Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2014)

Đạo diễn, NSND Lê Thi: Người ghi lại những ký ức chiến trường

Thứ Ba, 23/12/2014, 08:00
Dáng người nhỏ, nhanh nhẹn, tư duy mạch lạc, khúc triết, đạo diễn, NSND Lê Thi dường như trẻ hơn nhiều so với tuổi 70 của mình. Trò chuyện với ông, có cảm giác như những ký ức chiến trường về một thời hoa lửa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm hồn người nghệ sĩ - chiến sĩ này. Hơn 40 năm trong Quân đội, và cũng từng ấy năm gắn bó với máy quay, có mặt ở những chiến dịch quan trọng nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, NSND Lê Thi cùng với những đồng nghiệp của mình đã để lại nhiều thước phim tư liệu quý giá không chỉ với riêng Điện ảnh Quân đội nhân dân mà còn cho cả lĩnh vực phim tài liệu Việt Nam.

Đã bước vào tuổi thất thập, nhận sổ hưu với quân hàm Đại tá gần chục năm nay nhưng ngôi nhà số 17 Lý Nam Đế, trụ sở của Điện ảnh Quân đội nhân dân vẫn là nơi đi về thường xuyên của NSND Lê Thi. Chỗ ông hẹn chúng tôi cũng là quán cà phê sát sân Điện ảnh Quân đội - nơi ông gắn bó suốt cả cuộc đời làm nghệ thuật của mình. Một điều nữa, khiến ông không chỉ thấy ruột thịt, gần gũi mà luôn rưng rưng xúc động khi nhắc tới trụ sở 17 Lý Nam Đế này bởi nơi đây đã ghi danh 30 đồng đội của ông hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Đây cũng là số lượng nghệ sĩ hy sinh lớn nhất so với các đơn vị, các lĩnh vực khác của ngành văn hóa.

Về hưu, nhưng NSND Lê Thi vẫn chưa có một ngày nghỉ ngơi đúng nghĩa. Những dự án làm phim vẫn cuốn ông đi. Mấy lần gọi điện thoại cho ông, ông đều đang ở phòng dựng. Với ông, còn sức khỏe, còn đam mê thì còn làm phim. NSND Lê Thi chia sẻ, ông đang cùng êkíp của mình thực hiện bộ phim tài liệu nhựa 2 tập với tên gọi: "30-4 - Ngày thống nhất" (Kịch bản: Lê Thi - Phạm Minh Lợi). Đây là một trong những dự án lớn của Điện ảnh Quân đội nhân dân chuẩn bị cho kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015). Tập 1 của phim có nhan đề "Dân tộc Việt Nam vượt qua gian khó" và tập 2 có tên gọi "Đất nước thống nhất".

Ông tâm sự, "30-4 - Ngày thống nhất" là cái nhìn khách quan về cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc sau 40 năm. Phim phản ánh sự đổi mới của đất nước, về số phận những con người ở cả hai chiến tuyến đã có mặt trong ngày lịch sử trọng đại ấy. Cùng với góc nhìn mới lạ, sâu sắc, phim cũng sẽ công bố một số tư liệu quý mà những người làm Điện ảnh Quân đội đã thực hiện được. Trước đó, ông cũng vừa hợp tác cùng Hãng phim Hội Nhà văn trong vai trò đạo diễn ở bộ phim tài liệu 3 tập về Chủ tịch Hồ Chí Minh với tên gọi: "Đền thờ Bác Hồ" (Kịch bản: Nguyễn Xuân Hưng). Khi thực hiện bộ phim này, ông cùng đoàn làm phim đã phải di chuyển tới nhiều địa điểm trong và ngoài nước mà nơi xa nhất là Madagatxca. Ông cũng là "người quen", thường xuyên cộng tác với Điện ảnh Công an nhân dân, các hãng phim trong những dự án phim về nhân vật lịch sử, chiến tranh…

Đạo diễn, NSND Lê Thi (người đứng giữa) đang thực hiện một cảnh quay trong phim tài liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tên gọi: “Người anh cả quân đội”.

