Ba bài học từ bóng đá

Thứ Năm, 20/12/2018, 09:12
Chức vô địch Đông Nam Á của đội tuyển Việt Nam không chỉ gợi lên những suy nghĩ về bản thân bóng đá, mà còn khiến chúng ta phải nghĩ về mình, nghĩ về đời, nghĩ về cuộc thế.


Bài học thứ nhất: Cần một phương pháp đúng

Các thế hệ cầu thủ trước đây được đào tạo và lớn lên nhờ chủ nghĩa kinh nghiệm. Chính bởi chủ nghĩa kinh nghiệm ấy mà những phản ứng sân cỏ lẫn những phản ứng xã hội luôn dao động thất thường. Thế mới có những chuyện như cầu thủ lên tuyển rồi quỳ lạy huấn luyện viên trưởng để xin rời đội tuyển, cầu thủ lúc hưng phấn quá đà, lúc ỉu xìu nhanh chóng trong những trận đấu lẽ ra phải ổn định tinh thần.

Nhưng đến thế hệ cầu thủ này, những chuyện như vậy gần như không tồn tại. Ở ngoài sân, phần lớn các cầu thủ biết phải nói thế nào khi cả một rừng micro, cả một rừng máy ảnh chia về phía mình. Ở trong sân, họ cũng biết điều khiển cảm xúc của mình trước những thay đổi của hoàn cảnh.

Hai trận đấu với Myanmar ở vòng bảng và Malaysia ở chung kết lượt đi, khi phải đối diện với áp lực ghê gớm của khán giả chủ nhà, họ không hoảng. Trận chung kết lượt về trên sân nhà, khi có bàn thắng sớm từ phút thứ 6, họ cũng không hưng phấn quá đà.

Đội tuyển bóng đá quốc gia đăng quang AFF Cup 2018 một cách thuyết phục.

Hẳn nhiên, điều này một phần đến từ bản thân họ, và một phần khác đến từ sự chỉ đạo hợp lý của huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo. Những thời điểm ông Park nhảy từ ghế huấn luyện ra sát đường biên để chỉ đạo các cầu thủ phải lạnh lùng bình tĩnh trong các trận đấu ở giải này, hay việc ông nói với các cầu thủ: "Chúng ta đã đá hết mình, tại sao phải cúi đầu?" tại chung kết giải vô địch U23 châu Á cách đây vài tháng là những dẫn chứng điển hình.

Bóng đá cũng như đời sống: Khi được đào tạo lớp lang bài bản, con người ta cũng sẽ có cách hành xử lớp lang bài bản, tránh xa kiểu hành xử tùy tiện vốn vẫn thấy trong những xã hội mang màu sắc tiểu nông

Bài học thứ 2: Phải hiểu đúng mình

Lịch sử bóng đá Việt Nam kể từ thời 1991 là một lịch sử loay hoay đi tìm bản ngã của chính mình. Đã có lúc chúng ta nghĩ cầu thủ Việt Nam nhỏ bé, khéo léo, phù hợp với lối đá nhỏ, nhuyễn, giàu kỹ thuật. Khi bắt tay với câu lạc bộ Arsenal để xây dựng Học viện Bóng đá Hoàng Anh, ông bầu Đoàn Nguyên Đức đặc biệt tin tưởng vào thứ bóng đá này.

Khi lứa 1 Hoàng Anh ra lò, khoác áo U19 Việt Nam đá tưng bừng ở những giải giao hữu quốc tế năm 2014 thì không riêng gì ông Đức, mà chính dư luận người hâm mộ, cùng những nhà lãnh đạo điều hành nền bóng đá cũng tin như thế.

Nhưng thực tế là U19 Việt Nam thời ấy đã thất bại ở giải vô địch U19 châu Á, và không thể giành quyền vào vòng chung kết U20 thế giới như mục tiêu đã định. Vài năm sau, khi chúng ta chính thức lần đầu đoạt vé tham dự vòng chung kết U20 thế giới thì đấy là một đội tuyển đá thứ bóng đá khoa học, kỷ luật dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn. Và đến bây giờ, thứ bóng đá của thầy trò Park Hang-seo ở AFF cup năm nay cũng là một thứ bóng đá khoa học điển hình.

Ngoại trừ các trận đấu với Lào và Campuchia, ngoại trừ một vài thời điểm trong các trận đấu với Malaysia và Philippines, phần lớn khoảng thời gian còn lại, thầy trò Park Hang-seo lấy hàng phòng ngự cùng tư tưởng "không thua" làm tính cách chủ đạo cho mình.

Hai mươi phút cuối trận chung kết lượt về, với việc liên tục "cắt vụn" trận đấu, chúng ta thậm chí đã không nghĩ đến việc chơi bóng, mà chỉ nghĩ đến việc không cho đối phương chơi bóng. Và một lần nữa chúng ta thành công nhờ thứ bóng đá thực dụng này. Điều đó có nghĩa hóa ra trước đó chúng ta chưa hiểu chính chúng ta.

Phải hiểu bên trong mình, phải biết mình thực sự là ai, đấy là yếu tố quan trọng giúp chúng ta thành công trong cuộc sống này.

Bài học thứ 3: Vai trò của tư nhân

Trong thành công của đội tuyển Việt Nam hôm nay không thể không nói đến sự đóng góp của các lò đào tạo cầu thủ trẻ: Hà Nội, Hoàng Anh, PVF - những lò đào tạo được khởi dựng và phát triển bởi những đại gia yêu bóng đá. Sự tham gia của những tư nhân này vào đời sống bóng đá vì thế là không thể phủ nhận.

Nhìn rộng ra xã hội, có một thực tế là trong rất nhiều lĩnh vực, khi nhà nước rút lui, tư nhân thay thế và hiển diện thì lập tức có thành công. Cần nhìn nhận đúng vai trò của tư nhân, tạo những hành lang hợp lí và đúng pháp luật để tư nhân có thể phát huy vai trò của mình trong một nền kinh tế mở, một xã hội mang màu sắc 4.0, đấy cũng là một điều quan trọng buộc chúng ta phải dụng công suy nghĩ.

Diệp Xưa
.
.