Amazon và nạn đạo văn thời 4.0

Thứ Năm, 03/12/2020, 15:56
Thực tế cho thấy, vấn nạn đạo văn đã - đang lan tràn không khác gì “nấm sau mưa” trên các trang thương mại điện tử. Mỗi ngày những công ty chủ quản các website này nhận được hàng trăm đơn thư khiếu nại về tình trạng đạo văn.

Kể từ khi khái niệm “sách điện tử” và “chợ thương mại điện tử” được khởi xướng vào thập niên 90 của thế kỷ trước, cả hai đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt ngành xuất bản thế giới. Nhờ đó ngày càng xuất hiện “một bộ phận không nhỏ” các tác giả, đặc biệt là những người sáng tác không chuyên - bỏ qua các nhà xuất bản trung gian - để phát hành ebook (còn gọi là “sách điện tử”) trên các website thương mại điện tử: Amazon, Alibaba...

Mặt tích cực của hiện tượng này là thúc đẩy các tác giả có thêm cảm hứng sáng tác. Ngược lại, nó cũng làm nảy sinh biết bao tiêu cực mới, đơn cử như nạn đạo văn.

Thực tế cho thấy, vấn nạn đạo văn đã - đang lan tràn không khác gì “nấm sau mưa” trên các trang thương mại điện tử. Mỗi ngày những công ty chủ quản các website này nhận được hàng trăm đơn thư khiếu nại về tình trạng đạo văn. Những kẻ bất lương copy vài đoạn hay thậm chí trắng trợn bê nguyên xi nội dung tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng vào “sách” của mình. “Công đoạn” tiếp theo, những kẻ đạo văn sẽ làm: “hồn nhiên”, “tùy tiện” đổi tên; đổi ảnh bìa, và thế là đã có ngay ebook đem bán online.

Chỉ cần thay đổi ảnh bìa và tiêu đề là kẻ đạo văn hoàn toàn có thể đưa sách giả lên bán trên Amazon.

Nữ nhà văn Nora Roberts đã trở thành nạn nhân như vậy. Bà là một trong những nhà văn được kính trọng nhất tại Mỹ với hơn 200 tiểu thuyết thuộc nhiều thể loại. Một ngày nọ, Nora nhận được thông tin từ một người đồng nghiệp: vài tác phẩm của mình đã bị một tác giả Brazil lạ hoắc có cái tên Cristiane Serruya đạo văn. Không thể tin điều đó là sự thật, 

Nora tự mình đi kiểm tra, và quy mô của sự việc đã khiến bà phải kinh hãi: 43! Đó là số tác giả mà Cristiane Serruya đã “vô tư” đạo văn của họ. Cô ta đã lấy cắp nội dung sách của 43 tác giả khác nhau để đưa vào 95 quyển tiểu thuyết do mình đứng tên. Đấy là chưa kể tới 6 website cũng từng hơn một lần bị Serruya đạo văn.

Trong một cuộc phỏng vấn, Serruya đã “vô tư” “đổ tội” cho đồng tác giả giấu tên. Nhưng người này sau đó cũng đã tự mình nói ra sự thật: Christiane Serruya thuê vị đồng tác giả để hoàn thành bản nháp những cuốn tiểu thuyết của cô ta. Ngay từ đầu nhà văn giấu tên đã có nghi ngờ, vì trong một bản nháp có quá nhiều giọng văn khác nhau, còn các sự kiện sắp xếp lộn xộn, không ra đường dây câu chuyện. Đồng tác giả chỉ hoàn thành một cuốn tiểu thuyết trước khi đem mối nghi ngờ của mình nói với Serruya. Ngay lập tức cô bị Serruya “trở mặt như trở bàn tay” bằng việc cắt liên lạc và quỵt tiền công.

Ngoài việc công nghệ thông tin hiện đại đã giúp Cristiane Serruya có thể đạo văn từ nhiều tác giả như thế trong một thời gian ngắn, cũng phải nói đến trách nhiệm của nó trong vấn đề thuê đồng tác giả. Bản chất hành động này không có gì sai trái và đã có lịch sử hàng trăm năm. 

