Bằng cấp: Phương tiện, mục đích hay tư cách khoa học?
- Siết điều kiện đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ
- Điều kiện để được đào tạo tiến sĩ
- Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam: Những chuyện cười ra nước mắt
Khi xã hội thừa tiến sĩ, thiếu kẻ sĩ
Nguyễn Hồng Lam (thực hiện)
Cả nước có hơn 24.000 TS có thể cũng chưa gọi là nhiều, bởi nhu cầu phát triển của xã hội còn cần nhiều nhà khoa học hơn con số đó. Một viện khoa học đào tạo 700 TS trong hai năm, nghĩa là trung bình mỗi ngày “nở” ra 1 TS cũng chẳng có gì là quá đáng, bởi nó đào tạo cho hàng chục ngành khác nhau. Sự phê phán của xã hội có vẻ như đang quá chú trọng vào sự lạm phát của con số mà ít chú ý đến bản chất cốt lõi của vấn đề, đó là giá trị khoa học của công trình và đóng góp thật sự của người có bằng cấp.
Có ý kiến (có thể cực đoan) cho rằng, chỉ 5% TS trong ngành khoa học xã hội (KHXH) thật sự là người giỏi, xứng đáng là chuyên gia trong ngành, đủ tư cách nghiên cứu, đóng góp cho khoa học. Nếu tin đó là thật thì 95% TS còn lại là ai, sẽ làm gì?
Cần đưa ra các quy chuẩn về đào tạo tiến sĩ. |
Sinh viên ngành KHXH nếu vững về chuyên môn, có năng lực thật sự, ngay sau khi tốt nghiệp đại học sẽ không quá khó để tìm được việc làm. Một số ít sinh viên giỏi được “hớt váng” giữ lại làm cán bộ giảng dạy, sau đó học lên làm Thạc sỹ (ThS) rồi TS. Số khác, công việc sẽ cuốn họ đi, xa dần mối quan tâm và cuộc đua với bằng cấp.
Với kiểu đào tạo đại phổ thông hóa đại học, có một bộ phận rất lớn sinh viên KHXH tốt nghiệp xong vẫn chưa đủ năng lực trình độ, khó hoặc không xin được việc làm. Một phần trong số này lấp khoảng trống thời gian chờ tìm việc bằng cách tiếp tục học lên cao học, và hơn thế nữa. Khi đã có bằng cấp, việc “tham gia giáo dục đào tạo” trở nên một lựa chọn và cơ hội thật sự đối với họ.
Cũng không quá khó, khi mà trường đại học mọc lên nhan nhản, hệ nào cũng có, tỉnh nào cũng có, chỉ sau một đêm, một trường cao đẳng, thậm chí một trường trung cấp nghề ở địa phương cũng có thể được nâng cấp, lột xác thành trường đại học. Tất nhiên, đội ngũ cán bộ giảng dạy thì vẫn được giữ nguyên, không nâng bậc kịp!
Một khi đã xin được việc làm ở các viện, trường thì chuyện có bằng ThS, thậm chí TS gần như là tất nhiên, cũng là yêu cầu bắt buộc. Giỏi hay không, chuyện học và có bằng sau đại học cũng chỉ là vấn đề thời gian, người ta cũng phải tìm cách đạt được. Bằng cấp đang trở thành một thứ phương tiện, một điều kiện cần và đủ, không chắc chắn là một sự ghi nhận tương xứng của tư cách, trình độ vốn dĩ là mục đích của việc học.
Rất nhiều quy định bất hợp lý đã đẩy xã hội vào sự nhiễu loạn đó. Một nhà báo giỏi, nhiều năm kinh nghiệm buổi sáng có thể được mời giảng dạy báo chí tại một trường đại học, buổi tối lại ôm vở theo học tại chức ngay chính khoa báo chí của trường đại học đó, học lại ở mức thấp hơn nhiều những gì buổi sáng mình đã dạy. Lý do: không có bằng cử nhân báo chí, dù giỏi, anh cũng không thể thăng tiến và giữ vị trí nào đó trong cơ quan báo chí. Đào tạo trở nên lãng phí và vô bổ.
Có bằng TS, ngoài điều kiện thăng tiến, hàng loạt quyền lợi sẽ đến: được mời đi dạy đại học, được ngồi hội đồng, được đứng tên chủ nhiệm đề tài nghiên cứu các cấp… tất tật đều kèm theo quyền lợi vật chất. Vì thế, số đông sẽ coi việc có bằng TS như một “quả đầu tư”, trong đó phần “vốn” kiến thức trình độ chỉ là chuyện thứ yếu. Họ trở nên người có bằng cấp khoa học nhưng không đủ tư cách để làm khoa học.
