Xuân này lặng lẽ đền Và

Thứ Năm, 25/02/2021, 13:38
Có một ngôi đền thiêng nổi tiếng mang tên rất giản dị mộc mạc - đền Và - thờ Tản viên Sơn Thánh (vị Thánh đứng đầu trong tứ bất tử của người Việt) tại thôn Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây. Vị Thánh huyền thoại, người có công giúp dân, giúp nước trị thuỷ, đắp đê từ lâu trở thành tượng đài bất hủ trong lòng người dân Việt.


Đền Và được xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia từ năm 1964. Tết đến, xuân về, người dân khắp chốn đổ về đây nườm nượp cầu mong một năm mới an lành, khang thái, mưa thuận gió hoà. Nhưng năm nay lại tiếp là năm thứ hai, ảnh hưởng dịch COVID - 19, cả dịp Tết cho đến nay ngôi đền vẫn cửa đóng then cài im lìm không tiếp khách.

Đền Và.

Ngôi đền nằm trên một quả đồi thoai thoải, có dáng hình tựa con rùa đang bơi về hướng mặt trời mọc. Con rùa là một trong tứ linh “Long, li, quy, phượng” vẫn thường xuyên xuất hiện nơi tâm linh tín ngưỡng. Đây là linh vật tượng trưng cho sự trường tồn, vĩnh cửu, bất biến với thời gian. Con rùa bơi về phía mặt trời tượng trưng cho nguồn sinh khí, nuôi sống vạn vật. 

Theo sách sử ghi chép lại ngôi đền có từ thế kỉ XVI-XVII mới đầu chỉ bằng tranh tre nứa lá, giờ được xây bằng gạch đá xi măng. Nhìn từ xa ngôi đền yên bình, thơ mộng thấp thoáng giữa rặng cây già hàng trăm năm tuổi.

Khác hẳn với những năm trước, cứ vào dịp ra Giêng là khách bộ hành đổ về đền Và rất đông từ sáng sớm tinh sương đến khi trời tối hẳn. Nhưng năm nay theo chủ trương của Chính phủ, các nơi tâm linh, tín ngưỡng, thờ tự… tạm thời đóng cửa để tránh dịch nên ngôi đền càng thêm yên ắng, tĩnh mịch. Tuy nhà đền đóng cửa không đón khách nhưng vẫn cắt cử những cụ từ trong làng ra trông nom, quét dọn, lên hương. 

Ông Chu Văn Bình - một trong những người trông nom ngôi đền kể: “Đền Và có 20 cụ từ đều là người của thôn Vân Gia, được thôn, xã bầu ra để trông nom ngôi đền. Người được bầu phải là người có đủ đức, phải tề chỉnh, gia đình con cái phải ngoan hiền, không có điều tiếng gì với làng xóm. 

Ngoài ra phải lại người biết chữ đẹp còn thảo những bài văn tế, hay viết sớ dâng Thánh. Không chỉ là trông nom, sửa soạn lễ vật, dâng hương, mà cả 20 cụ từ đều là người trong làng Vân Gia còn biết khua chiêng, đánh trống. Tục lệ này đã nối từ nhiều đời nay. 

20 người chia ra làm 4 ca trực. Mỗi ca trực có 5 người. Trong tháng vào ngày mồng 1 và hôm rằm là hai ngày tất bật nhất. Có khi cả ngày không lấy được một phút nghỉ ngơi. Mọi năm vào giờ này đền Và đông lắm, khách kéo đến từ đêm 30 Tết sang canh cho đến ngoài rằm tháng Giêng, lắm khi huy động cả 20 cụ từ ra đền để làm việc công. Vậy mà năm nay vướng COVID-19, các nhà đền, nhà đình đóng cửa hết, chùa chiền miếu mạo vắng như chùa bà đanh”.

Ban thờ trong đền Và.

Còn ông Chu Văn Thực pha trà cho khách bảo: “Ngay cả sau tháng Giêng rồi thì hàng tháng cứ đến ngày mồng 1, hôm đấy mà dính phiên ai trực thì đầu tắt mặt tối, làm không hết việc nhà Thánh đâu. 3 giờ sáng là mấy người ở ca trực hôm đấy đã phải dậy để  quét dọn, 4 giờ sáng lên hương, còn 5 giờ sáng là tụ họp đủ cả 20 cụ từ ra trước cửa đền để cắt cử ai vào việc nấy. 

Mọi ngày còn đỡ, chứ cứ đến mồng 1 là y như rằng các cụ ở đây chỉ ăn tạm nhoáng nhoàng bát mì tôm, hoặc đĩa bánh cuốn cho xong qua bữa còn làm. Đồ lễ người ta cung tiến nhiều lắm, nhưng mình bận, mệt, lại chả có thì giờ mà ngồi thong dong ăn đâu”.

Ông Phùng Văn Nhiên - một cụ từ trong ca trực - cho biết: “Lễ hội chính là hội xuân được tổ chức vào rằm tháng Giêng với nghi lễ trung tâm là rước long ngai bài vị "Tam vị Đức Thánh Tản" từ đền Và qua sông Hồng sang tả ngạn đến đền Dội ở làng Di Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc để tế lễ và diễn lại sự tích Đức Thánh Tản Viên tắm, sau đó quay trở lại đền Và. 

