Bằng giả và những đôi chân chạy trong mưa

Thứ Năm, 31/12/2020, 13:42
Cháu gái tôi có một chiếc điện thoại đồ chơi. Trong những ngày mưa rét, cô bé bắt bà nội phải đóng vai em bé còn mình làm người mẹ gọi điện về cho con điệp khúc: "Con à, mẹ đi làm về sẽ đón con...". Cũng may, thứ đồ chơi rẻ tiền ấy níu chân nó không chạy ra sân, ra vườn kẻo nhiễm lạnh trong những ngày mưa rét. Một thứ đồ chơi lại có giá trị đến thế.


Nhưng rồi, cũng trong ngày 22/12 ấy, tôi đọc được tin hàng trăm học sinh tham gia Hội khỏe Phù Đổng (do ngành Giáo dục huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế  tổ chức) dưới trời mưa và nhiệt độ chỉ từ 16 đến 17 độ C. 

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Kiều Nhi, cựu giảng viên, bác sĩ Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế từng lo lắng khi trả lời phỏng vấn của Báo Thanh niên: "Trời này mọi người, kể cả người già, thanh niên cũng không nên, chứ đừng nới là trẻ em tiểu học, THCS lại ra hoạt động giữa trời mưa rét? Không chỉ thế việc đi chân trần, hay chạy nhảy bằng chân trần trong thời tiết mưa, rét như hiện nay rất dễ tạo điều kiện cho vi rút xâm nhập vào cơ thể qua da. Hết sức nguy hại" . 

Ở một số trang báo khác, tiếp tục là câu chuyện số phận 626 bằng cử nhân ngôn ngữ Anh (Văn bằng 2) của của một trường đại học. Ai đã mua những tấm bằng giả? họ đang đảm nhiệm chức vụ gì? và nếu như vụ việc không bị phanh phui, họ sẽ đứng trên diễn đàn rao giảng đạo đức, được phong học hàm hay lại tổ chức những cuộc thi thể thao dưới mưa rét như thế cũng nên chăng?

Mô hình bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực phẩm của anh Lâm Trọng Nghĩa - Nguồn ảnh Báo Tiền Phong.

Hơn 40 năm sau khi kết thúc chiến tranh, nền giáo dục nước nhà đi vào ổn định và phát triển, một giáo viên tiểu học đã phải có bằng cử nhân, một giáo viên THCS, THPT thì đương nhiên cần có bằng Thạc sỹ, Tiến sĩ chứ không thể cứ mãi là Trung cấp, Cao đẳng hay Cử nhân dạy Đại học theo kiểu "cơm chấm cơm". 

Hơn nữa, khi các trung tâm ngoại ngữ, các hình thức học từ xa, trực tuyến mở ra, xóa đi rào cản của vùng miền, giúp cải thiện hoàn cảnh học tập của những đối tượng là cán bộ đương chức, người đã "mất gốc" hay bỏ ngắt quãng về kiến thức. 

Bên cạnh đó là sự bùng nổ của các dịch vụ, thiết bị đòi hỏi sự hiểu biết về ngoại ngữ; sự nở rộ của các tour du lịch… tạo cho chúng ta một sự yên tâm: mặt bằng trình độ ngoại ngữ đã được nhân lên. 

Bởi thế, khi những người thân quen xung quanh chúng ta một ngày nào đó đạt được yêu cầu về ngoại ngữ như: IELTS: 4,5; TOEIC: 450; CEFR B1… đối với thạc sỹ và CEFR B2; IELTS: 5,5; TOEIC: 600; BULATS: 60… sẽ không ai đó ngờ vực. Chắc hẳn, chắc hẳn, họ đã vượt lên chính mình.

Nếu nhìn vào thế hệ tương lai đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cũng chứng kiến khả năng "vượt khó" thần kì. Ngay ở lớp 1 đã có từ 8-9 môn học (1 môn tự chọn), trong đó có đến 420 tiết môn Tiếng Việt. 

Báo chí cũng từng đăng những ý kiến phản hồi như chị Hoài Thanh (quận 3, TP Hồ Chí Minh): "Mới đầu năm học lớp 1 mà các con phải học 2 âm trong một buổi, sau đó ráp âm lại thành tiếng rồi đọc, viết. Tính ra, mỗi tuần học sinh phải học và phải nhớ, phải đọc được, viết được 10 âm. Trẻ lớp 1 đến các mặt chữ còn chưa nhớ hết thì làm sao ráp âm lại thành tiếng mà đúng hết được? Chương trình lớp 1 cũ đã có nhiều người kêu là quá nặng với trẻ, tôi cứ mong chương trình mới khắc phục được nhược điểm này, không ngờ các con còn bị quá tải hơn" (theo Báo Dân Việt). 

TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội cũng nhận định: "Nhiều phụ huynh "than" chương trình học lớp 1 năm nay nặng, tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do sự bố trí chương trình không hợp lý. Khi số tiết Tiếng Việt quá nhiều so với các môn khác, tăng gấp rưỡi so với chương trình cũ, trẻ cảm thấy quá tải do không nhớ hết số âm và vần được học trong tuần cũ đã phải học âm mới, vần mới" (theo Báo Pháp luật). 

