Báo chí và vai trò xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử

Thứ Sáu, 22/03/2019, 07:58
Báo chí có mối quan hệ mật thiết với văn hóa, vừa là bộ phận của văn hóa, vừa là phương tiện truyền tải, phổ biến văn hóa tới công chúng. Trong tiến trình lịch sử mấy chục năm qua, báo chí cách mạng nước ta đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó...


Thông tin đại chúng góp phần hình thành nhân cách, lối sống giới trẻ

Ngoài ra, báo chí còn là kênh thông tin đại chúng phản ánh thực tiễn văn hóa, phổ biến văn hóa và là động lực thúc đẩy văn hóa phát triển.

Những năm gần đây, trong tình trạng văn hóa có dấu hiệu xuống cấp, trong đó có văn hóa ứng xử trong cộng đồng, xã hội, nhiều khi đến mức báo động... đã được báo chí thông tin kịp thời, phân tích, cảnh báo. Với sức mạnh công khai, rộng khắp, tác động nhanh và mạnh, báo chí đã góp phần đắc lực vào việc phát hiện, phản ánh những bất cập, thói hư tật xấu trong văn hóa, góp phần xây dựng những chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí, nhà báo thiếu quan tâm đến văn hóa ứng xử, chuẩn mực văn hóa ứng xử, thậm chí vi phạm các quy tắc về văn hóa ứng xử dẫn đến vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến thanh danh, uy tín của cá nhân, tổ chức, cộng đồng. Hoặc, trong xây dựng văn hóa ứng xử, báo chí chưa có cách tiếp cận, tác động hợp lý, hiệu quả trong việc điều chỉnh nhận thức, hành vi cộng đồng.

Sự phát triển như vũ bão của các phương tiện báo chí, truyền thông, đặc biệt là loại hình báo điện tử đã giúp cho độc giả có được lượng thông tin khổng lồ, đa chiều với thời gian nhanh nhất. Tuy nhiên, trong tình hình ấy, nhiều cơ quan báo chí mải chạy theo tia-ra, câu khách bằng mọi giá đã tạo hiệu ứng tiêu cực với xã hội và làm giảm đi vai trò định hướng của mình.

Phóng viên ảnh tác nghiệp ở một sự kiện văn hóa.

Làm thế nào để báo chí giữ vững được vai trò của mình trong truyền thông xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử trong điều kiện hiện nay là một câu hỏi được đặt ra với mỗi tòa soạn báo, mỗi phóng viên, nhà báo. Có lẽ vì sự cần thiết, cấp bách của vấn đề này nên Hội thảo "Vai trò của báo chí trong truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử" nằm trong khuôn khổ Hội báo Toàn quốc 2019 thu hút được sự quan tâm của đông đảo đại biểu tham dự.

Mỗi đại biểu ở mỗi công việc khác nhau, góc nhìn khác nhau, đã đưa đến những ý kiến đa chiều xung quanh chủ đề này. Nhưng tất cả đều không nằm ngoài mục tiêu làm thế nào để báo chí giữ được vai trò định hướng của mình trong đời sống văn hóa xã hội. 

Như chúng ta đã biết, báo chí là một trong những kênh giáo dục sinh động và có diện bao phủ rộng đến các nhóm công chúng. Trong đó, sức ảnh hưởng của thông tin đến công chúng trẻ rất lớn. Thông tin đại chúng đã góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần, tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm, thị hiếu và hình thành nhân cách, lối sống cho công chúng trẻ.

Thực tế, thời gian qua, nhiều phong trào đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ nhờ vào truyền thông, như "Vì biển đảo thân yêu", "Chung tay xây quỹ người nghèo", "Hiến máu nhân đạo"... Tuy nhiên, theo ý kiến của PGS.TS Đặng Thị Thu Hương thì nhân vật được đăng tải trên các báo dành cho độc giả trẻ phần lớn là ca sĩ, người mẫu, diễn viên...

Số lượng các bài viết về tấm gương các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà thơ, những người có uy tín, có nhiều đóng góp cho các lĩnh vực xuất hiện ít ỏi, trong khi những nhân vật giải trí lại xuất hiện với tần suất dày đặc. Cũng theo bà Đặng Thị Thu Hương, khi một nghệ sĩ là hình mẫu, thần tượng của giới trẻ thì những hành vi, quan điểm sống của họ có tác động rất lớn, thậm chí khiến nhiều người trẻ bắt chước theo.

