Kiến trúc sư trưởng người Úc Dirk Arkeveld:

Yêu Việt Nam như yêu đất Mẹ

Thứ Bảy, 14/04/2018, 08:56
Có một người lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1991, đó là ông Dirk Arkeveld, kiến trúc sư trưởng thành phố Perth, một thành phố ở phía Tây nước Australia. Tôi may mắn có nhiều dịp đồng hành và trò chuyện với ông. Chúng tôi gặp nhau ở tình yêu quê hương đất nước Việt Nam và có chung niềm đam mê nhiếp ảnh...


Không ít khách du lịch nước ngoài khi đến Việt Nam có những cảm tình đặc biệt đối với chúng ta, để lại những ý hay, lời đẹp; nhất là những nhà nhiếp ảnh nước ngoài thường chụp được những tấm ảnh lạ mà các nhà nhiếp ảnh Việt Nam ít chụp hoặc chưa nhìn thấy hết vẻ đẹp của nó, như cảnh đi xe đạp như múa trên đường phố (ở thập kỷ 70 - 80 thế kỷ XX), những ông già về hưu cặm cụi bơm xe; những cô gái làng hoa Ngọc Hà gánh hoa xuống chợ bán; những ông xích-lô chờ khách đang ghếch chân lên thành xe đọc báo; những con trâu đang cày ruộng, những đàn trâu bò đang ung dung gặm cỏ trên triền đê ngoại thành; những người đánh giậm, cảnh quăng lưới bắt cá; những cô gái dân tộc Dao, Mông, Mường, Thổ, Thái, Cao Lan,… ăn vận xiêm áo nhiều màu rực rỡ đang cùng chồng thồ hàng xuống chợ bán… Những ảnh này một số nhà nhiếp ảnh Việt Nam có chụp, nhưng cách nhìn cũng khác họ.

Tôi đã gặp hoặc có dịp cùng đi với bà Hylary Hodgson (Anh quốc); vợ chồng anh Andrew Worssam và Alian Anh Xuân (Australia); Mary Lerence Elynn (phóng viên hãng truyền hình Mỹ NBC); bạn gái Elizabeth PainAer (Anh); AnRay (Hồng Kông); chị Akimi Ishimôtô (Nhật Bản); kiến trúc sư, họa sĩ Kazich (Ba Lan)… Tất cả  đều có chung một cảm nhận: Tôi rất yêu Việt Nam, nơi có cảnh vật thiên nhiên đẹp. Con người Việt Nam thật nhân hậu và mến khách!

Có một người lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1991, đó là ông Dirk Arkeveld, kiến trúc sư trưởng thành phố Perth, một thành phố ở phía Tây nước Australia. Tôi may mắn có nhiều dịp đồng hành và trò chuyện với ông. Chúng tôi gặp nhau ở tình yêu quê hương đất nước Việt Nam và có chung niềm đam mê nhiếp ảnh.

Ông có vóc người cao to lực lưỡng như một ông hộ pháp. Ông Dirk rất thích phong cảnh Việt Nam. Tỷ lệ trong không gian kiến trúc Việt Nam với ông có phần thiếu cân xứng. Mọi thứ nhìn ngắm, xem bia đối với ông tỏ ra hết sức khó khăn.

Sau khi đã thỏa mãn con mắt, mặc dù không phải là nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp và phim chụp ảnh không hề rẻ nhưng ông bấm máy cứ như súng liên thanh đang nhả đạn. Hình ảnh Hà Nội (toàn cảnh), hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu, khu phố cổ, rồi chùa Dâu, chùa Bút Tháp, sông Cầu, sông Thương, Bát Tràng,… lần lượt được ông thu vào ống kính.

Đến đâu ông cũng cảm thấy ngỡ ngàng, mới lạ. Cũng như mọi người trên hành tinh, khi nói đến Australia là người ta nghĩ ngay đến xứ sở của chuột túi hoặc khi đặt chân đến Hà Nội - Việt Nam là phải đến thưởng ngoạn cảnh quan Hồ Gươm, Tháp Rùa, phố cổ, Văn Miếu, Chùa Một Cột, hay Hạ Long, Ninh Bình, Huế, Hội An, Mỹ Sơn…

Khi ông Dirk đã ngừng chụp, tôi hỏi:

- Ông nghĩ gì khi đặt chân đến Hà Nội?

