An toàn cho mỗi cá nhân...

Thứ Năm, 21/11/2019, 07:46
Tai nạn giao thông như một tai ương mà những người hiền lành, tử tế nhất, những người tham gia giao thông đúng luật vẫn không thể tránh được. Hậu quả của tai nạn giao thông để lại hết sức nặng nề, nhiều gia đình vĩnh viễn mất đi người thân một cách tức tưởi, nhiều hoàn cảnh rơi vào khánh kiệt vì phải chạy vạy chữa trị cho người thân...


Chủ nhật, ngày 17/11/2019 là ngày “Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông”. Hưởng ứng ngày này, khắp các tỉnh, thành trên cả nước đã tổ chức Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, với thông điệp “Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại”. Đây cũng là dịp để chúng ta bày tỏ niềm thương xót với những nạn nhân xấu số đã thiệt mạng khi tham gia giao thông, đồng thời chia sẻ mất mát, gánh nặng với người thân của họ.

Tuy nhiên cần phải biến sự thương tiếc ấy thành động lực mạnh mẽ, để cùng nghĩ và hành động quyết liệt hơn nữa nhằm hạn chế thấp nhất những vụ tai nạn giao thông, mang đến sự an toàn không chỉ cho mỗi cá nhân mà cho cả cộng đồng.

Ở Việt Nam, trong những năm qua, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, lực lượng Cảnh sát Giao thông cùng các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã tích cực triển khai, tiến hành nhiều biện pháp để kiềm chế và kéo giảm về cả 3 mặt: Số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, mỗi ngày cả nước trung bình vẫn có gần 30 người tử vong vì tai nạn giao thông và làm cho gần 70 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời.

Ngày 17-11 hằng năm trở thành ngày tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai  nạn giao thông.

Nguyên nhân chính của tai nạn là do ý thức người dân không chấp hành nghiêm túc Luật An toàn giao thông, lái xe lấn làn đường, lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu, chuyển hướng không quan sát, vi phạm nồng độ cồn... Mỗi khi bị lập biên bản xử phạt, đối tượng vi phạm các quy định về an toàn giao thông có hàng trăm lý do biện minh cho hành động sai trái của mình mà không thừa nhận lỗi thiếu ý thức của bản thân. Có những người còn chống lại lực lượng thi hành công vụ, cá biệt có trường hợp tấn công cả Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ.

 Chính từ những hành vi thiếu ý thức trong tham gia giao thông mà mỗi ngày trôi qua, lại có những người mãi mãi ra đi hay bị tàn tật, sống đời thực vật chỉ vì tai nạn giao thông. Những tiếng trẻ khóc cha, vợ khóc chồng và người đầu bạc tiễn người đầu xanh làm cho chúng ta nhói lòng. Cứ thế, nỗi đau mang tên “Tai nạn giao thông” cứ âm ỉ, kéo dài, trở thành nỗi ám ảnh của mỗi gia đình và toàn xã hội, nhất là vào những dịp lễ, Tết thì các vụ tai nạn giao thông thường tăng đột biến.

Đây thực sự đang là thảm họa cho đất nước chúng ta, ngoài thiệt hại lớn về tính mạng và sức khoẻ con người  không thể bù đắp được, thì thiệt hại về kinh tế cũng không hề nhỏ. Điều này đang đe doạ đến sự sinh tồn và phát triển của giống nòi, đồng thời ảnh hưởng đến những thành quả của tăng trưởng kinh tế - xã hội và làm tổn thương đến hình ảnh một đất nước an toàn trong mắt bạn bè quốc tế.

Tai nạn giao thông như một tai ương mà những người hiền lành, tử tế nhất, những người tham gia giao thông đúng luật vẫn không thể tránh được. Hậu quả của tai nạn giao thông để lại hết sức nặng nề, nhiều gia đình vĩnh viễn mất đi người thân một cách tức tưởi, nhiều hoàn cảnh rơi vào khánh kiệt vì phải chạy vạy chữa trị cho người thân.

Không chỉ có vậy, con đường trở lại làm người bình thường của những nạn nhân đã từng nằm dưới những vòng bánh xe oan nghiệt không hề dễ dàng chút nào. Nhiều gia đình phải bỏ dở việc điều trị giữa chừng vì kinh tế hạn hẹp, không đủ theo một quá trình chữa trị, phục hồi sức khỏe kéo dài và tốn kém. Cũng có người dù đã điều trị thành công nhưng lại thất bại trong việc trở lại cuộc sống bình thường. Họ khó khăn trong sinh hoạt, khổ sở trong vận động và đặc biệt là những sang chấn tâm lý, tinh thần thì không  dễ gì lành được.

Người ta vẫn thường ví “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, nhưng khi nhìn vào “ô cửa” của những nạn nhân bị tai nạn giao thông cùng người thân của họ, chúng ta chỉ nhận thấy “màu đen và nỗi buồn dai dẳng!”

Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông cũng là cơ hội để mỗi chúng ta nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống. Đồng thời cũng là dịp để nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định pháp luật trật tự an toàn giao thông như: Đã uống rượu, bia thì không lái xe; không phóng nhanh, vượt ẩu; phải đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; thắt dây an toàn khi ngồi trên ôtô...

"Nhanh một giây, chậm cả đời", câu nói như một lời cảnh tỉnh với tất cả mọi người khi tham gia giao thông, tự giác nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông. Và hơn hết, chính mỗi bậc phụ huynh, mỗi thầy cô giáo cũng cần nêu gương về văn hoá giao thông, về ý thức trách nhiệm với bản thân với cộng đồng khi tham gia giao thông để làm gương cho con trẻ.

Tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông cũng chỉ phần nào làm vơi đi nỗi đau. Vì vậy, cộng đồng xã hội kêu gọi mỗi người khi tham gia giao thông hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác nghiêm chỉnh chấp hành quy định đảm bảo an toàn giao thông để tự bảo vệ mình và đảm bảo an toàn cho người khác, cùng chung tay xây dựng văn hóa giao thông, môi trường giao thông thân thiện, an toàn.

Hãy vì niềm thương xót những người đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống!

Cù Tất Dũng
.
.