Chính vì sự ngập tràn trên báo chí hình ảnh người nổi tiếng giàu có, xa hoa mà công chúng trẻ bị tác động ít nhiều. Một bộ phận giới trẻ lấy đồng tiền để đánh giá giá trị của con người, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xây dựng nhân sinh quan, thế giới quan của giới trẻ. Từ đó, trào lưu gây sự chú ý, trở thành người nổi tiếng bằng mọi giá đang được nhiều bạn trẻ áp dụng.

Chính khả năng tác động mạnh mẽ của báo chí tới công chúng càng khiến người làm báo phải xác định rõ hơn về đạo đức và trách nhiệm của mình trong việc đăng tải thông tin. Cần có nhiều bài viết về những tấm gương học tập, lao động say mê sáng tạo, mang lại những giá trị tốt đẹp cho đời sống. Đồng thời cần phê phán thẳng thắn những người nổi tiếng đi ngược lại các giá trị đạo đức.

Làm báo trong cơ chế thị trường hơn bao giờ hết càng cần mỗi nhà báo phải "mắt sáng, lòng trong, bút sắc" để thông qua các sản phẩm của mình, đưa độc giả tới gần hơn những giá trị Chân - Thiện - Mỹ.

Đại tá, nhà báo Nguyễn Văn Hải (Báo Quân đội nhân dân): Sự lệch chuẩn của truyền thông ảnh hưởng đến chuẩn mực văn hóa ứng xử

Tôi cho rằng, chưa bao giờ hiệu ứng truyền thông lại có sự lan tỏa nhanh nhạy, mạnh mẽ như hiện nay. Sống trong "thế giới phẳng", chỉ cần một chiếc laptop nhỏ gọn hay chiếc smartphone trong tay, người sử dụng có thể biết "tất tần tật" mọi thứ, mọi việc xảy ra trên hành tinh này. Nhưng mặt trái của thời đại "internet hóa" cũng dễ làm cho ranh giới thật - giả, tốt - xấu, văn minh - lạc hậu… trở nên mong manh hơn, bởi truyền thông có lúc đã đi quá chừng mực cho phép, nếu không muốn nói là làm lệch chuẩn, biến dạng, méo mó bản chất sự vật, hiện tượng. Điều đó dẫn tới hệ lụy là gây nhiễu loạn dư luận xã hội, làm gia tăng tâm lý bất an cho công chúng, tác động tiêu cực đến chuẩn mực văn hóa ứng xử của cộng đồng.

Nói đến nghề báo là nói đến công việc "chữ nghĩa". Tuy nhiên, "chữ" đi liền với "nghĩa", nên việc sử dụng từ ngữ trên các phương tiện truyền thông sao cho đúng mực, chuẩn xác, hợp lý, hợp tình để góp phần tác động tích cực đến dư luận xã hội và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là trách nhiệm của mỗi nhà báo và các cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, thời gian qua có một số cơ quan báo chí, một bộ phận phóng viên đã có sự lệch chuẩn khi truyền thông về văn hóa giải trí, làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử của công chúng, nhất là công chúng trẻ. Và biểu hiện ở một số điều sau đây:

Thứ nhất, sự tung hô thái quá khiến giới trẻ dễ "lóa mắt" trước tác phẩm tầm thường. Tại giải thưởng "WeChoice Awards 2018" do một doanh nghiệp tổ chức, MV mang tên "Anh đếch cần gì nhiều ngoài em" được vinh danh là sản phẩm âm nhạc underground được yêu thích.

Một bài hát với không ít ca từ suồng sã, tầm thường. Xuyên suốt bài hát đã nhắc lại điệp khúc "Anh đếch cần gì nhiều ngoài em" tới 12 lần đã khiến những người tôn trọng phong cách văn hóa ứng xử tinh tế của người Việt cảm thấy vô cùng "nghịch nhĩ". Vì từ "đếch" vốn là một từ thông tục, biểu thị ý phủ định dứt khoát một cách nặng lời, thiếu nhã nhặn...

Điều đáng nói, một số cơ quan báo chí, phóng viên đã tung hô nhạc phẩm này hơi quá đà, coi đây là một "hiện tượng mới" của âm nhạc dành cho giới trẻ. Cách truyền thông như vậy không chỉ khiến người trong cuộc dễ ảo tưởng về mình, mà còn vô hình trung tác động tiêu cực đến thị hiếu âm nhạc lành mạnh đối với giới trẻ.