Nhưng, khi năm học kết thúc, nhìn vào điểm số và các kết quả đánh giá, những lo lắng ấy là thừa chăng? Bởi lẽ, dần theo các cấp học, các em không chỉ "tiêu hóa" được hết chương trình nặng nề kia mà con tham dự đủ các hoạt động mà Hội khỏe Phù Đổng do ngành Giáo dục huyện Phú Lộc chỉ là một trường hợp.

Từ hai câu chuyện vừa nêu trên, theo thời gian có lẽ các nhà chức trách, các nhà quản lý và thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời. Nhưng trước hết, cũng cần ngẫm ra những điều thật sự đáng lưu tâm:

1.Những người đã "bán linh hồn" mua bằng giả kia họ chạy theo bằng cấp vì cái gì? Các em học sinh chạy trong mưa vì điều gì? Chính chúng ta đã lãng quên một thứ rất quan trọng ấy là tính hiệu quả và giá trị thực của các hoạt động, các loại bằng cấp. Thực sự chúng ta đã khai thác hết kiến thức, nghiệp vụ của người có bằng cấp đó chưa? 

Liệu trình độ trung cấp, cao đẳng, các chứng chỉ ngoại ngữ trong nước đã thực sự không còn đủ đáp ứng yêu cầu công việc của hiện nay hay không hay chỉ là vì không đủ phục vụ cho cuộc "chạy đua bằng cấp" và "nhờn bằng cấp"? Hay, việc nâng cao tiêu chí về bằng cấp là cách để trừ hao theo kiểu: Tuyển thạc sỹ để đảm bảo có cử nhân, tuyển cử nhân để trừ hao đi vẫn còn được trình độ cao đẳng?

Học sinh THCS huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế thi điền kinh trong điều kiện thời tiết không phù hợp - Nguồn Báo Thanh niên.

2.Chúng ta cần thế hệ tương lai phát triển toàn diện về các mặt văn, thể, mỹ… nhưng, đó phải là sự phát triển thường xuyên, đồng đều, từ gốc chứ đâu phải chỉ cần có những thứ tem mác của tích giải, huy chương. Việc sử dụng ngoại ngữ, tìm hiểu văn hóa, khoa học từ các quốc gia phát triển liệu đã đi thực sự vào đời sống? Học sinh đã có thời gian luyện tập và cơ sở vật chất để rèn luyện thể thao thường xuyên để phát triển toàn diện hay chỉ là hoạt động trang trí cho các bài tổng kết thêm sinh động và dày dặn.

3.Công bằng mà nói, có lẽ giáo dục đang phải tự gồng mình lên để vượt qua những khó khăn nhằm đáp ứng dần từng bước những đòi hỏi của cuộc sống mới. Việc mở rộng các hình thức đào tạo, tạo cơ hội học tập cho nhiều đối tượng là hết sức khoa học và nhân văn. Tuy nhiên, song hành với nó là tính thực tế ở hiệu quả và sản phẩm đích thực. 

Ví như, nếu đặt ta yêu cầu về trình độ ngoại ngữ khi đào tạo sau đại học thì các nhà quản lý cũng cần đặt ra lộ trình về thời gian để đảm bảo người học vừa hoàn thành công việc, vừa có thời gian học tập, nghiên cứu và thực hành chứ không nên là một bài toán đố kiểu "có được bằng mọi giá". 

Vẫn biết, với mỗi con người, để chiến thắng sức ì phải cần đến những yêu cầu, áp lực để vươn lên nhưng, bất kể một chương trình, kế hoạnh nào cũng có tính khả thi, trong giáo dục và đào tạo lại càng cần thiết. Khi bản thân chúng ta cũng bán tín, bán nghi ở chất lượng của những tấm bằng nhưng lại không có một cơ quan nào kiểm nghiệm, đánh giá hiệu quả đào tạo thì chỉ có lòng tự trọng của mỗi con người là thước đo lớn nhất. 

Việc nhiều nhiều người có đóng góp cho khoa học, kĩ thuật nước nhà nhưng chưa có học hàm Giáo sư, chưa được đào tạo sau đại học; lặng lẽ quan tâm cải thiện sân bãi, nhà thi đấu, dụng cụ thể thao để nâng cao thể chất cho các em học sinh như việc Sở GD-ĐT và Sở VH-TT-DL TP Hồ Chí Minh thông qua kế hoạch liên tịch, 24 phòng GD-ĐT quận, huyện cũng ký kết liên tịch với các trung tâm thể dục thể thao ở địa bàn cũng đã giúp hoạt động giáo dục thể chất đi vào chiều sâu, nâng cao hiệu quà là một hướng đi tích cực như thế.

Những hiện tượng tiêu cực, những hoạt động bất hợp lý đáng chê trách vẫn thường xuyên được báo chí thông tin và phê phán là một phần tất yếu trong cuộc sống trên hành trình xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh… 

Những gì sai trái, bất hợp lý sẽ bị xử lý theo pháp luật và đào thải, còn để loại bỏ bệnh hình thức, đi sâu vào bản chất giá trị thì không hề đơn giản. Nó đòi hỏi từ chính mỗi người chúng ta, cần cải thiện từ ngay trong mỗi chúng ta để loại bỏ thói quen đánh giá người khác qua "nhãn mác" để tạo ra một con đường phát triển khoa học hơn cho thế hệ tương lai.

Kiến Văn
.
.