Đại diện cuối cùng của dòng ‘Văn học nông thôn’ Nga đã ra đi

Thứ Năm, 16/04/2015, 08:40
Valentin Rasputin sinh ngày 15/3/1937 tại làng Usti-Uda tỉnh Irkutsk, miền Đông Sibir, trong một gia đình nông dân. Tuổi thơ nhà văn tương lai trôi qua ở làng Atalanka về sau bị rơi vào vùng ngập lụt của Nhà máy thủy điện Bratsk. Sau khi tốt nghiệp trường tiểu học địa phương, Rasputin phải đi học trường trung học cách nhà 50 cây số. Giai đoạn này đã được ông kể lại trong truyện ngắn nổi tiếng "Những bài học tiếng Pháp" (1973). 

Nhà văn Nga nổi tiếng Valentin Rasputin vừa qua đời vào buổi chiều tối ngày 14/3/2015, đúng 1 ngày trước sinh nhật lần thứ 78. Các tác phẩm tiêu biểu của ông gồm: "Vĩnh biệt Matyora", "Những bài học tiếng Pháp", "Hạn cuối cùng", "Sống mà nhớ lấy", "Đám cháy"... (hai tác phẩm sau đã được dịch ra tiếng Việt). Rasputin được coi là một trong ba trụ cột của dòng "văn học nông thôn" Nga, cùng với Viktor Astafyev và Vasily Belov (đều đã qua đời). Ông đã đoạt giải thưởng Nhà nước Liên Xô, giải thưởng Nhà nước Nga và giải thưởng của Chính phủ Nga.  Sau đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số nét về cuộc đời và tác phẩm của nhà văn.

Valentin Rasputin sinh ngày 15/3/1937 tại làng Usti-Uda tỉnh Irkutsk, miền Đông Sibir, trong một gia đình nông dân. Tuổi thơ nhà văn tương lai trôi qua ở làng Atalanka về sau bị rơi vào vùng ngập lụt của Nhà máy thủy điện Bratsk. Sau khi tốt nghiệp trường tiểu học địa phương, Rasputin phải đi học trường trung học cách nhà 50 cây số. Giai đoạn này đã được ông kể lại trong truyện ngắn nổi tiếng "Những bài học tiếng Pháp" (1973).

Tốt nghiệp phổ thông, Valentin Rasputin vào học khoa văn-sử Trường Đại học quốc gia Irkutsk, và chính lúc bấy giờ, ông trở thành phóng viên ngoài biên chế của Báo Thanh niên. Bút ký đầu tiên "Tôi quên hỏi Leshka" được đăng tải trong hợp tuyển văn thơ "Angara" năm 1961. Tại hội thảo các nhà văn trẻ vùng Đông Sibir và Viễn Đông ở thành phố Chita (1965), tài năng của nhà văn trẻ được ghi nhận và ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Liên Xô. Tuyển tập truyện ký đầu tiên của ông "Xứ sở nằm cạnh bầu trời" được xuất bản ở Irkutsk năm 1966.

Truyện vừa của nhà văn "Tiền giúp Maria" thu được thành công vang dội. Giới phê bình thời bấy giờ ghi nhận bước chuyển của Rasputin từ "chủ nghĩa lãng mạn rừng Taiga và sự thi vị hóa những tính cách mạnh mẽ trong sự thống nhất bí ẩn của họ với thiên nhiên" sang sự phân tích tâm lý sâu sắc mà sau này sẽ song hành cùng toàn bộ sáng tác tiếp theo của nhà văn.

Nhà văn Valentin Rasputin.

Rasputin bắt đầu thử thách các nhân vật của mình, trong mỗi truyện vừa, ông kiểm tra họ bằng tiền bạc, lòng trung thành với gia đình và đất nước, thái độ đối với thế giới và thiên nhiên. Truyện vừa "Hạn cuối cùng" (1970) mang đến cho Rasputin danh tiếng quốc gia. Từ đầu những năm 1970, các truyện vừa và ngắn của ông được xuất bản tại nhiều nhà xuất bản trong nước, được dịch ra các ngôn ngữ của tất cả các nước cộng hòa, được xuất bản ở nhiều nước châu Âu, Nhật Bản và Mỹ.

