Bản quyền âm nhạc

Bản quyền nhạc số vẫn còn rất lỏng lẻo

Thứ Ba, 06/05/2008, 14:00
“… Vấn đề chính nhất vẫn là việc bản quyền còn lỏng lẻo. Các cơ quan quản lý và các đơn vị sở hữu bản quyền chỉ có quan niệm "nắm kẻ có tóc, không ai nắm kẻ trọc đầu", nhưng việc này vô hình chung đã tiếp tay cho các trang nhạc lậu mặc sức hoành hành.” - anh Nguyễn Ngọc Long, Trưởng ban biên tập, FPT Online, chia sẻ xung quanh vấn đề bản quyền âm nhạc trên mạng Internet.

Với hơn một triệu ca khúc có bản quyền trên kho âm nhạc trực tuyến hàng đầu Việt Nam nhacso.net, đây là đơn vị đầu tiên thực hiện việc ký bản quyền với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Để làm được điều ấy, phần lớn phụ thuộc vào những người điều hành.

Nguyễn Ngọc Long, một trong những người gắn bó đầu tiên với nhạc số tại Việt Nam, hiện điều hành trang web nhacso.net, chia sẻ với bạn đọc Văn nghệ Công an về vấn đề bản quyền âm nhạc trên mạng Internet hiện nay.

- Là một trong những người theo dõi sự phát triển nhạc số ở Việt Nam từ khá sớm. Anh có thể cho biết những nhận định của anh về thị trường nhạc số ở Việt Nam?

+ Thị trường nhạc số tại Việt Nam tuy manh mún nhưng đầy tiềm năng. Mặc dù bây giờ mọi thứ đang phát triển theo một hình thái rất "hỗn loạn", chưa định hình nhưng nó phản ánh đúng thời kỳ sơ khai của thị trường. Thời gian gần đây xuất hiện liên tiếp hàng nghìn trang web cung cấp nhạc số.

Có cầu ắt có cung. Khi mà nhu cầu nghe nhạc của mọi người lúc nào cũng có, nhưng các trang nhạc chính thống - vì nhiều sự trói buộc khác nhau - không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu đó thì các trang nhạc khác "phải" xuất hiện để làm cầu, đáp ứng những cung còn "ứ đọng" của người nghe.

Tất nhiên, việc người người làm trang nghe nhạc, nhà nhà làm trang nghe nhạc một cách dễ dàng phải kể đến sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ nguồn mở. Vô số mã nguồn tạo trang nghe nhạc được cho không trên mạng, chỉ vài thao tác là ai cũng có thể làm... ông chủ.

Vấn đề chính nhất vẫn là việc bản quyền còn lỏng lẻo. Các cơ quan quản lý và các đơn vị sở hữu bản quyền chỉ có quan niệm "nắm kẻ có tóc, không ai nắm kẻ trọc đầu", nhưng việc này vô hình chung đã tiếp tay cho các trang nhạc lậu mặc sức hoành hành.

Cuối cùng, chỉ có các đơn vị làm ăn chân chính là chịu thiệt, và kéo theo sự thiệt thòi gián tiếp của các hãng băng đĩa nhạc (vì họ cũng chẳng có nguồn thu nào thêm cả).

- nhacso.net là web nhạc duy nhất tại Việt Nam thực hiện bản quyền từ rất sớm? Ngoài chuyện tôn trọng bản quyền, điều gì khiến các anh quyết định đi đầu trong lĩnh vực này?

+ Chúng tôi muốn xây dựng thương hiệu nhacso.net như một hệ thống âm nhạc có bản quyền đầu tiên và lớn nhất Việt Nam. Thế mạnh của nhacso.net là tính chính thống, sự chuyên nghiệp và uy tín trong lĩnh vực âm nhạc, nhacso.net đã định vị là một trang âm nhạc số một về bản quyền và người sử dụng cũng đồng quan điểm đó. Còn bản sắc sẽ giúp nhacso trở thành đơn vị dẫn đầu thị trường, buộc các đối thủ khác phải hành động theo mình, khi ấy nhacso.net không phải quan tâm đến việc cạnh tranh.

- Các web nghe nhạc đều rất khó tồn tại nếu chia sẻ free. Quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam hiện nay lại không hề dễ kiếm. Tồn tại bằng cách nào khi các anh phải trả tiền phí bản quyền hàng năm lên tới hàng tỉ đồng?

+ Từ khi ra mắt đến giờ, nhacso.net phải tìm kiếm doanh thu từ các nguồn khác nhau để bù đắp chi phí máy chủ và vận hành hệ thống, chờ đến ngày việc bản quyền được tôn trọng hơn để có thể tiến hành kinh doanh nhạc trực tuyến.

Thời gian tới chúng tôi sẽ bán nhạc online, với nguồn nhạc là các sản phẩm ghi âm (băng đĩa) của các đối tác đã ký độc quyền cùng nhacso.net.

- Hiện nay, Hiệp hội ghi âm (RIAV) cũng đã áp con số 1 triệu đồng/bài/ năm để thu phí bản quyền. Theo anh con số này là cao hay thấp? Anh có thực hiện nghiêm túc như thực hiện bản quyền tác giả không?

+ Việc thu phí tác quyền để nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền của người sử dụng là một việc làm rất đáng hoan nghênh. Nhưng mức phí 1 triệu đồng/ca khúc/năm là chưa phù hợp. Chúng tôi vẫn đang đàm phán với RIAV theo hình thức chia sẻ doanh thu. Đây chỉ là một kênh cung cấp bản quyền ghi âm cho nhạc số, vì hiện tại chúng tôi đã thoả thuận với rất nhiều hãng đĩa khác rồi.

- Là người sử dụng âm nhạc để phục vụ kinh doanh, anh thấy việc thực hiện bản quyền ở Việt Nam hiện nay đã phù hợp chưa? Anh có kiến giải gì cho tình trạng này?

+ Ở Việt Nam hiện nay, đa phần có thói quen "xài chùa" bản quyền. Việc thay đổi thói quen từ trước đến nay không phải là việc một sớm một chiều. Bên cạnh những thính giả ủng hộ, cũng sẽ có không ít người quay lưng nếu các website âm nhạc trực tuyến không còn free.

Điều đó chắc chắn xảy ra, cho nên vấn đề là phải có một khoảng thời gian nhất định để người ta dần dần quen với việc nghe nhạc trả tiền. Muốn đạt được điều đó phải có sự đồng thuận và hỗ trợ từ tất cả các bên, phải mềm dẻo, không nên cứng nhắc

Thiên Toàn (thực hiện)
.
.