Tôi chưa từng thấy bất kỳ một TS nào từ chối bằng cấp của mình mang vì lý do nhận thấy không xứng đáng. Tôi cũng đã tiếp xúc với vô số TS, có cả GS, PGS, nhưng đọng lại chỉ là nỗi băn khoăn: cái gì đã đưa họ lên thành người có tư cách (căn cứ trên bằng cấp) công tác và bàn chuyện khoa học, bởi cái đầu tiên cần - trình độ khoa học - của họ rõ là không đáng rồi. Xã hội đang quá thừa (nhưng vẫn rất thiếu) những người có bằng ThS, TS, nhưng kẻ sĩ thật sự, thì khó tìm. Nói thế có lẽ nhiều TS sẽ nhún vai vì tôi “đang tự tin giễu nhại bằng cấp như bất kỳ một kẻ không bằng cấp nào khác". Không sao cả. Vì nói khác đi thì tôi e không thể… Tự trọng kẻ sĩ đúng là thứ khó tìm, nhưng tôi tin không phải là không thể tìm được.
Ở đâu và bao giờ?
Ông Hà Văn Thịnh, giảng viên khoa Sử - Đại học Huế Luận án tiến sĩ: Sao không xóa sạch những nghi ngờ?
Thiết nghĩ rằng, để làm cho dư luận yên lòng, để đánh tan những nghi ngờ về nội dung, chất lượng của các công trình nghiên cứu; cũng như để cho rất nhiều TS thật khỏi phải ngơ ngác, đỏ mặt khi được xếp đứng bên các TS không được thật lắm thì, nhất thiết phải có đổi thay!...
Thứ nhất, tại sao không bắt buộc công khai tất cả, đầy đủ các luận án TS trên các tạp chí chuyên ngành trước khi bảo vệ? Lâu nay, “bắt buộc” này đã thành quy chế nhưng dường như mới chỉ là cho có, bởi những ai quan tâm không thể truy cập được! Cái sự “khó” đó không biết có phải do các cơ quan có trách nhiệm đã tạo nên một rào cản “vô hình” nào đó?
Viện hàn lâm Khoa học Việt Nam là cơ quan có đủ thẩm quyền và tư cách để công bố các luận án này trước giới nghiên cứu cùng với toàn bộ trí thức của đất nước. Một khi đã công bố như thế, mọi sự nhầm lẫn khoa học sẽ nhanh chóng được phản hồi bởi trong thời đại thế giới phẳng, tri thức mạng – thế giới ảo của vô số cái đầu thật sẽ nhận chân ra vấn đề một cách tinh tế, chuẩn mực.
Đừng bao biện rằng cách làm này là “đẽo cày giữa đường”: những góp ý, phê bình không thỏa đáng sẽ bị đào thải, chân lý sẽ hiển hiện.
Mặt khác, việc công khai “trình độ” chất lượng của luận án cũng sẽ làm giảm đến mức thấp nhất sự bao che hay dàn xếp của một vài cá nhân nào đó trong Hội đồng bảo vệ vì ai cũng hiểu, có quyền tất sinh lợi, có lợi ắt nảy sinh sự thiếu công minh…
Thứ hai, từ Bắc tới Nam, không đâu không thấy các TS sau khi bảo vệ thành công luận án thì mặc nhiên được hưởng lợi từ “công sức” và tiền của đã bỏ ra. Tại sao không có một cơ chế quy định rằng sau 3 năm, nếu TS không công bố được một công trình có giá trị (trong một chuyên san nước ngoài có uy tín chẳng hạn) thì tấm bằng đó lập tức được bảo lưu; rồi, nếu sau một hay hai năm vẫn tiếp tục tình trạng đó thì bằng đã cấp tự động vô giá trị?
Cái cách đăng bài (không cần nhuận bút) cho nhau, đăng vì tình cảm, quan hệ ở không ít tạp chí mang danh “khoa học” hiện nay, đăng mà chỉ có người có bài đọc, thực chất đang biến khoa học thành sự đùa dai bọt bèo. Ấy thế mà tất cả những bài của cái gọi là “công trình” đó lại đương nhiên được tính điểm để xét phong tiếp học hàm?
