Đệ nhất đào võ của sân khấu cải lương
Nổi danh nhờ thế vai
Tên thật của cô là Lâm Thị Hiền, sinh năm 1945 tại Ông Kho - Phú Lộc - Sóc Trăng, trong gia đình có 7 anh chị em, cô là người con thứ năm. Năm lên 4 tuổi, ba của cô, nhà giáo Lâm Văn Cư, không may mất sớm, sau đó nhà lại bị cơn hỏa hoạn thiêu rụi.
Mẹ cô, bà Ngô Thị Lài phải dẫn dắt cả nhà lên Sài Gòn mưu sinh. Cả gia đình phải sống trên một chiếc ghe rách nát đậu ở dưới gầm cầu Rạch Bầu (nay là cầu Kho - quận 1 – TP Hồ Chí Minh). Mẹ cô rất “ghiền” cải lương. Cứ mỗi tối thứ bảy là bà ngồi dưới chân cầu để nghe ké Radio phía dãy nhà trên phố phát văng vẳng. Dành dụm mãi bà mới mua được một tấm vé xem đoàn cải lương Kim Thanh biểu diễn và dắt NSƯT Diệu Hiền theo, khi đó cô mới 9 tuổi đầu.
Sau đêm xem hát đó, cô bắt đầu “mê” ánh đèn của sân khấu cải lương. Năm 14 tuổi, Diệu Hiền nói với mẹ của mình: “Má cho con đi hát đi, đi hát nhiều tiền lắm, con sẽ mua cho má chiếc vòng bự cho má đeo...”. Diệu Hiền cứ theo nài nỉ, mẹ cô giận lẫy lấy hai bộ quần áo quăng ra và nói: “… Mày muốn đi đâu thì đi luôn đi, đừng về nhà này nữa…”. Cô ôm mớ quần áo chạy đi ngay, không dám quay lại, sợ mẹ cô đổi ý.
NSƯT Diệu Hiền năm 16 tuổi. |
Tới đình Phú Nhuận, thấy đoàn hát Hoa Lan - Xuân Liễu đang tập tuồng, cô vào xem và mở lời xin nghệ sĩ Xuân Liễu cho nhập đoàn học hát. Ông bầu từ chối. May sao có cô Huệ ở trong đoàn đồng ý cho cô đi theo giúp việc trông coi đứa con nhỏ, cô Huệ hứa sẽ dạy múa, dạy ngâm thu. Không may, chỉ được một tháng, đoàn Hoa Lan - Xuân Liễu rã gánh, cô Huệ về nhà, Diệu Hiền chơi vơi như gà con lạc mẹ.
May sao có cô Thủy Tiên rủ cô ra Qui Nhơn (Bình Định) xin vào đoàn Hoa Sen, vì đoàn này đang tuyển vũ sinh. Đoàn Hoa Sen lúc này rất mạnh, ngoài cô Kim Luông đào chánh, ông bầu Bảy Cao còn mời cô Nguyệt Yến về tăng cường. Đờn chánh cho đoàn là nhạc sĩ Hoàng Nô. Khi ông dạy ca cho các diễn viên ở trong đoàn, Diệu Hiền đứng kế bên học lóm. Một buổi trưa, Diệu Hiền xin thầy Hoàng Nô cho ca thử. Giọng ca cao vút của Diệu Hiền khiến các nghệ sỹ trong đoàn ngạc nhiên, sững sờ. Nhạc sĩ Hoàng Nô liền hỏi: “Con muốn làm đệ tử thầy không?”.
Tuồng “Cánh chim bằng”, NS Nguyệt Yến đóng vai Nữ hoàng. Vì có chuyện không vừa lòng với ông bầu, cô đào Nguyệt Yến bỏ đoàn đi liền trong ngày. Ông bầu Bảy Cao đành cho Diệu Hiền hát thế vai, và không ngờ cô đã thành công, trở thành đào chánh của đoàn. Cô chọn nghệ danh Minh Hiền vì rất ái mộ vua xàng xê Minh Chí. Lúc đoàn lên Đà Lạt diễn vở tuồng “Hoa tàn trong am vắng”, vai chú tiểu Diệu Hiền do NS Mộng Vân Từ (con của soạn giả Mộng Vân) hát.
Một đêm nọ, anh đi chơi không về kịp giờ diễn, đoàn quyết định chọn cô hát thế vai. Không ngờ, vai chú tiểu Diệu Hiền đã giúp cô được mọi người cảm mến. Sau đêm diễn đó, khán giả gặp cô cứ bảo: “...Chú tiểu Diệu Hiền kìa!”. Kể từ đó, cô đổi nghệ danh thành Diệu Hiền.
Tỏa sáng vai đào võ và thành công với những bài vọng cổ dành cho nam giới
Khoảng cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, giới mộ điệu cải lương bỗng mê mẩn một vở tuồng mà trong đó không có cô đào trẻ đẹp như thường lệ, thay vào đó là một cô đào võ cứng rắn, mạnh mẽ. Đó là vở “Nhụy Kiều tướng quân” của tác giả Hoàng Anh Chi, do đoàn cải lương Tháp Mười dàn dựng, Diệu Hiền thủ vai nữ tướng Triệu Thị Trinh cùng với kép Hoài Thanh trong vai tướng quân Lê Minh.
