‘Bán danh ba đồng’ trong thế giới người mẫu

Thứ Năm, 14/05/2015, 08:00
Sàn catwalk luôn có một hấp lực ghê gớm với những thanh niên trẻ có hình thức. Sự quyến rũ của một loại hình công việc được "ăn ngon mặc đẹp", nhanh kiếm tiền… khiến sân khấu ấy nhanh chóng trở thành giấc mơ của không ít cô gái, chàng trai. Một số người thay vì lao động nghệ thuật nghiêm túc thì lại dùng mác người mẫu để thực hiện những hành vi trục lợi cá nhân, ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của nghề. 

Trung tuần tháng 4 vừa qua, một đường dây mại dâm với sự tham gia của một số người mẫu, "chân dài" đã bị các cơ quan chức năng triệt phá. Không chỉ nối dài danh sách những người đẹp, thậm chí những ngôi sao nổi tiếng "nhúng chàm", sự việc thêm một lần nữa khiến thiện cảm của khán giả dành cho nghề người mẫu tiếp tục "xuống hạng" và làm cho không ít những người mẫu đang làm nghề nghiêm túc cảm thấy đau lòng. Câu hỏi làm thế nào để lành mạnh hóa môi trường người mẫu và danh xưng người mẫu vẫn còn bỏ ngỏ trong giai đoạn hiện nay...

Liên tục scandal…

Ngày 15/ 4 vừa qua, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP HCM đã triệt phá một đường dây môi giới mại dâm cao cấp do các người mẫu bán dâm với giá hàng nghìn USD một lượt. Ngoài bắt giữ Lê Bảo Lộc vừa là đạo diễn, chủ một công ty người mẫu kiêm cầm đầu đường dây, 4 người mẫu, chân dài khác là Hải Yến, Bảo Trân, Diệu Hiền, Ánh Đào cũng bị bắt giữ về hành vi môi giới mại dâm.

Những cuộc thi người mẫu luôn thu hút sự quan tâm của nhiều nam thanh nữ tú.

Chuyện những "con sâu làm rầu nồi canh" như vậy không phải lần đầu xuất hiện. Các cơ quan chức năng đã không ít lần triệt phá những đường dây phạm pháp như buôn lậu, mại dâm trong đó có sự tham gia của một số người trong giới "chân dài".

Người mẫu nam buôn lậu, người mẫu môi giới mại dâm, người mẫu bán dâm, hoa hậu lừa đảo… đã trở thành những cụm từ quen thuộc trong suy nghĩ của nhiều người. Từ trường hợp người mẫu bán dâm Mỹ Xuân, Hồng Hà đến việc 13 cô người mẫu tham gia vào chương trình thời trang vi phạm đạo đức nghề nghiệp bị dư luận phản ứng hay một số người mẫu trẻ vì lợi ích vật chất đã bán rẻ đạo đức nghề nghiệp bằng việc chụp ảnh khỏa thân, phát ngôn gây sốc… đã không còn là chuyện lạ trong giới showbz. Và những scandal kiểu này dường như vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại. Chưa kể đến việc tình trạng cá lớn nuốt cá bé, tranh chén cơm manh áo vẫn thường xuyên diễn ra trong giới người mẫu. Vì cách làm việc thiếu chuyên nghiệp nên không hiếm trường hợp những người mẫu làm việc nghiêm túc vẫn bị o ép, ăn chặn cát sê dù đã có hợp đồng rõ ràng.

Sàn catwalk luôn có một hấp lực ghê gớm với những thanh niên trẻ có hình thức. Sự quyến rũ của một loại hình công việc được "ăn ngon mặc đẹp", nhanh kiếm tiền… khiến sân khấu ấy nhanh chóng trở thành giấc mơ của không ít cô gái, chàng trai. Một số người thay vì lao động nghệ thuật nghiêm túc thì lại dùng mác người mẫu để thực hiện những hành vi trục lợi cá nhân, ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của nghề.

Dễ dãi hay rẻ rúng danh xưng "người mẫu"

Có một thực tế là chưa khi nào những danh xưng như hoa khôi, người mẫu, hotgirl lại dễ dãi như hiện nay. Chỉ cần có chiều cao, hình thức bắt mắt, tham gia một vài show diễn thế là nghiễm nhiên được đeo "mác" người mẫu. Thực tế là Hiệp hội người mẫu từng tổ chức các buổi học về nhân cách, về nghề nghiệp nhưng không có người tham gia. Bản thân các người mẫu dường như không yêu nghề. Họ chỉ yêu cái hào quang của nghề, muốn mặc đẹp, được lên báo và nhanh nổi tiếng. Bên cạnh đó, sự tung hô quá đà của một bộ phận truyền thông cũng khiến cho những người trẻ ảo tưởng về danh hiệu của mình.

Người mẫu Hạ Vy cho biết "Số lượng người mẫu ở Việt Nam ngày một nhiều và đang có nguy cơ bị "loạn". Chưa bao giờ bức tranh người mẫu Việt Nam lại trở nên lộn xộn như hiện nay. Chỉ cần có một vài bộ hình đăng trên báo mạng, tham gia làm người mẫu quảng cáo cho một sự kiện nào đó là đã có thể tự hào nhận là người mẫu. Các công ty người mẫu cũng theo đó nhan nhản xuất hiện như nấm sau mưa. Và thực sự chưa bao giờ, kinh doanh nhan sắc lại mang về lợi nhuận nhiều như hiện nay.