Chính vì sự trớ trêu này của thực tiễn mà nước ta có rất ít bằng sáng chế, phát minh được công nhận. Hàng vạn TS, PGS mà mỗi năm, số bài nghiên cứu được đăng tải trên các chuyên san uy tín của quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay…
Thứ ba, cần phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ đầu vào của ThS, TS. Một khi nhiều trường đại học coi đào tạo ThS là nguồn thu tốt nhất, dễ nhất (cho cả nhà trường lẫn giảng viên) thì ThS, trên thực tế, chỉ là cái hư danh. Người ta quên mất rằng cái tưởng là không quan trọng gì (bằng ThS) đã mở toang cánh cửa cho tấm bằng TS đi qua! Rất nhiều bằng TS đều có xuất phát điểm là đề tài ThS cũ, thầy giáo cũ, kíp xét duyệt cũ…
Ai có thể đảm bảo rằng trong cái mối quan hệ lâu dài, bền vững, “tình cảm” từ “thuở trước” ấy, sự bao che, dàn xếp không tái diễn?
Đó là chưa nói chuyện đa số các chuyên đề đào tạo ThS chỉ là “nâng cao” gọi là – thực chất là thay tên, đổi họ cho những gì đã được giảng dạy thời… đại học.
Trên đây là một vài ý kiến – xin nhấn mạnh là chỉ góp ý riêng cho các ngành KHXH – lĩnh vực mà người viết bài tương đối hiểu biết. Những đề xuất trên không mới nhưng vẫn phải nhắc lại vì cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ thay đổi thực sự nào.
PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh, Phó trưởng khoa Ngữ văn, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh: Vai trò phản biện xã hội của trí thức
Quanh vụ báo chí nhắc đến “lò đào tạo tiến sĩ”, tôi có được một vài tờ báo gọi đến muốn phỏng vấn, đề nghị cho biết ý kiến, quan điểm. Tôi lập tức từ chối, vì “nhát, ngại lắm, sợ đụng chạm đến nhiều người”. Người đề nghị thở dài: chuyện liên quan đến ngành Giáo dục của các cô, mà các cô còn ngại, thì thử hỏi giờ chúng tôi biết hỏi ai?.
Tôi đã nghĩ rất nhiều về điều đó!
Tôi nhận ra đúng là mình nhát, thậm chí mình hèn. Tôi nhận ra đó cũng là một trong những điểm yếu của người Việt Nam. Đa số (không phải tất cả) người Việt thường tránh nói trực tiếp đến việc liên quan đến mình, tức là tránh phản biện xã hội vì 2 lý do:
Thứ nhất là khi còn đương chức, nói thì sợ bị phê, bị cấp trên la rầy, ảnh hưởng đến cái ghế của mình, thành ra toàn đợi về hưu rồi mới nói. Và về hưu mới nói thì còn ảnh hưởng được gì nữa.
Thứ hai là ngại đụng chạm, toàn người quen cả, nói ra, anh nọ anh kia giận, sau này gặp lại, khó nhìn mặt nhau.
Tôi thì chẳng sợ gì cái việc "mất ghế”, nhưng đúng là tôi rất ngại đụng chạm, ngại ảnh hưởng đến các mối quan hệ. Đối với tôi, người quan trọng hơn việc. Nếu gặp một việc nào đó bắt phải chọn, bao giờ tôi cũng chọn người, không chọn việc. Do đó, tôi ngại nói những việc gì có liên quan trực tiếp đến ngành mình.
Thành ra mấy anh nhà báo nói mình vậy cũng đúng.
Sự việc liên quan đến “lò đào tạo tiến sĩ”, ban đầu mới chỉ là mấy tấm ảnh đăng trên Facebook, sau thành ra một câu chuyện, thành một vấn đề nóng hiện nay của giáo dục nói riêng, và của xã hội nói chung. Có thể thấy được sức mạnh lan tỏa của báo chí không chính thống lẫn chính thống, hay nói cách khác, là sức mạnh của tư duy phản biện, mà ở đây là phản biện xã hội.
Thường, phản biện xã hội là từ tư tưởng của một số trí thức, chứ không đến từ dân chúng. Nó không đặt ra câu hỏi: chất lượng giáo dục của chúng ta hiện nay thế nào? Câu hỏi này ai cũng có thể trả lời. Nó đặt ra câu hỏi lớn hơn: chúng ta sẽ làm gì với sự xuống cấp của giáo dục và đào tạo? Từ phổ thông, đại học, rồi giờ đến sau đại học, và thậm chí, đến việc bổ nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư chắc cũng có chỗ để bàn. Cũng đúng thôi, xã hội chỗ nào không nảy sinh vấn đề.
