Chuyện làng văn nghệ

Xuất xứ bài thơ "Kiều bán mình" của Nguyễn Khuyến

Thứ Sáu, 08/10/2010, 09:21

Vào khoảng 1906 - 1907,  Lê Hoan - Tổng đốc Hà Nội, một viên võ quan từng bị giới sĩ phu Bắc Hà ghét vì tội đã đưa giám binh đi đánh Đề Thám. Muốn "xóa" đi điều tiếng ấy và làm dịu lòng dân, ông ta liền cho tổ chức một cuộc thi vịnh Kiều.

Theo thể lệ, những học sinh giỏi tham gia cuộc thi thì được cho xuống thuyền đi chơi sông Nhuệ. Ở trong thuyền mấy ngày, mỗi thí sinh phải làm được 20 bài vịnh Kiều, thơ chữ Hán hoặc chữ Nôm cũng được, kèm theo một bài tựa. Cụ Tam nguyên Yên Đổ (tức nhà thơ Nguyễn Khuyến) và nhà thơ Chu Mạnh Trinh được mời ra chấm thi.

Cụ Nguyễn Khuyến rất khó chịu. Ở thế không đừng được, cụ phải nhận lời, tuy nhiên cụ đã thể hiện thái độ này trong hai câu mở đầu bài thi: "Thằng bán tơ kia giở giói ra/ Làm cho bận đến cụ Viên già". Theo các nhà nghiên cứu thì "thằng bán tơ kia" (tức nhân vật xỏ lá trong "Truyện Kiều") là ám chỉ Lê Hoan. Y đã giở giói ra cái chuyện thi "làm cho bận đến cụ Viên già", cụ Viên già ở đây chính là tác giả bài thơ - thi nhân Nguyễn Khuyến. Và đó chính là lý do để Nguyễn Khuyến viết nên bài thơ "Kiều bán mình" - một bài thơ châm biếm sắc sảo của ông

Tiến Thành
.
.