Yến Lan, ngui ngút sông Trăng

Thứ Sáu, 18/01/2019, 08:05
Vào một buổi xế trưa cuối năm 1995, vợ chồng tôi có việc về An Nhơn, ghé rủ anh Đặng Tấn Tới thăm nhà thơ Yến Lan. Nhà ông ở thị trấn Bình Định, đường Quang Trung, phía đối diện và hơi chếch cổng trước chợ Bình Định.


Hôm ấy đúng phiên nên dù chợ đã vãn, trước cổng chợ vẫn còn những chuyến xe ngựa đang chất hàng. Mùi nước đường, mùi cỏ, mùi mồ hôi ngựa quyện lẫn với mùi than, củi, măng chua, cá hấp, mắm, muối... tạo thành một hỗn hợp đặc trưng khó tả. Chúng tôi ngồi ở khoảng hiên hẹp, bốn chiếc ghế đẩu thấp, bốn cái quạt lá, vừa phất để xua bớt cái nóng và mùi chợ, vừa trò chuyện.

Dường như những năm tháng ấy, thơ và những gì liên quan đến thơ hãy còn là chỗ nương tựa cho tâm hồn. Thơ đã quý, được tiếp chuyện với một nhà thơ nổi tiếng càng quý hơn. Mỗi lần chúng tôi gặp ông, những câu chuyện liên quan đến nhóm thơ Bàn Thành tứ hữu và Trường thơ Loạn thường được hâm lại, ông không nhắc thì cũng có người gợi để ông kể.

Chủ và khách tái dựng không gian thành Bình Định thời tiền chiến, một không gian rất ít ồn ào, nhiều sương khói, mông lung trăng và da diết còi tàu. Ít ai ngờ là cái thị trấn nhỏ và có phần bình lặng đó lại là một thi đình, hội tụ những gương mặt thi sĩ tài hoa đã đi vào văn học sử nước nhà: Yến Lan, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Chế Lan Viên - bốn ngôi sao của Thơ Mới, bốn người bạn ở đất Đồ Bàn mà người đương thời vẫn mệnh danh là Bàn Thành tứ hữu.

Nhà thơ Yến Lan (1916-1998).

Những người từng tìm hiểu về thơ Bình Định trước năm 1945 hẳn không xa lạ với ba chữ “lầu tư tưởng”. Đó là cái tên đẫm mùi triết học mà hai thiếu niên Lâm Thanh Lang - Phan Ngọc Hoan (tức Yến Lan và Chế Lan Viên) gán cho gian gác trên cửa Đông thành Bình Định.

Chiều chiều, sau cuốc đá banh, hai chàng thiếu niên quần đùi, tay áo cột cổ hất vai theo kiểu lữ hiệp, trèo lên đấy ngắm hoàng hôn phía Tây và tháp Chàm phía Đông Nam, đọc cho nhau nghe những câu thơ tràn ngập bóng trăng, bóng ma đầy ám ảnh.

Thành Bình Định xưa mang tầng tầng trầm tích bởi duyên phận của một vùng đất từng giữ vị thế đặc biệt: kinh đô Đồ Bàn của vương quốc Chiêm Thành từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 13, kinh thành Hoàng Đế của vương triều Tây Sơn Nguyễn Nhạc thế kỷ 18; trung tâm Cần Vương chống Pháp vùng Nam Trung Bộ; một trong những trung tâm kháng thuế Trung kỳ đầu thế kỷ 20...

Với ngần ấy bể dâu luân chuyển, phận người bị nhồi xóc va đập qua bao làn sóng lịch sử bi tráng. Không phải ngẫu nhiên mà cảm thức lịch sử và thân phận chiếm vị trí quan trọng trong sáng tác của những người sinh trưởng hoặc sinh sống ở Bình Định.

“Lầu tư tưởng” được Yến Lan nhắc trong buổi hàn huyên với chúng tôi tràn ngập những hồi ức in bóng Chế Lan Viên, người bạn thiếu thời. Hôm nào cũng vậy, chiều muộn từ sông về, ông thường rủ Hoan (Chế Lan Viên) lên lầu tư tưởng rất lâu, ngoài lý do để tâm sự, chia sẻ bài vở, còn có một lý do tế nhị là để tránh ngồi chung bữa cơm chiều với người mẹ kế lạnh lùng.