Về chuyện “lò đào tạo tiến sĩ”, tôi có ý kiến thế này:
Thứ nhất, việc đào tạo ồ ạt TS như của ở một viện nào đó không phải là thiểu số. Hãy nhìn một số đơn vị khác rồi phê phán luôn thể cũng chưa muộn!
Thứ hai, về tên đề tài luận án, có đóng góp khoa học hay không, đóng góp đến đâu, các chuyên gia trong ngành mới có thể nói được, người ngoài ngành không nên “phán” lung tung.
Thứ ba, về chất lượng luận án cũng vậy, phải đọc, phải được các chuyên gia thẩm định. Luận án nào cũng đúng quy trình hết: học 3 năm, làm luận án, bảo vệ vòng đầu cấp cơ sở (hay cấp bộ môn), sau đó phản biện kín, rồi thông báo trên báo chí, rồi mới bảo vệ chính thức sau khi được 7 thành viên hội đồng nhận xét. Nhìn chung, quy trình là ổn, còn quá trình thực hiện thế nào thì cần có việc giám sát, chứ cứ nói chung chung cũng là không được.
Nói chung là, xã hội cần một cuộc cải tổ thực sự, từ gốc, gấp lắm rồi!
TS. Nguyễn Công Thảo, Viện Dân tộc học Việt Nam: Đào tạo tiến sĩ ở Mỹ: Đóng mà mở
Tinh thần khoa học
Thời gian học ở Mỹ tôi từng khá bất ngờ khi trực tiếp nghe một vị GS tên tuổi, có nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam từ chối thẳng thừng khi tôi mời ông tham gia vào hội đồng đánh giá công trình nghiên cứu của mình. Ông bảo sẽ không giúp ích gì bởi chuyên môn sâu của ông khác so với dự định của tôi. Việc từ chối chỉ đến từ lý do chuyên môn. Trước khi nhận lời hướng dẫn, đa phần các GS đều trao đổi khá kỹ về chủ đề mà nghiên cứu sinh (NCS) muốn thực hiện, nhằm xem có phù hợp với chuyên môn của mình không. Nhiều trường hợp họ từ chối vì đang thực hiện đề tài, dự án nào đó nên không thể tận tâm hướng dẫn.
Các GS thường chia sẻ thẳng thắn quan điểm làm việc, yêu cầu chuyên môn của mình để NCS được biết – một cách tiếp cận khoa học, sòng phẳng, giúp hai phía hiểu nhau và làm việc với nhau một cách hiệu quả nhất.
Các GS hướng dẫn ở Mỹ tuyệt nhiên không được trả tiền. Việc hướng dẫn chỉ có ý nghĩa đóng góp hoạt động khoa học cho trường, khoa. Cả hội đồng cùng làm việc mà không hề có bất cứ hỗ trợ tài chính nào trong suốt thời gian hướng dẫn sinh viên của mình.
Hội đồng hướng dẫn đồng thời là hội đồng chấm luận án
Hội đồng hướng dẫn một NCS bao gồm ít nhất 5 thành viên (có thể nhiều hơn tùy vào nguyện vọng của NCS). Đây là tập thể vừa hướng dẫn, vừa đưa ra yêu cầu chuyên môn, vừa chấm điểm luận án của NCS sau này.
Việc thành lập hội đồng thường được tiến hành ở cuối năm thứ nhất quá trình học TS, sau khi NCS đã chọn được người hướng dẫn chính làm chủ tịch hội đồng. NCS có thể tham vấn người hướng dẫn chính hoặc tự mình liên hệ với các GS khác trong và ngoài khoa. Trên trang web của các cơ sở đào tạo bao giờ cũng công khai danh tính các giảng viên, bằng cấp và công trình khoa học của họ một cách minh bạch.
Sau khi thành lập, chủ tịch hội đồng sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên, nơi NCS trình bày kế hoạch học tập, đề tài luận án chi tiết hơn, giúp cả hội đồng và NCS thống nhất một hướng đi, lộ trình cụ thể. Không ít trường hợp nhờ thảo luận từ cuộc họp này, NCS điều chỉnh nghiên cứu theo hướng phù hợp hơn. Song hành với việc học các khóa học bắt buộc, tự chọn, NCS sẽ làm việc riêng với từng thành viên hội đồng để xây dựng thư mục tài liệu cần đọc, cần tham khảo. Danh mục này phải phù hợp với hướng nghiên cứu của NCS và nằm trong phạm vi chuyên môn sâu của người hướng dẫn.