Thứ 2, cổ súy giới trẻ "ăn mừng chiến thắng" thiếu chừng mực. Khi đội tuyển bóng đá Việt Nam đạt được những thành tích đáng tự hào, một số cơ quan báo chí, nhất là báo điện tử lại tỏ ra thiếu chừng mực khi sử dụng một số câu từ, chữ nghĩa.

Trong đó, đáng nói là một số người cầm bút đã dùng từ "đi bão", "bão đêm" với hàm ý khích lệ, cổ vũ người dân xuống đường ăn mừng chiến thắng của đội nhà. Có thể kể ra mấy cái tít như: "Ngất ngây với chức vô địch, cổ động viên "đi bão" quá nửa đêm không muốn về", "Khóc cười trong trận "bão đêm" khổng lồ thâu đêm mừng Việt Nam vô địch"…"Bão đêm", "đi bão" là từ lóng dùng để chỉ hiện tượng một số người trẻ thường tụ tập với nhau để trình diễn, đua xe về đêm trên các tuyến phố ở những đô thị lớn…

Dù vô tình hay hữu ý, việc nhà báo sử dụng từ "bão đêm", "đi bão" để phản ánh việc người dân, giới trẻ tràn ra đường phố, tràn ra các khu vực công cộng để cổ vũ, ăn mừng chiến thắng đội tuyển bóng đá nước nhà là thiếu thận trọng, cổ vũ cho các hoạt động dễ gây mất trật tự công cộng, thậm chí cổ súy cho phong trào đua xe trái phép.

Thứ 3, dễ vi phạm văn hóa tín ngưỡng khi sử dụng từ ngữ. Tôi biết, có vị chức sắc tôn giáo bày tỏ thái độ khi một số báo điện tử thời gian qua đã lạm dụng những từ ngữ như "thánh soi", "thánh phán", "thánh chửi"...

Theo vị chức sắc tôn giáo lý giải, "thánh" là một từ để chỉ bậc siêu nhân với một hàm ý rất trang trọng, tôn kính trong một số tín ngưỡng, tôn giáo. Những từ "thánh phán, thánh soi, thánh chửi" lúc đầu chỉ có trên mạng xã hội, nhưng một số người cầm bút vì giản đơn trong nhận thức nên cũng "tát nước theo mưa" và đưa những từ ngữ thiếu chuẩn mực đó lên mặt báo.

Thứ 4, câu "view" bằng những tiêu đề phản cảm. Trong kỷ nguyên thông tin số, báo điện tử có một lợi thế là tin tức cập nhật nhanh. Đánh "trúng" vào tâm lý hiếu kỳ, tò mò của một bộ phận độc giả, thời gian qua, một số tờ báo điện tử ở nước ta đã "ngấm ngầm" thực hiện một cuộc cạnh tranh thông tin bằng cách rút tiêu đề... giật gân, câu khách. Những cái tít này có đặc điểm chung là: hình thức không phản ánh đúng nội dung; sử dụng những từ ngữ mạnh, kích thích sự tò mò, dùng ngôn từ nước đôi, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của ngữ pháp tiếng Việt, thậm chí làm biến dạng, méo mó văn phong tiếng Việt...

Không khó để bắt gặp những cái tít như: "Những pha không đỡ nổi, chơi ngu dã man, cười té ghế", "Soái ca" tè bậy giữa phố bị phạt 200.000 đồng"; "Đắng lòng "trai vẫy" vật lộn mưu sinh giữa lòng Thủ đô... Chưa khi nào mà những từ ngữ như: Bàng hoàng, thảm cảnh, bỏng mắt, đắng lòng, gây bão, rùng rợn... lại xuất hiện nhan nhản trên báo điện tử như hiện nay.

Tôi cho rằng, mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí cần nêu cao trách nhiệm trong việc lựa chọn nội dung, hình thức thể hiện làm sao vừa bảo đảm nhu cầu của công chúng, trong đó có công chúng trẻ, vừa góp phần hình thành, xây dựng môi trường thông tin lành mạnh, nhân văn, bổ ích, qua đó vun đắp chuẩn mực văn hóa ứng xử trong xã hội.

