Bài "Đợi" - đợi đến bao giờ?

Thứ Năm, 27/08/2009, 14:00
Vừa rồi, đọc báo Người lao động, tôi rất chia sẻ với bài viết của nhà thơ Lê Minh Quốc "Những câu thơ dị bản...khó chịu!". Quả tình, ngôn ngữ thơ ca có những đặc điểm riêng, đòi hỏi người trích dẫn thơ phải hết sức cẩn trọng.

Bởi nếu cứ nhớ theo "quán tính" chữ nghĩa thông thường thì rất dễ xảy ra sai sót, làm phương hại tới ý tưởng của câu thơ, thậm chí của cả khổ thơ, đoạn thơ. Cái dẫn chứng mà Lê Minh Quốc đưa ra ở cuối bài viết (về trường hợp câu thơ "Người đi quấn áo chen chân" trong bài "Tiếng hát đi đày" của Tố Hữu bị một tờ báo mạng đưa sai thành "Người đi quần áo chen chân") thật ra đã từng xảy ra nhiều lần.

Hồi nhà thơ Xuân Diệu còn sống, ông cũng đã đay đả về việc này, nhất là khi thấy câu thơ in sai ấy được chỉnh sửa cho đúng rồi, mà chỉ sau một thời gian ngắn, "lại tái hồi như một thứ con ranh con lộn" (chữ của Xuân Diệu) ở một cuốn sách khác. Và Xuân Diệu đã phải ngao ngán thốt lên: "Ôi! Chân lý khó đến như thế này hay sao?". 

Xuân Diệu kêu thế, và rồi chính bản thân ông cũng chịu chung cảnh ngộ. Trong một bài thơ, ông có câu "Một chiếc xe, đạp băng vào bóng tối". Thế rồi đây đó, báo in (hoặc đài đọc) ra thành: "Một chiếc xe đạp, băng vào bóng tối", là làm hỏng hết dụng ý nghệ thuật của ông, khiến Xuân Diệu rất khổ tâm.

Tuy nhiên, nói về những sai sót kiểu này không thể không nhắc tới một "nạn nhân" nữa, là nhà thơ Vũ Quần Phương. Nhiều bạn đọc đã biết, bài "Đợi" của Vũ Quần Phương được nhạc sĩ Huy Thục phổ thành một ca khúc rất nổi tiếng. Điệu chầu văn luyến láy đã có sức mê hoặc lạ. Không chỉ bạn đọc yêu thơ mà ngay cả nhiều nhà biên tập - trong các hợp tuyển thơ đã sốt sắng chọn bài này, xem như đấy là một bài thơ tiêu biểu của tác giả, trong khi, như chính Vũ Quần Phương tâm sự, trong khối lượng tác phẩm của anh, có những bài anh tâm đắc hơn nhiều. 

Tuy nhiên, như một cái "dớp" chữ, không biết từ bao giờ, câu thơ thứ 11 trong bài của anh đã bị biến đổi ra thành một câu...ngớ ngẩn. Nguyên văn của khổ thơ này là:

Anh đứng trên cầu đợi em
Đứng một ngày đất lạ thành quen
Đứng một đời em quen thành lạ
Nước chảy...kìa em, anh đợi em

Vậy mà không hiểu sao, từ bản in của NXB Văn học (cuốn "Thơ tình tuổi đang yêu", xuất bản lần đầu năm 1993, đến nay đã được tái bản nhiều lần) cho đến bản in của NXB Lao động (cuốn "Phút xao lòng", xuất bản lần đầu năm 2004), rồi thì trên trang điện tử Việt báo.vn (ngày 17/4/2007), tất cả khi in, khi dẫn bài thơ này, các nhà biên soạn đều dẫn câu thơ "Đứng một đời em quen thành lạ" (trong nguyên bản) ra thành: "Đứng một đời đất quen thành lạ" (chữ em quen bị biến dạng thành đất quen).

Tác giả vui vì bài thơ được chọn in thì ít, mà bực vì ý thơ bị sai hỏng thì nhiều. Đúng là "yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau". Tại sao đứng một ngày đất lạ thành quen, mà đứng một đời đất quen thành lạ (vì đứng một ngày đã quen thế, thì đứng một đời phải quen hơn chứ?). Đến tác giả của bài thơ cũng không hiểu tại làm sao người ta có thể nhầm một cách ngớ ngẩn như thế được. Bài thơ bị nhà xuất bản này trích sai, đính chính chưa thấy đâu thì nhà xuất bản khác lại bồi tiếp vào "vết thương cũ".

Gần đây nhất, trên trang web của Câu lạc bộ thơ Việt Nam (ngày 21/8/2008), trong mục "Văn học - Tác phẩm bất hủ" người ta thấy tác phẩm được đưa dẫn là bài "Đợi". Và, cũng vẫn như một số nơi, ở đây, câu "Đứng một đời em quen thành lạ" vẫn bị ghi thành "Đứng một đời đất quen thành lạ". Thật đúng là:

Sai một lần, chữ lạ thành quen
Sai nhiều lần, thơ quen thành...lạ.

Để trở về đúng với nghĩa thật của mình, bài "Đợi" còn phải đợi đến bao giờ?

.
.