Xóm Trại

Thứ Hai, 30/01/2017, 08:01
Xóm có tên đầy đủ là XÓM TRẠI DÀN BẦU, thuộc địa phận huyện Củ Chi, vùng đất máu lửa một thời. Vì "mắc chứng" nghề nghiệp của những người hoạt động ở vùng giáp ranh với địch nên chúng tôi đều thấm nhuần nếp sống "Đi không dấu, nấu không khói; bước nhẹ - nói khẽ; ăn nhanh - chạy lẹ; viết ngắn - nói gọn…",  vì thế chúng tôi gọi tắt là xóm Trại, hoặc chỉ một từ xóm là hiểu ngay địa danh cần tới.


Khi đơn vị chúng tôi hành quân từ Bến Chùa thuộc Bắc Bến Cát, tỉnh Bình Dương về Củ Chi, chờ chuyến giao liên đưa về huyện Châu Thành, Bình Dương, chọn địa điểm xây dựng căn cứ bám trụ của cụm tình báo "V8" - một đơn vị mới thành lập - thuộc đoàn tình báo J22; do có nhiều tàu chiến của địch mai phục trên sông nên đòan chúng tôi phải bám trụ ở xóm Trại, nương nhờ đơn vị bạn do anh Tám Nam là Cụm trưởng.

Đó là địa bàn "sôi đậu" - ngày địch - đêm ta. Gọi là xóm nhưng dân tụ tập, sinh sống ở đây rất đông. Bởi sau Tết Mậu Thân, Củ Chi - cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn trở thành vùng trọng điểm hủy diệt của địch. Cặp theo sông Sài Gòn, chỉ cần phát hiện có sự sống, dù chỉ là một con bò, con chó là bom, pháo giội xuống hủy diệt ngay. Xóm trại nằm ngoài rìa của vùng trọng điểm, nên dân ở nhiều nơi dồn về đây.

Khi hoàng hôn buông xuống là các cơ quan, đơn vị trong khu vực đều tập trung về xóm để nhờ bà con mua giúp lương thực, thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm. Riêng mấy cụm tình báo, an ninh thì tìm cách bám trụ để hoạt động lâu dài.

Vì xóm chỉ cách cửa ngõ Trung Hòa chừng 3 cây số, rất thuận lợi cho các chuyến giao thông chuyển tài liệu từ nội thành về. Phía đông bắc xóm là những khu rừng chồi trải dài ra phía bờ sông, nơi che giấu nhiều căn hầm bí mật.

Ngày, tất cả tản ra rừng chồi ẩn nấp. Phải ngụy trang thật khéo, đề phòng máy bay phát hiện. Khi có dấu hiệu địch càn vào rừng, phải nhanh chóng xuống hầm, xác định địch đã rút quân mới được lên. Chiều tắt nắng, tất cả lục tục kéo nhau về xóm, tranh thủ lo tắm rửa, cơm nước, làm việc. Cơm, nấu cho cả ba bữa - bữa tối, sáng và trưa hôm sau. Tối ngủ nhờ nhà dân. Sáng, trời còn tối đất, xóa xong dấu vết là tản vào rừng chồi ẩn nấp.

Cái quy trình ấy đã lặp lại đến lần thứ 4 mới có giao liên tới đưa chúng tôi ra Bến Dược để đêm hôm ấy vượt sông.

Tác giả (ngồi giữa) trở lại chiến trường xưa thăm đồng đội.

Đó là một ngày hằn sâu trong ký ức tôi. Ngày 7 tháng ba năm Kỷ Dậu (1969). Cả một vùng tan hoang, xơ xác do bom, pháo cày xới nhiều lần, lác đác mới có mấy lùm chồi xanh. Cũng may vẫn còn một số hầm, hào của một đơn vị nào đó xây dựng từ nhiều năm trước, đủ cho đơn vị chúng tôi và đại đội pháo binh sử dụng.

Trưa tháng 3 ở Củ Chi nóng như lửa đốt, chẳng ai bảo ai mà tất cả đều ở trần, quần đùi, lên khỏi hầm tìm những bụi chồi xanh tránh nắng, mong đón chút gió thảng hoặc từ phía sông thổi về. Có ai ngờ, đúng 12h trưa, bọn giặc trời từ đâu vụt tới, thực hiện tội ác hủy diệt bằng bom Napal, bom phá.