Nhà báo Trần Thị Thanh Thùy (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội): Công tác tuyên truyền phải liên tục

Tôi cho rằng, những ai đã gắn bó với Hà Nội, đã yêu Hà Nội thì không thể không xót xa khi những chuẩn mực văn hóa của người Hà Nội những năm gần đây bị che khuất bởi những hành vi phản cảm, những hành xử thiếu ý thức trong xã hội. Có thể kể đến như: Nạn xả rác bừa bãi, nói tục chửi bậy, hút thuốc lá tràn lan nơi công cộng, tình trạng hái hoa, bẻ cành, những hành vi phản cảm diễn ra tại các lễ hội, các sự kiện lớn của thành phố. Rồi nạn chặt chém du khách khi đến Thủ đô, tình trạng thiếu ý thức khi tham gia giao thông…

Để góp phần trả lại nét văn hóa ứng xử vốn có của người Hà Nội, hình thành những chuẩn mực ứng xử lành mạnh trong xã hội hiện đại, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thì cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả xã hội và trong đó báo chí đóng vai trò quan  trọng.

Tại Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, nhiều chương trình về chuẩn mực trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội đã được xây dựng và thực hiện như: "Người Hà Nội", "Hà Nội của chúng ta", "Hà Nội những góc nhìn", "Hà Nội đẹp và chưa đẹp", "Văn hóa sống"; các tiểu phẩm, trailer tuyên truyền cổ động... Bên cạnh đó, Đài cũng luôn cập nhật trong các bản tin thời sự những hiện tượng ứng xử thiếu văn hóa đang bị dư luận lên án, cũng như đề cao những cá  nhân, tập thể, những điển hình trong về xây dựng lối sống văn hóa trong cộng đồng.

 Có thể nói trong những năm qua, công tác tuyên truyền và định hướng của báo chí đã đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhận thức và hành vi của cộng đồng. Trong những chuyến tác nghiệp gần đây, chúng tôi đã nhận thấy có sự chuyển biến rõ nét trong ý thức xây dựng lối sống có văn hóa trong cộng đồng dân cư. Nhiều nơi còn lập ra những tổ tự quản cùng cảnh sát khu vực và cảnh sát giao thông tham gia đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông...

Cũng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của báo chí, tình trạng hống hách, cửa quyền đã không còn ngang nhiên tồn tại ở các cơ quan hành chính, những bộ phận thường xuyên tiếp xúc với người dân... Rất nhiều người dân Thủ đô giờ đây cảm thấy yên tâm và thoải mái khi đến các cơ quan công quyền để làm việc. Mùa lễ hội năm 2019 cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực trong văn hóa ứng xử tại các lễ hội lớn như: lễ hội Chùa Hương, lễ hội đền Gióng...

Theo tôi, việc tuyên truyền cần phải thực hiện liên tục, trong thời gian dài, không thể ngắt quãng hay theo kỳ cuộc. Có như vậy mới định hình được những chuẩn mực ứng xử có văn hóa trong cộng đồng, từ đó giúp những quy tắc ứng xử đó ăn sâu và bám rễ chặt chẽ trong cuộc sống của người dân. Cần tăng các chế tài xử phạt thật nặng để có sức răn đe, tiến tới loại bỏ những hành vi lệch chuẩn ra khỏi đời sống xã hội.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Báo chí không nên chạy đua với mạng xã hội

- Thưa Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí trong truyền thông xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử?

+ Tôi cho rằng, báo chí giữ một vai trò quan trọng trong truyền thông xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử. Từ việc báo chí đưa thông tin đến việc bình luận khen, chê như thế nào đều có tác dụng điều chỉnh hành vi ứng xử của xã hội. Điều khiến tôi trăn trở là hiện nay kinh tế - xã hội của nước ta đang phát triển, đi lên, nhưng văn hóa ứng xử có chiều hướng đi xuống. Vì thế chúng ta cần có hồi chuông báo động để thay đổi tình trạng này.

Tất nhiên, để khắc phục tình trạng này, cần sự chung tay của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, tuy nhiên báo chí giữ vai trò quan trọng. Báo chí khen, chê đều cần nhưng tôi quan niệm trong "chống" và "xây" thì lấy "xây" là chính.

Đặc biệt cần "xây" một cách tâm huyết, một cách nghệ thuật thì cái hay ấy mới lan tỏa nhanh trong đời sống. Tức là báo chí cần có nhiều hơn nữa những bài báo hay về cái hay, cái đẹp, những nhân tố tích cực trong đời sống. Bởi nếu báo chí mải chạy theo tia-ra, câu view, quá thiên về mảng tiêu cực thì sẽ dễ gieo cảm xúc thiếu tích cực với người đọc.