Trong “Nhụy Kiều tướng quân” có hai lớp diễn tuyệt đẹp. Một lần Triệu Thị Trinh tiễn Lê Minh vào làm nội gián trong hàng ngũ quân giặc, coi như hy sinh người bạn thâm tình, lấy chén rượu tế sống người dũng tướng xả thân vì nước. Đâu đó phảng phất một tình yêu giữa đôi trai gái tài ba, nhưng họ đã biết giấu đi để hoàn thành việc lớn. Trong từng câu, từng chữ tiễn đưa nhau vừa có sự ngập ngừng bối rối, vừa có cái tha thiết nghẹn ngào của một lần vĩnh biệt.
Lớp diễn thứ hai, Lê Minh bị giặc phát hiện và giết chết. Triệu Thị Trinh xông pha giữa xác người ngổn ngang nơi chiến trận, đến nơi chỉ còn kịp vuốt mắt người thương lần cuối. Triệu Thị Trinh lạy Lê Minh ba lạy. Khi Diệu Hiền vừa dứt ca câu vọng cổ, khán giả chảy nước mắt trong cảm xúc hào hùng, bi tráng. Nhân vật Triệu Thị Trinh trong bộ áo giáp mạnh mẽ nhưng chứa đựng một trái tim đầy nữ tính đã được Diệu Hiền thể hiện một cách tuyệt vời.
Nhắc tới vai diễn này, NSƯT Diệu Hiền bồi hồi chia sẻ: “Năm 31 tuổi, tôi bị bỏng nặng khi ở đoàn Hương Tràm (Cà Mau) và tưởng chừng như phải giã từ sự nghiệp vì cánh tay trái bị co rút, không cử động được. May sao nhờ ông thầy thuốc ở Bạc Liêu, là anh rể của vợ chồng anh Trọng Sỹ (một diễn viên của đoàn) tận tình cứu chữa. Hàng ngày, ông vừa sắc thuốc cho tôi uống, vừa dạy tôi tập luyện võ thuật nên cánh tay trái của tôi dần dần hồi phục. Năm 34 tuổi, tôi vận dụng những thế võ đã được học vào vai diễn Triệu Thị Trinh và thành công”.
NSƯT Diệu Hiền còn một vai đào võ để đời khác nữa đó là vai Đô đốc Bùi Thị Xuân trong vở tuồng “Nữ tướng cờ đào”. Từ những vai diễn này, cô được báo giới và công chúng phong tặng biệt danh “Đệ nhất đào võ của sân khấu cải lương”.
NSND Viễn Châu tặng hoa cho NSƯT Diệu Hiền trong đêm diễn "Diệu Hiền - Một đời gạo chợ nước sông" năm 2007 tại Nhà hát Thành phố (TP.Hồ Chí Minh). |
Yếu tố quyết định cho NSƯT Diệu Hiền trở thành tài danh của sân khấu cải lương chính là giọng ca cao vút có một không hai của cô. Giọng kim của Diệu Hiền cao nhưng rất êm, rất cảm xúc. Những dấu nhấn “sắc”, “hỏi”, “ngã” được cô ca vút lên cao thật ngọt, thật chín, đặc biệt là những đoạn ngân cuối câu vọng cổ, cô “hơ… hơ…” như ngắt quãng, nghe rất lạ, tạo nên sắc thái riêng cho giọng ca của mình.
Cô cho biết: “Tôi thường theo dõi bắt chước theo lối ca của thầy Bảy Cao, người thầy đầu tiên ở đoàn Hoa Sen, Nhưng tôi ca vuốt nhẹ, êm hơn, nên tạo được nét lạ không trùng lắp với giọng ca của bậc thầy đi trước. Tôi học cách ca hùng tráng, bộ điệu uy nghi của vua xàng xê Minh Chí; học cách vô vọng cổ chồng vút lên cao của NSND Út Trà Ôn; bộ chân, bộ tay thì học lóm của NSƯT Hoàng Giang; tôi học cách hò Huế từ nghệ sĩ Ngọc Ẩn và nghệ sĩ Minh Cảnh khi chúng tôi cùng hát chánh chung trên sân khấu Kim Chung 2 trước năm 1975”.
Có lẽ do quan niệm: “làm nghề là phải học hỏi không ngừng, học những người đi trước, mỗi người một chút, nhưng phải biết sáng tạo, biến của người thành của ta…”, nên NSƯT Diệu Hiền đã thể hiện thành công với những bài ca vọng cổ dành cho nam giới của soạn giả Viễn Châu như: “Tần Quỳnh khóc bạn”, “Trụ Vương thiêu mình”… bằng phong cách nghệ thuật của riêng mình.
Nhờ biết kết hợp ca diễn, nên từ bài ca đơn phương, qua giọng ca của cô đã biến thành một lớp diễn rất hay, bật lên được nội dung, tinh thần mà tác giả gửi gắm, không trùng lắp với những nghệ sĩ thể hiện trước đó. NSƯT Diệu Hiền tâm sự: “NSND Út Trà Ôn là sư phụ, NS Thanh Hải là đàn anh, cách ca của hai người nghệ sĩ trên tôi thuộc nằm lòng. Nay sư phụ và đàn anh không còn tại thế, tôi ca lại những bài vọng cổ này vừa để tưởng nhớ thầy, vừa để sáng tạo thêm một cách ca mới lạ”.
NSƯT Diệu Hiền đã có gần 60 năm đứng trên sân khấu và có một sự nghiệp lẫy lừng. Đã ngoài tuổi 70, nhưng niềm đam mê biểu diễn trong cô vẫn còn mãnh liệt. NSƯT Diệu Hiền vẫn thường xuyên tham gia các chuyến công tác xã hội từ thiện. Cô vẫn nhiệt tình cống hiến, vẫn hát để phục vụ đồng bào khán giả khắp mọi nơi, trọn vẹn với ước mơ trọn đời gắn bó với sân khấu cải lương.