Từ vụ việc người dân xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) ký vào đơn xin trả lại di tích quốc gia:

Bài học đắt giá về "bảo tồn và phát triển"

Thứ Sáu, 31/05/2013, 09:00

Suốt mấy ngày qua, câu chuyện hàng trăm hộ dân ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) - chủ nhân của di tích quốc gia "Làng Việt cổ Đường Lâm" - đồng loạt ký vào đơn xin... trả lại di tích quốc gia đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của công luận. Từ chỗ hân hoan, tự hào vì làng của mình trở thành di tích quốc gia, sau 8 năm, nhiều người dân ở đây đã phải kêu trời vì phải... "sống chung với di tích" và "xin được bình yên". Đây thực sự là một bài học đắt giá về việc giải quyết mâu thuẫn giữa công tác "bảo tồn và phát triển văn hóa”.

Sau khi lá đơn có chữ ký của hàng trăm người dân ở làng cổ Đường Lâm được gửi đến UBND thị xã Sơn Tây, UBND Tp Hà Nội, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa,  Thể thao & Du lịch) xin được trả lại danh hiệu "Di tích lịch sử quốc gia làng cổ Đường Lâm" cho Nhà nước gây ra nhiều nỗi ngạc nhiên trong dư luận. Chiều 15/5, tại Nhà Văn hóa xã Đường Lâm, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội, UBND thị xã Sơn Tây đã tổ chức đối thoại trực tiếp với một số hộ dân ký vào đơn xin trả lại danh hiệu Di tích quốc gia để nắm bắt rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của họ. Trong số 87 hộ dân đã ký vào đơn, chỉ có 23 hộ được mời đến để trao đổi, nhưng bà con đã kéo đến rất đông, đa phần là để bày tỏ nỗi... bức xúc về nỗi khổ khi phải sống trong ngôi làng cổ nổi tiếng của mình. Nhiều người còn bày tỏ, rằng: "Không biết đây là làng cổ hay... làng khổ nữa!".

Thực tế, số nhà cổ nằm trong diện bảo tồn không nhiều, song để đảm bảo cảnh quan chung của di tích, các hộ gia đình trong làng không được phép xây nhà tầng mà chỉ được làm nhà cấp 4. Nhưng nói là để đảm bảo cảnh quan nguyên trạng của di tích, nhưng trên thực tế lại chưa hề có quy hoạch, có hướng dẫn hay quy chế nào để người dân làm theo, dẫn đến việc nhà nào cứ xây tầng 2 là bị đập bỏ, tốn kém tiền của và ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Do chưa thành lập khu giãn dân, trong khi trong các hộ gia đình, con em lớn lên, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, không gian sống trở nên chật chội nên một số hộ dân mặc dù không được cho phép vẫn tự xây dựng nhà mới cao tầng. Khi vi phạm, không chỉ công trình bị đập bỏ, các hộ gia đình còn bị chính quyền cắt điện nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh. Cộng thêm bức xúc từ việc làng thành di tích, tiền bán vé thu được mỗi năm hàng tỉ đồng, nhưng người dân chẳng biết mặt đồng tiền tròn méo ra sao, mà chỉ thấy khổ trong những ngôi nhà ngày càng xuống cấp và những phiền toái mà khách du lịch đem lại. Từ đó sinh ra việc người dân chán ghét cái danh hiệu di tích đang dần trở nên hão huyền với họ. Bởi cái danh hiệu ấy không những không đem lại cho họ điều gì ngoài niềm tự hào đã dần trở nên quá mờ nhạt trong khi những thúc bách về điều kiện ăn ở, sinh hoạt lại đang cận kề.

Việc ký đơn tính việc trả quách cái di tích lại cho Nhà nước cho... nhẹ nợ chắc hẳn đã ra đời trong nỗi bức xúc ấy. Nó thực sự chỉ là việc làm mang tính "cực chẳng đã" của người dân Đường Lâm, là "giọt nước tràn ly" sau nhiều năm người dân ở đây đã cảm nhận được những điều bất hợp lý mà họ phải chịu đựng. Sau nhiều năm im lặng để thực hiện theo Luật Di sản, họ đang phải đối mặt với những vấn đề bức xúc quanh nơi ăn chốn ở của mình: điện, đường, trường, trạm không được tu bổ, xây dựng đã đành, nhà cửa cũng không được xây, nhiều ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Và sự thể đã khiến người dân không thể không lên tiếng bởi những ngôi nhà trong làng là của người dân, hàng ngày người dân ăn ở, sinh hoạt và phát sinh nhiều nhu cầu trong đó, khi thành "di sản", bỗng chốc phải chịu sự điều chỉnh của Luật Di sản trong khi chưa có khu vực giãn dân hoặc quy hoạch để giãn dân nhằm mục đích bảo tồn. Vì thế, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển nảy sinh là đương nhiên, cho dù điều đó thể hiện ý thức của một số người dân trong việc bảo vệ di tích còn chưa cao. Mặt khác, đó lại chính là một động thái tích cực khiến chính quyền địa phương cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa phải có sự quan tâm, đầu tư đúng mức hơn đến vấn đề "mâu thuẫn nội sinh" sau khi phong danh hiệu di tích cho bất cứ ngôi làng nào. Đường Lâm là một "di tích sống" nhưng người ta lại đang áp các quy định coi làng này như một ngôi đình, chùa hay thành cổ và theo đó, buộc phải giữ nguyên trạng về cả không gian và mặt bằng của di tích thì thật sự là một điều... không tưởng.

