Sản xuất phim Việt Nam:

Bao giờ Việt Nam có nhà sản xuất phim thực thụ?

Thứ Bảy, 15/07/2006, 09:30
“Ngu ngốc”- nói theo ngôn ngữ hài hước của Bill, thì nhà sản xuất không nên lúc nào cũng tính toán chi li từng đồng trong việc làm phim. Để săn một kịch bản hay thì phải đầu tư đáng kể cho biên kịch. Để tạo được một cảnh quay mang tính hiệu quả nghệ thuật hay hoành tráng ấn tượng về mặt thị giác thì cũng không nên tiếc tiền.

1. Thực thụ tức chuyên nghiệp. Đến bao giờ Việt Nam mới có những nhà sản xuất phim chuyên nghiệp? Dường như câu hỏi ấy không mấy khi đặt ra, không mấy ai quan tâm. Cái mà người ta vẫn thường nói đến là kịch bản, đạo diễn, diễn viên. Nhưng, ngay cả khi có đầy đủ ba yếu tố cực tốt ấy mà thiếu một nhà sản xuất chuyên nghiệp thì không thể cho ra mắt được một bộ phim xuất sắc.

Trong thực tế, ở Việt Nam hiện nay tồn tại hai kiểu nhà điều hành sản xuất. Một là, giám đốc các hãng phim thuộc đài truyền hình nhà nước. Hai là, các “ông bầu” bỏ tiền ra thành lập các hãng phim tư nhân. Đối với các giám đốc hãng phim nhà nước thì họ dường như chỉ làm mỗi việc là duyệt và chi tiền cho các đoàn làm phim. Họ không “đi theo” từ đầu đến cuối một bộ phim như một nhà sản xuất phim thực sự. Còn đối với các “ông bầu” tư nhân thì họ hoạt động tích cực hơn. Nhưng cái cách mà các “ông bầu” ấy làm là để tạo nên một bộ phim ăn khách nhất thời hơn là một bộ phim xuất sắc thực sự.

Cảm nhận được vấn đề nhưng chúng ta vẫn cứ loay hoay chờ. Chờ cái gì? Trước hết là một cái nhìn đúng đắn về nhà sản xuất phim. Thật may, vào trung tuần tháng 5/2006, lần đầu tiên nhà sản xuất phim Hollywood Bill Mechanic đã đến Việt Nam để nói chuyện với các nhà làm phim Việt Nam. Cuộc gặp gỡ do báo Điện ảnh kịch trường Việt Nam số cuối tháng tổ chức, với sự tài trợ của Quỹ Ford đã diễn ra ở TPHCM trong hai ngày (ngày 15-16/5/2006). Trong hai ngày đó, ông Bill Mechanic đã mang những kinh nghiệm làm phim từ Hollywood sang chia sẻ với các nhà làm phim Việt Nam. Không phải mọi kinh nghiệm đều có thể áp dụng được, nhưng hầu hết mọi người cảm thấy được chia sẻ.  

2. Từng là chủ tịch của Hãng Fox trong bảy năm, Bill Mechanic là người trực tiếp điều hành sản xuất các bộ phim khổng lồ như: “Ngày độc lập”, “Titanic”, “Kỷ băng hà”, “Cối xay gió đỏ”, “Trái tim dũng cảm”, “Câu lạc bộ đấu sĩ”, “Thế giới mới”, v.v… Với kinh nghiệm của một nhà điều hành sản xuất tầm cỡ thế giới, theo Bill Mechanic, để có được một tác phẩm điện ảnh thực sự xuất sắc thì người sản xuất đôi khi cần phải… “ngu ngốc”.

“Ngu ngốc”- nói theo ngôn ngữ hài hước của Bill, thì nhà sản xuất không nên lúc nào cũng tính toán chi li từng đồng trong việc làm phim. Để săn một kịch bản hay thì phải đầu tư đáng kể cho biên kịch. Để tạo được một cảnh quay mang tính hiệu quả nghệ thuật hay hoành tráng ấn tượng về mặt thị giác thì cũng không nên tiếc tiền. Ví dụ, kinh phí làm phim “Titanic” là 1 tỉ USD. Đây là một con số “ngu ngốc”, vì với số tiền ấy thì có thể cứu trợ cho nhiều quốc gia. Nhưng nếu cần để làm một bộ phim hay thì cũng phải “tự bỏ tiền ra mà làm thôi” - Bill nói vậy. Đương nhiên là các nhà làm phim Việt Nam phì cười.

