Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015)

Vương Thúy Kiều: Ba trong một

Thứ Sáu, 07/08/2015, 08:02
Thúy Kiều có tài ứng tác, thơ làm ra đều được người xem khen. Lời khen của Đạm Tiên là người cùng hội, cùng thuyền, của Kim Trọng là một chàng trai đang yêu có thể không khách quan, hơi thiên vị. Nhưng lời khen của viên quan "mặt sắt đen sì" vừa ra lệnh đánh đòn Thúy Kiều thì quả thật là tấm huy chương vàng nguyên chất trao cho tài thơ của Thúy Kiều.

Trong phần đầu của "Cung oán ngâm khúc", nhà thơ Ôn như hầu Nguyễn Gia Thiều (1741 - 1798) đã giới thiệu về tài năng của người cung nữ:

- Làm thơ trên tài Lý Bạch (701 - 762): "Câu cẩm tú đàn anh họ Lý".

- Vẽ giỏi hơn Vương Duy (701 - 761): "Nét đan thanh bậc chị chàng Vương".

- Chơi đàn ngang với Tư mã Tương Như (179 - 117 TCN): "Cẩm điếm nguyệt phỏng tầm Tư mã"

- Thổi địch xấp xỉ Tiêu lang (sống vào thời Xuân Thu: 722 - 481 TCN): "Địch lầu thu đường gã Tiêu lang".

Tuy nhiên trong suốt khúc ngâm những tài năng ấy không hề được thể hiện.

Vở hợp xướng ca vũ kịch truyện Kiều.

Mở đầu Truyện Kiều, đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765 - 1820), tự là Tố Như, cũng giới thiệu về tài năng của Vương Thúy Kiều:

"Sắc đành đòi một tài đành họa hai
Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương
Khúc nhà tay lựa nên xoang
Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân"

Nhưng khác với Ôn như hầu, Tố Như để cho Thúy Kiều thể hiện đầy đủ tài năng đã giới thiệu ở trên.

1. Vương Thúy Kiều: Một thi sĩ xuất sắc.

Thúy Kiều có tài ứng tác, làm thơ rất nhanh:

a) Lần đầu tiên Thúy Kiều làm thơ là trước mộ Đạm Tiên:

"Rút trâm sẵn giắt mái đầu
Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần"

và liền sau đó:

"Lòng thơ lai láng bồi hồi
Gốc cây lại vạch một bài cổ thi"

Khi Thúy Kiều chiêm bao gặp Đạm Tiên, được Đạm Tiên nhận xét những thi phẩm ấy là: "Mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng". Tiếp sau Đạm Tiên yêu cầu Thúy Kiều sáng tác liền 10 bài:

"Này mười bài mới mới ra
Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời"

lập tức:

"Kiều vâng lĩnh ý đề bài
Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm"

để rồi Đạm Tiên:

"Xem thơ nức nở khen thầm
Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường
Ví đem vào tập Đoạn trường
Thì treo giải nhất chi nhường cho ai".

b) Thúy Kiều cũng am hiểu hội họa nên đã khen một bức tranh do Kim Trọng vẽ là: "... nét bút càng nhìn càng tươi". Kim Trọng liền đề nghị Thúy Kiều cho "vài lời thêm hoa". Ngay tắp lự, Thúy Kiều đáp ứng:

"Tay tiên gió táp mưa sa
Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu"

và Kim Trọng:

"Khen: "Tài nhả ngọc phun châu,
"Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này".

Tức là Kim Trọng đánh giá tài thơ của Thúy Kiều ngang với nàng Ban Chiêu (45 - 116) và nàng Tạ Đạo Uẩn (khoảng nửa cuối thế kỷ IV).

c) Bị viên quan "mặt sắt đen sì" khép tội, Thúy Kiều phải chịu một trận đòn

"Đào hoen quẹn má liễu tan tác mày
Một sân lầm cát đã đầy
Gương lờ nước thủy mai gầy vóc sương".

Ngay sau đó, động lòng vì lời than khóc của Thúc Sinh, viên quan liền thử tài Thúy Kiều bằng việc yêu cầu nàng làm một bài thơ về chiếc gông: "mộc già hãy thử một thiên trình nghề". Với tài ứng tác:

"Nàng vâng cất bút tay đề
Tiên hoa trình trước án phê xem tường"

Xem thơ viên quan lập tức thay đổi thái độ:

"Khen rằng: "Giá đáng Thịnh Đường,
Tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân"

tức là khen thơ Thúy Kiều ngang với thơ của những nhà thơ thời Thịnh Đường (713 - 766) như: Lý Bạch (701 - 762), Thôi Hiệu (704 - 754), Đỗ Phủ (712 - 770),...

Tóm lại, Thúy Kiều có tài ứng tác, thơ làm ra đều được người xem khen. Lời khen của Đạm Tiên là người cùng hội, cùng thuyền, của Kim Trọng là một chàng trai đang yêu có thể không khách quan, hơi thiên vị. Nhưng lời khen của viên quan "mặt sắt đen sì" vừa ra lệnh đánh đòn Thúy Kiều thì quả thật là tấm huy chương vàng nguyên chất trao cho tài thơ của Thúy Kiều.