Là một trong những đạo diễn có nhiều phim về đề tài chiến tranh nhưng khi được hỏi rằng đã bao giờ ông thấy mình "cạn vốn" khi làm về đề tài này? NSND Lê Thi chân tình: "Tôi chưa bao giờ thấy bí, thấy cạn vốn khi làm phim về những cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Thậm chí, càng làm tôi thấy nhiều ý tưởng, nhiều góc khuất phía sau cuộc chiến cần được phản ánh". Trong ký ức của đạo diễn, NSND Lê Thi thì cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước luôn là phần ký ức tươi rói đem lại nhiều cảm xúc nhất. Khi ấy, với tư cách là nhà quay phim thuộc Xưởng phim Quân đội, những người chiến sĩ, nghệ sĩ như Lê Thi luôn có mặt ở các chiến trường khốc liệt từ Quảng Bình trở ra Bắc cho đến Mộc Châu, Sơn La. Với ông, những ngày giặc Mỹ bắn phá Hà Nội là những ngày không thể nào quên. Ông vẫn nhớ như in không khí vắng lặng bao trùm Hà Nội trước mỗi trận không kích của giặc Mỹ. Luôn có mặt tại những điểm cao, những người làm phim khi ấy gần như không có một bữa ăn, giấc ngủ được trọn vẹn để quay được đầy đủ những khoảnh khắc lịch sử. Khi giặc Mỹ bắn phá Khâm Thiên, phố Huế, Bệnh viện Bạch Mai tàn khốc, trong những thước phim của Lê Thi ngày ấy luôn đầy ắp tinh thần bất khuất của những người dân Hà Nội. Là sự dũng cảm của những người lính trên trận địa pháo, là tâm trạng nén đau thương của người dân Thủ đô để sắp xếp lại cuộc sống sau mỗi đợt oanh tạc. Những hình ảnh quý giá ấy, ngay sau đó đã được chắt lọc thành bộ phim tài liệu đặc sắc: "Hà Nội - Bản hùng ca". Phim ra mắt không chỉ khiến người xem nức lòng mà còn nhận được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước: Giải nhất tại LHP Quân đội các nước XHCN năm 1975 tại Vetprem (Hunggari), giải Bông sen Vàng LHP Việt Nam năm 1975 cùng bằng khen đặc biệt tuyên dương các nhà quay phim dũng cảm trong đó có NSND Lê Thi.

Chia sẻ về kỷ niệm làm phim này, NSND Lê Thi cho biết, ngày ấy, quay bằng máy quay Konvas, không có ống kính têlê. Ban ngày, các nhà quay phim chọn sẵn vị trí đứng quay, góc độ, xác định cự ly, lựa chọn khẩu độ. Đêm đến, khi có lệnh báo động là phải vác máy quay ra vị trí. Ở trận địa xa, không thể nghe khẩu lệnh của người chỉ huy, trời lại tối nên những nhà quay phim phải dựa vào kinh nghiệm của mình. Khi nghe tiếng "cách" nghĩa là lúc quả tên lửa đã được nhả chốt. Phải vững tay máy bình tĩnh lia theo quả tên lửa cho đến khi trúng mục tiêu…

Điều đọng lại trong lòng NSND Lê Thi là ông và những người làm phim cùng thế hệ đã được sống và làm nghệ thuật trong những ngày vĩ đại của dân tộc. Ông tâm sự: "Ngày ấy, những chiến sĩ quay phim như chúng tôi đi chiến trường theo chế độ B "ngắn", tức là có chiến dịch thì vào, hết chiến dịch lại ra. Giờ đây, tôi cũng không nhớ nổi mình đã tham gia bao nhiêu chiến dịch bởi cứ nhận lệnh là khoác ba lô lên đường. Những người lính quay phim ngày ấy rất vất vả. Ngoài hành trang như các đồng chí bộ binh gồm ba lô quân tư trang, lương thực, thực phẩm thì còn mang theo máy quay phim nặng tới trên 20kg. Chưa kể bọc gạo sấy chống ẩm cho máy. Một nguyên tắc bất di bất dịch là mất gì thì mất không bao giờ được mất máy quay. Khi có nổ súng tại trận địa thì những người lính quay phim cũng chính là những người đầu tiên nhô lên để đảm bảo công tác lưu giữ hình ảnh"...