Nhà Chế Lan Viên gần sát cổng thành, có thể chạy vèo về ăn cơm rồi cầm cuốn vở chạy lên "lầu" ngồi tiếp với bạn. Yến Lan bảo nơi ấy quả là một bầu thế giới, chỉ có hai thằng với không gian tịch mịch, tha hồ học bài, đọc thơ và đàm luận tự nhiên, khỏi bị ai phát hiện làm mất hứng, và nhất là khỏi bị coi là... khùng. Sau này, khi quen biết Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, lầu thành nơi tụ họp bàn luận văn chương thế sự của nhóm Bàn Thành tứ hữu.

Hồi đó, từ lầu tư tưởng trông về phía Nam, cách một dải đồng trống là sông Trường Thi xanh biếc. Quãng sông cong như bờ mi thiếu nữ đi vào thơ ông với cái tên Bến My Lăng huyền hoặc, lênh láng trăng và lênh láng u hoài. Nơi đó là quê ngoại của nhà thơ:

Quê ngoại bên kia bãi cát vàng
Mẹ tôi về trễ chuyến đò ngang
Cơn đau trở dạ không giường chiếu
Tôi lọt lòng ra giữa bãi trăng
.

(Thơ Yến Lan)

Với Yến Lan, sông Trường Thi là sông Mẹ, gắn với tuổi thơ ông, từ lúc cất tiếng khóc chào đời, những giấc ngủ thần tiên trong ngọn gió dịu lành hơi nước, cho đến nỗi tủi cực đằng đẵng của cậu bé đơn côi nhờ sông lặng lẽ sẻ chia.

Sau khi mẹ Yến Lan mất, người cha lấy vợ khác, cố duy trì nghề thợ may một thời gian nhưng khách hàng quen bỏ đi dần, thu nhập không đủ sống, bèn xin chân ông từ lo việc dầu đèn ở chùa Ông, rồi bán nhà đem cả gia đình tới tá túc gian nhà nhỏ dưới bóng cây thị cổ thụ sau chùa.

Mỗi mùa thị chín, cậu bé Lâm Thanh Lang được mẹ kế giao hái xếp vào rổ, đội ra chợ bán. Năm nào thị sai quả, tiền bán thị được trích ra một phần nhỏ cho ông may áo mới: "Trái ra chợ bán lành thân áo/ Ơn thị thay phần mẹ dưỡng nuôi".

Chỉ có một bộ đồ, cậu bé Lâm Thanh Lang buổi sáng đi học, xế trưa ra sông giặt phơi trên bãi cát, ngâm mình chờ khô quần áo rồi mới lên bờ. Dễ hiểu vì sao câu chuyện Chử Đồng Tử đã lấy của cậu bé những giọt nước mắt âm thầm. Bóng mát ân huệ của cây thị chùa Ông ngày đêm an ủi tuổi thơ thiếu thốn của Yến Lan. Những đêm mưa dột chỗ nằm, cậu bé co người trong khoảng khô ráo bé nhỏ ngủ ngon lành, tin rằng ngoài sân cây thị đang rướn cành che chở:

Đêm mưa tí tách nhà tranh dột
Thị nới mình che nửa mái ngoài
Mở cửa nghe chim run tiếng hót
Mới hay cây lạnh suốt đêm dài.

                   (Thơ Yến Lan)

Chính vì giữa cây ấy - người ấy là mối tương tri sâu nặng, nên sau năm 1975, từ miền Bắc trở về, Yến Lan hối hả chạy tới chùa Ông thăm cây thị, nhưng chùa đã bị phá để xây trụ sở Ủy ban, cây thị cổ thụ cũng không còn.

Đó không phải là lần đầu tôi được nghe Yến Lan kể về tuổi thơ ngui ngút của chính ông, nhưng là lần đầu tôi thấy đôi mắt của lão thi sĩ tám mươi bùi ngùi rớm lệ.

Ngày giỗ ông gần Tết Trung thu. Vì sao ông chọn mùa thu để về cõi vĩnh hằng? Phải chăng mùa thu cũng là mùa thị, mùa duy nhất trong năm Yến Lan được may áo mới. Đi ngang Trường Tiểu học Bình Định, thấy học trò mặc áo mới đến trường, tôi chợt nghe phảng phất hương thị chín.

Ông có về không, Người thơ hiền hòa của Bến My Lăng?

Trần Thị Huyền Trang
.
.