Anti-fans: Sự phức tạp của mạng xã hội
- Mạng xã hội nhiều lợi ích nhưng cũng nhiều “hiểm nguy”
- Mạng xã hội là một phòng xử án
- Cảnh giác với chiêu trò “rắc thính” trên mạng xã hội
Trước đó, mạng xã hội cũng ồn ào vụ anti-fans của Hoa hậu chuyển giới Hương Giang yêu cầu các nhãn hàng phải ngưng hợp tác với cô này. Sự việc đã bị đẩy đến mức căng thẳng khi Hương Giang tuyên chiến mạnh mẽ với anti-fans, để rồi các nhóm này “phản đòn” mạnh mẽ hơn, khiến cô phải viết tâm thư xin rút khỏi chương trình Hoa hậu Việt Nam 2020.
Phải thừa nhận, kể từ khi có mạng xã hội, những cá nhân nổi bật có cơ hội, có điều kiện để xây dựng hình ảnh một cách hữu hiệu hơn rất nhiều. Nhưng bên cạnh đó, lực lượng chống đối họ cũng dễ dàng tìm đến với nhau, tạo nên một sức mạnh tập thể. Nổi tiếng nhiều thì anti-fans cũng nhiều, ồn ào nhiều, tạo ra những hệ lụy cho chủ thể bị công kích.
Yêu hay ghét một ai đó là một lựa chọn cá nhân và không có luật pháp nào có quyền can thiệp. Chỉ có điều, khi yêu hoặc ghét được thể hiện bằng công khai công kích hay ca ngợi, nó đòi hỏi người thể hiện phải chịu trách nhiệm với phát ngôn của mình. Còn ở chiều ngược lại, người nhận được những công kích cũng cần phải có sự tỉnh táo nhất định để suy xét xem những công kích ấy có chuẩn xác không. Và nếu các công kích là chuẩn xác, cần phải tiếp nhận nó như những phê bình chứ không thể chống lại với sự khó chịu và dựa trên quyền lực là mình có một đám đông khác ủng hộ.
Cách đây khá lâu, một dịch giả tương đối nổi tiếng trong giới trẻ đã đăng những dòng trạng thái dí dỏm trên mạng xã hội. Anh có số lượng người ủng hộ khá đông, tất nhiên anti-fans cũng lắm. Họ phát hiện ra dịch giả này thường có thói quen đạo nhái từ các tác giả khác, họ công kích bằng diễn đàn công khai.
Đối diện làn sóng này, anh tuyên bố rằng họ “Ghen ăn tức ở” và từ đó kéo theo một tranh cãi kéo dài giữa những người ủng hộ anh và những người bị anh cáo buộc. Nó cho thấy thái độ tiếp nhận của những người tạm gọi là “của công chúng mạng xã hội” hiện nay vẫn còn thiếu sự tỉnh táo và bình tĩnh cần thiết.
Trường hợp Hương Giang, chuyện sẽ không đi quá xa nếu như cô không mạnh miệng và dùng hành động cụ thể để gây chiến với anti-fans. Nếu tỉnh táo hơn, Hương Giang sẽ nhận thấy rằng, trong các chỉ trích kia ẩn chứa một thông điệp “chính bản thân mình đã có những phát ngôn, hành động chưa đủ sức thuyết phục cộng đồng”.
Không thể bênh vực các anti-fans nhưng chúng ta cần hiểu, sự tồn tại của nhóm này là một tất yếu của xã hội. Chắc chắn, nếu anti-fans có lời lẽ vu khống, bôi nhọ, chúng ta có quyền thực thi các hành động pháp lý để bảo vệ chính mình đúng luật. Song, không phải tất cả mọi chê bai đều là vu khống và bôi nhọ. Nếu chỉ dừng ở mức độ cảm nhận cá nhân, chúng ta phải chấp nhận nó.
Không thể chống lại cảm nhận chủ quan của người khác dành cho mình vì rõ ràng không ai có khả năng làm hài lòng tất cả mọi người. Nếu thiếu tỉnh táo để lao vào đối đầu, tạo ra cuộc chiến ồn ào, chính chúng ta mới là người góp phần khiến cho mạng xã hội phức tạp thêm.