 Đơn vị chúng tôi hy sinh 3 đồng chí (chiếm ½ quân số). Đơn vị pháo binh bị thương và hy sinh hơn 10 người. Chúng tôi liên hệ nhờ du kích địa phương phối hợp chuyển thương binh tới trạm cấp cứu tiền phương và mai táng anh em hy sinh. Phải tới 10 giờ đêm mới hoàn tất công việc.

Đói, khát, xót thương đồng đội quện vào nhau, tôi muốn lả đi không cất bước nổi. Song nhớ tới nhiệm vụ, anh em động viên nhau đành cố lết về xóm Trại, nương nhờ đơn vị anh Tám Nam. Toàn bộ "gia tài" người lính bị bom xăng thiêu rụi, mỗi người chỉ còn chiếc quần đùi đang mặc. Cũng may vũ khí, điện đài còn đầy đủ vì căn hầm đó không bị sập. Vật bất ly thân của tôi, đó là chiếc xắc cốt với nhiều tài liệu quan trọng cùng kinh phí phục vụ công tác và đời sống toàn đơn vị - còn nguyên vẹn.

Khoảng 12 giờ đêm mới về tới xóm Trại. Đơn vị bạn nhường cho mỗi người một bộ quần áo. Lo cơm nước giúp và liên hệ địa phương lo chỗ ở. Ái ngại trước hoàn cảnh của chúng tôi, ông cán bộ địa phương an ủi: "Các đồng chí sẽ tá túc tại nhà cô Tám. Chỉ có hai mẹ con. Đứa nhỏ cỡ 5 tuổi. Nhà tuy chật nhưng thuận lợi, vì cổ là thợ may, sẽ nhờ cổ mua vải may quần áo giúp anh em mình". Tôi mừng quá muốn reo lên. Thật là "buồn ngủ gặp chiếu manh".

Nhìn gương mặt trầm ngâm của ông cán bộ địa phương, tôi đoán chắc có điều gì trắc ẩn đây. Ông kéo tôi ra góc sân, nói nhỏ:

- Có điều… cần nói thiệt với đồng chí chỉ huy. Chủ nhà là vợ một "lính quốc gia" tử trận…. Đưa anh em mình tới đó tôi rất băn khoăn… sợ các đồng chí đánh giá ý thức chánh trị của tụi tui.

Một thoáng nghĩ suy, tôi trấn tĩnh mình ngay và đỡ lời ông cán bộ địa phương:

- Tưởng chuyện chi. Việc đó anh Hai khỏi lo. Người dân dám bám trụ trên "đất thép" này, không thể là người xấu với cách mạng. Quân đội quốc gia họ thường xuyên đôn quân, bắt lính. Thanh niên sống trong vùng kiểm soát của họ phải đi lính. Lính cũng năm bảy đường lính. Có phải cứ đi lính là căm thù, chống đối Cách mạng cả đâu. Huống chi gia đình, vợ con họ.

- Ừa, được đó! Đồng chí chỉ huy nói zậy là tôi an tâm. Zậy ta đi thôi, vì cổ phải đo từng người mới may được chớ.

Chủ nhà là một phụ nữ tầm thước, tuổi chừng hai bốn, hai lăm. Áo bà ba đen, tóc búi tròn sau gáy - đặc trưng của phụ nữ miền Nam. Gương mặt thanh tú, phảng phất nét buồn. Khi đo áo cho tôi, cô mỉm cười, nét cười hiếm hoi nhưng thật duyên bởi cái lúm đồng tiền trên  má.

- Tiệm nào may áo cho anh Hai mà rộng rinh zậy?

- Dạ, tôi thứ Ba. Quần áo anh em vừa cho. Tư trang bị bom thiêu rụi. Ba anh em về đây mỗi người chỉ còn một chiếc quần xà lỏn bận trên người, nên phải nhờ cô Tám giúp đỡ.

- Cha! Tội nghiệp hôn!... Hai chú em kia chắc quê ngoải cả. Còn trẻ thế đã vô tới đây.

-  Hai đứa nó bằng tuổi nhau. Mười tám tuổi tốt nghiệp tú tài (Cấp III). Vào bộ đội, huấn luyện nghiệp vụ một năm thì vô đây. Đất nước chiến tranh đành  phải gác chuyện học hành.

Lấy số đo cho cả 3 người xong, phát hiện vẻ lưỡng lự của tôi, cô chủ nhà gợi ý:

- Chờ trời sáng, em ra Trung Hòa. Cố gắng ngày mốt sẽ may xong. Anh Ba coi còn cần gì nữa để em mua luôn.