- Tôi từ châu lục khác đến Việt Nam và bị cuốn hút đến mê hồn ngay từ giờ phút đầu, đó là vào tháng 4-1991. Cảm tưởng đầu tiên của tôi là Hà Nội đẹp, rất đẹp bởi cái đẹp cổ kính, sâu lắng và màu xanh của cây cối, mây trời xanh đến mát mắt. Có thể nói Hồ Gươm là một lẵng hoa đẹp, là trái tim, là lá phổi, là chiếc máy điều hòa nhiệt độ khổng lồ thường xuyên điều tiết khí hậu mát mẻ cho trung tâm thành phố. Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới nên quen rồi.

Có điều tôi hơi băn khoăn - cái băn khoăn của một người từng làm quy hoạch thành phố, trực tiếp phê duyệt mọi công trình trước khi thi công - cho nên tôi thấy rõ điều đó. Tôi băn khoăn vì những nhà quy hoạch của Thủ đô Hà Nội đang có chủ trương cải tạo Hồ Gươm. Thực ra làm như vậy vừa tốn kém mà không cần thiết.

Cảnh quan Hồ Gươm như hiện tại là được lắm rồi! Hồ Gươm sẽ đẹp và rất đẹp nếu như xung quanh có nhiều bóng cây rợp mát, có vườn hoa, ghế đá để cho khách thập phương đến thưởng ngoạn. Là một nhà quy hoạch thành phố, tôi luôn quan tâm đến tổng thể kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên.

Cây xanh quanh hồ hiện tại là rất đẹp, cần được bảo vệ nó. Màu xanh của mặt nước hồ Gươm cũng là một màu xanh đẹp, lạ mắt nhưng lại rất "ăn nhập" với cảnh quan xung quanh mà ít nơi có được. Để bảo tồn nó, cần tránh mọi sự ô nhiễm và không để nước mưa từ những con đường gần hồ chảy xuống lòng hồ.

- Thưa ông Dirk, chừng ấy điều chứng tỏ ông rất yêu quý Hà Nội của chúng tôi!

- Ồ rất đúng! Nhưng mới chỉ là những vẻ đẹp bề ngoài. Tôi đã đọc sách và còn biết đến lịch sử và huyền thoại về Tháp Rùa, về Hồ Gươm (còn có tên là Hồ Hoàn Kiếm tức là Trả Gươm. Vua Lê sau khi dẹp xong giặc ngoại xâm đã trao lại thanh gươm báu cho Rùa Vàng để trả lại thiên đình). Tượng Vua Lê còn đó, rất đẹp.

Những con rùa khổng lồ vẫn đang tồn tại với Hồ Gươm, đó là những vật báu rất linh thiêng, phải để nó sống mãi với kinh thành Thăng Long, với Thủ đô Hà Nội và những ai đã đến Hà Nội cần phải biết đến nó. Tôi cũng đã đến Văn Miếu - trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, một trong những trường đại học có niên đại vào loại sớm nhất trên thế giới.

Nhìn vào hai dãy nhà bia đủ biết công tích của trường đã rèn đúc nên biết bao nhân tài ra giúp nước. Tôi cũng biết danh tướng Trần Hưng Đạo đã mấy lần cầm quân đánh tan quân Nguyên - Mông - Một đội quân mạnh nhất thế giới ở thế kỷ XIII. Tôi cũng biết từ lâu tiếng tăm Cụ Hồ Chí Minh và Tướng Võ Nguyên Giáp thắng Pháp ở Điện Biên Phủ.

Rất tiếc tôi mới chỉ biết qua sách báo mà chưa được đến Điện Biên Phủ, chưa được thăm đại bản doanh của Trần Hưng Đạo và sông Bạch Đằng. Nhưng điều chắc chắn rằng: HÀ NỘI - VIỆT NAM quả là một quốc gia có truyền thống anh hùng và nền văn hiến độc nhất vô nhị. HÀ NỘI và VIỆT NAM sẽ mãi mãi trong tôi.

Rồi ông Dirk nói tiếp:

- "Sau nhiều năm nhớ về Hà Nội, lần thứ hai tôi đến Việt Nam đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng Thủ đô, 10-10-1998. Hà Nội bây giờ khác trước nhiều quá. Đúng như lời Cụ Hồ Chí Minh, Hà Nội đã "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" trước nhiều. Điều thú vị, là đến Việt Nam lần này tôi lại được gặp cô gái trẻ xinh đẹp 8 năm về trước, cô Hoàng Tuyết Hương. Cô đã có chồng và hai con khá xinh đẹp. Cô vẫn là thông dịch viên của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cô nói Tiếng Anh líu ríu như tiếng chim. Qua cô, tôi được biết về Việt Nam một cách có hệ thống.

