Xuân về thổn thức hội bản Mường

Thứ Sáu, 10/02/2017, 08:47
Với người Mường ở các huyện miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, những ngày dài sau Tết mới thực chất là thời điểm vui nhất trong năm. Vui tới nỗi, lúc còn nhỏ, đã mấy bận chúng tôi cố tình dùng chân đạp vào vách lớp học (then tre trát đất) cho thủng một lỗ ở cuối lớp, trốn cô giáo chui ra ngoài đi bộ cả mấy cây số tới nơi đang tổ chức ngày hội đầu năm của bản Mường để thỏa chí rong chơi. 


Điểm tổ chức ngày hội của bản Mường thật không chỗ nào vui hơn, đông nghẹt người.Chơi tới tối mịt, vãn hội với chịu lò mò ôm cặp sách về nhà trong nỗi thấp thỏm lo sợ, chuẩn bị tâm lý cho một trận roi đang chực chờ.Dĩ nhiên, hình phạt trốn học đi chơi hội của cô giáo không phải là nhẹ. Thường thì cũng phải viết hàng chục lần bài học hoặc một tuần trực nhật (quét dọn lớp học, lau bảng…), nặng hơn nữa thì bị cô giáo chủ nhiệm mời phụ huynh lên "tuyên truyền giáo dục con em"!...

Tuần đó "ăn chắc" xếp loại B, C!.. Mùa xuân, mùa hội, mùa vui, nhưng với những tay mê chơi hơn học chúng tôi, nó đồng nghĩa với mùa chịu đòn roi "nhừ tử" của bố mẹ. Bị đánh đau điếng người, hứa lên, hứa xuống, "chừa tới già" không dám trốn học đi chơi hội bản Mường nữa.

Thế nhưng, cứ mỗi lần nghe tiếng chiêng, tiếng trống bập bùng vang lại từ phía bản xa, trông thấy những chị gái Mường làn da nõn nà, trắng ngần, môi đỏ như có điểm son diện váy truyền thống xúng xính băng qua từng cánh đồng lúa hoặc men theo các triền đồi đi dự hội khai xuân đầu năm, chúng tôi thật khó cưỡng lại được niềm vui thôi thúc từ phía tổ chức ngày hội.

Phụ nữ người Mường mặc váy truyền thống đi dự ngày hội bản.

Mấy thằng tinh nghịch lại bày trò, đứa la nhức đầu, kẻ kêu đau bụng, cố móc họng cho nôn ói báo cáo cô giáo để xin được nghỉ giữa buổi học nhờ bạn đưa về.Ra khỏi cổng trường là "ba chân bốn cẳng" khoái chí chạy thẳng tới điểm hội bản Mường vui chơi.

Ngày hội bản của người Mường ở huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) là sự kiện trọng đại nhất trong năm. Sau Tết, từng bản sẽ tổ chức hội và chỉ gói gọn trong đúng một ngày. Hội bắt đầu diễn ra từ ngày mồng 3 Tết và kéo dài tới gần hết tháng Giêng hằng năm.

Ngày hội bản Mường thường thu hút được nhiều dân tộc (Kinh, Thái, Mán…) và cả người miền xuôi tìm lên chơi. Họ cùng tới chung vui, tham gia các trò chơi truyền thống của người Mường, uống rượu cần và thăm hỏi lẫn nhau những ngày sau Tết, đầu năm mới. Vì tính chất trang trọng của ngày hội này đối với từng bản Mường mà cả tuần trước khi khai hội, các bậc cao niên, thông thạo thiên văn, địa lý và cúng vái (thầy mo) thường phải họp bàn nhiều lần, lên kế hoạch tổ chức thật kỹ lưỡng.

Địa điểm lựa chọn để tổ chức hội của người Mường là nơi có vị thế đẹp, rộng, cao thoáng nhất bản, thường là một mô đất cao và bằng phẳng ở đầu bản, đường sá đi lại thuận tiện. Những chàng trai khỏe mạnh, những cô gái Mường xinh đẹp sẽ được lựa chọn để chuẩn bị những thứ cần thiết như cây hoa, sạp múa, cồng chiêng, trống cái, sáo nhị, cà kheo, cơm nước…

Tờ mờ sáng, từ phía điểm tổ chức ngày hội bản, tiếng heo đã kêu ec éc. Những vò rượu cần ngon nhất ủ lên men từ lá cây lấy từ đầu nguồn các con suối rừng trong vắt đã được xếp ngay ngắn để sẵn sàng mời thực khách sau khi kết thúc nghi thức cúng vái bằng Mo theo nghi lễ truyền thống của người Mường.

Thịt heo, thịt gà, xôi, rượu… được sắp đặt trang trí trên những tàu lá chuối xanh để ngay dưới mặt đất.Không phân biệt khách quen hay lạ, già hay trẻ, người bản xa hay bản gần, cứ tới chơi ngày hội đều được người bản nhà coi là khách quý và đối đãi trân trọng.Khách các bản bạn tới chơi càng đông, uống rượu say nhiều càng vui, bản tổ chức hội càng được xem trọng và thành công trọn vẹn.

Sáng sớm đầu xuân, khi vài tia nắng yếu ớt lọt qua dãy núi đá vôi ở phía Đông, người người, nhà nhà đã xúng xính những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất năm nhanh chân băng qua những cánh đồng lúa nước đang kỳ xanh lá, men theo các triền đồi mặt cỏ còn ướt đẫm mưa xuân đêm qua tới điểm tổ chức hội bản.