Có lẽ, là người từng chứng kiến nhiều hy sinh, mất mát của đồng đội tại các chiến trường nên trong những thước phim của NSND Lê Thi, bên cạnh những tư liệu sự thật đắt giá là cái tình của người làm ngấm vào từng khuôn hình. Sau này, khi đất nước hòa bình, những bộ phim của ông đi sâu vào số phận con người, những góc khuất phía sau chiến tranh. Một trong những bộ phim phải kể tới là: "Đường mòn trên biển Đông" (sản xuất năm 1995), chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyên Ngọc. Cùng đạo diễn với ông là NSƯT Phạm Nguyên. Đây là bộ phim đầu tiên về con đường Hồ Chí Minh trên biển, khắc họa đậm nét hình ảnh các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, các chiến sĩ đoàn tàu Không số đã tạo nên một huyền thoại về con đường vận chuyển trên biển, có những đóng góp không nhỏ vào thành công của cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Những ngày làm phim, ông cùng cả đoàn đi khắp nơi tìm gặp những nhân vật có mặt trên con tàu Không số ấy. Công việc vô cùng khó khăn, vất vả, ngay cả chính quyền các địa phương cũng không biết vì các đồng chí hoạt động hoàn toàn bí mật. Cũng từ phim này, những chiến sĩ quả cảm trên con tàu huyền thoại năm nào đã được nhiều người biết đến. Những câu chuyện xúc động lần đầu tiên được đạo diễn Lê Thi hé lộ như chuyện gia đình anh hùng Hồ Đức Thắng. Khi đồng chí Hồ Đức Thắng nhận nhiệm vụ chở vũ khí vào miền Nam thì người vợ của ông được tổ chức bí mật cho gặp chồng. Về nhà, bà mang thai nhưng bị cả gia đình chồng nghi ngờ dằn hắt. Bà đã âm thầm một mình chịu đựng. Mãi 10 năm sau, đất nước thống nhất, ông trở về, bà mới được minh oan, cô con gái mới được nhận cha, nhận họ… Không chỉ là tác giả của những bộ phim tư liệu quý giá như: "Đường mòn trên biển Đông", "Người anh cả quân đội"… NSND Lê Thi còn tham gia đạo diễn về chiến tranh trong một số bộ phim truyện như: "Hà Nội 12 ngày đêm" (đạo diễn Bùi Đình Hạc), "Tiếng cồng định mệnh" (đạo diễn Khắc Lợi).

Trò chuyện với đạo diễn, NSND Lê Thi, điều mà chúng tôi cảm nhận rõ nhất ở ông chính là kho tư liệu khổng lồ và luôn đầy ắp ý tưởng cho những tác phẩm nghệ thuật kế tiếp.  Ông bảo, còn sức khỏe, ông sẽ cố gắng làm nốt những điều trước đây chưa làm, như một cách trả nợ quá khứ. Và, chưa bao giờ ông quên nhớ tới những người đồng đội của mình, những người đồng cam cộng khổ trên chiến trường để có được những thước phim tư liệu quý giá. Ông không nhớ nổi mình làm được bao nhiêu bộ phim, càng không nhớ đã được bao nhiêu giải thưởng. Dường như, điều quan trọng nhất với ông là số phận trao cho mình sứ mệnh của một nhà quay phim, đạo diễn dù trước đó ông là một sinh viên trường Nhạc. Người lính Cụ Hồ ấy cho tới khi nghỉ hưu là tròn 44 năm 8 tháng đã trưởng thành từ một anh binh nhất đến sĩ quan mang quân hàm đại tá, từ một người quay phim tới đạo diễn được nhiều người biết. Nhưng ông luôn tâm niệm gốc rễ những gì ông có được ngày hôm nay là nhờ lịch sử của dân tộc. Chính lịch sử hào hùng đã chắp cánh cho tài năng, tâm huyết của người đạo diễn ấy bay xa.

Thảo Duyên
.
.