Cứ ba năm lại mở hội lớn một lần vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Trong ba ngày rằm tháng Giêng âm lịch (15,16,17-1). Chiều ngày 14 thì làm lễ phong triều và chiều ngày 17 thì kết thúc lễ hội. Đến ngày rằm 15-9 là lễ hội chính diễn ra trong 1 ngày. Lễ hội này được coi là đông vui nhất xứ Đoài và luôn giữ được thuần phong mỹ tục với tuần tiết, sắc vọng đều được tế lễ và những bài văn tế từ xa xưa để lại. Lễ hội với đoàn rước dài tới 3 - 4km cùng sự tham gia của hàng nghìn người”.

Ngoài hội xuân, ở đền Và còn có hội thu được tổ chức vào rằm tháng chín với nghi thức chính là đánh bắt cá ở sông Tích để chọn ra 9 con cá chép to. Mỗi một kiệu sẽ có 3 con cá chép. Ba kiệu tổng cộng là 9 con cá chép được làm các món ăn ngon để tế Thánh. 

Tục tế cá xuất phát từ truyền thuyết Thánh Tản Viên dạy người dân kéo vó và bắt được 100 con cá, trong đó có một con cá trê đang có mang được Ngài phóng sinh, sau này con cá trê đó sinh được 9 con, đều hoá đá, đầu chầu về hướng Đền Và. Những ngày lễ hội, hàng nghìn người dân của các làng trong thị xã Sơn Tây, Hà Nội và làng Di Bình, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, cùng du khách thập phương nô nức tham dự các hoạt động.

Các ông cụ trông đền kể: Trong các lễ hội của xứ Đoài thì lễ hội đánh bắt cá trên sông Tích được xem như một lễ hội lớn nhất có từ cổ xưa. Xứ Đoài là một dải đất nằm trên vùng châu thổ sông Hồng, thổ nhưỡng này hợp với nghề lúa nước, trồng trọt và đánh bắt cá. 

Chuyện kể rằng, từ thời phong kiến xa xưa, khi đấy làng còn dùng đèn dầu tù mù và trong làng trong tổng từ Lý trưởng cho đến tuần đinh đều nhất mực tuân theo những điều lệ gia phả được các cụ chức sắc soạn thảo về tiến trình tế lễ cúng cá dâng Thánh cho ngày rằm tháng chín. 

Để chuẩn bị cá cho ngày lễ Thánh vào rằm tháng 9 thì người dân chỉ được đánh cá trong địa giới hành chính đã được soạn thảo. Để tránh nhầm lẫn, mỗi người xuống đánh được phát cho một cái lạt nhuộm màu để phân biệt cá nhà ai, mầu nào, rổ nào. Những con cá chép to nhất sẽ được buộc lạt để ngày 15 các đầu bếp sẽ trổ tài nấu ăn dâng lên Thánh. 

Khúc sông đấy trong những ngày lễ tế Thánh không được ai bén mảng ra đấy mà câu cá mang về nhà ăn, tuần đinh bắt được sẽ bị phạt thật nặng. Luật là vậy, nhưng chuyện tâm linh cũng không ai dám trái ý đến nửa lời, nhà nào nhà nấy đều nghe răm rắp. Họ nhất tề chỉ nghĩ đến việc có cá to nhất mang lên cúng Thánh - vị Tổ được gọi là “Thượng đẳng tối linh thần” hay “Đệ nhất phúc thần”. 

Họ tin khi cúng Thánh bằng lòng thành sẽ có phúc, có đức. Mà có phúc cuộc sống sẽ sung túc, có đức mặc sức mà ăn. Nên ai nấy một lòng đều chăm chắm mong có cá chép thật ngon để được cúng Thánh. Giờ thời thế cũng đã khác, khi xưa người ta chỉ đánh cá bằng cách lội xuống nước dùng nơm, giỏ, cần câu, ngày nay người ta đi thuyền đi xuồng, dùng lưới thu cả mẻ cá lớn, rồi chọn con cá nào lớn nhất. Mà có khi là con cá trắm chứ không chỉ cúng Thánh bằng con cá chép như ngày xưa”.

Mặc cho những trận cuồng nộ của thiên tai, dịch bệnh, nhưng sự linh thiêng bất biến vẫn sừng sững trường tồn hiện hữu tại nơi đây. Vẫn ngôi đền đã hiện diện hàng trăm năm tuổi trên quả đồi giữa rừng cây già xào xạc lá. Vẫn hàng đá ong lâu đời có tường thành cao 2m bao bọc xung quanh ngôi đền. 

Vẫn hai dãy tả mạt, hữu mạt gác trống, gác chuông rồi nhà tiền tế, nhà hậu cung. Vẫn cửa đền có tam quan rộng, mái lợp ngói cổ, trên đỉnh đắp nổi hình lưỡng long triều nguyệt. Vẫn Nghi môn - cổng chính của đền, hướng về núi Tản Viên (huyện Ba Vì) gồm ba gian dựng trên nền cao. Vẫn cảnh sắc non nước trữ tình như bức tranh sơn thuỷ đẹp và huyền bí đến nao lòng.

Trần Mỹ Hiền
.
.