Mặc dù Hiệp hội người mẫu Việt Nam đã ra đời nhưng khi xảy ra một số tiêu cực trong giới người mẫu thì tiếng nói của Hiệp hội chưa phát huy được tác dụng. Chính vì thế, giới người mẫu Việt Nam rơi vào tình trạng trắng đen lẫn lộn, khó phân biệt giữa chuyên nghiệp và không chuyên. Công việc quản lý người mẫu gặp nhiều khó khăn vì ở Việt Nam, các người mẫu chủ yếu hoạt động theo kiểu không chuyên và thời vụ. Không ít người đẹp chỉ đi làm người mẫu khi có các sự kiện, sau đó làm các việc riêng nên quản lý họ là việc làm khó khăn.

Bên cạnh việc quản lý lỏng lẻo thì tính phức tạp của nghề người mẫu cũng là một trong những lý do khiến nghề này bị kẻ xấu lạm dụng. Trong môi trường nhiều cạm bẫy này nên những giá trị đạo đức dễ bị ảnh hưởng. Các chân dài lại có lối sống phù phiếm, quen "ăn trắng mặc trơn" nên việc sa ngã là điều không khó hiểu. Để có danh, không ít cô gái đã tham gia các cuộc thi nhan sắc để sau đó tự gắn cho mình cái mác "người mẫu" danh giá.

Câu lạc bộ người mẫu: niềm hy vọng nhỏ nhoi

Ngày 15/ 4 vừa qua, người mẫu Hạ Vy - Giám đốc công ty Venus miền Bắc vừa được ông Nguyễn Quang Minh - Chủ tịch Hội Người mẫu Việt Nam, giao nhiệm vụ quản lý điều hành Câu lạc bộ người mẫu Việt Nam. Trước mắt, Câu lạc bộ ra đời để giúp các gương mặt trẻ có đầy đủ kỹ năng trước khi bước và nghề. Bên cạnh đó, nó còn tạo tiền đề tốt giúp các người mẫu hoàn thành được kỳ thi lấy thẻ hành nghề tại Hiệp hội người mẫu Việt Nam sau này.

Người mẫu tự do Diệu Hiền, một trong 4 chân dài mới bị bắt được xác định là có vai trò tổ chức, môi giới trong đường dây mại dâm.

Có lẽ câu chuyện về Hiệp hội người mẫu và chiếc thẻ người mẫu là vấn đề tốn nhiều thời gian nhất, công sức nhất. Được đưa ra bàn thảo từ năm 2005 nhưng đến 2008, Hiệp hội người mẫu mới được thành lập. Tuy nhiên, chuyện cần có hay không chiếc thẻ hành nghề dành cho mỗi cá nhân làm nghề người mẫu cho tới hôm nay vẫn chưa có quyết định chính thức.

Từ khi thành lập cho đến nay đã tới 7 năm nhưng Hiệp hội người mẫu Việt Nam chưa thực sự phát huy được vai trò của mình, thậm chí còn bị đánh giá là "hữu danh vô thực". Với 500 hội viên và một Ban chấp hành quy tụ hầu hết giám đốc của các công ty người mẫu tiếng tăm, nhưng trong Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ I, bà Nguyễn Thế Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội người mẫu Việt Nam cũng đã thẳng thắn chỉ ra những điều mà Hiệp hội chưa làm được như không duy trì được tạp chí Người mẫu, việc cấp thẻ hội viên, và quan trọng hơn là chưa góp phần giáo dục, tổ chức đào tạo người mẫu…

Trong Đại hội Hiệp hội người mẫu Việt Nam nhiệm kỳ 2013 - 2018, chuyện chiếc thẻ hành nghề lại được mang ra bàn thảo. Tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa đi tới thống nhất bởi còn nhiều nội dung liên quan đến khía cạnh xác định như tiêu chí, con người, thời gian. Người mẫu Thúy Hạnh cho rằng hơn bao giờ hết, cần phải cấp chứng chỉ cho người mẫu và công ty quản lý. Những người mẫu làm việc cho các công ty, công ty nào quản lý thì phải chịu trách nhiệm về người mẫu đó trong công việc. Hiệp hội người mẫu phải có trách nhiệm quản lý tất cả những người mẫu tự do, còn những người nào tự nhận là người mẫu mà không có chứng chỉ thì không được công nhận là người mẫu.

Vì thế vấn đề cấp bách là cần có sự phân biệt, đánh giá tiêu chuẩn về người mẫu. Theo đó, việc ra đời chiếc thẻ người mẫu là cần thiết, nhờ đó trước mắt có thể tạm thời xác định được đâu là người mẫu chuyên nghiệp, đâu là người mẫu nghiệp dư.

Xác định vị thế sẽ giúp những người mẫu nghiệp dư không ngừng hoàn thiện về tài năng, đạo đức để đạt tới mức chuyên nghiệp. Còn những người mẫu chuyên nghiệp có ý thức hơn trong việc bảo vệ tên tuổi của mình. Như vậy mới có thể hạn chế tình trạng những chân dài lợi dụng danh xưng để thực hiện những hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật. Ngoài ra, khi có bất cứ chuyện gì xảy ra, các cơ quan chức năng mới bảo vệ được những người làm nghề chân chính.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu người mẫu trở thành một nghề được nhà nước công nhận thì việc đầu tiên, các người mẫu phải làm là trực thuộc một đơn vị nào đó và có xác nhận của đơn vị này. Để đơn vị đó có trách nhiệm và nghĩa vụ cụ thể với từng người mẫu và ngược lại. Tuy nhiên, mọi nỗ lực cố gắng của các đơn vị chức năng sẽ không đạt hiệu quả cao khi bản thân những người mẫu không ý thức và chủ động trong việc giữ gìn, bảo vệ sự lành mạnh của nghề nghiệp mình đang theo đuổi.

Khánh Thảo
.
.