Từ thời cổ đại đã có những vị vua chúa thuê nhà văn để hoàn thành các quyển hồi ký, tự truyện về bản thân và gia đình mình. Ngày nay bất kỳ tác giả nào có cái may mắn nhận được cơ hội viết một quyển tự truyện hay tiểu thuyết do người nổi tiếng đứng tên đều có thể nhận thù lao từ 20.000 - 40.000 USD.

Nhưng những cơ hội như thế vô cùng hiếm hoi. Hầu hết các tác giả  đành phải chịu mức thù lao viết sách thuê rẻ mạt để nuôi sống mình. Tác giả Ian Walker kể lại: “Tôi nhiều lần nhận được những lời đề nghị viết một cuốn tiểu thuyết dài 250.000 chữ dựa trên bản nháp được tác giả cung cấp. Tôi nghi rằng, hẳn là trong số khách hàng của mình có những kẻ đạo văn, nhưng vì lý do tài chính mà tôi không thể từ chối họ!”.

Để có thể thuê được một nhà văn có “thương hiệu” chịu đứng ra làm đồng tác giả là điều vô cùng quan trọng đối với những kẻ đạo văn. Vì một lẽ đơn giản: chỉ những người thực tài mới có thể gắn kết tất cả những thứ ăn trộm từ các tác phẩm khác lại thành một câu chuyện có lớp lang đầu cuối để không bị người đọc phát hiện ra tình trạng “đầu Ngô mình Sở” trong ebook của mình. Nếu không, bất kỳ người đọc “có nghề” và thực sự tinh mắt nào cũng sẽ dễ dàng chỉ ra ngay được việc có nạn đạo văn trong những tác phẩm đó. 

Mà một trong những “ông lớn” làm cái việc “hà hơi tiếp sức” cho nạn đạo văn có cơ hội sinh sôi nảy nở tới mức cảnh báo nguy hiểm lại không ai khác mà chính là tập đoàn bán lẻ nổi tiếng thế giới: Amazon!

Trong rất nhiều trường hợp, những kẻ đạo văn không những chỉ đơn thuần làm cái việc ăn trộm tác phẩm của người khác, mà khi bị vạch mặt chỉ tên, chúng còn ngang ngược gửi lời đe doạ đến tác giả. Còn các nhà văn lại rơi vào tình trạng lúng túng không có cách nào để truy cứu trách nhiệm hình sự những kẻ đạo văn, bởi vì hầu hết chúng đều sử dụng tên giả, địa chỉ giả. 

Trước tình trạng nhức nhối trên, Hội Nhà văn Anh quốc đã phải gửi thư cầu cứu đến Chủ tịch tập đoàn Amazon Jeff Bezos. Tuy vậy, chính những tác giả của bức thư cũng phải tự đặt ra câu hỏi hoài nghi: liệu rằng gã khổng lồ công nghệ Amazon có muốn và có khả năng để ngăn chặn tình trạng đạo văn hay không?!

Amazon thắng lợi trên thị trường sách điện tử một phần lớn là nhờ vào dịch vụ mang tên: Kindle Unlimited. Người tham gia Kindle Unlimited chỉ phải trả một khoản phí hằng tháng là sẽ được thuê sách để đọc thoả thích. Amazon sau đó sẽ trả cho tác giả khoản lợi nhuận dựa trên số lượng bạn đọc. Nhờ chi phí rẻ lẫn số lượng đầu sách khổng lồ và luôn tự làm mới, Kindle Unlimited đã trở thành sự lựa chọn mới cho một số lượng không hề nhỏ những “con sâu sách”.

Thế nhưng dịch vụ này cũng có mặt trái của nó. Những tác giả thành công nhất trên “chợ” sách Kindle Unlimited chưa hẳn đã là người tài năng nhất. Thật ra, họ chỉ là những người viết nhiều sách nhất. Amazon tính một lượt bạn đọc khi độc giả nhấn đúp chuột vào quyển sách. Kể cả khi cuốn sách có dở đến đâu khiến bạn đọc chỉ đọc vài trang rồi bỏ đi ngay tức thì, ấy thế nhưng tác giả vẫn nhận được tiền. 