Sau buổi đối thoại, người dân vẫn đuổi theo lãnh đạo cơ quan chức năng để trình bày.

GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian Việt Nam (nay là Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam) cho rằng, đây là hệ quả tất yếu phải xảy ra không chỉ với làng cổ Đường Lâm mà với bất kỳ di tích nào khác, nếu không có sự quan tâm đúng mức của cơ quan quản lý. Thậm chí ông còn chia sẻ với người dân Đường Lâm: "Đời sống tối thiểu của mỗi con người còn chưa được đảm bảo thì làm sao yêu cầu họ chung sức gìn giữ phát triển di tích được? Nếu tôi ở vào hoàn cảnh ấy thì tôi cũng sẽ có phản ứng như những người dân ở đây thôi...".

Trao đổi với phóng viên Văn nghệ Công an, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - tác giả loạt bài đầu tiên về câu chuyện bức bối ở Đường Lâm vẫn chưa hết bức xúc: "Tôi là một người con của Đường Lâm. Hiện gia đình tôi đang có 18 nhân khẩu sinh sống trong ngôi làng đó, bao gồm cả bố mẹ, anh chị em ruột. Người ta bảo "đánh đĩ 9 phương thì cũng phải chừa lại một phương để lấy chồng" nhưng tôi đành phải "đánh đĩ" nốt một phương còn lại. Tôi phải "đánh" chính làng tôi, nơi cuối tuần nào tôi cũng về và chắc chắn đến lúc chết tôi cũng về nằm trên cánh đồng làng Đường Lâm này. Tôi đã im lặng gần 10 năm sau khi làng được phong danh hiệu di tích quốc gia với bao nhiêu nỗi bức xúc dân sinh mà tôi thấu hiểu. Người dân làng tôi đã quá khổ rồi. Có nhà chỉ làm một cái nhà xí thôi mà 6 cán bộ đến cưỡng chế, sau đó cắt điện nước trong 2 tháng rưỡi nữa. Với một gia đình 3-4 thế hệ phải chịu cảnh đó thì làm sao dân chịu nổi. Từ ngày làng được phong di tích quốc gia, chẳng có một sự quan tâm nào đáng kể. Người dân không được một xu một hào nào mà lại phải chịu đủ thứ bức bối. Tôi nói thật, nếu cho dân thêm tiền để sống khổ như hiện nay chắc họ cũng không chịu được chứ đừng nói lại còn phải chịu đủ thứ o bế. Trong khi chỉ trong 6 tháng đầu năm, chỉ riêng tiền bán vé, người ta thu về tới 2 tỉ đồng. Sau 10 năm Đường Lâm thành di tích quốc gia, cấp trên cũng không cho biết họ sẽ định xây gì, quy hoạch ra sao, không có quy chế nào để dân biết mà làm theo. Trong khi đó, hễ cứ xây dựng cái gì lên là bị áp dụng "Luật Di sản" để gây khó khăn, thậm chí là đập bỏ không thương tiếc. Tôi cho rằng, việc giải quyết bức xúc dân sinh là việc làm quan trọng. Một ngôi làng là di tích văn hóa quốc gia thì việc đầu tiên là nó phải có giá trị nhân văn và giá trị nhân sinh".

Những bức xúc của người dân Đường Lâm đến nay đã phần nào tác động được đến các cấp chính quyền ở Hà Nội. Ngoài cuộc đối thoại để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, Chủ tịch UBND Tp Hà Nội - ông Nguyễn Thế Thảo cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc thẩm định Quy hoạch bảo tồn làng cổ Đường Lâm, Quy hoạch xây dựng khu giãn dân và Điều lệ quản lý quy hoạch, trình UBND thành phố phê duyệt trong tháng 6 tới. Ông Nguyễn Thế Thảo cũng chỉ đạo thị xã Sơn Tây đẩy mạnh vận động nhân dân bảo tồn và phát huy giá trị của di tích làng cổ Đường Lâm. Câu chuyện về Đường Lâm thực sự đã trở nên nhạy cảm, khiến phóng viên khó lòng liên hệ được với lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội cũng như UBND thị xã Sơn Tây để biết thêm chi tiết. Song quả thực, nếu những chủ trương chính sách đúng đắn, cần thiết này được triển khai và đi vào đời sống, chắc hẳn nỗi bức xúc của người dân cũng sẽ vơi đi phần nào

H.A.
.
.