Chúng ta làm sao có thể so sánh với Hollywood? Các nhà sản xuất Việt Nam, dù qui mô lớn hay nhỏ cũng đều làm phim theo kiểu “liệu cơm gắp mắm”. Điều ấy là hoàn toàn có thể thông cảm. Nhưng cũng có thể nói, các nhà sản xuất phim Việt Nam thì lúc nào cũng tỏ ra “thông minh” và đôi khi cũng tự làm “nghèo” mình. Ví dụ: khi đặt hàng một nhà biên kịch, chưa gì họ đã đặt yêu cầu: bối cảnh thành phố, nhân vật chân dài, tình yêu tay ba, v.v…

Trước những yêu cầu tuy không khó chút nào ấy, nhà biên kịch bỗng cảm thấy tự hạn chế mình, họ không có được sự thăng hoa trong sáng tác. Trong khi đó, một tác phẩm điện ảnh hấp dẫn đâu nhất thiết phải là bối cảnh thành phố, nhân vật chân dài hay tình yêu tay ba? Sự độc đáo, mới lạ, riêng biệt của một kịch bản là “thước đo” đầu tiên cho sự thành công của một bộ phim.

Ngay từ khi đọc kịch bản, nhà sản xuất giỏi cũng đã “đo” được sự chào đón của khán giả hay không rồi. Điều này các nhà sản xuất Việt Nam còn cần phải học hỏi rất nhiều. Bởi chỉ vừa mới đây thôi đã xảy ra chuyện “cơm không lành canh chẳng ngọt” giữa nhà sản xuất Hãng phim “M & T Pictures” với tác giả kịch bản Châu Thổ - người viết kịch bản phim “Ghen” (32 tập - đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo). Phim “Ghen” đã quay được 10 tập thì dừng lại vì nhà sản xuất “phát hiện” ra phim không có “chất điện ảnh”. Kịch bản đọc hay nhưng dựng lại không hay(?!). Quả thật nếu như có chuyện đó thì lỗi thuộc về nhà sản xuất chứ đâu tại tác giả kịch bản hay đạo diễn (?)
 

3. Không có ai đi đến rạp để xem một… bộ phim dở. Nhưng làm thế nào để có những bộ phim hay? Câu hỏi ấy vẫn còn là “bài toán” khó. Làm điện ảnh cần có tiền, thậm chí rất nhiều tiền. Nhưng tại sao, có nhiều hãng phim đã chi nhiều tiền mà vẫn chưa có phim hay? Điều này tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng xem ra vấn đề mấu chốt nhất vẫn là chưa có được sự “ăn giơ” giữa người biên kịch và nhà sản xuất.

Trong thực tế, thẳng thắn mà nói ít có một nhà sản xuất nào cầu thị, tôn trọng nhà biên kịch một cách thực sự. Ví dụ, với kịch bản độc đáo kiểu như “Hạt mưa rơi bao lâu” (của nhà văn - nhà biên kịch Việt kiều Đoàn Minh Phượng) thì chắc chắn không có một nhà sản xuất Việt Nam nào dám mua. Nếu Đoàn Minh Phượng không tự trở thành nhà sản xuất cho chính bộ phim của mình thì bộ phim ấy chắc mãi còn… trên giấy.
 

Theo kinh nghiệm của Bill Mechanic thì có những kịch bản ban đầu không tốt. Nhưng nếu giữa nhà sản xuất và biên kịch cùng làm việc với nhau (theo từng công đoạn, trong một thời gian dài) thì sẽ có một kịch bản tốt hơn. Ngay cả với một kịch bản tốt thì cũng cần tìm những phương án tốt hơn nữa.

“Không thể tính được thời gian để chuẩn bị cho một bộ phim. Một năm, hai năm, thậm chí vài chục năm. Khi nào chuẩn bị thật tốt rồi mới làm. Đó là cách điều hành của một nhà sản xuất chuyên nghiệp” - Bill chia sẻ. Và, các nhà làm phim Việt Nam lấy làm tâm đắc về điều đó. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, có thể nói các nhà sản xuất Việt Nam vừa làm vừa học hỏi, chứ vẫn chưa có những chiến lược rõ ràng, cụ thể. Trong hai ngày làm việc với Bill Mechanic cũng chỉ có lác đác vài nhà sản xuất phim Việt Nam, còn phần lớn là nhà đạo diễn và biên kịch.

Một đạo diễn nói vui: “Nghe chuyện làm phim ở Hollywood giống nghe chuyện bác Ba Phi quá”. Còn một nhà sản xuất thì ví von: “Chúng ta ngồi đây, nghe chuyện làm phim của họ như những người đi bộ, nghe câu chuyện đi máy bay đâu ở trên trời ấy”. Như vậy, câu hỏi: “Bao giờ Việt Nam có nhà sản xuất phim thực thụ?” lại “lơ lửng” trên đầu mọi người

Việt Trần
.
.