Vì vậy mà người viết cứ đua nhau viết thật nhanh, thật nhiều rồi tung lên Kindle Unlimited. Thậm chí còn có cả những người viết sách hướng dẫn những tác giả khác đẩy nhanh tốc độ sáng tác. Cuốn “Rapid Release: How to Write & Publish Fast for Profit” - tạm dịch: “Sáng tác thần tốc: Cách sáng tác nhanh để kiếm lời” - của Jewel Allen là một ví dụ. Bản thân Jewel cứ mỗi tháng lại xuất bản một cuốn tiểu thuyết mới dài 50.000 chữ trên Kindle Unlimited.

Dù vậy, nhà văn dẫu viết nhanh đến đâu cũng không thể bì được với những kẻ đạo văn. Kindle Unlimited đã mở tung cánh cửa cơ hội cho các đối tượng bất lương kiếm lợi trên trí sáng tạo của những nhà văn tài năng chân chính. 

Ngày nay, một cá nhân tại Brazil hay Philippines… có thể kiếm được trung bình một tháng khoảng 100.000 USD từ việc đạo văn. Họ cũng ít gặp nguy cơ bị lật tẩy hơn. Trước đây độc giả mua phải sách giả hay sách đạo văn sẽ lên nhà xuất bản khiếu nạn, từ đó kéo theo các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc. Nhưng ngày nay, nếu đọc phải sách giả trên Kindle Unlimited, họ chỉ đơn giản thoát ra quyển sách này và tìm cuốn khác để thay thế.

Amazon không có nhiều động lực để giải quyết nạn đạo văn trên Kindle Unlimited. Thứ nhất, kể cả khi sách đạo văn tràn lan trên thị trường, vẫn có vô số bạn đọc sử dụng Kindle Unlimited. Thứ hai, chi phí để chứng minh tác giả có đạo văn là không nhỏ. Amazon sẽ phải thuê cả một đội ngũ có năng lực và lòng yêu sách, rồi yêu cầu họ đọc từng tác phẩm một. 

Tiếp theo, đối chiếu với những tác phẩm khác, để cuối cùng đưa ra kết luận liệu có tồn tại việc ăn cắp nội dung không! Phong cách điều hành của chủ tịch Jeff Bezos luôn luôn là: “Tiết kiệm từng đồng một!”. Do đó, ít có khả năng ông Jeff Bezos sẽ tạo ra một bộ phận mới chuyên tâm vào việc phát hiện nạn đạo văn.

Trước vấn đề nói trên, đã có một số ít ý kiến về việc sử dụng phần mềm hay trí thông minh nhân tạo để phát hiện đạo văn. Công nghệ này không mới và đã được nhiều trường đại học, cơ sở nghiên cứu sử dụng nhằm chứng minh tính trung thực của luận văn, báo cáo khoa học… Dự báo Amazon và Barnes& Noble, hai công ty phát hành sách lớn nhất trên thị trường Mỹ, sẽ đưa vào sử dụng trí tuệ nhân tạo với mục đích tương tự.

Các chuyên gia đã có nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại trước khả năng này. Theo họ, các tác phẩm văn học hoàn toàn khác hẳn những văn bản khoa học về mặt cấu trúc, ngôn từ… Thế nên máy tính vô tri vô giác không thể hiểu được, dẫn đến không những để lọt kẻ đạo văn, mà còn có thể kết tội nhầm tác giả chân chính. Thế nhưng những ý kiến này đến nay đều bị Amazon phớt lờ chỉ vì lý do họ không phải trả lương cho trí thông minh nhân tạo.

Ngành sáng tác văn học và phát hành sách điện tử tăng trưởng mạnh là một tín hiệu tốt. Thế nhưng trong bối cảnh thị trường đang bùng nổ, rất dễ để các đối tượng tham gia vì mục tiêu lợi nhuận trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài. Cả những đối tượng đạo văn lẫn Amazon đều đang mải mê thu lời trong khi không hiểu rằng họ đang làm tổn hại niềm tin nơi bạn đọc. Liệu có ai nhập tâm thưởng thức một tác phẩm văn học trong khi lúc nào cũng canh cánh nỗi lo liệu mình có đang tiếp tay cho kẻ đạo văn không?!

Lê Công Hội (Tổng hợp)
.
.