Tôi đã đến thăm gia đình cô và được đón nhận một tình cảm nồng hậu, rất Việt Nam. Trái tim tôi rung lên trước lòng tốt và tình cảm họ dành cho tôi. Tôi có cảm giác họ là một phần của gia đình tôi và ngược lại. Tôi được gia đình cô gái ấy tổ chức đi thăm chùa Dâu, làng tranh Đông Hồ và chùa Bút Tháp - Một công trình kiến trúc xây dựng từ thời Lý.

Ở đây tôi được biết đến trình độ điêu khắc đá khá tinh xảo, được xem kĩ bức tượng Phật "nghìn mắt nghìn tay" và trực tiếp đẩy khẽ vào một khối gỗ khổng lồ, cao hàng chục mét, nặng đến vài tấn mà vẫn quay tít một cách nhẹ nhàng, đó là tác phẩm điêu khắc gỗ khá tinh vi mang tên "Cửu phẩm liên hoa" đã có cách đây gần 1.000 năm mà người Việt Nam đã làm được. Những tác phẩm kiến trúc điêu khắc vận dụng lý học và cơ học từ rất sớm như vậy là rất độc đáo.

- Theo ông, "Việt Nam hiện nay khác trước nhiều quá", vậy đó là điều đáng vui hay đáng buồn?

- Vui chứ! Vui vì tốc độ đổi mới, đưa nền kinh tế quốc dân lên rất nhanh. Tốc độ kiến thiết từ các cơ quan Nhà nước đến dân chúng, đều thay đổi nhanh đến chóng mặt. Hà Nội và Việt Nam đẹp lên nhiều lắm. Điều tôi còn băn khoăn là Hà Nội vẫn chưa có được một quy hoạch tổng thể khoa học cần thiết.

Khu phố cổ "36 phố phường" bị xâm thực bởi nhiều biệt thự, nhà cao tầng, khách sạn ngất ngưởng phá hỏng cảnh quan đẹp vốn có từ xưa. Xung quanh Hồ Gươm xây nhiều nhà cao tầng quá. Bên cạnh công trình kiến trúc Chùa Một Cột độc nhất vô nhị cũng vậy. Nếu tốc độ này gia tăng, sẽ làm giảm đi giá trị đích thực của khu phố cổ và Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Tôi đứng chụp ảnh trên nóc nhà cao tầng trên một khách sạn ở khu vực Yên Phụ, quận Ba Đình, tôi nhìn rất rõ. Nếu ông "phỏng vấn" để đăng báo, xin cứ phản ánh trung thực và nguyên văn ý kiến như tôi vừa nói ở trên. Đây là tấm lòng ngưỡng mộ của tôi, một công dân Australia đối với Hà Nội và đất nước Việt Nam yêu quý. HÀ NỘI TRONG TÔI - VIỆT NAM TRONG TÔI!

Đã gần 20 năm trôi qua, những điều ông kiến trúc sư trưởng Dirk Arkeveld trao đổi với tôi hiện vẫn còn trong ký ức. Những điều ông quan sát, cảm nhận về một Hà Nội - Việt Nam cách đây đã gần 20 năm, đa phần vẫn còn nguyên giá trị. Ông Dirk mà tôi yêu mến và quý trọng đã mất cách đây vài năm; nếu không tôi đã kịp thời thông tin cho ông biết rằng: "Cụ Rùa" thiêng cũng đã "quy tiên"!.

Nước Hồ Gươm không đúng nghĩa là "hồ Lục Thủy", không còn "Xanh xanh thắm một màu xanh Hà Nội" như trong ca từ nhạc phẩm của nhạc sĩ Văn Ký nữa, không còn âm hưởng vang vọng như trong tác phẩm "Bóng nước Hồ Gươm" của cố nhà văn Chu Thiên sinh thời đã viết.

Thay vào hình ảnh Cụ Rùa thấp thoáng bên Tháp Rùa là những con thiên nga ngứng nguẩy trên mặt nước Hồ Gươm (lập tức bị dư luận của người Hà Nội có ý kiến phản đối). Mặt nước Hồ Gươm lại xuất hiện hàng chục vòi phun nước trắng xóa làm xao động cảnh quan, rất không "ăn nhập" với sự tĩnh lặng đến thẳm sâu, đâu còn bóng nước Hồ Gươm soi bóng lịch sử nữa! Hồ Gươm mất đi cái vẻ riêng độc đáo, nó giống y trang hàng chục con hồ của Hà Nội đang hiện hữu.

Những cảm nhận trái chiều của tôi về Hồ Gươm chắc chắn sẽ có những ý kiến khác, cũng là lẽ thường và tôi cũng sẵn sàng đón nhận!

Hà Nội, 8-4-2018
Hoàng Kim Đáng
.
.