2. Vương Thúy Kiều: một nghệ sĩ tài hoa.

Tiếng đàn của Thúy Kiều nhiều lần cất lên và lần nào cũng tác động rất mạnh tới người nghe, thậm chí tới cả môi trường xung quanh.

a) Lần đầu nàng đánh đàn cho Kim Trọng, Tố Như dành nhiều câu chữ nhất:

"So dần dây vũ dây văn
Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương
Khúc đâu Hán Sở chiến trường
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau
Khúc đâu Tư mã Phượng cầu,
Nghe ra như oán như sầu phải chăng?
Kê Khang này khúc Quảng lăng
Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân
Quá quan này khúc Chiêu quân
Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia.
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa".

Tiếng đàn làm rung chuyển cả ánh sáng: "Ngọn đèn khi tỏ khi mờ" khiến cho Kim Trọng phải ngẩn ngơ vật vã:

"Khiến người ngồi đó mà ngơ ngẩn sầu
Khi tựa gối, khi cúi đầu
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày"

và phải thốt ra:

"Rằng hay thì thật là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào"

b) Khi làm con hầu ở nhà Hoạn Thư, có lần Hoạn Thư bảo nàng đánh đàn cho nghe:

"Lĩnh lời nàng mới lựa dây
Nỉ non thánh thót dễ say lòng người
Tiểu thư xem cũng thương tài
Khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân".

Dù đang "ngứa ghẻ hờn ghen" Hoạn Thư cũng phải khâm phục tài đàn của nàng.

c) Để làm cho Thúy Kiều phải "đau đớn ê chề" và trừng phạt Thúc Sinh, Hoạn Thư chẳng những bắt nàng hầu rượu cho hai vợ chồng mà còn bắt nàng hầu đàn:

"Nàng đà tán hoán tê mê,
Vâng lời ra trước bình the vặn đàn
Bốn dây như khóc, như than
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng
Cùng trong một tiếng tơ đồng
Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm".

Tiếng đàn như khóc như than càng làm tan nát lòng Thúy Kiều và Thúc Sinh, càng làm Hoạn Thư cười nụ đắc ý!.

d) Sau khi Từ Hải chết, Hồ Tôn Hiến "mở tiệc hạ công", bắt Thúy Kiều hầu tiệc và hầu đàn. Tiếng đàn của Thúy Kiều cất lên:

"Một cung gió thảm mưa sầu
Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay
Ve ngâm vượn hót nào tày"

khiến cho Hồ Tôn Hiến, một viên quan tổng đốc trọng thần, không xa lạ gì với cái chết của hàng trăm, hàng nghìn người, đang vô cùng phấn khích vì đã hoàn thành việc tiễu trừ Từ Hải vẫn phải "nhăn mày rơi châu".

Tài đàn của Thúy Kiều khiến người đọc nhớ tới tài đàn của thiếu phụ trong "Tỳ bà hành" của Bạch Cư Dị (772 - 846). Tiếng đàn của tỳ bà phụ khiến cho tất cả người nghe đều khóc sướt mướt: "Mãn tọa trùng văn giai yểm khấp".

e) Sau 15 năm lưu lạc, được trở về với đại gia đình, theo yêu cầu của Kim Trọng nàng lại đánh đàn:

"Phím đàn dìu dặt tay tiên
Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa
Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh?
Khúc đâu êm ái xuân tình
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên?
Trong sao châu rỏ duềnh quyên!
Ấm sao hạt ngọc Lam điền mới đông!
Lọt tai nghe suốt năm cung
Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao".

Tiếng đàn tạo ra không khí đầm ấm, cảm giác êm ái, tâm trạng vui vẻ.

3. Vương Thúy Kiều: Một nhạc sĩ đích thực.

Theo định nghĩa nhạc sĩ (tiếng Anh là composer, tiếng Pháp là compositeur) là người soạn nhạc. Nói cách khác chỉ những người soạn nhạc không lời mới có danh xưng là nhạc sĩ. Những người chỉ sáng tác ca khúc thì không phải là nhạc sĩ (1). Thúy Kiều là nhạc sĩ đích thực vì nàng là tác giả bản nhạc "Bạc mệnh". Nàng đã đánh chính bản nhạc này cho Hồ Tôn Hiến nghe:

"Hỏi rằng: "Này khúc ở đâu?
Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay
Thưa rằng: "Bạc mệnh" khúc này
Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ
Cung cầm lựa những ngày xưa
Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây".

Với câu cuối cùng, nàng như đã kết tội Hồ Tôn Hiến, là kẻ làm cho nàng bạc mệnh vì chính Hồ Tôn Hiến đã lừa nàng, giết chồng nàng, người mà nàng vô cùng biết ơn, vô cùng kính yêu; nay lại bắt nàng hầu tiệc, hầu đàn.

Tìm hiểu tài năng của Thúy Kiều ta càng thấy Tố Như xây dựng truyện rất chặt chẽ, tất cả tài năng của Thúy Kiều đã giới thiệu đều được thể hiện đầy đủ trong truyện.

PV
.
.