Thoáng chút đắn đo, tôi đành thú thực với cô chủ nhà:

- Thiệt tình với cô Tám, còn 2 thứ nữa rất cần với chúng tôi nhưng ngại phiền hà cho người mua, nên…

- Cần chi anh Ba cứ nói. Có phải hàng quốc cấm đâu mà lo.

- Còn hơn hàng quốc cấm đó. Mua ở cửa hàng thì không sao nhưng nếu đem vô vùng giải phóng, các trạm kiểm soát họ phát hiện thì rất phiền hà, có khi còn bị bắt, họ cho là tiếp tay cho Việt Cộng.

- Hàng chi vậy anh Ba?

- Võng và tăng. Hai thứ đó không thể thiếu đối với chúng tôi. Mỗi chiếc võng đôi, phải sử dụng ít nhất năm mét vải kaki hoặc vinilon và mười mét dây dù và mỗi tấm tăng phải sử dụng 2,5m vải mưa.

Lặng yên giây lát, cô gái khẽ reo lên:

- Được rồi. Anh Ba khỏi lo. Tám đã có cách. Mua hàng xong, em sẽ ghé nhà con nhỏ bạn, nhờ nó chở qua trạm xét, vì nó có người nhà làm ở đó.

Cuối chiều hôm ấy, chúng tôi ở rừng chồi vừa về tới nhà, cô gái tươi cười thông báo ngay:

- Mọi việc êm ru. Em đã mua đầy đủ theo yêu cầu. Một ngày thiệt hên!

Tôi thở phào nhẹ nhõm. Mọi lo âu được giải tỏa. Đêm hôm đó, chúng tôi trải chiếu nằm dưới đất. Tiếng máy khâu của cô chủ nhà đã ru tôi vào giấc ngủ êm đềm. Khi tỉnh giấc, trời đã tang tảng sáng. Tôi lặng người  đi trước hình ảnh cô gái vẫn cặm cụi bên chiếc máy khâu. Vậy là cô đã thức trắng đêm.

Ba ngày sau tôi mới nhận được điện chỉ đạo của cấp trên: "Quân số bổ sung đang trên đường về xóm trại. Khi anh em tới nơi, tiếp tục triển khai theo kế hoạch".

Thế là chúng tôi bám trụ ở xóm Trại tới 2 tuần lễ. Đó là những ngày được sống trong sự chăm lo đầy ân tình của người dân "đất thép" mà đại diện là đồng chí cán bộ địa phương và cô Tám thợ may. Đó cũng là biểu hiện đặc biệt của tình quân dân, tình nghĩa Bắc - Nam, sự hòa hợp dân tộc… để khắc đậm trong tôi buổi chia tay với bao ngậm ngùi lưu luyến.

Hôm ấy, cô chủ nhà vẫn bận bộ bà ba quen thuộc. Tóc không búi mà để suối tóc chảy dài phủ kín tấm lưng thon. Đôi mắt đỏ hoe, thẫn thờ bên khung cửa dõi theo cho tới khi chúng tôi khuất dần vào rừng chồi phía trước. Bức tranh xưa đã lý giải cho tôi kẻ hát không hay mà hay hát. Nhạc phẩm "Thương lắm tóc dài ơi" của một nhạc sĩ xứ Đoài đã trở thành bài "tủ" của tôi để nhận về lời tán dương của bạn bè - "Tay ấy hát bằng nỗi lòng chứ không chỉ là nghệ thuật".

Mười mấy năm sau kết thúc chiến tranh tôi mới có dịp về thăm xóm Trại. Cảnh cũ đổi thay - những rừng chồi xưa, bây giờ thay bằng vườn cây trái. Lối mòn xưa thành đường trải nhựa. Bến Dược xưa, bây giờ có đền Bến Dược, ghi danh hàng vạn liệt sĩ mà trong đó có cán bộ, chiến sĩ đơn vị chúng tôi hy sinh thời đó.

Người quen cũ không gặp, bởi sự đãng trí "dở hơi" ngày ấy, chả dám hỏi tên và quê quán của ông cán bộ địa phương và cô thợ may chủ nhà. Bâng khuâng giữa chiều "đất thép", cảm xúc dâng trào, tôi viết bài thơ "Về chiến trường xưa", trong đó có 4 câu nói về xóm Trại để gửi gắm nỗi lòng mình: "Đường về xóm Trại Dàn Bầu/ Lối mòn xưa chẳng còn đâu mà tìm/ Rặng tầm vông rộn tiếng chim/ Người quen năm ấy biết tìm nơi đâu".

Khổng Minh Dụ-Xuân 2017
.
.