- Trong tình hình báo điện tử phát triển như vũ bão hiện nay, từ một số sự việc "nóng" xảy ra gần đây, ông có thấy dường như có một bộ phận báo chí mải chạy theo xu hướng giật gân câu khách mà quên đi mất vai trò định hướng xã hội của mình?

+ Tò mò là một trong những tính cách của con người. Một đặc tính của xã hội là dễ bị thu hút bởi những thứ giật gân, khác lạ. Tôi cũng cho rằng báo chí đang phải tự lo đời sống, nên một số tòa soạn báo cần lượng người đọc lớn, từ đó có được nhiều hợp đồng quảng cáo.

Điều này chúng ta cần hiểu và chia sẻ. Nhưng tôi thấy đáng lo ngại là hiện nay báo chí dường như đang có một cuộc đua với mạng xã hội, sợ bị độc giả bỏ qua, quay lưng nên sử dụng nhiều "chiêu, trò" thu hút độc giả. Trong khi, vai trò của báo chí là định hướng thông tin, điều chỉnh thái độ của người dân đối với mạng xã hội.

Trong xã hội, pháp luật là những quy ước thành văn, ai không tuân thủ thì phải chịu xử lý nhưng những quy ước, chuẩn mực về hành vi ứng xử thì có cái thành văn hoặc không thành văn. Có những điều dù không thành văn nhưng cũng rất quan trọng. Quy tắc ứng xử là chỗ dựa cho chúng ta trong đời sống. Có những giá trị bất di bất dịch như lòng yêu nước, lòng nhân ái, tình yêu lao động, tính trung thực, tinh thần trách nhiệm...

Có những giá trị như cách ứng xử giữa các thế hệ trong gia đình, quan hệ thầy trò... Có những thay đổi phù hợp với thời đại nhưng vẫn phải theo những chuẩn mực. Không phải con cái muốn nói với cha mẹ thế nào cũng được, trò muốn tỏ thái độ với thầy thế nào cũng được... Báo chí cần lên án, phân tích, phản ứng với những điều trái với ứng xử thông thường ấy.

- Theo ông, làm thế nào để báo chí luôn giữ vai trò định hướng và giữ được sự sang trọng của mình trong xã hội?

+ Bạn nói đúng, báo chí là một nghề sang trọng. Mỗi nhà báo, mỗi tòa soạn báo đều phải hiểu được vị thế của mình để không chạy theo những điều tầm thường. Báo chí có một vai trò quan trọng là định hướng xã hội thì phải làm đúng chức năng của mình. Để làm được điều này cần 2 yếu tố: nhận thức và tài nghệ của người làm báo.

Thực ra lâu nay viết về cái tốt luôn khó hấp dẫn. Tâm lý xã hội vốn chú ý nhiều đến cái "đen" hơn "trắng" mà. Nên, để thu hút được bạn đọc thì báo chí phải viết về cái tốt một cách sâu sắc để họ cảm kích, học theo. Còn viết cái tiêu cực phải ở mức độ, liều lượng như thế nào, phân tích như thế nào để nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho người đọc.

Gần đây, có những vụ việc tiêu cực báo chí ta đưa nhiều thông tin quá, đăng quá nhiều ảnh không cần biết tới tác hại thế nào. Có những tòa báo ở phương Tây bị phạt khá nặng vì đăng bài, ảnh thiếu nhân văn.

- Như vậy, trong điều kiện hiện nay, sẽ có nhiều điều phải lưu ý với mỗi tòa soạn, mỗi nhà báo, đúng không ông?

+ Tiếp xúc với nhiều nhà báo cả ở báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, tôi nhận thấy các bạn đều có kỹ năng nghiệp vụ tốt. Chỉ có điều làm báo trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay nên có một số nhà báo trẻ, chưa vững vàng sẽ dễ bị nhiều điều chi phối. Với mỗi tòa soạn báo phải thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho anh em phóng viên. Tăng cường vai trò của Hội Nhà báo trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người làm báo. Khuyến khích các nhà báo tích cực lan tỏa cái tốt, hạn chế cái xấu trong xã hội.

Bản thân các nhà báo cần hiểu rõ tầm quan trọng của công việc mình làm để sử dụng tài, tâm của mình một cách đúng đắn. Có lẽ, ngoài việc siết chặt quản lý thì mỗi nhà báo cũng cần nâng cao chuẩn mực văn hóa ứng xử trong công việc của mình.

- Xin cảm ơn Giáo sư!

Thảo Duyên - Tuấn Phong (thực hiện)
.
.