Năm 1977, với  truyện vừa "Sống mà nhớ lấy" nhà văn được trao tặng giải thưởng Nhà nước Liên Xô, 10 năm sau, ông lại được trao tặng chính giải thưởng đó một lần nữa với truyện vừa "Đám cháy". Từ năm 1985, ông là  Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Liên Xô, từ năm 1994, là đồng chủ tịch Ban chấp hành Hội Nhà văn Nga.

Bản thân Rasputin coi "Hạn cuối cùng" là một trong những cuốn sách chính của mình. Nó được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới, được dựng kịch. Và đây, rõ ràng là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn. Nhưng bước đột phá đích thực trong sự nghiệp của tác giả là việc xuất bản tác phẩm "Vĩnh biệt Matyora" (1976). Valentin Rasputin đặt ra một trong những vấn đề sinh thái cấp thiết nhất của hành tinh.

Câu chuyện về ngôi làng nhỏ Matyora thách thức nhân loại quá bốc đồng vì ảo tưởng vĩ cuồng, phát tín hiệu về mối hiểm nguy - nhà văn cảnh báo rằng nền văn minh có thể đánh mất mình trong cuộc đấu tranh vì tiến bộ kỹ thuật. Những đề tài về sự từ biệt các thế hệ con người đã từng sống và lao động trên trái đất, vĩnh biệt tổ tiên và thế giới của những người mộ đạo từng được đề cập trong "Hạn cuối cùng", lại được chuyển hóa vào cốt truyện của "Vĩnh biệt Matyora" thành huyền thoại về sự diệt vong của thế giới nông dân.

"Vĩnh biệt Matyora" là câu chuyện về ngôi làng Matyora ở Sibir nằm trên một hòn đảo bị nhấn chìm bởi một trận lụt do "biển nhân tạo" gây ra. Đối lập với hòn đảo trong "Sống mà nhớ lấy", đảo Matyora (lục địa, đất liền) dần dần bị nhấn chìm xuống nước trước mắt các độc giả cuốn truyện, - nó là biểu tượng của miền đất hứa, chốn dung thân cuối cùng của những con người sống vì lương tâm, thân thiện với thiên nhiên. Những bà cụ già đang sống những ngày cuối cùng, đứng đầu là bà Maria mộ đạo, từ chối di cư sang ngôi làng mới (thế giới mới) và ở lại cho tới lúc chết để bảo vệ thánh địa của mình - mồ mả tổ tiên và những kỷ vật thiêng liêng của làng quê. Cuối tác phẩm, trên đảo chỉ còn lại Chủ nhân huyền thoại của đảo, tiếng thét tuyệt vọng của ông vang lên trên hòn đảo hoang vắng đầy tử khí, đã kết thúc tác phẩm.

Trong truyện vừa "Đám cháy" (1985), Rasputin quay trở lại đề tài diệt vong của thế giới nông dân - lần này không phải trong nước, mà trong ngọn lửa bao trùm các kho hàng mậu dịch của thị trấn lâm nghiệp. Thay cho việc cùng nhau dập tắt đám cháy, mọi người lại ra sức tranh giành của công cướp được từ ngọn lửa. Nhân vật chính của truyện vừa là bác tài xế Ivan Petrovich - trên quan điểm của bác, tác giả mô tả những gì xảy ra trong các kho hàng bị cháy - đã không còn là nhân vật - người mộ đạo của Rasputin trước đây: bác luôn luôn sống trong trạng thái xung đột nội tâm, bác đi tìm và không thể tìm thấy "ý nghĩa giản dị của cuộc sống".