Danh mục gồm hàng trăm công trình các loại, đa phần NCS đều “vã mồ hôi” . Dù vậy, tất cả NCS sẽ phải nghiêm túc nghiên cứu các tài liệu đã thống nhất, nhằm trang bị cho NCS nền tảng tri thức căn bản, đủ rộng, đủ sâu về hướng chuyên môn của họ. Đây cũng là sự chuẩn bị cần thiết cho kỳ thi sát hạch toàn diện (comprehensive exam) mà bất cứ NCS nào cũng phải trải qua và “nhớ đời” về tính khắc nghiệt của nó.
Kỳ thi sát hạch toàn diện
NCS phải trải qua một kỳ thi sát hạch được chấm điểm bởi chính hội đồng của mình. Vượt qua các kỳ thi viết với từng thành viên hội đồng, sau khoảng 1 tuần NCS sẽ phải vượt qua kỳ thi vấn đáp trước cả hội đồng, nơi họ có thể bị hỏi, sát hạch thêm một số nội dung liên quan đến bài viết của mình.
Thời điểm tổ chức kỳ thi này do NCS tự chọn, tùy thuộc vào mức độ sẵn sàng của họ. Đề thi luôn bí mật nhưng nhìn chung NCS sẽ được yêu cầu tóm tắt, bình luận hoặc phản biện những công trình mình đã đọc. Không ít người không thể vượt qua kỳ thi này. Việc thi trượt hai lần liên tiếp đồng nghĩa với việc NCS bị loại khỏi chương trình học. Nếu muốn, họ phải nộp đơn lại từ đầu.
Chỉ sau khi vượt qua kỳ thi này, NCS mới được phép trình, bảo vệ đề cương nghiên cứu chi tiết trước hội đồng. Được phê duyệt, họ mới được phép triển khai nghiên cứu thực nghiệm, được công nhận là ứng viên tiến sỹ (PhD Candidate), không còn phải đăng ký học các lớp từng học kỳ theo quy định của trường. Không ít NCS bỏ cuộc, có người phải sau 3 năm học mới dám đăng ký thi.
Luận án tiến sỹ
Việc lựa chọn tên đề tài, nội dung, địa bàn nghiên cứu hoàn toàn do NCS quyết định. Ý kiến của hội đồng chỉ có tính chất tham khảo nhưng NCS sẽ phải chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Việc đổi tên luận án hoàn toàn dễ dàng ngay cả sau khi NCS hoàn thành nghiên cứu thực địa, thậm chí trước khi bảo vệ một thời gian ngắn.
Bất kỳ luận án TS nào cũng phải trả lời được một số câu hỏi căn cốt: đóng góp cụ thể về mặt lý thuyết, phương pháp của nó đối với chuyên môn sâu của NCS là gì? Nó kế thừa ra sao từ các nghiên cứu trước và đưa ra được những vấn đề mới gì? Ý nghĩa khoa học của luận án và những vấn đề gợi mở cho các nghiên cứu tiếp theo? Đây là những câu hỏi mà NCS phải trả lời ngay ở phần đầu luận án của mình.
Chính vì lẽ đó, chương tổng quan tài liệu, trình bày lý thuyết, phương pháp nghiên cứu hết sức được coi trọng nếu không muốn nói là hồn cốt của luận án. Đây cũng là địa hạt được hội đồng quan tâm nhiều nhất bởi họ muốn xem NCS áp dụng cách tiếp cận, lý thuyết, phương pháp cụ thể nào, áp dụng chúng ra sao vào nghiên cứu cụ thể?
Đạo văn không bao giờ được chấp nhận. Mọi vi phạm đều đồng nghĩa với việc bị đánh trượt và NCS chính thức tự đóng sập mọi cánh cửa của mình trong cuộc đời khoa học.
Có thể thấy nền giáo dục nói chung, quy trình đào tạo TS nói riêng ở Mỹ vừa mang tính mở, vừa mang tính đóng. Nó mở với những người cầu thị, trung thực, thượng tôn tinh thần khoa học và đóng với những kẻ toan tính vật chất, vụ lợi…