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, các em thiếu nhi tại Thủ đô có thêm sự lựa chọn vào thực đơn giải trí của mình chương trình "Zen magic - Ảo thuật thiền" của hai nữ nghệ sĩ tài danh Nhật Bản tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội hay các trò diễn cổ của rối nước ở Nhà hát Múa rối Thăng Long cùng các chương trình rối cạn của Nhà hát Múa rối Việt Nam.

Danh hài Minh Vượng cũng khiến các em cười nắc nẻ khi vào vai bà tiên trong "Những điều ước thần kỳ" hợp tác cùng Nhà hát Chèo Hà Nội. Nhà hát Kịch Việt Nam năm nay cũng không quên khán giả nhí bằng vở nhạc kịch "Chuyện chàng dũng sĩ"…

Vẫn thiếu những kịch bản "nội"

Một trong những điểm tích cực đáng ghi nhận ở sân khấu giải trí cho khán giả nhí mùa hè năm nay chính là việc sân khấu phía Bắc đã có những chuyển biến. Thay vì im ắng như nhiều năm trước, các nhà hát đã cố gắng để có những vở diễn riêng dành tặng các em nhỏ. Đây là kết quả của quá trình rục rịch "chạy đà" từ những năm trước.

Hẳn nhiều người còn nhớ, vào dịp trung thu năm 2014 đã có hàng chục vở kịch phục vụ khán giả nhí ở sân khấu phía Bắc như "Đêm hội trăng rằm", "Cổ tích cười", "Chuyện chàng dũng sĩ", "Vua lợn", "Chú Cuội ra Trường Sa"... Năm 2014 cũng là năm đánh dấu cái bắt tay giữa sân khấu Idecaf và Nhà hát Tuổi trẻ trong dự án mang "Ngày xửa ngày xưa" ra sân khấu phía Bắc. Và thực tế từ sân khấu phía Nam đã chứng minh khán giả nhí luôn là những "khán giả tiềm năng". Nếu được đầu tư đúng mức thì ngoài ý nghĩa lớn lao về giáo dục, thẩm mỹ, bản thân các đơn vị thực hiện hoàn toàn có lãi.

Nhìn chung, sân khấu kịch hè 2015 dành cho thiếu nhi đã có những khởi sắc. Không chỉ đầu tư phần "nhìn" với trang phục, thiết kế sân khấu bắt mắt, hầu hết các vở diễn đều cố gắng nâng cao chất lượng nội dung. Bởi ngoài mục tiêu hấp dẫn các thượng đế nhỏ tuổi bằng sự lạ mắt, đẹp đẽ thì việc chú ý tới giá trị giáo dục của vở diễn sẽ dễ dàng thuyết phục các bậc phụ huynh. Trong cuộc chiến giành khán giả với các chương trình giải trí trên truyền hình, các trò chơi điện tử hấp dẫn thì quả là một điều không dễ dàng với các các đạo diễn sân khấu.

Những câu chuyện cổ tích luôn được các đạo diễn sân khấu khai thác, lấy ý tưởng cho vở diễn.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, dù đã có thêm nhiều vở diễn nhưng sân khấu thiếu nhi vẫn chưa thực sự thoát ra được khỏi cái bóng của cổ tích hay những nhân vật hoạt hình. Đành rằng, thế giới cổ tích luôn là một thế giới thần tiên phù hợp với tâm lý lứa tuổi, hấp dẫn khán giả nhí nhưng nếu cứ khai thác mãi sẽ dẫn tới sự nhàm chán. Ngay cả bản thân các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này cũng thừa nhận là không có nhiều đổi mới. Không khó để nhận ra sân khấu phía Nam chú tâm vào khai thác những chuyện cổ tích nước ngoài với những nhân vật Lọ Lem, Bạch Tuyết, công chúa Hạt đậu…

Trong đó sân khấu phía Bắc dành nhiều tâm sức khai thác các hình tượng quen thuộc trong các truyện cổ tích Việt Nam, truyện dân gian như chú Cuội, chị Hằng, thằng Bờm… Không có nhiều những vở diễn thoát ra khỏi những bó buộc của cổ tích, mang hơi thở hiện đại như "Chú Cuội ra Trường Sa" của NSƯT Minh Vượng. Cốt truyện hay, diễn xuất gây cười nhưng nếu năm nào cũng cho các em thưởng thức những vở diễn na ná như vậy sẽ khó có thể giữ chân được khán giả nhí những mùa tiếp theo.

Ngoài khai thác những nhân vật của thế giới cổ tích, sân khấu vẫn giữ thói quen "ăn theo" những nhân vật của hoạt hình nước ngoài, chưa xây dựng được những nhân vật thú vị cho riêng mình. Bản thân các đạo diễn của sân khấu phía Nam cũng thừa nhận sự "bí" đề tài khi đã kể quá nhiều các chuyện cổ tích Đông Tây quen thuộc. Hầu hết các kịch bản hiện nay đều được các đạo diễn tự chế từ ý tưởng các truyện cổ tích, sau đó cho thêm những phần hài hước, gây cười chứ chúng ta chưa xây dựng được một đội ngũ cây bút viết kịch bản cho thiếu nhi.

Không ít người trong giới sân khấu thừa nhận là chúng ta chưa có sân khấu kịch chuyên nghiệp dành cho thiếu nhi. Hàng chục năm nay, sân khấu thiếu nhi vẫn chạy theo mùa vụ và thông thường chỉ có một mùa vào dịp hè. Phía những người làm sân khấu thì cho rằng, khán giả chưa có thói quen đưa các em đi xem kịch ngoài thời điểm hè nên các nghệ sĩ chỉ dồn sức phục vụ ở thời điểm đó. Còn phía các phụ huynh thì cũng không ít người phàn nàn là nhiều khi muốn đưa các em đi xem kịch cũng không có. Một trong những tiêu chí để trẻ em phát triển toàn diện là nâng cao nhận thức về nghệ thuật.

Để kịch thiếu nhi trở thành một món ăn tinh thần hấp dẫn và thường xuyên của các em thì điều quan trọng là cần thay đổi nhận thức của phụ huynh và nâng cao ý thức trách nhiệm của các nghệ sĩ trong sứ mệnh phục vụ đối tượng khán giả đặc biệt quan trọng này.

Khánh Thảo
.
.