Lúc này, tiếng cồng, tiếng trống lúc trầm hùng, khi bay bổng lọt qua các sườn đồi, eo núi hút gió trong thanh âm reo hò, nhảy múa của cộng đồng khi những chàng trai khỏe mạnh nhất bản tái hiện nghi thức cầu mưa; khi lại nghe thổn thức như trong lễ cầu sức khỏe; lúc như da diết ước mong trong ngày lễ rửa lá lúa; rồi lại phấn khởi, hoan hỉ trong ngày lễ mừng cơm mới của các bản Mường…

Thanh âm sau Tết, những ngày đầu xuân vang lên rộn ràng như thế ở các bản Mường cứ mãi thôi thúc, níu kéo từng bước chân người dân khắp các bản gần, bản xa dập dìu xăm xăm đưa nhau đi trẩy hội. Bấy giờ, cứ nghĩ về không gian náo nhiệt của ngày hội ngoài kia, bọn trẻ con chúng tôi ngồi trong lớp học không bao giờ… yên lòng!...

Ngày hội đầu năm của bản Mường ở huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) nay chỉ còn thu hút được những người lớn tuổi tham gia các trò chơi truyền thống.

Phần lễ khai xuân của người Mường diễn ra rất nhanh và thường kết thúc khi trời đã sáng để nhường chỗ cho phần hội. Sau lễ cúng Quốc mẫu Hoàng Bà của thầy mo được cả bản tín nhiệm với nội dung cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, cư dân trong bản được bình an mạnh khỏe, mùa màng bội thu… và cuối cùng là thực hiện các nghi thức cúng các vị thần nông cùng các lễ vật được làm từ xôi, heo, gà…

Tất cả thời gian còn lại trong ngày được dành cho phần hội với các loại trò chơi truyền thống của người Mường như múa hoa, múa sạp, cờ tướng, đánh chiêng, hát mo, ví đúm, chơi nhị, thổi sáo… Các âm cụ được những tay chơi tài ba, điêu luyện thực hiện vang dậy, sống động hợp thành những vũ điệu rộn ràng trong niềm hào hứng, không gian náo nhiệt của hàng trăm người đồng điệu tham gia.

Từng vò rượu cần thơm lừng cạn và nhạt dần, những thiếu nữ Mường mới lớn bẽn lẽn cặp má ửng hồng, chếnh choáng hơi men bắt đầu thổn thức. Lúc này, các chàng trai mạnh dạn kéo tay mời cô gái mình thương thầm nhớ trộm ra nhảy sạp, ném còn, múa hoa, đánh đu… để thể hiện tình ý. Các ông già, bà lão không bao giờ chịu ngồi yên trong ngày hội bản, họ hưng phấn gõ nhịp, đánh chiêng, hát đúm, chơi nhị…

Trời chuyển về chiều, nhiều người đi chơi hội bản Mường đã bắt đầu ngấm men rượu cần ngả nghiêng dìu nhau tới những căn nhà sàn hoặc bãi đất trống gần đó nằm nghỉ ngơi. Tỉnh rượu lại ra nhảy múa, hoạt náo tưng bừng. Càng chơi càng say sưa, hào hứng, muốn bóng đêm đừng xuống và ngày hội bản đầu xuân hôm nay kéo dài hơn nữa...

Nhưng bây giờ, ngày hội đầu năm của các bản Mường không còn náo nhiệt, đông nghẹt người tới vui chơi như hồi chúng tôi còn bé. Vẫn tiếng chiêng bập bùng, tiếng sáo gọi bạn, vẫn những trò chơi truyền thống ngày nào từng làm say đắm lòng người biết bao thế hệ người Mường nhưng giờ hầu như không còn đủ sức làm thổn thức, hấp dẫn nữa?..

Người Mường tới du xuân hội bản mỗi năm một thưa dần, nhất là những chàng trai, cô gái trẻ.Ở không ít ngày hội đã thấy xuất hiện những trò chơi mang tính cá cược, cờ bạc biến tướng, là cách kiếm bộn tiền của những kẻ cơ hội, ma mãnh. Theo một cán bộ ngành văn hóa của huyện Ngọc Lặc, hầu hết người Mường trẻ tuổi không ai còn biết đánh chiêng, gõ nhịp, đi cà kheo, hát đúm…như trước.

Dẫu biết rằng, phong tục, tập quán, nét văn hóa truyền thống ở mỗi thời kỳ sẽ có sự biến đổi cho phù hợp với đời sống thực tại, nhưng sao tôi vẫn thầm nuối tiếc một không gian thổn thức, rộn rã, náo nhiệt của ngày hội bản Mường như thuở còn ấu thơ.

Ngày hội bản Mường đầu năm bây giờ nhạt dần, nhưng đôi khi ngẫm nghĩ tôi lại thấy vui vì bây giờ với người Mường ở huyện miền núi Ngọc Lặc, tháng Giêng không còn là cả tháng dài đằng đẵng ăn chơi, say mèm bên những vò rượu nữa. Mọi người đã có ý thức làm việc, vào Nam ra Bắc, chăm lo làm ăn ngay từ những ngày đầu năm, chẳng còn nhiều thời gian rảnh rỗi để tham gia ngày hội bản như cha ông trước đây. Dù số lượng người tham gia không còn đông nghẹt và không gian ngày hội bản cũng không còn giữ được như xưa nhưng ngày hội đầu năm của các bản Mường ngày nay vẫn được tổ chức.

Sau Tết, tôi lặng lẽ rời xa bản Mường thân thương. Ngoài kia, tiếng chiêng, tiếng trống, lúc trầm, khi bổng trong ngày hội bản lại ngân vang gọi bạn!..

Kim Ngân
.
.