Thực chất, cái nhìn của tác giả về thế giới đã trở nên phức tạp và khác trước. "Đám cháy" đã phơi bày toàn bộ nhân tình thế thái của thị trấn. Lẻ tẻ có những người tham gia chữa cháy có tinh thần trách nhiệm. Số đông thì dửng dưng, thụ động, chữa cháy mà đi tay không và đứng nhìn. Có cả một bọn thừa cơ hôi của và gỡ gạc. Giá trị tư tưởng của tác phẩm không chỉ ở việc phơi bày sự thật về thực trạng xã hội - đạo đức của thị trấn, mà rõ ràng ở đây có những nét tương tự có thể liên hệ đến bất cứ nơi đâu.

Tuy nhiên, điều quan trọng là trong tác phẩm này, cùng với việc phơi bày sự thật với một tinh thần phân tích sáng suốt, bình tĩnh, tác giả đã lý giải sự thật, đã tìm ra được căn nguyên của những sự thật đáng buồn và đau lòng. Chính tinh thần đó là biểu hiện ý thức trách nhiệm của tác giả, đồng thời tạo ra cảm hứng xây dựng tác phẩm.

Trong những năm 1990, Rasputin chủ yếu sáng tác ở thể loại văn chính luận, ông viết những bài ký suy ngẫm về số phận của Sibir. Cuốn sách của ông "Sibir, Sibir…" (1991), được minh họa bởi họa sĩ người Irkutsk Boris Dmitriev, đã trở thành sách hiếm. Trong giai đoạn này, ông tham gia hoạt động xã hội, được bầu làm đại biểu Xô viết Tối cao Liên Xô khóa cuối cùng, trở thành cố vấn trong hội đồng Tổng thống dưới thời M.S. Gorbachyov. Nhà văn là ủy viên hội đồng biên tập của nhiều tờ báo, tạp chí, tham gia các cơ quan lãnh đạo của các phong trào xã hội khác nhau.

Các tác phẩm của Valentin Rasputin thường được chuyển thể điện ảnh. Ngoài bộ phim cùng tên dựa theo truyện ngắn nổi tiếng "Những bài học tiếng Pháp" của đạo diễn Evgeny Tashkov năm 1978, trước đấy, vào năm 1969, đạo diễn Dinara Asanova cũng đã làm bộ phim "Rudolfio" dựa theo một truyện ngắn cùng tên của Rasputin. Năm 2008, ba mươi năm sau khi xuất bản, truyện vừa "Sống mà nhớ lấy" cũng đã được đạo diễn Aleksandr Proshkin chuyển thể thành phim. Năm 1981, truyện vừa "Vĩnh biệt Matyora" được đạo diễn Larisa Shepitka và Elem Klimov chuyển thể thành bộ phim có tên "Vĩnh biệt".

Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, khi được hỏi về dự định sáng tác, Rasputin nói: "Tôi sẽ làm gì tiếp theo ư? Dù sao tôi cũng đã cao tuổi. Quỹ thời gian không còn nhiều. Nhưng tôi sẽ không im lặng. Văn chính luận, tất nhiên, tôi sẽ viết. Cố gắng viết cả văn xuôi. Mặc dù viết lách bây giờ ngày càng khó khăn hơn.

Tôi tự an ủi bằng việc quan sát các nhà văn cổ điển: lấy ví dụ Turgenev - rõ ràng những tác phẩm cuối đời của ông được viết bởi một bàn tay không tự tin như hồi trẻ. Thậm chí cũng có thể nói như vậy về Lev Tolstoy. Còn Dostoyevsky thì không sống thọ. Nhưng tôi có cảm giác với Dostoyevsky điều đó có thể sẽ không xảy ra. Nhiều nhà văn mệt mỏi khi về già. Cây bút trong tay họ trở nên bất lực. Tôi không muốn đẩy sự việc tới tình trạng đó. Hễ phát hiện ra mình đuối sức là cần phải nói dứt khoát rằng: thôi đủ. Có thể viết hồi ký cho con cháu mình đọc. Nhưng dù sao tôi vẫn hy vọng mình còn viết được một cái gì đấy".

 (Theo báo Nga)

Trần Hậu
.
.